HỌP BẠN THƯỜNG NIÊN
Lưu Thanh Bình


Hàng năm, cứ vào cuối thu , lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…là khóa 12 chúng tôi lại nôn nao tụ hội về Bình Dương họp bạn. Cũng như mọi năm, địa điểm họp đã ổn định thành truyền thống tại nhà Dương Thế Phương, lớp trưởng và cũng là Tổng thơ ký Ban Đại diện học sinh NK 1972-1973. Cũng có đôi lần thay đổi không khí, chuyển chỗ họp mặt sang nơi khác (như năm ngoái là Căn- tin của Sở Giáo Dục BD) nhưng đều vì những lý do bất khả kháng. Nay không còn là họp lớp B5 như lần đầu vào năm 1989 nữa mà đã mở rộng thành nhóm lớp B5, B4, và A3 thật đông vui .

Nhớ lại năm đầu tiên ấy thật bùi ngùi cảm động. Cũng tại nhà bạn Phương, đơn sơ giản dị mà đầm ấm biết chừng nào, những gương mặt khắc khổ hằn vết lo toan, tất cả đều hiểu rõ hoàn cảnh nhau dù không một lời than vãn. Hồi ấy lớp chưa có quỹ tương trợ, chưa có lệ phúng viếng tứ thân phụ mẫu, chưa có điện thoại di động để nhắn tin rủ ren, chưa có đặt đám nấu ăn theo món như đám cưới mà ai có gì góp nấy dọn hết lên như đám giổ, rượu đế dựng trong …can mười lít và không say không về. Tan họp thì nhà bạn Phương bầy hầy kinh khủng thật tội. Nghĩ thương cho ngoại, má, và bà xã bạn Phương quá. Xin thắp nén hương lòng tạ lỗi cùng ngoại và bác gái.

Ngày ấy…cơm áo gạo tiền hãy còn là bài toán khó giải. Ai cũng oằn vai nặng gánh, ai cũng vất vả mưu sinh... Vậy mà chỉ một lời xướng, tất cả đồng lòng hưởng ứng: chiếc máy bơm cho bạn H., chiếc xe lăn cho bạn K... những vật vô tri nhưng chuyên chở bao ân tình đồng môn suốt thời trung học cho đến khi vào đời, giúp xoa dịu phần nào những khó khăn, bất hạnh… Rồi những năm sau, cuộc sống đỡ khó khăn hơn, các bạn cũng về dự họp đông hơn, vui hơn và các món ăn cũng …thịnh soạn hơn. Từ hai bàn thành sáu bàn… rồi thêm số bạn B4, A3 kể cả các bạn Bồ Đề, Nghĩa Phương cùng trang lứa như Việt Hùng, Liễu Hùng, Nghị, bác sĩ Cư… cũng góp mặt đều đặn.    



Ảnh 1 : Họp bạn lần 2 (1990) tại nhà Dương Thế Phương



Ảnh 2 : Họp mặt năm 2000 cũng tại nhà anh Phương


Hơn hai mươi lần họp bạn, có thêm nhiều bạn mới nhưng cũng thiếu đi nhiều gương mặt cũ. Có bạn đã đi xa nghìn trùng, có bạn đã ra người thiên cổ, có bạn đang mắc nhiều chứng bệnh nan y. Hợp tan tan hợp là quy luật của tạo hóa làm sao cưỡng được, thôi thì ngày nào còn vui vầy đông đủ thì cứ vui ngày ấy. Những tiếng cười rộn rã, những cái bắt tay vỗ vai thân mật , những tiếng kêu mừng thảng thốt… như những hương hoa của cuộc đời giúp chúng ta thêm nghị lực vui sống, tạm quên đi chốc lát nỗi lo bận rộn xuôi ngược mưu sinh. Cám ơn tình bạn thiêng liêng cao quý, một quà tặng của cuộc sống .

Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến những bạn B5 hải ngoại: dù đi xa nhưng vẫn nhớ nhung về quê hương, bè bạn. Do đã biết trước ngày giờ họp mặt nên các bạn canh thật đúng lúc để gọi về. Cả lớp chuyền tay nhau cái điện thoại di động để luân phiên nói chuyện với Bích Liên, Có, Hòa Nam một cách hối hả, vấp váp không đầu không đuôi… Mười một giờ trưa VN tức tám chín giờ tối bên Mỹ, các bạn ấy phải bỏ dở giấc ngũ để thỏa lòng mong đợi… Rồi quà Tết phương xa cho Tân, Tiến do Bành Văn, Thể khởi xướng có cả nhân vật B5 lớp trên là anh Từ Minh Tâm tham gia… Rồi gởi tiền về đóng góp vào quỹ lớp… Ôi nghĩa tình B5…  

