Khai Bút Đầu Xuân

Lưu thanh Bình



*

Năm nay nghĩ Tết kéo dài, nhờ vậy ở các bến xe đò, ga xe lửa bớt đi cảnh chen lấn. Sau ngày cúng tổ thợ may, thợ mộc đã thấy công nhân thu xếp đồ đạc lục tục về quê. Việc làm giãm nhiều, cuối năm không còn tăng ca tăng giờ. Ở các khu công nghiệp cũng không còn cảnh đình công đòi tăng lương, giãm giờ làm, cải thiện chế độ làm việc như trước … Ngược lại, một số có tâm lý ngán ngại bị cho nghỉ việc vì lý do không có đơn hàng. Đây là chiêu quen thuộc của các doanh nghiệp nhỏ Đài Loan để né lương tháng 13 và thưởng tết. Hôm trước vừa cho nghỉ việc một số người cũ,  hôm sau lại yết thông báo tuyển người mới ! Mùng 2 chợ bán lai rai, đến mùng 4 thì bán đầy.

Hôm rồi trên báo mạng VN có nhiều tranh luận về việc nghỉ Tết âm lịch kéo quá dài, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất chung, nhất là gây khó khăn cho các đơn hàng xuất khẩu. Có ý kiến đề nghị gộp ăn Tết ta ( thực ra là Tết Tàu) vào Tết Tây luôn. Có hai nhân vật nổi tiếng là bà Phạm Chi Lan và tiến sĩ Võ Tòng Xuân ủng hộ ý kiến này, nhưng số phản bác đông gấp bội. Bên phản bác thì vin vào truyền thống văn hóa dân tộc, bên cải cách ( đa số ở miền Nam) thì dựa vào xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu mà VN là một nước nghèo mới gia nhập. Mỗi bên đều có lý lẽ riêng  xem ra thật khó dung hòa. Có lẽ Nhật là trường hợp đặc biệt vì dân tộc ấy có tinh thần độc lập rất mạnh, nên đã mạnh dạn bỏ Tết Tàu mà ăn Tết Tây từ thời Minh Trị, còn Việt Nam chịu ảnh hưởng của Tàu quá nhiều nên khó mà bỏ được. Đau đớn nhất là bài học từ cuối thế kỷ thứ 19 : trong lúc Nhật cải cách theo khoa học phương Tây để trở thành một cường quốc kinh tế thì Việt Nam bắt chước mấy ông “ con trời” bế quan tỏa cảng, từ chối mọi cơ hội giao thương bên ngoài. Có lẽ dịp tốt nhất để thí điểm việc ăn tết theo Tây là thập niên 80 của thế kỷ trước, nhưng cơ hội ấy qua rồi. Cũng cần nói thêm là các nước khác quanh ta như Campuchia, Lào, Thái Lan, Philippine, Malaysia, Indonesia, Miến Điện ( trừ Singapore) đều không có tục lệ ăn Tết theo lịch Tàu. Các nước Nam Á đều lấy lễ hội mừng nước ( té nước) hoặc mừng gặt lúa mới làm ngày Tết, như Campuchia có hai cái Tết là Chôn Chơ năng – Thơ mây và Óoc Om Bóoc. Chỉ có người Việt và người Tàu ở Phnompenh là còn giữ tục ăn Tết Nguyên Đán thôi.

