Khu vườn ảo diệu
Phạm thị Nhung
    

Chiếc xe từ hướng Bình Dương chạy về Bến Cát.  Đến ngã ba, tôi nói với người phụ xế : Cho tôi xuống đây.  Con đường nắng chói chang, cái nắng gắt của mặt trời được tăng thêm khi chiếu lên con đường nhựa.  Tôi xuống xe vội vàng, tôi thấy cũng có vài người cùng xuống.  Chiếc xe cà khổ chở được mọi người đến đâu là mừng đến đó, ấy là vào năm 1982 thời buổi chạy những chiếc xe than này, hành khách bị bỏ ở dọc đường là chuyện rất bình thường.  Tuy chiếc xe này vẫn còn đang chạy kéo lê trên đường, nhưng tôi xuống xe là vì tôi phải chuyển sang một lộ trình khác.

Tôi nói với người phụ xế : Anh chuyển dùm hai cái giỏ lát lớn ở trên đó xuống dùm.  Anh cười dễ dãi : Tui nhớ mà, như hai cái cần xé chứ giỏ đâu.  Dân địa phương này rất hiền từ, họ nhìn chúng tôi với một ánh mắt thông cảm chân thành, họ biết những người chuyển xe tại đây sẽ phải kiên nhẫn nữa, hơn là sự kiên nhẫn khi ngồi trên xe của họ.  Chúng tôi sẽ phải đón ở giữa đường để lên một chuyến xe khác, để đi thăm nuôi thân nhân ở trại Phú Giáo.  Nghĩa là chiếc xe này sẽ chạy về hướng Đồng Xoài.  Những địa danh của các tỉnh miền Đông khô cằn, mà người Sài Gòn ít nghe nhắc đến.

Đón xe dọc đường là một khổ hình, người lên xe tại bến họ có chỗ ngồi đàng hoàng, cho dù xe có chạy cà khổ ở mức độ nào đi nữa, có chậm như một chiếc đò đầy sang sông thì họ cũng không lận đận như chúng tôi.  Nhưng thấy được bóng dáng chiếc xe lù lù tiến đến là mừng rồi.   Lên xe dù có phải đứng, hay ngồi bệt trên sàn xe, hay bị ép như cá mòi thì cũng không sao cả, điều lo lắng của chúng tôi chỉ thể hiện qua câu dặn dò người phụ xế : Anh cẩn thận dùm giỏ này nghe… Anh cẩn thận dùm xách kia nghe…Có đồ dễ bể đó.  Người phụ xế tốt bụng trấn an mọi người : Được, không có lo gì, cứ biểu cho tui biết giỏ nào để tui xếp riêng.

Đó là những ngày tôi đi thăm nuôi cha tôi, sau thời gian biệt giam ở khám đường tỉnh Bình Dương, họ chuyển cha tôi về trại Phú Giáo với án tù tập trung cải tạo (nghĩa là án chung thân khổ sai, gia đình cứ tạm hiểu rằng khó có ngày về) vì cha tôi là một tù nhân chính trị.

Cho dù là vụ chính trị nào đi nữa, thì cũng không hề vướng mắc trong tâm trí tôi, nghĩa là tôi không thắc mắc gì.  Tôi chỉ nhận định một điều giản dị là cha tôi gặp nạn, gặp tai ương giữa đời thì tôi là con nên phải có trách nhiệm thăm hỏi và chu cấp về thuốc men, ăn uống, quần áo trong những giới hạn cho phép được chu cấp.

Những người cùng đứng chờ xe với tôi tỏ ánh mắt lo ngại, vì nắng đã lên khá cao rồi mà bóng dáng chuyến xe đi về hướng Đồng Xoài vẫn biền biệt.  Nóng nực quá, họ dở chiếc nón lá ra mà quạt phành phạch, dường như cũng để dịu bớt đi trong lòng nỗi sốt ruột vì chờ xe.  Tôi thì không dám bỏ chiếc nón lá ra một giây phút nào vì cái nắng đang hun đúc người kia.  Nhìn quanh đấy, những người dân cần cù chất phát, đàn ông có khổ hơn một chút thì đã đành rồi, tôi chạnh lòng thương tâm khi thấy những người cùng thân phận đàn bà quần nâu áo vải, chân lấm tay bùn.  Ôi, đất nước tôi ơi.  Trong những vẻ mặt ấy, sao tôi thấy những nét thân quen trẻ trung, như vừa mới rời trường lớp sách vở như tôi, như vừa mới giã biệt thầy cô mình để mà lao vào cuộc đời gian nan.

Họ xử dụng những chiếc xe đạp được chế biến một cách khéo léo để chở mọi thứ hàng hoá để đi bán như than, củi, lu hũ…Tôi thấy một người đàn bà cũng khá đứng tuổi đội một cái nón lá, đạp một chiếc xe đạp lướt nhanh qua trước mặt tôi, tuy xe không chở gì, nhưng cũng được thiết kế như để chở hàng hoá.  Tự dưng tôi chú ý đặc biệt đến bà ta, khi nhìn theo phía sau lưng bà, vì cái áo bà ba màu hồng nhung thật đậm mà bà ta đang mặc.  Sự chú ý này thì cũng thường thôi, vì giữa cảnh quê chơn chất, mọi người mặc áo màu lam lũ, lại nổi lên một sắc màu gợi nhớ.  Tôi còn đang miên man nghĩ ngợi, không biết là mình đang nhớ gì, thì người đàn bà ấy quay phắt chiếc xe đạp lại.  Tôi hơi bối rối vì người đàn bà lạ này quay xe lại và dừng xe ngay trước mặt tôi, bà rời khỏi cái yên xe đạp, đứng cạnh xe và nhìn tôi mà nở một nụ cười thân quen. 

