KHAI BÚT ĐẦU XUÂN 2017

LƯU THANH BÌNH


Theo thói quen thì chiều ngày mùng Một, nhóm nhỏ bạn học B5 bọn mình gặp mặt mừng xuân tại nhà người bạn ở Bình Nhâm cây lành trái ngọt. Riêng mình còn để thắp cho mẹ bạn nén hương ngày Tết, người mẹ tảo tần, thủ tiết, đơn thân nuôi các con khôn lớn (xem bài Nhớ má của LTB trên trang nhà THĐ) mà mình coi như mẹ nuôi. Buổi chiều trong vườn cây yên ả, nắng xế dọi trên ngọn măng, vẳng tiếng còi xe ngoài lộ. Rượu ngon, chỗ ngồi tốt, bạn hiền thâm giao, còn gì hơn. Chưa kể đám “tiểu nhị”  lăng xăng, chỉ cần kêu vói một tiếng là dạ rân.  
 

Có hai điều cấm kỵ mà bọn mình đã ngầm thỏa thuận là không nói 2 chuyện trong bàn nhậu vì dễ xảy ra đụng chạm: chính trị và tôn giáo. Chỉ nói về những đề tài như chuyện tiếu lâm, thuốc men - bệnh tật, đi du lịch và bạn bè còn mất thôi, nhưng  xét cho cùng thì trên đời này có việc gì mà không dính tới chính trị, chỉ khác ở chỗ dính dáng trực tiếp hay gián tiếp mà thôi. Nên vòng vo một hồi rồi cũng không lãng tránh được. Năm nay đề tài là sự “đổi mới” của hiện tình đất nước sau năm 1975 đến nay và so sánh sự phát triển giữa các vùng miền. Những quan điểm khác biệt được bàn luận sôi nổi, cũng dễ hiểu vì Việt Nam là một đất nước có “ triệu người vui thì cũng có triệu người buồn”, ngay trong đội ngũ cựu học sinh THĐ của chúng ta cũng có những khác biệt như trâu trắng với trâu đen rồi.

Có hai phương pháp so sánh là phép so sánh tương đối và phép so sánh tuyệt đối. Nếu phép so sánh tuyệt đối chỉ xét giá trị của hai con số để cộng trừ như trong một bài toán, bất kể không gian và thời gian thì phép so sánh tương đối đặt các giá trị trong bối cảnh chung, mối tương quan hữu cơ với nhau theo thời điểm và theo tỷ lệ % nên thuyết phục hơn . Có rất nhiều những ngộ nhận (hoặc cố ý) vì sự lẫn lộn trong sự so sánh giữa các con số, sự kiện dẫn đến “sai con toán bán con trâu”.

Ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung, có lẽ tỷ lệ người hài lòng với cuộc sống nhiều hơn so với nữa kia của đất nước vì chỉ mới hôm qua đại đa số còn mơ một cuộc sống ăn no mặc ấm thì nay đã chuyển sang hiện thực “ăn ngon mặc đẹp”. Theo đạo lý “ăn cây nào rào cây nấy” thì dễ hiểu tại sao người ta quyết liệt tin tưởng vào sự “đổi mới” như vậy. Còn ở miền Nam, trải qua bao biến động dẫn đến những hệ lụy mất mát quá nhiều; nhất là ở Tây Nam Bộ, nơi sự trù phú do thiên nhiên ưu đãi đã dần biến mất trước thay đổi của điều kiện sống do nhân tai và thiên tai đem lại, mức sống dần tụt lại so với trước thì có lẽ tỷ lệ người hài lòng với “đổi mới” không nhiều là hợp lý.

Có nhiều bọn trẻ lứa 9x, nhất là sinh trưởng ở miền Bắc, lớn lên khi cả nước đã thoát khỏi thời kỳ tem phiếu, ngăn sông cấm chợ thời bao cấp…tỏ ra khó chịu, thậm chí dè bỉu khi nghe ai đó ca ngợi cuộc sống miền Nam trước 75. Xì, mấy cái chợ Long Xuyên, Nha Trang, Vũng Tàu, Bến Thành nhỏ xíu, nhà phố thấp lè tè, đường xá vừa hẹp vừa quanh co… có gì mà hoài niệm chớ. Quả thật có nhỏ xíu, lè tè, quanh co… không sai. Nhưng thời ấy, đứng tại Sài Gòn mà nhìn rộng ra xung quanh, thì Hòn Ngọc Viễn Đông đẹp không thua Bangkok, Manila, Kuala Lumpur và hơn Phnom Pênh, Viêng Chăn nhiều (ngoài ra còn nhiều những thành phố khác hưởng lợi gián tiếp từ cuộc chiến Việt Nam như Seoul, Hong Kong, Honolulu).

