Hồn về chợ Thủ
Sean Nguyễn

Ngồi trên chuyến xe bus số một, lên xe từ tổng trạm xe Ma Các, tôi ngồi ngắm đường phố qua cánh cửa kính của xe.
Tổng trạm xe bus nằm sát biển, xa xa phía ngoài là những con thuyền đánh cá nằm lắc lư, rồi những con tàu to xác chở hàng đang neo đậu.
Phía bên kia đảo là những toà nhà cao chọc trời như muốn che luôn cả ngọn núi sau lưng.
Thành phố Châu Hải bao giờ cũng nhộn nhịp và bận rộn hơn cả người anh em láng giềng là Ma Cau.
Mùa này hoa phượng đã nở, tôi thấy hoa từng chùm, từng chùm nở đỏ rực bên kia đường ngay trước sân miếu Ma Các. Đối diện đó là viện bảo tàng Hải Dương, trông như hình con thuyền cuốn tôi vào dĩ vãng của những ngày còn ở trên đất Bình Dương.
. . . . . . . . . . . . . . . . .
Tôi nhớ Bến Đò nằm ngay ngã ba với đúng ba chiếc ghe máy đưa khách sang sông, nằm sát nhà lồng chợ Cá. Vì mỗi chiều, tôi hay cùng chúng bạn ra đó câu cá, nên có lần đứng đếm số ghe.
Tôi nhớ bên kia sông có cây phượng già, mà mỗi khi hè về hoa nở bung mình đỏ rực cả một bầu trời trưa.
Tôi nhớ chợ Đồng Hồ bị kẹp giữa hai con đường, đường Nguyễn Thái Học và đường Đoàn Trần Nghiệp.
Cái đồng hồ to có bốn mặt mà ngày còn nhỏ mỗi khi má tôi dắt đi xem cộ Bà Thiên Hậu vào ngày rằm tháng giêng, tôi thường hay nhìn lên để thầm ao ước rằng mình sẽ được đứng trên đó để coi cho thỏa thích, vì sẽ không bị chen lấn giữa dòng người đông như quân Nguyên đang ồn ào bên dưới con đường.
Rồi khi lớn lên, tôi không cần mẹ dắt đi xem nữa. Tôi quen với thằng bạn học, nhà nó nằm ngay trên con đường Nguyễn Thái Học. Lúc này chúng tôi chỉ có việc đứng trước nhà, rồi bắt chiếc ghế đẩu ra đứng lên, để nhìn cộ đưa Bà Thiên Hậu đi du hành chốn nhân gian.
Đầu đường Nguyễn Thái Học nằm ngay tay phải nhà Làng, chỗ cây Điệp già nằm ngay góc ngã ba, có tàng cây cao che phủ bóng mát, cuối con đường giáp mặt sông cũng là đường Bạch Đằng.
Chợ Thủ Dầu Một trước đây gọi là chợ Phú Cường đã được hình thành từ những năm 1838, thuộc huyện Bình An.
Đến năm 1889 tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập, chợ Phú Cường lúc này trở thành chợ tỉnh, rồi dần già đổi họ thay tên.
Chợ Đồng Hồ được người Pháp xây dựng trước vào năm 1935, và rồi ba năm sau mới khánh thành để đưa vào hoạt động.
Có thể nhiều người trẻ ở Bình Dương dễ dàng tra cứu lịch sử hình thành chợ Thủ Dầu Một trên google nhưng chắc ít có ai tra.
Có thể những thế hệ tiền bối sanh sau năm 1950 ở đất Thủ, được trãi qua tuổi ấu thơ và lớn lên ở vùng đất này, sẽ hiểu tỏ tường hơn về ngôi chợ này nhưng chắc ít có người còn hiểu.
Có thể có vài chi tiết tôi kể sẽ ít người tin, vì đó là câu chuyện tôi được nghe từ người khác kể.
. . . . . . . . . . . . . . . . .
Ít ai để ý rằng từ năm 1938, năm khánh thành chợ Đồng Hồ có bốn mặt cho tới nay, trên con đường Nguyễn Thái Học chỉ có bốn tiệm thuốc Bắc như: Thiên Ích Thọ, Thiên Thọ Đường, Thiên Đức Đường và Trường An Đường, mà thầy Khổng Lai(孔來)hơn một trăm năm trước đó đã có bài thơ dự đoán rằng:
“一土水溪生富貴
四龍百年定為天
棺木鬼麝難要改
晚市當年解出街”
Tạm dịch như sau:
“Nhất Thổ Thủy Kê Sinh Phú Quý.
