Cuộc họp mặt tháng 4 - 2016
(Khóa 14 & 15)
GS Nguyễn Thị Tâm
Vào tháng 4, 2016 các em học sinh Trịnh Hoài Đức đã mời chúng
tôi họp mặt. Người báo tin cho tôi trước tiên là em Huỳnh Thu Hà: “ Khóa 14
và 15 Trịnh Hoài Đức tụi em sẽ tổ chức họp mặt ở nhà của bạn Cư và bạn Hạnh”.
(Cư là rễ và Hạnh là con gái của anh Võ Kim Lân).
Trước đó vài năm khóa 15 cũng đã tổ chức họp mặt, mỗi năm ở nhà 1 học
sinh. Những lần tổ chức này đều rất chu đáo và rất tình nghĩa. Các em cho
xe đến tận nơi, rước các thầy cô ở Sài Gòn cũng như ở Bình Dương. Lần cuối
là ở nhà em Nguyễn Thanh Danh (TS BS làm ở Trung Tâm Dinh Dưỡng Quận Phú Nhuận).
Không biết vì lý do tế nhị nào đó phải tạm ngưng cho đến năm 2016 mới
kết hợp hai khóa 14 và 15. Lần này, ngoài các thầy cô cũ, đa số là ở Bình
Dương, một số ở Sài Gòn. Đặc biệt có thêm cô Phan Ánh Tuyết, anh Lê Phát Triển
và anh Nguyễn Thuận Nhờ.
Em Hà điện cho tôi: “Tụi em sắp đến đón thầy Thử và cô rồi đến nhà em.
Sau đó mới xuống Thạnh Quí”. Trên đường đến nơi họp mặt, chúng tôi trò chuyện
cùng nhau. Hôm 1.5.2015 – Kỷ niệm 60 năm thành lập trường Trịnh Hoài Đức –
anh Trần Văn Anh không dự. Tôi báo cho anh biết tôi đã gặp lại anh Nhờ. Anh
ấy vẫn giống xưa, có vẻ khỏe mạnh hơn và trông rất trẻ.
Trước nhà Cư có vài chiếc xe hơi đã đậu sẵn ở đấy. Vào cổng tôi thấy
hai vợ chồng cô Dung và thầy Châu đang chụp hình. Cô Dung hớn hở ngồi trên
xích đu. Sau đó là cô Phan Ánh Tuyết. Đây là lần đầu tiên cô Tuyết trở về
Bình Dương họp mặt.
Các em học sinh tíu tít chào đón các thầy cô và bạn bè. Em Quì hỏi tôi:
“Cô còn nhớ em không?” – “Cô nhớ rồi. Em có đến nhà cô chơi mấy lần. Lúc dọn
về Hiệp Thành em cũng có đến thăm”.
Không khí thật là náo động. Thầy trò tay bắt mặt mừng. Đúng là đã lâu
mới gặp lại. Em Quì hào hứng nói với tôi: “Em có hình cô chụp cùng cả lớp
em nè”. Rồi em mở di động cho tôi xem. Thì ra tấm hình này là trong album
của tôi. Tôi cho em Chánh mượn chụp lại. Các em lan truyền cho cả lớp nên
di động của các em đa số đều có tấm hình kỷ niệm đó.
Rồi là chụp hình chung, chụp hình riêng náo loạn cả lên. Một em đến
gần tôi và nói: “Em là Vương Duy Vinh. Tên em hơi khó đọc. Em tìm cô mấy
lần nhưng không gặp. Nay mới gặp lại cô. Em có nhiều chuyện muốn tâm sự với
cô”. Đang nói chuyện thì các em khác đến bảo chụp hình. Câu chuyện đứt đoạn.
Một lúc sau em Vinh lại đến nói chuyện tiếp thì tôi lại phải ra chụp hình
cùng các thầy cô để kỷ niệm, lại bị đứt đoạn câu chuyện...
Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy anh Lê Phát Triển.
Đây là lần đầu tiên gặp lại sau khi anh chuyển về Sài Gòn. Anh cũng đến trò
chuyện với tôi. Tôi thấy anh vẫn vậy, không có gì thay đổi, từ cách ăn nói,
cử chỉ... Sau cuộc họp mặt này, có học sinh gặp lại tôi – tại nhà tôi – ôn
lại ngày gặp mặt ở Thạnh Quí. Em nói thầy Triển rất hiền, tuy thầy giản dị
nhưng... Vì em không biết diễn tả thế nào nên tôi cười bảo: “Có phải em muốn
nói ý... Tuy thầy không cao nhưng nhiều người phải ngước nhìn”. (Xin lỗi anh
Lê Phát Triển!). Nghe tôi nói vậy em cười rất vui và đồng ý.
Đến giờ ăn trưa, chúng tôi rất khen chủ nhà, vì đã tế nhị đãi những
món đặc sản (chắc chắn là phải có bánh bèo bì). Đặc biệt là Cư và Hạnh giải
thích không có món ăn đặt trên lò để hâm nóng vì sợ buổi trưa nắng nóng quá.
Hai em chu đáo tặng cho hai mươi mấy thầy cô một số hiện kim và hiện vật.
Đương nhiên là buổi họp mặt có hát, đọc thơ, đố nhau, kể chuyện vui...
không khí rất thân tình và đầm ấm. Tuy đây là lần gặp mặt đầu tiên của 2 khóa
nhưng mọi người như đã gặp nhau nhiều lần rồi.