Bà quả thật có một nụ cười đẹp, và quen thuộc lắm.  Tôi nhủ thầm : Phải nhớ ra, phải nhớ ra, Nhung ơi, không thể nào quên được nụ cười này, khuôn mặt này.  Tôi không cho phép tôi, và rất giận tôi nếu tôi không soi tìm được trong trí nhớ của mình, để mà nhớ được người đàn bà này là ai, để mà tôi kịp thời lên tiếng chào hỏi trước.  Nếu không thì thật là khiếm nhã.

Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, người đàn bà vẫn giữ nụ cười trên môi vì biết rằng tôi không nhận ra bà, với một giọng nói trầm ấm, bà lên tiếng trước :

-Nhung hổng nhận ra cô hả ?

Vẫn giữ nụ cười thật tươi bà nói tiếp :

-Cô Thi nè, Nhung nhớ cô hông ?

Tôi muốn bật khóc, cô Thi của tôi đây ư ?  Sao đời lại éo le, sao Trời lại cay nghiệt với cô giáo thân yêu của tôi đến thế.  Và tôi nữa, sao tôi lại quên cô một cách đau thương, bạc bẽo như vậy.  Tuy cô vẫn cười và cầm lấy hai bàn tay tôi như an ủi, thầy cô mình luôn luôn tha thứ như thế, nhưng mắt tôi đã nhoà lệ.  Tôi nói trong nước mắt :

-Cô nhìn ra em hả cô ?

-Nhìn ra chớ, học trò cưng của cô mà.

Tôi nghe tim tôi dâng lên niềm hoài cảm, tôi học cô lớp Tư niên khoá 61-62, ở quận Dầu Tiếng ( thuộc tỉnh Bình Dương ) cũng đã hơn 20 năm trời mới gặp lại cô, trong lúc đất nước thay đổi tang thương, “ thuở trời đất nổi cơn gió bụi “ các thầy cô của chúng tôi cũng phải gặp tai trời ách nước.  Rồi thầy trò tôi ( cô Thi và tôi ) tâm sự hàn huyên trong vội vã.  Rồi tôi lên chuyến xe đò ngược về hướng Đồng Xoài để tiếp tục chuyến thăm nuôi cha đang ở nửa chặng đường.  Rồi cô đạp xe đi xuôi về hướng Bình Dương.  Tôi ngoái nhìn theo cho đến khi dáng cô mất hút trên con đường nắng cháy.

Đường đời từ đấy trôi về hai nẻo, và tôi không bao giờ được gặp lại cô nữa.  Ngồi trên chuyến xe đò lòng tôi vẫn còn bồi hồi xúc động vì cuộc gặp gỡ vừa rồi với cô giáo cũ, đã hơn 20 năm mà cô còn nhận ra tôi, với bao nhiêu cảnh vật đổi sao dời.  Những hình ảnh tươi đẹp hạnh phúc năm xưa như vẫn còn xôn xao.  Từng hình ảnh một, như muốn vượt thoát ra khỏi tâm trí và như sống động, cuồn cuộn sóng ngay trước mắt tôi.  Tôi sẽ gom góp những hình ảnh thân yêu ấy lại và kể cho bạn nghe nhé.

Phải, có lẽ những điều tôi sắp kể đây, cũng là những điều mà tôi đã hứa với các bạn.  Tôi hứa là sẽ kể tiếp về những nơi chốn mà gia đình chúng tôi đã phải đến và sinh sống, theo những sự vụ lệnh thuyên chuyển mà cha tôi đã nhận từ thượng cấp.  Cuộc đời các quân nhân gian nan là thế, nên gia đình cũng phải chấp nhận sự hệ luỵ mà thôi.

Khi đến thị trấn Dầu Tiếng nhận nhiệm sở và cuộc sống bắt đầu ổn định, vài ngày sau cha tôi dẫn tôi đến trường để xin nhập học cho kịp niên khoá ấy.  Sau lúc ăn điểm tâm rồi chuẩn bị thay quần áo để đi học, tôi ghé tai mẹ tôi nói nhỏ : Mẹ, mẹ nhớ dặn ba xin cho con vào học lớp cô giáo trẻ nhé.  Mẹ tôi im lặng không nói gì, chỉ dịu dàng chải mái tóc tôi, và sửa lại áo quần tôi cho ngay ngắn.  Tôi lo lắng dặn khẽ bên tai mẹ lần nữa : Mẹ nhớ nói với ba mẹ nhé.