Tứ Long Bách Niên Định Vi Thiên.
Quan Mộc Quỷ Xạ Nan Yếu Cải.
Mạn Thị Đương Niên Giải Xuất Nhai. ”
Câu thứ hai trong bài thơ: “Tứ Long Bách Niên Định Vi Thiên” ý nói con đường có bốn tiệm thuốc giống như bốn con rồng sẽ tồn tại cho đến hơn trăm năm. Trong số đó Thiên Ích Thọ trụ lâu nhất, với tuổi đời cũng đã gần một trăm năm.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Thầy Khổng Lai tu luyện, và ẩn thân ở chân núi Tiên Ba, thuộc thôn Long Thạch, tỉnh Phước Kiến.
Thầy Khổng Lai không nhận học trò, mỗi tháng thầy hạ sơn ba ngày, để xuống thôn trị bịnh cho dân nghèo.
Trong một lần chữa bịnh cho một cậu thiếu niên, thầy đã giành giật lại được mạng sống của cậu từ tay tử thần. Cơ duyên và cám cảnh gia cảnh nghèo hèn, đông con nên thầy đã nhận cậu thiếu niên ấy làm đệ tử và truyền nghề Y để cứu người.
Cậu thiếu niên ấy tên là Lý Đại Bằng(李大鵬).
Lý Đại Bằng bái sư học đạo, ngày ngày theo thầy lên núi tìm hái thuốc, khi thì học thuật bắt mạch chuẩn đoán bệnh, khi thì học thuật châm cứu, thuật bẻ xương, nắn gân khớp, cách bào chế thuốc và kiêm luôn cả việc nấu ăn coi sóc vườn cây thuốc, nhà cửa cho thầy.
. . . . . . . . . . . . . .
Rồi một ngày mùa đông cuối năm 1913(癸醜年)năm quý sửu, cũng là năm tuổi của thầy.
Trưa giờ tỵ hôm đó, thầy Khổng Lai đang sắt thuốc trong bếp thì có một toán lính mật của triều đình dưới trướng Viên, vào tận nhà bắt thầy đi. Vì trước đó thầy là một trong những thành viên chủ chốt của cuộc khởi nghĩa Hoàng Cương xảy ra sáu năm trước tại Triều Châu.
Lý Đại Bằng tuy là một thiếu niên thất học từ bé, nhưng với tố chất thông minh có sẵn. Sau ba năm theo thầy học y thuật, thì cậu cũng đã biết khá nhiều chữ và đặc biệt là cậu nắm biết rất tỏ tường về công dụng cũng như cách thức bào chế của các loại thảo dược nơi thâm sơn cùng cốc.
Hai bài thơ mà thầy tặng cho cậu học trò Lý Đại Bằng ba năm trước cho đến nay có một bài đã ứng nghiệm.
Đó là bài thơ đầu tiên thầy Khổng Lai đã đọc cho cậu nghe từ hồi mới theo thầy về núi Tiên Ba.
“雪山三節白花開.
此日師徒百年離”
Tạm dịch:
“Tuyết Sơn Tam Tiết Bạch Hoa Khai.
Thử Nhật Sư Đồ Bách Niên Ly”
Tạm dịch thơ:
“Ba mùa núi tuyết nở hoa.
Thầy, trò đôi ngã trăm đường chia ly. ”
Bài thơ đầu tiên ý chỉ, tính từ ngày Lý Đại Bằng theo thầy cho đến nay là ba mùa đông, cậu đã nhìn thấy tuyết rơi trên ngọn núi Tiên Ba. Rồi một ngày tuyết rơi của năm thứ ba đó, hai thầy trò sẽ trăm năm ly biệt.
Sau cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911, nhiều cuộc loạn ly xảy ra, đất nước Trung Hoa chưa bao giờ được bình yên.
Cậu Lý Đại Bằng đau xót chứng kiến người thầy Khổng Lai bị mật vụ dẫn đi, rồi biệt tích.
Cậu trở về thôn nhưng tình hình nội chiến và khởi nghĩa của những năm sau đó ngày càng trở nên ác liệt hơn, bằng những vụ giật dây, thanh trừng đẫm máu của nhiều phe phái, hội, bang. Nhất là từ khi Viên Thế Khải đột tử.