Có bạn thắc mắc sao danh sách lớp B5 tới …bảy chục người lận ? Thật ra nếu đủ là phải trên bảy chục. Bởi vì có những bạn vào học từ lớp đệ thất nhưng nữa đường gảy gánh vì tuổi lớn, hay có những bạn vào học từ các lớp đệ nhị cấp do chuyển từ trường khác về. Rơi rụng nhiều nhất là cuối năm đệ tứ (1970) và cuối năm đệ nhị (1972). Một số chuyển sang học Nông Lâm Súc vì ngành đó được hoãn dịch chậm thêm một tuổi. Nhớ năm đệ thất, thầy (?) sắp lớp điểm danh, nhỏ ngồi bàn đầu lớn ngồi bàn chót, kêu Nguyễn Văn Hùng thì ba đứa cùng đứng dậy. Cả ba đều là Nguyễn Văn Hùng ! Thầy chỉ định Hùng này là Hùng A, Hùng này là Hùng B và Hùng kia là Hùng C. Nay thì chỉ còn Hùng B nhỏ con ngồi bàn đầu đang làm giám đốc ngân hàng, còn hai Hùng kia … hùng hổ hơn thì đã chết trận rồi !       

Có hai loại học sinh in đậm nét trong trí nhớ thầy cô: một là ngoan ngoãn dễ thương, học giỏi và hai là quậy phá ngỗ nghịch. Còn lại đám làng nhàng không gây ấn tượng gì thì chỉ năm học sau là thầy cô quên tuốt. Bạn học với nhau cũng thế: có đánh nhau thì mới nhớ nhau; hoặc cùng nhau tham gia thể thao, văn nghệ trong trường, lớp thì không quên nhau được. Nên dù không gặp đã mấy mươi năm mà bạn thoáng bước vào là mình nhận ra ngay: này là Tấn điên A3 nhà ở cua hàng Gòn, này là Chín lừa B4, này là Ong Náo, Võ Văn Minh Đức… dù tóc bạn đã pha hai màu muối tiêu, gương mặt thêm nhiều nếp nhăn… Quên sao được, những buổi chiều mưa mãi mê đá banh phải đi bộ xuống Búng đón xe lam chuyến chót… Quên sao được những trận cầu ở An Mỹ, thành Công Binh, Bình Chuẩn… mà một chiếc Honda phải chở đến bốn mạng...Quên sao được buổi cắm trại toàn trường ở Vũng Tàu năm nào…

Trong bài “ Khai bút đầu xuân”  mình đã viết: “… nếu là tình bạn thực sự thì ta vui với cái vui của bạn, buồn với cái buồn của bạn…cái tôi nhỏ đi nhường chỗ  cho cái ta khiêm tốn nhún nhường…”. Mình nghĩ các bạn đều có chung tâm trạng đó nên trong ngày hội ngộ không hề có một ca nào hãnh tiến, khoe mẽ…có thể làm chạnh lòng những bạn kém may mắn khác. Kém may mắn thôi chứ chưa chắc học kém hơn, có khi còn ngược lại. Điều đó là một trong nhiều lý do làm khóa 12 họp bạn đông hơn các khóa khác. Hơn nữa, khóa 12 may mắn có một thủ lãnh tư cách, đạo đức được anh em tâm phục khẩu phục nên mọi việc đều đạt được sự đồng thuận. Ngẫm cho cùng , trường Trịnh Hoài Đức chỉ là một cái nôi về văn hóa thế mà hầu hết học sinh đều được lĩnh hội một nền giáo dục đậm chất nhân văn và một căn bản đạo đức vững chắc…   

Xem hình họp bạn, các anh nhận xét khóa 12 có nhiều công chức quá. Thuở đi học , bọn mình xem các anh lớp trên như thần tượng, nhất là các anh khóa 9, khóa 10. Các anh học thật giỏi mà chơi cũng giỏi. Các chị cũng vậy. Mình thật là ngưỡng mộ. Vậy mà khi vào đời, đa số đều phải chịu số phận không may do thời cuộc thay đổi … trong lúc các lớp kế sau vừa trưởng thành như tờ giấy trắng thì được trọng dụng ngay…. Nhớ rằm tháng giêng năm nào, nhân dịp xem cộ Bà thì bọn mình đến chơi nhà chị Vương Hoàng Phượng ở con đường Nguyễn Du (?) phía sau chùa Bà, lúc ấy mình chỉ là một chú nhóc tỳ; hay đọc bài “Oan khiên một phận người” của Hoàng Anh viết về anh Lâm Tổng Thư Ký , thủ lĩnh Nghĩa Sinh, nổi tiếng với cú liên hoàn cước, thật ngậm ngùi làm sao…

Hàng năm , cứ vào cuối thu , lá ngoài đường rụng nhiều…

(08 – 2011)