HỌP
BẠN THƯỜNG NIÊN ( t th)
Lưu Thanh Bình
(Mừng họp bạn thường niên 02-9-2013)
Thương hoài ghế gỗ
bàn nâu
Ấm hơi bè bạn chụm đầu sớm
trưa
****
Lan man tình bạn :
Giống như các khóa đàn anh, khóa 12
ít có bạn nào học xuyên suốt một mạch từ lớp
đệ thất đến lớp 12. Có những bạn ra trường sớm, vào đời
khi các bạn khác còn mài đũng quần
trên ghế nhà trường, có những bạn rời trường rồi
là bặt tin như bóng chim tăm cá, số ít bạn
may mắn được học lên Đại học … nhưng có lẽ tất cả đều giữ
những hoài niệm đẹp khi nhớ về một thuở dưới mái trường
Trịnh Hoài Đức thân yêu. Mưu sinh trong một giai
đoạn đầy khó khăn vất vả, một thời gian dài các
bạn mất đứt liên lạc với nhau, lần lượt từng người lập gia
đình nhưng chỉ có nhóm nhỏ vài bạn
thân góp mặt trong ngày vui lớn của bạn. Dần dần
cuộc sống ổn định, có điều kiện gặp gỡ nhau thường xuyên
hơn, mối dây liên lạc mở rộng , kéo dài nhất
là những năm cuối của thập niên 90. Khi gặp nhau,
câu thăm hỏi đầu không phải là “ mày
có vợ chưa?” mà thường là “ mày có
mấy đứa rồi”. Chỉ có Trường, Quang và Quốc là ba
con trâu già ham chơi thích gặm cỏ non ,
ngày lập gia thất có đông đủ anh em bè bạn
đến chung vui. Kẻ đi chuyến tàu chót là Nguyễn
Quang Trường, bạn lập gia đình muộn nhất lớp, đó
là vào năm 1995. Cả lớp cùng nhau kéo
lên Củ Chi mừng cho bạn, có bạn nói đùa :
tưởng mày “ung” rồi chớ ! Bây giờ gặp nhau không hỏi
“ mày có mấy đứa” nữa mà là “ mày
có khỏe hông” .
*
* *
Sau ngày “ tan hàng, cố gắng”, số phận bè bạn
trong lớp cũng chìm nổi theo vận nước. Nói chung
là hồn ai nấy giữ. Nợ áo cơm ghì sát mặt
đất, nói gì tới những món ăn tinh thần, nên
thật đáng trân trọng những bạn đã khởi xướng lần
họp mặt đầu, nối lại mối dây đã đứt. Không có
bàn ghế mà tất cả đều ngồi bệt xuống nền nhà (
cũng may là chưa ai có thùng nước lèo),
quây quần bên nhau với những món ăn cây
nhà lá vườn mỗi người góp vào. Những lời
thăm hỏi động viên nhau, cùng ôn lại chuyện cũ
và nhắc nhớ người còn kẻ mất. Không ai ngờ buổi họp
mặt đã khởi đầu cho ngày truyền thống khóa 12
(nam) gặp gỡ hàng năm, đến nay đã hơn 20 lần. Năm nay,
buổi họp mặt có thêm bạn mới nhưng cũng bớt đi bạn cũ.
Mừng cho cánh chim lạc đàn Bùi Công Trung (
nhân vật chính trong bài “ những người bạn tốt
khóa 12”) từ Phú Hòa Đông về góp mặt
sau hơn 40 năm bặt tin. Buồn vì đã mất một người bạn năng
nổ nhiệt tình Nguyễn văn Soạn, ra đi sau một thời gian
dài chống chọi với cơn bệnh ngặt nghèo.
*
* *
Họp mặt thường niên 1996 tại nhà Dương Thế Phương
Từ trái sang : Ngồi : Tài, Công Thành,
Việt Hùng, Soạn (đã mất), Đạt, Kim Cương, Hùng B,
Minh ( râu ), Bình, Giàu, Bạch, Bé
gái con Châu và Châu.
Đứng : Sang, Thuận, Khánh Hòa, Liêm, (?),
Quang, Mão, Danh, Hồng Khanh, vợ Khanh, Hưởng,
Tánh, Thuận, Thắng, Trường.
Đứng sau : Phước Trung, Quốc, Phương, Nghĩa (đã mất),
Nhiều.
Năm này họp lớp coi bộ có khí sắc hơn mấy năm
trước, đặt đám nấu ăn và che rạp bằng mấy tấm bạt che
nắng và phòng ngừa trời mưa. Những gương mặt hân
hoan như vừa qua cơn mê, trái táo Adam nơi cổ
còn lộ rõ, trừ một vài bạn đã bắt đầu
phát tướng . Số bạn tham dự tăng dần đều theo từng năm.