Năm 1917 tức hơn bốn năm sau ngày thầy trò ly tán, cậu Lý Đại Bằng năm ấy mười tám tuổi, cậu cùng người anh trai Cả chia tay song thân cùng sáu đứa em.
Bỏ lại quê hương, từ thôn Long Thạch hai anh em lặn lội xuôi xuống Hạ Môn, xin theo tàu buôn để dong thuyền trốn sang Đài Loan.
Mùa hè năm ấy, chẳng may trên đường sang Đài Loan thì tàu gặp một cơn bão lớn. Tàu lạc hướng, lênh đênh trên biển hơn nửa tháng trời, sau xuôi về phương nam, cập vào vịnh Nha Trang.
Người anh Cả chết vì bội thực, Lý Đại Bằng đơn độc, lẻ loi nơi đất khách quê người. Nghe bạn tàu bảo Tây Cung (西貢 tức chỉ Sài Gòn)có nhiều người Hoa sinh sống, và là nơi đất lành chim đậu, dễ buôn bán làm ăn, nên đoàn người lại tiếp tục lên tàu xuôi về phương nam.
Con tàu từ cửa Biển vào sông Soài Rạp, rồi qua Nhà Bè để đi sâu vào các con kênh được chẻ ra từ sông Mương Chuối. Đoàn người lên đất liền bắt đầu hòa nhập, tìm kế sinh nhai nơi vùng đất mới.
. . . . . . . . . . . . . . .
Cậu Lý Đại Bằng lang thang trên đường phố Sài Gòn, và trãi qua nhiều nghề để kiếm sống.
Trong một lần được lái buôn thuê bốc vác hàng từ ghe lên bờ ở bến sông, Cậu ngửi thấy và biết đó là hàng thảo dược được chở từ Trung Hoa lục địa sang.
Cậu dò hỏi, sau lân la tìm đến phố bán thảo dược, nay là đường Hải Thượng Lãn Ông.
Rồi rốt cuộc cậu cũng may mắn tìm được một công việc chuyên nghề tay phải của mình mà cậu đã học được từ người thầy Khổng Lai. Đó là nghề theo phụ bưng bê, sắt thuốc, chia thuốc. . . . . cho chủ nhà thuốc.
Sau mười năm dành dụm tích góp, cậu Lý Đại Bằng năm nào nay đã thành ông Lý.
Ông Lý nay muốn lập nghiệp ở một vùng đất mới và dắt theo gia quyến là bà Lý cùng hai cô con gái sinh đôi, vừa tròn ba tuổi.
Nhớ tới bài thơ thứ hai của thầy Khổng Lai năm nào. Ông Lý cầm bút mực ra viết để phân tích và rồi ông chợt giật mình khi nhận ra rằng trong bài thơ có nhắc tới vùng đất mà ông sẽ lập nghiệp và thành danh.
“一土水溪生富貴
四龍百年定為天
棺木鬼麝難要改
晚市當年解出街”
Tạm dịch như sau:
“Nhất Thổ Thủy Kê Sinh Phú Quý.
Tứ Long Bách Niên Định Vi Thiên.
Quan Mộc Quỷ Xạ Nan Yếu Cải.
Mạn Thị Đương Niên Giải Xuất Nhai. ”
“土龍木市”Thổ Long Mộc Thị, chữ thứ hai của bốn câu thơ trên ý chỉ tỉnh lỵ Thủ Dầu Một cách Sài Gòn không xa, và cũng là nơi có con sông chạy dọc theo ngôi chợ tỉnh, như câu đầu của lời tiên đoán trong bài thơ:
“Nhất Thổ Thủy Kê Sanh Phú Quý”
Tạm dịch:
“Nước Non Phú Quý Trời Ban Lộc”
Nếu xét về mặt phong thủy lẫn tuổi tác thì khá trùng khớp và hợp với mạng của ông.  “Bình Địa Mộc”(平地木)vì ông sinh năm Kỷ Hợi(已亥).
Bình Địa Mộc tức đất bằng sinh cây cao, trời sinh khí, nhân sinh phú quý, vạn niên vinh phú.
Còn ba câu thơ còn lại ông suy nghĩ hoài cũng không ra, nên ông tạm gác lại sang một bên để lo việc an cư lập nghiệp nơi vùng đất mới.