Ngày tháng qua đi, hôm nay đầu tuần, âm lịch đã sang “mền” chứ không còn “mùng” nữa nhưng hơi hướng Tết vẫn còn lảng vãng. Ở đất Bình Dương này, Tết còn được kéo dài thêm đến ngày rằm tháng giêng, với lễ hội Cộ Bà nhộn nhịp thu hút hàng vạn người. Lễ hội vốn là của người Tàu di dân mấy thế kỷ trước, thờ cúng Bà Thiên Hậu phù hộ độ trì cho “ thuyền nhân” vượt biển an toàn và sinh sống, làm ăn gặp nhiều may mắn trên vùng đất mới. Có lẽ hồi đầu chỉ có Lễ thôi, nhưng nay phần Hội lại lấn sang phần Lễ, với điểm đỉnh là rước cộ ( kiệu ) bà du Xuân, là dịp cho mọi người thỉnh lộc, cầu gia đình bình an, mua may bán đắt. Lễ hội nay đã hòa nhập vào sinh hoạt văn hóa Việt truyền thống để trở thành một tài sản chung của dân tộc. Vài mươi năm sau này, chùa Bà Lái Thiêu và chùa Bà ở Búng cũng tổ chức rước Cộ Bà, nhờ vậy mà lượng khách thập phương tham dự được chia ra giúp giảm tải cho địa điểm chính ở Bình Dương, chứ nếu tất cả dồn về đây thì không biết đường phố nào chứa cho hết: xe gắn máy nhiều như củi còn những con đường chính thì đầu người lố nhố tưởng có thể (xin lỗi) đạp trên đó mà đi được.

Mình nhìn nhận tính độc đáo của Lễ Hội qua một khía cạnh khác : tính tổ chức khoa học, chính xác và bao quát trong việc huy động sức người, sức của trong một thời gian ngắn. Từ việc chăng đèn kết hoa đường phố đến việc tạm ngăn lưu thông, từ việc huy động lực lượng giữ gìn an ninh trật tự cho khách đến viếng Bà niệm hương, vay lộc đến việc ngăn ngừa những thành phần trộm cắp, móc túi, xin ăn … nhất là khâu giữ an toàn cho cả đoàn diễn hành cả ngàn người kéo dài hàng cây số trước hàng vạn người xem. Những ai đã từng tham gia tổ chức các sự kiện hoặc các Huynh Trưởng Hướng Đạo có kinh nghiệm tổ chức hội trại mới thấy hết nổi khó khăn của ban tổ chức. Tất cả đều phải lên kế hoạch từ nhiều ngày trước, cố gắng hạn chế tối đa những bất trắc để giữ tiếng tốt cho năm sau. Nói dễ chứ làm không dễ chút nào, ở đây phải khâm phục tính đoàn kết của người Hoa, trên dưới một lòng nên mọi việc mới răm rắp như xếp bài domino, khác hẳn người Việt chúng ta, cứ ba người là đã có hai ý kiến rồi.
 
Ở Lái Thiêu, các đoàn lân, sư, hẩu đi ăn “lẽ” từ nhiều ngày trước, cho đến ngày rằm là tập trung đông nhứt. Xế chiều, khi con nước chớm lớn là đến giờ rước kiệu diễn phố. Các đoàn lần lượt vào lạy Bà và nhận thù lao, xong rồi ra sắp hàng đợi đến lượt diễn hành. Có những quy định như không được vào nhà gia chủ múa ăn tiền làm gián đoạn  những đoàn đi sau, cù phải đi sau hẩu, các tố nữ ( trinh nữ) gánh lẵng hoa đi cạnh kiệu Bà. Những năm trước, Bác Hai Vốn với chòm râu bạc cưởi ngựa giấy, tay cầm phất trần tay cầm bức liễn, được ưu ái của Ban tổ chức cho đi hàng đầu nhận được nhiều lời trầm trồ của người xem. Nay Bác đã quy tiên nhưng nhiều người xem Cộ vẫn còn nhắc với lời thương mến ngậm ngùi, tiếc cho Lái Thiêu mất đi một dị nhân có nhiều công sức đóng góp cho địa phương.