Năm ấy tôi lên 7 tuổi, sẽ vào nhập học lớp Tư, con em gái kế tên Thu 4 tuổi và em út Lan mới được 1 tuổi.  Có một trường Mẫu giáo nhỏ gần đấy mở cho những đứa bé 4, 5 tuổi.  Còn trường tiểu học Định Thành thì chỉ có từ lớp Năm đến lớp Nhất.  Trường tiểu học này có 2 cơ sở, năm ấy tôi còn nhỏ quá nên không biết vì sao mà chia làm 2 như thế.  Tôi chỉ nhớ là năm lớp Tư, tôi học ở cơ sở thứ nhất.  Cơ sở này chỉ có một dãy, gồm 4 hay 5 phòng học gì đó, cũng tương đối gần nhà.  Những khi đi học tôi chỉ đi từ trong cư xá ra đến cổng Ty Hiến Binh, quẹo tay phải đi về hướng chợ Dầu Tiếng, nhưng chưa đến chợ mà chỉ nửa đường thôi, trường nằm phía bên tay trái.

Vì gần như thế, nên cha tôi dẫn tôi đi bộ đến trường trong ngày học đầu tiên.  Tôi mặc cái áo trắng cổ lá sen và cái quần dài màu trắng.  Cha mẹ tôi nghĩ đồng phục trường nào cũng giống nhau nên may mặc cho tôi như trường tiểu học Ban Mê Thuột vậy.  Tôi lúc thúc đi cạnh cha, cha tôi nắm tay tôi dẫn đi vừa khẽ cười an ủi, vì biết là tôi sẽ nhớ nhà lắm ( Cha tôi biết đứa trẻ con nào những ngày đầu tiên đến trường cũng nhớ nhà như thế ). “ Chóng lắm, chỉ thoáng là đến giờ về thôi, cứ chờ ở trường ba đến đón nhé “.

Tay kia tôi cầm cái cặp nhỏ, trong có 2 quyển vở mới và cây viết mà sao thấy nó nặng nề mà nghe lòng đã nhớ mẹ rồi.  Nghe cha an ủi, tôi thấy lòng bớt buồn đôi chút. “ Vài hôm nữa quen lớp quen bạn thì vui lắm “.  Cha tôi bảo thế.  Tôi hỏi dò : Hồi nãy ở nhà, mẹ có nói gì với ba không hả ba ?  Cha tôi hắng giọng, nghiêm nét mặt lại và không nói gì.  Nước mắt tôi chảy quanh, đã chực trào ra mấy lần.  Gần đến cửa lớp, cha tôi bảo: Con lớn rồi, phải ngoan chứ đừng nhũng nhẽo như thế.  Có 2 em rồi, không sợ chúng nó cười sao. 

Tôi nhìn vào trong lớp, những đứa trẻ khác đã vào đông lắm rồi.  Thấy cha con tôi đến, cô giáo của lớp ấy tươi cười bước ra, tôi khoanh tay cúi đầu chào cô, và cứ cúi như thế không ngước lên, mà trong lòng thì buồn hiu, tôi nghe cô bảo : Trời ơi, sao mà khóc “ dậy” ? “Dô “ lớp học đi, “ dui “ lắm.  Nói rồi, Cô lau nước mắt cho tôi, khi cô lau hết dòng nước mắt “ nhạt nhoà “ của tôi, thì tôi chợt nhận ra cô giáo mới của tôi thật là trẻ đẹp và dịu hiền, cô mặc cái áo dài màu hồng nhung đậm.  Tôi cảm thấy lòng mình êm ái dịu ngọt làm sao.   Bạn cũng nhớ là ngày xưa phụ nữ Việt Nam thật là gắn bó với chiếc áo dài, nhất là giới giáo chức, nhân viên hành chánh.  Cô Thi của tôi người miền Nam, quê ở Dầu Tiếng, sau này tôi nghe nói cô là con của một gia đình gia thế lắm ở quận Trị Tâm-Dầu Tiếng này.

Cô đưa tôi vào lớp và xếp tôi ngồi ngay bàn đầu, vì sao thì các bạn cũng đã nhớ về tôi rồi đó.  Học cùng lớp nhưng những đứa cao lớn đô con thì ngồi ở phía sau.  Buổi học đầu tiên được bắt đầu bằng lễ chào Quốc kỳ, chúng tôi còn bé chưa thuộc bài Quốc ca, nên ông Hiệu Trưởng đã cho phát thanh bài ấy và chúng tôi chỉ đứng nghiêm chỉnh mà thôi.  Sau khi bài Quốc ca chấm dứt, kế đến là bài Suy tôn Ngô Tổng Thống.  Ông Hiệu Trưởng tên là Một ( tôi nghe mọi người gọi ông là ông Đốc Một ) Ông trông coi cả hai cơ sở của trường tiểu học Định Thành.  Tôi còn nhớ ông Hiệu Trưởng trường tôi đeo kiếng trắng, thường hay mặc bộ vest màu trắng, thắt cravate màu đen, ông thường chải mái tóc ngược ra phía sau bằng brillantine thật bóng, người ông thấp tròn, nhìn ông thật giống Út Trà Ôn vậy.  Đó là về sau khi tôi nhớ lại thì tôi nhận xét ông thế, chứ hồi nhỏ tôi chưa mê cải lương nên đâu biết Út Trà Ôn là ai.