So với Sài Gòn thì Hà Nội, thủ đô của cuộc “cách mạng”,  quy mô khi ấy chỉ bằng một quận vùng ven mà thôi. Nhắc tới Hà Nội, người ta nhớ đến dép râu, nón cối, sổ gạo, tem phiếu, xe điện, xếp hàng… còn xe đạp, radio, đồng hồ là niềm mơ ước của bao người, nói gì tới sở hữu một chiếc xe hơi, dẫu chỉ là chiếc La Dalat hai ngựa. Các bạn ấy đâu có biết các bậc cha chú là quân bộ đội chủ lực miền Bắc vào tiếp quản miền Nam đã từng ngỡ ngàng trước mấy cái tiện nghi vật chất như tủ lạnh, thang máy, bồn cầu, xe máy Nhật, nhà cao tầng… như thế nào. Thậm chí lạ lẫm cả đến “cái nồi ngồi trên cái cốc” hoặc đồng hồ Seiko quạt (quartz) có hai cửa sổ. Cái sai lầm ở đây là các bạn trẻ đã đem cái giá trị tuyệt đối (của miền Nam) hơn bốn mươi năm về trước để so sánh với cái giá trị tuyệt đối (của miền Bắc) bây giờ.

Lại có vị lãnh đạo cao cấp VN đương thời, trong một phút giây cao hứng đã cảm thán tự hào rằng đất nước ngàn năm có bao giờ được như bây giờ không. Quả thật Việt Nam từ thời phong kiến, chưa bao giờ có hạ tầng hoành tráng như bây giờ : đại lộ với nhiều làn cho xe du lịch, đường cao tốc liên tỉnh, cầu dây văng, chuổi siêu thị của tư bản nước ngoài, tháp cao ốc thương mại chọc trời, khu dân cư cao cấp, khu công nghiệp tập trung, các sân Golf, khu nghĩ dưỡng năm sao… nhìn chung mức sống của cư dân đô thị được nâng lên gấp hàng chục lần so với trước. Nhưng nếu dùng phép so sánh tương đối, lấy mốc năm 1975, thì sau 42 năm kiến tạo trong hòa bình, hiện GDP (Gross Domestic Product) và GDP/người của Việt Nam đã bị các nước láng giềng bỏ xa hàng mấy thập niên. Nghĩa là ta tiến một bước thì họ tiến hai, ba bước, và khoảng cách này có cơ ngày càng kéo dài. Xét theo tiêu chí này thì đất nước Việt Nam lùi chứ không tiến.

Chưa kể đến những tiêu chí khác như trình độ dân trí, văn hóa ứng xử, văn minh giao tiếp, nợ nước ngoài, công bằng xã hội trong tái phân phối của cải, môi trường, tham nhũng, nhân quyền, họa ngoại xâm, tình trạng nhập siêu với Trung Quốc… nếu là một nhà nước của dân, do dân, vì dân thì trước hiện tình đất nước thiết nghĩ phải lo nhiều hơn mừng. Sai lầm của vị lãnh đạo là đã đem cái giá trị tuyệt đối (nền kinh tế hiện thực 2017) ra so sánh với cái giá trị tuyệt đối (cuộc sống Hà Nội trong chiến tranh) hơn 40 năm về trước. Còn nếu dùng phép so sánh tương đối (%) để xét mức sống của người dân ba quốc gia Việt Nam, Campuchia và Lào năm 1975 và năm 2017 thì rõ ràng Việt Nam lùi chứ không tiến.

Đơn cử như giá xăng trong nước. Để biện minh cho việc tăng giá xăng, các quan chức có trách nhiệm cho rằng giá xăng trong nước còn thấp so với các nước xung quanh nên tạo ra tình trạng chợ đen ở các khu vực biên giới, tăng giá xăng là đúng theo quy luật kinh tế thị trường. Đó là theo phép so sánh tuyệt đối. Nhưng nếu dùng phép so sánh tương đối thì sự thật lộ ra ngay : một ngày lương của công nhân VN chỉ mua được 5 lít xăng, trong khi một ngày lương của công nhân Thái Lan mua được 20 lít. Hoặc dùng phép so sánh tương đối để xem tỷ lệ % nhu cầu tiêu dùng  (ăn, mặc, ở) trên thu nhập người lao động, ta sẽ thấy gánh nặng của người công nhân VN so với công nhân nước khác như thế nào.

Hai trăm năm trước, nhà nho văn võ song toàn Nguyễn Công Trứ (1778-1858) đã khái quát phép so sánh tương đối bằng hai câu thơ :

Tri túc, tiện túc; đãi túc hà thời túc
Tri nhàn, tiện nhàn; đãi nhàn, hà thời nhàn

Trong hoàn cảnh mọi người điên cuồng làm giàu bằng bất cứ giá nào như hiện nay, giá trị đạo đức của hai câu thơ trên càng khiến cho chúng ta phải suy ngẫm. Ngày xuân, xem lại bài “ Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện” của cô Đức thấy hay làm sao ! Thèm muốn cái nhàn của cô biết bao nhiêu !

(1-2017)