**

Nếu gọi Tổ Quốc là quê hương xứ sở của ông bà, cha mẹ ( fatherland, motherland) thì nhiều gia đình người Hoa phải nhận Việt Nam làm Tổ Quốc vì họ đã qua nhiều đời làm ăn sinh sống trên đất này, thậm chí con cháu họ không còn biết nói và viết tiếng Hoa nữa. Dù vậy nhiều người vẫn xem Hoa lục là Tổ quốc. Đó là nhờ những giá trị văn hóa truyền thống từ đời này sang đời khác không bị mất đi mà được giữ gìn cẩn thận trong từng gia đình. Ông bà chuyển cho cha mẹ, cha mẹ chuyển cho con cháu, chắt chút chít …cho nên trải qua hàng trăm năm mà không bị mất gốc. Theo tôi, không có gì để dị ứng vì tôi ủng hộ tính đa dạng trong kho tàng văn hóa dân tộc. Thuở còn đi học THĐ, một ông bạn học gốc Hoa của tôi còn lên gân rằng tao là người Tàu vì ba má tao là người Tàu, tao chỉ mượn đất VN tụi bây để sinh ra và lớn lên mà thôi. Thực ra tôi nghĩ bạn chỉ mượn ý của mấy tay theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà phát biểu chơi thôi, chứ trong giấc ngủ của bạn vẫn hiện về mấy cảnh chọi dế, bắt ve hay tắm sông, trộm sắn …. thời thơ ấu, hoặc những kỷ niệm đầy ăm ắp với bạn bè thuở cắp cặp đến trường. Cách xa vạn dặm nhưng làm sao quên được bạn tôi ơi.

Tổ quốc là một khái niệm mang tính trừu tượng chứ không cụ thể như đất nước, quê hương, dân tộc, lãnh thổ …Tổ quốc là những di sản lịch sử văn hóa kế thừa qua nhiều thế hệ, là kết tinh của hồn thiêng sông núi, là vốn liếng nghìn đời do cha ông để lại. Lãnh thổ không còn (như tộc Do Thái) nhưng Tổ quốc còn, dân tộc sống rải rác nhiều nơi (như tộc Hán) nhưng vẫn chung một Tổ quốc, chính thể có thể thay đổi nhưng Tổ quốc là vĩnh hằng, ngược lại nhiều người sống chung trong một quốc gia, chung một quốc tịch nhưng không cùng một Tổ quốc. Tổ quốc không của riêng ai.

Nhớ một lần, nhà văn Sơn Nam có kể câu chuyện đối đáp giữa anh cảnh sát khu vực và ông thợ hớt tóc, chuyện rất đời thường nhưng hết sức thâm thúy nên nhớ lâu. “Tiệm” của ông nằm dưới bóng mát cây đa cổ thụ thuộc quận 1, trung tâm thành phố Sài Gòn, rất đơn giản chỉ gồm một tấm kính được móc treo bên hông tường nhà người ta và một chiếc ghế nhựa, nhưng chiếc ghế lại đặt trên vĩa hè, là phần đất công cộng do nhà nước quản lý. Rủi thay chỗ ấy bị nhà nước giải tỏa trong chiến dịch gọi là “ đường thông hè thoáng” tức là trả lại lòng lề đường cho người đi bộ. Trong lời trần tình của người thợ hớt tóc có nhắc đến hai từ “Tổ Quốc” khiến cho anh cảnh sát cảm thấy khó chịu, mới hỏi vặn lại ông hiểu thế nào là Tổ Quốc ? Câu trả lời hết sức thực tế, dù không được văn hoa trau chuốt như các nhà văn, thi sĩ nhưng  rõ ràng, cụ thể : Tổ Quốc là nơi người ta có được một việc làm đàng hoàng lương thiện không bị làm khó dễ, sở hữu một nơi gọi là nhà để chui ra chui vào mà không sợ bị thu hồi giải tỏa, con cháu lớn lên được dạy cách sống làm người có đạo đức. Thật tuyệt !

Ngày nay trẻ vào lớp một đã được dạy yêu Tổ Quốc … nhưng hãy thử hỏi một cô giáo định nghĩa thế nào là Tổ Quốc hoặc tại sao người Việt gọi nhau là “đồng bào”. Biết chết liền !

( 2 – 2014)