Ký ức tuổi thơ
Nguyễn Thị Thạnh
Lớp A3 K14 Trịnh Hoài Đức.
Tôi sinh ra ở miền quê nghèo, xóm nhỏ chỉ vài căn nhà lá đơn sơ.
Trẻ con trong xóm vừa trai vừa gái chỉ bốn, năm đứa chơi chung một
trò. Vì vậy là con gái mà bắn bi, đánh trỏng, thảy ngáo, bắn
ống thụt..tôi chơi không hề dở. Sát vách nhà tôi có thằng Long,
lớn hơn tôi hai tuồi , nhỏ thó, đen nhẻm chơi không lại tôi nên chuyên
ăn gian. Cuộc chiến giữa tôi và nó không có hồi kết.
Một buổi chiều hè. Long rủ tôi đi thả diều. Long vất vả lắm mới
cho được diều lên cao. Nó dụ khị tôi:
-Nhỏ, mày ở đây giữ dây diều, tao đi bắt cào cào về cho chim chích
chòe ăn. Nhớ giữ chặt nha, diều mà băng là tao đập mày chết.
Ngồi cầm cái lon chỉ cột diều tôi chán muốn chết. Nhìn đàng xa
trẻ con đùa giỡn tôi thèm lắm, tôi tức thằng Long vô cùng. Trời
tắt nắng tôi cuốn diều đem về. Đi ngang bến sông nghe tiếng Long nhảy
sông tắm, tôi khoái chí vì có cách trả đũa thằng này rồi. Tôi
rón rén lại phía bờ sông vơ hết quần áo của nó quăng vào bụi
chuối rồi đi về nhà tắm rửa, ăn cơm, học bài. Tối mịt tôi nghe
bên nhà nó ồn ào, lắng tai nghe:
Tiếng ba thằng Long :
- Đi đâu tối giờ này mới về? Biết mấy giờ rồi chưa? Nói xong
ba nó quất hai roi.
Long vừa khóc vừa nói:
Con đi thả diều, rồi tắm sông. Lúc lên bờ thì quần áo mất hết
làm sao con dám về? Con biết rồi, con Nhỏ làm chứ chẳng ai vô đây.
-Mày với con Nhỏ, đứa nào lớn?
Tôi nghe Long nói nhỏ xíu:
-Dạ con lớn hơn.
Tôi nghe ba nó quất nhiều roi lắm, đếm không hết. Đáng đời.
Thế là hai đứa giận nhau. Nhưng giận rồi chơi với ai? Đành phải
làm lành và chơi lại thôi.
Một bữa nó rủ tôi đi câu cá lia thia. Quê tôi có rất nhiều mương,
nước trong veo, cá lia thia nhiều vô số kể. Tôi có tay sát cá, chỉ
câu một lát đã được đầy một lon sữa Sma. Long câu ít hơn tôi, nó
bèn giở chiêu dụ khị:
-Hết trùn rồi, Nhỏ đi đào trùn đi để đó tao coi cho.
Tôi đi đào trùn, một lát quay lại thì Long đã bỏ về và không quên
cầm luôn lon cá của tôi về nhà. Tôi giận lắm thầm nghĩ: Cô Tấm
ngày xưa cũng bị vậy có sao đâu. Nghĩ là nghĩ vậy nhưng tôi cũng
đi tìm Long, đòi lại lon cá. Nó nhất quyết không trả. Tôi chờ dịp
trả thù.
Dịp ấy đến rồi đây. Hôm đó bọn con nít chơi trò đánh trận giả.
Tôi giả vờ bị đau tay nên không tham gia, tôi đi tìm phân trâu, hốt
một bãi rồi cho vào hộp thiếc, bắt một mớ cào cào bỏ vô. Tôi
lấy giấy hoa gói lại cẩn thận rồi đem cho Long:
-Tặng Long món quà nè. Về nhà sum họp gia đình rồi hãy mở ra nha.
-Dịp gì mà tặng quà?
-Chả cần dịp gì cả. Khùng khùng mua tặng vậy mà.
Tối đó tôi nghe bên nhà Long vọng sang. Đầu tiên là tiếng của mọi
người:
-Ôi, gì mà gớm thế này, thúi không chịu được.
-Ở đâu ra?
-Nói, ở đâu ra.
Long nói thật nhỏ:
-Con Nhỏ tặng con.
-Mày với con Nhỏ, đứa nào lớn hơn?
-Dạ con.
Ba Long quất Long nhiều lắm, tôi đếm không hết.
Lần này thì lớn chuyện rồi. Ba Long sang nhà mắng vốn với ba tôi.
Ba Long nhắc luôn cái việc tôi đã làm Long không dám lên bờ lần trước.
Ba tôi bắt tôi phải xin lỗi ba Long và hứa không chơi dại vậy nữa.
Nửa khuya hôm đó tôi nghe má tôi nói chuyện với ba:
-Rầu con Nhỏ quá, phá làng phá xóm nghe mắng vốn riết.
-Vậy mai mốt ra đường không sợ người ta ăn hiếp.
Phần Long vì bị đòn đau quá mấy hôm sau Long đi tìm tôi:
-Nhỏ chơi kì nha. Tắm mấy ngày không hết thúi. Nhớ nha. Có ngày
tao trả thù nha.
-Tao đã bảo khùng khùng mới tặng quà mà. Tao nói thiệt chứ có
dấu giếm gì đâu. Ai biểu ham?
Thế là hai đứa giận nhau. Lần này giận luôn không còn dịp chơi chung
nữa rồi. Tết đó là Mậu Thân 1968. Chiến sự xảy ra. Bom đạn khắp
xóm làng. . Và cũng năm đó tôi đậu vào đệ thất trường Trịnh Hoài
Đức. Gia đình tôi dọn ra phố Huyện để lánh nạn và thuận tiện
học hành. Gia đình Long ở lại giữ đất giữ nhà. Tôi đi bỏ lại
đồi cỏ, bến sông, bỏ lại những buổi trưa trốn ngủ đi câu cá, bỏ
lại những buổi chiều lộng gió thả diều cùng người bạn lắm trò
quậy phá. Tôi chuyên tâm học hành.
Tôi mãi lo học, rồi lớn lên đi làm, lập gia đình. Hôm rồi có dịp
về thăm quê, nghe ba Long mất, tôi đến viếng. Ngồi tiếp chuyện tôi
là chàng Long vạm vỡ, lịch sự. Hỏi thăm chuyện gia đình xong Long
nhìn tôi cười mỉm:
-Ê, Nhỏ mày đang nghĩ ra chiêu mới để phá tao phải không?
-Thì cứ hãy đợi đấy!
Tuổi thơ của tôi dữ dội vậy đó. Sau này tôi thi đậu vào Sư Phạm
Tốt nghiệp ra trường đi dạy tôi cũng có lắm chiêu trò sẽ kể vào
dịp khác. Hãy chờ nhé!