Ông Lý mua lại một căn nhà nằm trên dãy phố được xây sẵn của một thương nhân Hoa Kiều.
Căn nhà nằm gần bến sông, có ghe tàu neo đậu theo mạch phong thủy, mặt tiền trước mặt là chợ, sau lưng nhà cũng dựa thế trên một ngọn đồi cao có nhiều cây Dầu cổ thụ.
Một buổi sáng mùa xuân năm 1930 tiệm thuốc Bắc của ông Lý được khai trương, đây cũng là tiệm thuốc Bắc đầu tiên và duy nhất ở chợ Thủ Dầu Một thời bấy giờ, năm ấy ông Lý ba mươi mốt tuổi.
Năm 1935 người Pháp cho xây chợ Đồng Hồ, mãi đến ba năm sau mới đưa vào khánh thành và hoạt động, cái đồng hồ cao cao có bốn mặt, mà mỗi khi ngước nhìn lên thì trong lòng ai nấy cũng thấy vui sướng, vì cảm thấy tự hào, bởi đó là một diện mạo mới của chợ Thủ.
Tiệm thuốc Bắc của ông Lý vốn dĩ đã thịnh, nay càng mua may bán đắc hơn.
Thuốc Bắc theo ghe, tàu từ Sài Gòn lên , hoặc những cây thuốc có sẵn của địa phương cũng được chất lên ghe từ Dầu Tiếng, xuôi dòng sông Sài Gòn rồi cập bến Bạch Đằng, để giao thảo dược cho tiệm của ông Lý. 
Chỉ trong khoảng thời gian chưa tới mười năm, ông Lý mua thêm một dãy phố tám căn nhà, con số tám (八)mà ông rất thích vì mang ý nghĩa là “Phát”(發)nằm trên con đường phía bên kia chợ Đồng Hồ, nay là đường Đoàn Trần Nghiệp.
Ngoài ra, bà Lý cũng mua thêm hai căn nhà liền kề nhau, nay là đường Hai Bà Trưng, để làm của hồi môn cho hai cô con gái song sinh, mặc dù năm ấy hai cô chỉ hơn mười tuổi.
Nhưng ở đời có mấy ai hưng thịnh, hạnh phúc tam đại?
“人生何有三代.
永富在世, 名路平安. ”
Tạm dịch:
“Nhân Sinh Hà Hữu Tam Đại.
Vĩnh Phú Tại Thế, Danh Lộ Bình An. ”
Tạm dịch suông nghĩa thơ:
“Nhân Sinh Trong Cõi Cuộc Đời.
Ba Chìm Bảy Nổi Phận Thời Đổi Thay. ”
Nhớ lời người thầy Khổng Lai đã dày công dạy dỗ năm nào, ông Lý Đại Bằng trước tu thân hòng tích đức, sau cùng đồng hương tham gia và sáng lập ra bốn bang hội người Hoa trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một, với mục đích tương tế giúp đỡ người nghèo, lập trường học dạy chữ miễn phí, xây chùa miếu, phụng thờ các vị danh nhân, tướng tài có công khai phá một cõi miền Nam.
Mỗi tháng ba ngày từ mồng một đến mồng ba, ông Lý phát thuốc và khám chữa bịnh miễn phí cho dân nghèo trên địa bàn và lân cận.
Lúc này bà Lý cũng đã sanh thêm cho ông ba cô công chúa nữa, tạo thành Ngũ Long Công Chúa, hạnh phúc viên mãn. Nhưng ông Lý cũng có đôi chút ưu buồn vì ông cần thêm một người con trai nối giỏi.
Trên địa bàn chợ Thủ bấy giờ cũng lần lượt mọc lên thêm ba tiệm thuốc Bắc nhằm tạo ra sự cạnh tranh, phá vỡ thế độc quyền. Mặc dù vậy, cái tiệm đầu tiên từ bến sông Bạch Đằng đi lên phía bên tay trái của ông Lý vẫn đông khách nhất.
Ông Lý bấy giờ mới suy tiếp ra được câu thơ thứ hai của bài thơ mà thầy Khổng Lai đã đọc tặng ông.
“四龍百年定為天. ”
“Tứ Long Bách Niên Định Vi Thiên”
Ý nói con đường có bốn tiệm thuốc giống như bốn con rồng sẽ tồn tại cho đến hơn trăm năm.