Lòng tôi thật vui, mong cho mau hết giờ để về khoe mẹ.  Khi tan học, cha tôi đã đứng chờ ở cửa lớp, thấy tôi cười tươi tắn cha tôi cũng vui lắm.  Tôi đứng cạnh cha, nghe cô Thi của tôi nói với cha về đồng phục của trường.  Tôi nghe cô Thi nói : Thưa ông “ hông” sao đâu, “ hổng” cần “ dội dàng “ đâu.  Tôi đã nói với các bạn rồi, cô Thi của tôi người miền Nam mà.  Thế là vài ngày sau, tôi đi học với đồng phục mới, cũng áo trắng nhưng với một cái quần gọi là quần phùng, màu xanh dương, và đôi bata trắng.  Quần phùng là tên của một kiểu quần may như quần đùi, nhưng cho thun vào 2 ống quần, khi mặc vào thì nó hơi bó ở 2 đùi và phùng phùng.  Mẹ tôi thực sự là không thích cho con mặc kiểu này, nhưng vì đồng phục bắt buộc thì phải chịu vậy.

Lớp học của tôi thật vui đấy các bạn ạ.  Những môn học như Công dân Giáo dục, môn Đức dục, môn Vệ sinh, Thường thức, Sử ký, Địa lý, Chính tả, Toán đố, Tập làm văn ( Câu đầu tiên của bài này luôn luôn là : Điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa các câu sau đây).  Tất cả bao nhiêu là môn mà chúng tôi chỉ học với một cô giáo mà thôi.  Nên đối với chúng tôi, cô là người thân yêu lắm chỉ sau mẹ tôi mà thôi.

Trong lớp, cô cho tổ chức một cái tủ, gọi là tủ học cụ.  Cô xếp vào đấy những món đồ nho nhỏ có liên quan đến những môn học của chúng tôi, sau đó cô bảo chúng tôi nếu có món gì lạ và xinh đẹp thì hãy đưa vào góp chung vào tủ học cụ để các bạn và mọi người cùng xem. Các bạn đưa đến lớp nhiều món trông thật hay, như cái rổ, cái rá nhỏ xíu đan bằng tre, chén đĩa đũa muỗng cứ như là dùng cho những người tí hon.  Có bạn đưa đến cho cô một cái chõng cũng làm bằng tre, và dĩ nhiên cũng bé xíu, có thể chưng vào trong tủ được. 

Mẹ tôi bảo tôi đem vào lớp một cái gùi của người Ra Đê ( một sắc dân miền Thượng du Trung phần ) đó là một trong những món quà mà chúng tôi đem theo về từ Ban Mê Thuột.  Cái gùi là hình thức cái giỏ của người miền thượng du, họ đeo sau lưng để đi rừng.  Cái gùi tôi đem vào lớp không lớn như của những người Thượng kia, nhưng lại không nhỏ xíu nên không chưng vào trong tủ được, nên cô Thi đóng đinh treo ngay phía trên tủ ấy.  Cái tủ học cụ càng ngày càng nhiều do tất cả cùng chung góp, các thầy cô lớp khác đều khen cô tôi khéo tổ chức và thường hay sang lớp tôi để xem.

Cuối năm học ấy tôi lãnh phần thưởng Danh Dự đưa về cho mẹ tôi biết bao là niềm vui, cha mẹ tôi đều có mặt trong buổi lễ phát phần thưởng ấy.  Buổi lễ được tổ chức ở rạp hát An Lạc, đó là rạp hát duy nhất ở cái thị trấn nhỏ bé này, cũng ở gần một bên Ty Hiến Binh Dầu Tiếng.  Sau phần bế mạc của buổi lễ phát thưởng, ông Hiệu trưởng ( ông Đốc Một ) chụp hình với tất cả mọi học sinh được nhận phần thưởng ngày hôm ấy ngay trước mặt tiền của rạp hát.  Và sau đó ông gửi đến gia đình học sinh, cho mỗi đứa một tấm.

Sau ngày lãnh phần thưởng là thời gian của những ngày hè.  Nhắc đến nghỉ hè, nghỉ lễ, hay ngày cuối tuần thì lúc này trong nhà tôi ai cũng nhớ về Ban Mê Thuột với những ngày cha tôi chở cả nhà đi thác , hoặc những ngày đến thăm các đồn điền trà hay cà phê.  Những chuyến đi chơi xa ra khỏi thành phố Ban Mê Thuột, có nhiều gia đình trong cư xá của trung đội Hiến Binh cùng đi.  Đi picnic ở vùng rừng núi có thác hoặc các đồn điền, không khí thật là vui tươi thoáng mát, chúng tôi tha hồ nô đùa, la hét không bị rầy như ở nhà mà la hét to như thế.  Giữa rừng núi và tiếng thác đổ ầm ầm, chính tôi còn không nghe tiếng tôi la hét nữa.

Không phải quận Trị Tâm - Dầu Tiếng buồn và chỉ có chiến tranh, nhưng lúc này chiến tranh đã lan tràn khắp nơi.  Nếu như chúng tôi vẫn còn ở Ban Mê Thuột thì chắc cũng không còn những ngày tháng yên lành như trước đây.  Chắc mọi nơi cũng như nơi đây thôi, khi đêm về cả nhà lo lắng vì những tiếng súng đạn nổ nghe rất gần.  Có một hôm, tôi nghe cha mẹ tôi bàn bạc với nhau là sẽ liên lạc cho cả người thân ở Ban Mê Thuột và ở Sài Gòn, để 2 người anh của tôi hết niên khoá sẽ về thẳng Sài Gòn để mà trọ học.  Cha mẹ tôi thực không yên tâm nếu 2 người con trai phải về ở vùng này.  Ai cũng phải lo cho con cái như thế.