Đã có vài bạn B4 và A3 cùng tham dự
như Danh, Thuận và Nhiều. Bé gái con Châu
trong ảnh nay đã có chồng.
*
* *
Nghĩa tình đồng môn :
Trong một lần họp lớp, biết được hoàn cảnh khó
khăn của bạn (xin dấu tên), một số phận bất hạnh vì mất cả
hai chân cưa lên đến tận bẹn, cả lớp đã cùng
nhau góp tiền giúp bạn mua một chiếc xe lăn làm
phương tiện đi lại, khi ấy bạn đang sống ở vùng kinh tế mới Long
Nguyên ( Bến Cát). Sau này bạn làm nghề hớt
tóc cho trẻ con quanh vùng, một tấm gương phấn đấu,
tàn nhưng không phế. Riêng V. Hùng (kẻ khởi
xướng) rất chu đáo, sau đó đã gởi thư cảm ơn
kèm bản danh sách đóng góp của các
bạn đến từng người. Một hình ảnh trọn nghĩa tình đồng
môn mà kẻ cho lẫn người nhận đều cảm thấy xúc động
và hạnh phúc.
*
* *
C. nguyên là một sĩ quan Dù mãn hạn học
tập cải tạo ở Phước Long, về đến bến xe Bình Dương (cũ), C quyết
định đi bộ từ bến xe về Búng để ngắm nghía dân
tình. Ngang qua ngã ba Lò chén, bạn
ghé vào thăm nhà một bạn B5 gần đó.
Đây là nhà của T., kết bạn thân với C. suốt 6
năm trung học, hai đứa vẫn thường xuyên có mặt trong những
buổi sinh hoạt thể thao, cắm trại hoặc đi học thêm. Dù bạn
ấy không có nhà vì bận đi làm ăn
phương xa nhưng mẹ bạn vẫn niềm nở đón tiếp thăm hỏi vui vẽ. Dăm
lời xã giao thì bạn C. xin kiếu vì đường
còn xa, lòng nôn nóng mong nhanh gặp lại
người thân. Đi bộ đến gần Chiêu Anh quán thì
Đào , em gái bạn T. đạp xe chạy theo tặng quả cam cho anh
đi đường giải khát. Quả cam tình nghĩa ấy theo C. cho đến
tận …. Seatle bây giờ, chỉ tiếc thương cho Đào đã
qua đời vì một tai nạn thương tâm trước cổng trường ĐHSP.
*
* *
Không biết từ đâu, tin đồn là Bích
Liên ( em thầy San) đã qua đời trong một chuyến vượt
biên năm một ngàn chín trăm lâu lắm … Nhờ Đại
hội cựu HS THĐ toàn cầu lần I, anh Minh Tâm là
người đầu tiên đã báo tin bông hoa nhỏ của
lớp còn sống, còn kèm theo địa chỉ và
email. Năm 2011, lớp đón tiếp Bích Liên về thăm
quê hương tại nhà Dương Thế Phương. Đủ mặt lớn , mặt nhỏ :
những kẻ trồng cây năm nào. Nhìn qua nhìn
lại một hồi, Bích Liên phán một câu xanh rờn
: sao không thấy Phạm Hùng Dũng ? Khi biết Dũng đã
mất tích ở Quảng Trị năm 1973, Bích Liên trầm
ngâm một hồi. Mình biết thực ra Dũng nợ Bích
Liên một lời xin lỗi. Hắn là kẻ đầu têu bày
trò quấy phá, nhiều khi hơi quá lố. Thì ra
để người ta nhớ dai, hoặc là đẹp trai, hoặc là …chai mặt.
Hoặc cả hai càng tốt.
*
* *
Tốt nghiệp Đại học Nông Nghiệp, Tân về làm việc
tại phòng Nông lâm Bến Cát chỉ một thời gian
ngắn rồi phát bệnh tâm thần phân liệt. Bạn bè
thăm viếng thưa thớt dần, chỉ thỉnh thoảng mới có người nhắc đến
trong những buổi họp lớp. Vậy mà Minh, Tổng GĐ công ty 3/2
dù công việc đa đoan, cuối năm nào cũng không
quên ghé thăm và tặng quà cho Tân,
mãi cho đến ngày bạn mất. Còn Hòa Nam
là người duy nhất dỗ được Tân cho cắt móng tay,
trong một dịp về nước ghé thăm bạn.
*
* *
Một thời niên thiếu với quần xanh áo trắng đã
xa xôi lắm rồi, một thời trung niên chìm nổi với
công danh sự nghiệp cũng đã đến cuối đường, tóc
đã pha sương và hầu hết đều đã lên chức
ông bà nội ngoại, duy chỉ có tình bạn thắm
thiết bền chặt qua bao năm thử thách như món quà
tặng của tạo hóa ban cho trong cõi nhân sinh. …
(8/2013)