Vào một ngày cuối tháng Chạp của năm Giáp Thân, bà Lý hạ sanh cho ông một cậu con trai khôi ngô, chẳng khác gì bản sao của ông Lý.
Ông đặt tên là Lý Vxxx Pxx với mong muốn sau này cuộc sống của con trai ông sẽ sung túc giàu có, và làm vinh danh ông bà tổ tiên.
Bây giờ ông mới cảm thấy thật viên mãn và hạnh phúc, mặc dầu rằng mấy năm nay kinh tế giảm sút gây khủng hoảng bởi sự ảnh hưởng thông thương do Đệ Nhị Thế Chiến.
Đến năm 1945 nạn đói khủng khiếp xảy ra ở miền Bắc làm hơn hai triệu người chết, dân tình đói khổ bệnh tật xảy ra khắp nơi trên cả nước. Lúc này ông càng ra sức, ra tiền của để cưu mang cứu đói dân nghèo. 
Mùa đông năm 1953, gần mười năm trong khoảng thời gian khó khăn, cuộc sống nay cũng dần ổn định và hưng thịnh hơn trước, nhờ tu thân tích đức mà cả gia đình ông vẫn được bình an qua giông tố và biến động của xã thế đương thời.
Rồi một chiều nắng đẹp, ông Lý đi dọc bờ sông Bạch Đằng để nhìn cảnh vật, ông nhớ quê hương, nhớ những ngày cùng thầy Khổng Lai leo lên ngọn núi Tiên Ba để tìm hái thuốc. Người thầy với khuôn mặt phúc hậu đã dạy dỗ và truyền Y thuật cho ông.
Ông nhớ song thân cùng sáu đứa em còn lưu lại chốn quê nhà ở thôn Long Thạch, không biết giờ sống chết ra sao?
Ông nhớ người anh trai Cả, sau nửa tháng trôi dạt lênh đênh trên biển, để khi tàu cập bến thì đói quá, vừa ăn vào đã bị bội thực nằm lăn ra mà chết. Nắm mồ cũng được chính tay ông đào, đắp chôn sơ sài ở bãi biển tỉnh Nha Trang.
Ngoài bờ sông, nắng chiều lấp lánh soi trên con nước lớn như trăm ngàn hạt lựu long lanh sáng. Những con tàu tha hương nằm neo đậu để chờ thương lái đến thu mua, rồi ngày mai chúng lại được trở về với bến quê.
Hàng cây Dương, cây Đa li ti xanh lá rũ bóng bên bờ sông, trong khi bọn trẻ nhỏ tranh nhau nhảy từ trên bờ xuống, để ngụp lặn bơi lội, giống như những con vịt con không cần có mẹ.
Chợ chiều lai vãng khách nghèo, Kẻ bán còn đôi ba gánh hàng từ trên quê chở xuống chưa bán hết, giờ lại chất lên xe ngựa, xe bò để chở về lại.
Cứ thế những chuyến xe ngựa, xe bò đi về rồi khuất bóng ngay góc ngã ba nhà ông tỉnh Trưởng.
Hàng cây Sao, cây Dầu cổ thụ mùa này chưa ra hoa, nên chẳng có những chiếc chong chóng xoay xoay nhưng cũng đủ buồn trong đôi mắt ngấn lệ của kẻ tha phương.
Rồi chiều hôm ấy ông Lý nghe mệt trong người, ông cảm thấy không khỏe nên sau bữa cơm chiều, ông vào buồng nằm để đi ngủ sớm.
. . . . . . . . . . . . . .
Thầy Khổng Lai cưỡi trên lưng con chim Hạc trắng, tay cầm cây phất trần, ba lần thầy vung cây phất trần đánh xuống đầu con chim Hạc, thì cái đầu con chim Hạc hoá thành cái đầu của con Rắn Hổ đang phình mang, rồi thầy cưỡi con Hạc đầu Rắn đạp mây trắng bay về trời mà không nói gì.
Ông Lý nhìn cái đầu chim Hạc phút chốc bỗng hoá đầu Rắn khiến ông giật mình, nhưng đến khi thầy Khổng Lai cưỡi mây đi rồi thì ông chạy theo và kêu lên.
“Thầy ơi! Thầy ơi, xin Thầy đừng bỏ con. ”
“Xin Thầy đừng bỏ con!”