Đêm đêm tiếng đại bác vẫn nổ vang, vọng vào thị trấn.  Mẹ tôi lo âu nói với cha nên làm một nơi trú ẩn trong nhà cho tất cả chúng tôi.  Nhưng hầu như là vào những năm ấy chiến tranh vẫn hãy còn xa, nghĩa là không xảy ra ngay trong quận lỵ.  Ban ngày sinh hoạt của những người dân xem ra vẫn bình thường, hình như họ nghe tiếng đại bác mãi nên đâm ra quen tai.  Nhưng tôi nhìn thấy những công sự phòng thủ nhiều thêm.  Trên con đường lên chùa từ chỗ ngã tư tôi thấy văn phòng quận trưởng cắt đặt hàng rào và lính gác thật khác thường.

Riêng Ty Hiến Binh Dầu Tiếng nơi cha tôi làm việc và trong khuôn viên của Ty cũng có cư xá cho gia đình nhân viên,thì nơi đây tôi thấy chẳng có biện pháp phòng vệ gì cả, nghĩa là chỉ có 1 cái hàng rào mỏng manh làm ranh giới cho sân của Ty, ngoài ra không có các vòng kẽm gai chằng chịt. Vì hàng ngày dân chúng vẫn ra vào đấy để nộp đơn từ kiện cáo luôn luôn.

Chúng tôi và những trẻ con trong cư xá thường nô đùa và đánh vũ cầu trong khuôn viên rộng rãi của Ty.  Tuổi thơ chúng tôi thật hồn nhiên không biết được nỗi lo của các bậc làm cha mẹ trong thời chiến tranh.  Thời gian đầu chưa quen biết nhiều người ở quận Trị Tâm này, cuối tuần cha mẹ tôi đưa chúng tôi đi lễ chùa.  Nơi cổng chùa có hàng chữ: Tịnh Xá Ngọc Lâm.  Người dân ở đấy họ gọi thân mật là “ chùa Sư Cô “.  Khi đến tịnh xá, tôi lại nhớ đến chùa Ngọc Đoan ở Ban Mê Thuột.  Hai ngôi chùa thật là khác nhau, đó là tôi chỉ nhận xét vậy thôi, cha tôi bảo chùa nào cũng thờ Phật Trời cả.

Tịnh xá Ngọc Lâm trông giản dị hiền lành như người dân của thị trấn,  sân chùa rất rộng trồng cây ăn trái, chính điện nhỏ và xây hình lục giác, chính giữa điện là tượng Phật lớn.  Chùa toàn là sư nữ, các tiểu cũng toàn là những đứa con gái nhỏ bằng cỡ tuổi tôi.  Trong chính đìện của chùa trưng bày nhiều hình ảnh như là Sự tích Đức Phật Thích ca khi còn là Hoàng Thái Tử đã rời bỏ cung vàng đìện ngọc, vợ đẹp con ngoan để đi tìm chân thiện mỹ, cho đến khi đắc thành chánh quả và trở thành một vị Phật.  Sự tích Đức Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát.  Sự tích Sự hiếu thảo của đức Mục Kiền Liên Bồ Tát.  Thật nhiều câu chuyện khác nữa mà chúng tôi rất thích đọc.  Và một trong những bức tranh mà bọn trẻ con chúng tôi khi đi chùa thường lấy đó làm điều răn đe, đó là các loài quỷ dữ của các từng địa ngục, những hình ảnh vạc dầu sôi, lửa bỏng và những hình phạt nơi địa ngục cho những kẻ xấu.

Cũng trong khuôn viên chùa còn có 1 căn nhà gọi là Cửu Huyền Thất Tổ, nơi này để thờ vong linh của những người đã khuất, mà thân nhân của họ muốn đem vào đây để vong linh được nghe kinh Phật và chuông chùa hàng ngày.  Chùa cũng có 1 cái bếp rất lớn, ngày Rằm và mùng Một mỗi tháng thường cúng cơm chay, tiền bạc chi tiêu do những thiện nam tín nữ đi chùa đóng góp.  Chung quanh nhà bếp, các Sư cô cũng có trồng thêm những luống rau cải để nhà bếp nấu ăn cho các Sư cô.  Các thân hào nhân sĩ vùng ấy rất đông, cha tôi và họ thường chụp chung những tấm hình đang lễ Phật trước chính điện để làm kỷ niệm.