Em Sương (chủ tịch phòng xét nghiệm 548, gần bệnh viện Chợ Rẫy) nhắc
chừng tôi: “Cô xuống xét nghiệm trở lại được rồi đó”. Lúc đầu tôi không nhìn
ra em, sau tôi mới nhớ lại, vì từ lúc em ra trường đến nay, đây là lần thứ
2 tôi gặp lại em. Lần thứ nhất, một số em khóa 15 điện mời tôi đi xét nghiệm
ở phòng xét nghiệm của em Sương. Tôi mang theo rất nhiều tiền vì định xét
nghiệm toàn bộ. Nhưng khi xuống đó biết em không nhận tiền nên tôi ngại và
chỉ kiểm tra một vài thứ cần thiết. Em rất chu đáo, cho nhân viên dẫn chúng
tôi đi từng phòng. Một cô hỏi tôi: “Cô là người nhà của cô Sương?”. Tôi nói:
“Tôi là cô giáo cũ của em ở Trịnh Hoài Đức”. Nghe vậy, cô ấy hơi ngạc nhiên,
không tin tôi là cô giáo của em Sương nhưng cô càng niềm nở chăm sóc tôi hơn.
Khám xong chúng tôi qua nhà em Sương, cũng gần phòng xét nghiệm. Vì
em yêu cầu phải có kết quả ngay nên nhân viên chuyển hồ sơ qua nhà em. Em
xem xét hồ sơ và cho ý kiến nên điều trị ở đâu. Tôi nói với em: “Lúc đi cô
mang nhiều tiền lắm”. Em cười rất tươi và nói: “Cô đừng nói lớn, chút nữa
tụi nó đi chung với cô tụi nó trấn lột cô đó”. Mọi người đều phì cười.
Buổi họp mặt này không có cô Hương vì cô Hương có việc bận. Cô Tuyết
và tôi ngồi bên nhau trò chuyện riêng sau khi ăn xong. Anh Đặng Văn Danh (đi
với bà xã anh dự cuộc họp mặt này) một mình đến gần chúng tôi và nói: “Hai
chị ngồi xê vô bên trong để bị nắng”. Anh bảo cô Tuyết đứng lên để anh dời
ghế vô. Cô Tuyết đứng dậy và anh phụ đẩy ghế vô trong. Đến chỗ tôi anh cũng
bảo vậy. Tôi không chịu đứng lên nên anh bưng cả tôi và ghế vào chỗ mát.
Rồi anh nói: “Chị Tâm, chị tổ chức cho toàn bộ giáo sư mình ở Trịnh Hoài
Đức họp mặt một lần đi. Tôi tình nguyện bao đuôi cho...”.
Cuối cùng rồi cũng đến giờ phải về. Em Qùi đi lại phía tôi và nói: “Hay
là để em chở cô về”. – “Có người đưa cô về rồi. Cám ơn em”. Chúng tôi ra xe
chuẩn bị về.
Tôi đang ngồi trong xe thì anh Nhờ nói: “Chị Tâm đâu rồi, để tôi chào
chị Tâm trước khi về”.
Anh đi đến các xe để tìm tôi. Mọi người trên xe về Sài Gòn kêu anh Nhờ
lại: “Xe ở đây nè”. Các anh chị tưởng anh Nhờ không kiếm được xe của mình.
Lúc đó tôi ngồi trên chiếc xe con. Nghe thấy anh nói vậy thì mở cửa xe để
gặp anh. Anh nói bằng một cái giọng làm tôi thấy chạnh lòng: “Chào chị tôi
về”. Tôi nói: “Sẽ gặp lại sau”. Anh có vẻ buồn: “Biết có gặp lại không?”.
Thật ra hôm 1.5.2015, tại trường Trịnh Hoài Đức, tôi đã gặp lại anh.
Anh Cung dẫn anh lại gần chỗ tôi ngồi và luôn miệng hỏi: “Chị có biết ai đây
không?”. Tôi nhớ ra anh ngay vì anh không hề thay đổi, còn có vẻ trẻ và khỏe
mạnh hơn lúc dạy ở Trịnh Hoài Đức. (Nhưng tôi lại quên tên anh, lúc đó).
Suốt buổi lễ anh ngồi cạnh tôi nên tôi có dịp nói chuyện với anh nhiều. Khi
dự tiệc anh cũng ngồi cùng bàn với tôi.
Lúc vô nhà Cư và Hạnh, gặp lại anh tôi hơi choáng. Không ngờ năm trước
anh rất khỏe, mập hơn xưa và rất trẻ. Nhưng bây giờ anh để râu ria, có vẻ
ốm đi. Có lẽ anh không khỏe, hay là anh gặp “cú sốc” gì?. Lúc ngồi trên xe
xuống đây tôi đã nói với anh Trần Văn Anh: “Anh Nhờ bây giờ trẻ lắm”. Ai ngờ!
Thế rồi ngày 1.5.2016, họp ở THĐ, khi em Lê Minh Chánh từ giã anh Đặng
Văn Danh: “Năm sau gặp lại hen thầy”. Lần này tôi lại nghe câu trả lời làm
tôi thấy ngậm ngùi: “Biết có còn gặp lại không?”.
Tôi không biết tại sao hai anh nói thế. Lòng tôi cảm thấy bâng khuâng:
“Phải chăng các anh thấy quỹ thời gian của mình không còn nhiều nữa?” (Tôi
tránh dùng từ “ít” vì tôi thấy hình như nó không hay trong trường hợp này).
Hãy sống lạc quan thôi các anh. Vì sao đó cũng là quy luật!
(04.01.2017)