Ở trường, ngoài cô Thi dạy lớp tôi, tôi chỉ nhớ thêm 1 số ít thầy cô, vì tôi không biết hết tất cả, mà chỉ nhớ người nào thường hay gặp các cô giáo của tôi.  Tôi biết vợ chồng cô giáo Thọ và thầy Minh, cả 2 đều dạy ở trường, thầy cô sống cùng với bà mẹ.  Tôi nhớ mọi người gọi bà là bà Tư Đen.  Nhà thầy cô ở ngay trước rạp hát An Lạc.  Đó là 2 căn lầu đúc liền nhau, căn kế bên nhà của thầy cô là nhà của gia đình bác Nghinh, sau là bạn thâm giao của cha tôi, hai bác cũng thường đi lễ chùa.  Ngoài ra còn có thầy Nhật, thầy Điền, cô Xuân, cô Hường.
Sau này, khi đã lớn khôn ( khoảng năm 1972 ) có đôi lần cha tôi dẫn chúng tôi về vùng bom lửa ấy để thăm những người quen biết cũ.  Vật đã đổi sao đã dời, kẻ còn người mất, hơn nữa chiến tranh tang thương chết chóc đã làm biến dạng thị trấn và biến đi mất nhiều người bạn cũ của gia đình tôi.  Những người bạn mà tâm tình đối xử của họ, cha tôi bảo rằng sẽ không có gì đền đáp được.  Nên cho dù chiến sự khi ấy ngày một gia tăng, cho dù đó là vùng bom đạn, cha tôi vẫn cố gắng dẫn chúng tôi về thăm vì biết ngày sau có còn gặp nhau nữa hay không ?  Cha tôi là người rất trọng nghĩa.

Hãy trở lại với lớp học của tôi ngày còn bé, có cô Thi của tôi và các bạn bè.  Tôi còn nhớ tên 1 vài người bạn ngồi gần nhau trong lớp, bạn Hạnh có người chị tên là Hương, cả 2 là con của bác Hai Hồng gia đình ở trong cổng Bo, hai bác là bạn thân của cha tôi.  Bạn Xuân Thành con của 2 bác Phú Thành, 2 bác cũng là những người thường hay đi lễ chùa Ngọc Lâm ( 2 bác là chủ tiệm vàng Phú Thành ở chợ Dầu Tiếng ).  Bạn Ngọc Sương nhà ở trong cổng Bo.  Bạn Thu Ba, cha mẹ bạn có tiệm tạp hoá nhỏ ở ngay phố Trị Tâm-Dầu Tiếng.

Và bạn ạ, có 1 điều tôi cũng muốn tâm tình với bạn đó là người mẹ.  Mẹ của mình.  Bạn sẽ nói ờ thì sao, ai mà không có mẹ.  Tuổi thơ mình thường mơ ước được gặp bà Tiên trong những khu vườn ảo diệu, nhưng bà Tiên không có thực, mà mình có một bà Tiên thực, đó là mẹ của mình.  Bạn sẽ nghĩ ờ biết rồi, nói mãi.  Sự cảm nghiệm về một bà Tiên thực thì bạn cũng biết, tôi nghĩ thế.  Nhưng tôi muốn nói với bạn về tôi, về sự ích kỷ của tôi.

Bạn thân mến,

Xin bạn khoan vội vàng xét đoán.  Hãy bình tĩnh nghe tiếp câu chuyện của tôi, và đừng có ghét tôi nhiều.  Ghét ít ít thôi cũng được, bạn nhé.

Tôi có cái tính hay hờn mát ( giận lẫy ) từ thuở bé, lại hay nhõng nhẽo và khóc nhè ( điều này nhỏ Mít Ướt rất là thông cảm ).  Đã có 2 đứa em rồi mà tôi vẫn coi như “ nơ pa “.  Vẫn nghĩ mẹ là của riêng mình.  Tôi vẫn thường chu môi lên cong cớn nói với 2 đứa tụi nó ( nói thầm thôi ) Nè đừng có tưởng nghe, mẹ của tui đó à nghe.  Hai đứa em tôi khi nhìn thấy tôi “ nói thầm “ như thế thì chỉ tròn mắt mà nhìn lại tôi, và chắc tụi nó chẳng hiểu tại sao mà tôi cứ nói thầm như thế.  Vì nói thầm thì có ai nghe đâu.

Những ngày còn bé, các bạn còn nhớ không, mẹ thường bắt tụi mình phải có giấc ngủ trưa.  Bạn sẽ nghĩ tôi bị “ đá ra ngoài “ là cái chắc chứ gì nữa, 2 đứa em thì còn chỗ nào mà nằm cạnh mẹ.  Không đâu bạn ơi, nếu mình biết “ thu xếp “ thì xong cái một. ( Mẹ tôi đã chẳng nói với cha tôi là Cô ấy thật là khéo thu xếp đấy ).  Nhỏ út Lan thì thôi cũng được, vì nó nhỏ quá, cho nó nằm đỡ 1 bên mẹ mình cũng được.  Tôi đến đứng bên cạnh giường phía này, khều khều con Thu, con em kế tôi, nó quay ra nhìn, tôi ngoắc nó, ra dấu là ngồi dậy ra đây tao biểu.  Đương sự từ từ bước xuống giường đến bên tôi, tôi bèn từ từ nắm tay dẫn nó qua phía bên kia giường, chỉ chỗ cho nó nằm.  Đó là chỗ cái cổ của mẹ tôi.  Thế là tạm ổn, 2 đứa em nằm 1 bên mẹ, đứa ở nách, đứa ở cổ.  Còn tôi ư, tôi nằm 1 mình 1 bên mẹ mà thưởng thức cái niềm vui dịu ngọt khi ôm lấy mẹ mình trong tay, ôm hết ga, như thằn lằn ôm cột đình vậy.  Mẹ tôi đang nhắm mắt lim dim, khẽ một nét cười nơi khoé miệng.  Nhưng không sao, tôi cứ nghĩ là mẹ đang ngủ say cũng được.

Xin bạn đừng ghét tôi khi đọc tiếp những dòng này.  Lúc ấy tôi ghé vào tai mẹ khẽ hỏi : Mẹ, mẹ thương ai nhất.  Thường thì tôi chờ cho đến khi Mẹ tôi trả lời là : Mẹ thương Nhung nhất.  Nhưng đôi lúc Mẹ tôi lặng thinh không nói gì, thì tôi nói tiếp : Mẹ thương con nhất nhé.  Và tôi chờ cho đến khi nghe được tiếng Ừ! Thì mới chịu ngừng trong chốc lát, có khi thì hỏi tiếp chuyện khác, nhưng phần nhiều là sau đó thiếp ngủ đi trong giấc ngủ trưa ngọt ngào hạnh phúc ấy.

Bạn sẽ nghĩ là tôi hỏi vặn mẹ tôi hoài 1 câu hỏi ấy ? Không đâu bạn ạ, câu hỏi đã được thay đổi thường xuyên, chắc Trời sinh tôi ra để làm phiền Mẹ tôi đấy.  Có hôm thì tôi hỏi : Mẹ, nữa sau Mẹ già Mẹ ở với ai ? Và tôi cũng luôn luôn chờ cho Mẹ tôi trả lời rằng : Mẹ ở với Nhung.  Và nếu Mẹ tôi chán vì cứ bị vặn hỏi mãi, thì tôi sẽ hỏi tiếp với lời lẽ dặn dò ân cần rằng : Mẹ, nữa sau Mẹ già Mẹ về ở với con nhé, Mẹ nhé. Và tôi cũng chờ cho có tiếng Ừ, hoặc cái gật đầu thì mới thôi.  Nếu chép ra đây tất cả câu hỏi thì dài lắm.  Nên tôi ngưng chuyện “ câu hỏi “ ở đây để kể tiếp câu chuyện đang kể vốn đang khá dài rồi, bạn nhé.

Sau này, mỗi khi thấy con sư tử ăn hiếp bạn bè trong phim Wizard of Oz, tôi lại chạnh nhớ cái cảnh mà mình cứ cong cớn chu môi ra mà “ bắt nạt “ 2 đứa em ( mặc dù là tôi chỉ nói thầm, mẹ tôi không nghe được ) thực là chẳng dễ thương tí nào.  Tôi tức cười nhất là những khi tôi gặng hỏi Mẹ tôi đủ thứ, thì thật giống như bà phù thuỷ hỏi cái gương thần trong chuyện cổ tích vậy.

Trước nhà, mẹ tôi có một giàn hoa thiên lý, ngày về đây mẹ tôi có đem theo một chậu hoa thiên lý đã ươm sẵn từ Ban Mê Thuột.  Nhưng khi đến nhận căn nhà này trong cư xá thì giàn thiên lý này đã có sẵn và đang trổ hoa, nên mẹ tôi chỉ trồng thêm vào cho giàn hoa thêm xum xuê.  Hương hoa thiên lý thơm ngan ngát, bạn thấy đó các bà mẹ có ý thích hiền lành giống nhau, nên cùng thích trồng hoa thiên lý.  Hương hoa thoảng trong không gian làm cho mọi ý tưởng trở nên trong lành, tôi cũng thích những bát canh hoa thiên lý nấu với thịt nạc, sao mà thơm ngon đến thế.

Ngoài những lúc đi học, khi ở nhà tôi thường theo sát một bên mẹ, đôi lúc làm mẹ tôi ngạc nhiên, và cũng đôi lúc làm mẹ tôi bực mình mà phải mắng yêu : Sao con cứ quẩn chân mẹ thế, mẹ dậm phải con bây giờ đấy.  Mẹ tôi lên nhà thì tôi theo lên nhà, mẹ tôi xuống bếp thì tôi theo xuống bếp.  Mẹ tôi ra sân hái hoa thiên lý, hoặc chăm sóc các gốc hoa cúc hoa hồng thì tôi cũng đứng một bên.  Nhưng không phải tôi đứng im, mà tôi hỏi mẹ tôi đủ thứ. Đôi lúc tôi không hỏi gì, nhưng lại cứ gọi : Mẹ…Tiếng gọi kéo dài nhõng nhẽo.  Nhưng khi Mẹ tôi hỏi lại : Con gọi Mẹ làm gì thế ?  Thì thật sự lúc ấy chính tôi cũng không biết là mình đã gọi Mẹ, mà từ trong vô thức đã thốt ra thành lời đấy thôi, tôi bối rối đôi chút rồi cầm tay Mẹ mà siết thật chặt trong 2 bàn tay của mình.
Tại sao tôi làm nũng với mẹ tôi quá thế.  Các bạn ạ, đó là linh tính của trẻ thơ.  Linh tính của một đứa bé biết rằng sắp lìa xa mẹ mình, trong lúc tuổi còn non nớt quá, thì tình mẫu tử cần như là một hơi thở một làn không khí tươi mát, dịu dàng.  Mùa hè ấy mẹ tôi đau nặng và qua đời.  Thế là hết, “ cửa vườn ảo diệu từ nay đã đóng kín “. 

Đôi mắt người mẹ một khi khép chặt là đem theo bao niềm hạnh phúc của gia đình, nhưng một khi biết đó là định mệnh thì con người ta cũng đành phó thác cho Thượng Đế những điều mà cõi trần gian này không bao giờ lý giải được.

Cuộc sống của gia đình tôi có nhiều thay đổi từ đấy, cha tôi vẫn làm việc tại Ty Hiến Binh Dầu Tiếng, gia đình chúng tôi vẫn ở trong cư xá ấy, nhưng thiếu vắng bóng mẹ hiền làm cho chúng tôi đau khổ khôn nguôi.  Trí nhớ của tôi sau đó là một vùng trắng toát như màu trắng tang tóc của ngày đám tang mẹ tôi.  Đến độ tôi không còn nhớ năm lớp Ba tôi học với cô giáo nào, và không có mẹ để chia sẻ, kể lể vui buồn về những chuyện trong lớp học.  Điều ấy đủ chứng tỏ nỗi buồn ảnh hưởng đến trí tuệ con người biết là bao nhiêu.

Bạn thân mến,

Thư đã khá dài, trong thư tiếp tôi sẽ kể bạn nghe về quãng thời gian chúng tôi vẫn còn ở quận Trị Tâm - Dầu Tiếng, và đó là khi ký ức của tôi đã ghi nhận lại được, và cũng là thời gian mà chiến sự đã xảy ra dồn dập gieo rắc kinh hoàng cho người dân ở đấy.  Chúc các bạn luôn luôn hạnh phúc.  Thân mến,

Phạm thị Nhung.

******

Đoàn tụ:

Câu chuyện Khu Vườn Ảo Diệu đến phần trên đây là hết nhưng sau đó may mắn do tánh tò mò của Minh Tâm mà bạn Nhung đã tìm lại được cô Thi do sự giúp đỡ chân thành của hai bạn CHS THÐ là Hồ thị Kim Ngân và Nguyễn Thúy Việt. Dưới đây là thư của Nhung gởi cho bạn mình, chúng tôi xin đăng lại đây như là một kết thúc có hậu:

*******

Các bạn CHS Trịnh Hoài Đức thân mến,

Nhung đã có tin và liên lạc được với cô giáo Thi, cô giáo của Nhung năm lớp Tư.  Cô là cô giáo mà Nhung đã kể trong câu chuyện Khu Vườn Ảo Diệu.  Người mà Nhung nghĩ sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp lại.  Là vì Nhung nghĩ sẽ không có cách nào hết.

Nhưng.....Tất cả đều CÓ THỂ các bạn ạ.  Nhung xin kể sơ qua cho các bạn rõ nhé.

Sự việc tốt đẹp ấy khởi đầu từ một câu hỏi thăm của bạn Từ Minh Tâm, khi bạn Tâm đọc qua câu chuyện kể ấy, bạn email cho Nhung:  Chuyện Nhung gặp lại cô giáo Thi rồi sao nữa, có hỏi hoàn cảnh cô ra sao không ? 

Vào thời điểm ấy 1982,vẫn còn đen tối lắm, thầy trò đều khổ, cô cũng có niềm kiêu hãnh riêng của một nhà giáo nghèo.  Trong lúc hàn huyên Nhung nhớ cô nói là cô ở đường Ngô Quyền phía bên kia. ( Nhung trả lời Minh Tâm như thế ). Đồng thời Minh Tâm cũng nhanh nhẩu gởi email cho Từ Minh Thạnh để hỏi thử nhưng rất tiếc Từ Minh Thạnh cũng không biết.

Thực ra lời chỉ dẫn của cô mơ hồ quá với Nhung, và lời mô tả lại của Nhung với bạn Minh Tâm cũng mơ hồ quá.  Nhưng chỉ một câu dẫn ý của bạn Minh Tâm, sau đó với sự giúp đỡ thật là đặc biệt một cách rất là thú vị của 2 bạn lớp A Trịnh Hoài Đức niên khóa 71-72 : Kim Ngân và Thúy Việt, để mà đi tìm một "cô giáo cũ của Nhung (hồi tiểu học ) vào niên khóa 61-62, tên là Thi, không biết họ".

Các bạn biết không chỉ trong 2 ngày, email và phone ráo riết làm việc thông tin qua lại : Mỹ-Sài gòn-Bình Dương---Bình Dương-Sài gòn-Mỹ.  Thì đến hôm qua Nhung và cô giáo cũ của hơn 50 năm trước lại được hàn huyên trong những câu chuyện tưởng như không bao giờ dứt được.  Cũng tin vắn tắt để các bạn biết là cô năm nay 76 tuổi, có 2 người con hiện vẫn còn ở Bình Dương, một người con gái sống với cô, người con trai đã lập gia đình ra ở riêng, cô có 3 cháu nội.  Cô vẫn mạnh khỏe.

Vậy là có một câu chuyện kết thúc rất là có hậu như những ngày còn bé mình thích những câu chuyện cổ tích với một HAPPY ENDING.

Cũng là nhờ vào tình bạn chân thành của các bạn đó.  Với tấm lòng của các bạn, lời cám ơn quả thật không vừa, Nhung xin im lặng mà cảm nhận lấy niềm hạnh phúc ấy.  Thân mến,

Phạm thị Nhung.