Sáng hôm sau, ông Lý ngã bệnh, nằm trên giường, trán ông lấm tấm mồ hôi. Từ dưới bếp bà Lý nấu xong nồi thuốc, rót ra một chén bà đem vô phòng ngủ nơi ông đang nằm.
“Anh uống đi, anh cứ nằm nghỉ ngơi cho lại sức, anh đừng suy nghĩ nhiều. Mọi việc đã có em và người làm lo. ”
Bà Lý cứ tưởng ông chồng bận rộn với việc khám chữa bệnh, rồi buôn bán thuốc, họp hội trong Bang cứu tế, dạy học. . . . . vất vả lâu ngày sanh bệnh cảm mạo.
Bà đâu biết rằng sau đúng bốn mươi năm, tính từ ngày hai thầy trò ly tán trên núi Tam Ba, thôn Long Thạch. Nay thầy Khổng Lai hiện về trong giấc mơ để gặp ông và báo điềm, mà ông còn chưa biết đó là điềm lành hay điềm dữ.
 
Ông Lý nằm nhà nghỉ ngơi một hôm thì khỏe lại sức, nhưng trong đầu ông lúc nào cũng muốn tìm hiểu và giải mã cho bằng được giấc mơ ấy.
Ông linh cảm đây không những là giấc mơ bình thường, vì đã gần bốn mươi năm nay rồi, bây giờ thầy Khổng Lai bỗng nhiên hiện về để gặp ông. Rồi ba lần Thầy dùng cây phất trần để đánh lên đầu con chim Hạc, sau đó đầu con chim Hạc bỗng hoá thành đầu con Rắn Hổ mà không phải là đầu một con vật nào khác?
Ông Lý lấy bút ra mài mực, rồi viết ra giấy hai câu thơ cuối trong bài thơ của thầy Khổng để tìm ra lời giải đáp.
“棺木鬼麝難要改
晚市當年解出街”
Tạm dịch như sau:
“Quan Mộc Quỷ Xạ Nan Yếu Cải.
Mạn Thị Đương Niên Giải Xuất Nhai. ”
Ngồi ngẫm nghĩ suy diễn cả ngày, rồi tra đi tra lại các chữ Hán, lẫn các mốc thời gian của cuộc đời, lúc này ông chợt rùng mình khi phát hiện ra rằng, câu thơ thứ ba như báo trước một điều không lành.
“棺木鬼麝難要改”
“Quan Mộc Quỷ Xạ Nan Yếu Cải”
“Quan Mộc” rõ ràng là ý chỉ cỗ quan dùng để chôn người chết.
“Quỷ Xạ” hai chữ này mới là then chốt của cả hai câu thơ sau, nhưng khó giải thích vì chẳng lẽ ông viết sai? Bởi do ngày xưa ông chỉ nghe thầy Khổng Lai đọc cho ông nghe mỗi khi hai Thầy, Trò lên núi hái thuốc, mà chưa từng thấy Thầy viết ra thành chữ.
Hai chữ “Quỷ Xạ” này ông nghi nghờ có lẽ là một thứ vong ma, quỷ ám nào đó có liên quan đến loài Cầy Hương (麝香:Cầy Xạ Hương)
“Nan Yếu Cải” tức nghĩa là khó giải trừ, giải tà, giải nguy nan nhưng không có nghĩa là không trừ giải được vì còn câu thơ cuối chỉ ra cách hoá giải đó là câu:
“晚市當年解出街”
“Mạn Thị Đương Niên Giải Xuất Nhai. ”
Câu này tương đối dễ suy ra nghĩa là:
“Năm gặp tam tai, gặp nguy hiểm đến tánh mạng thì có cách hoá giải là, khi trời tối đỏ đèn thì không nên bước chân ra đường, để tránh họa sát thân. ”theo ông Lý là vậy.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Ông Lý nằm cả đêm suy tư, tay gác lên trán.
Ông không sợ chết, vì tuổi ông đã hơn ngũ tuần.
Ông chỉ sợ các con của ông còn nhỏ, nhất là đứa con trai Út năm nay vừa tròn mười tuổi và chúng sẽ trở thành gánh nặng cho bà Lý, mặc dầu tài sản hai vợ chồng ông tích góp, sẽ đủ nuôi các con cho tới ngày chúng trưởng thành.
Ông Lý quyết định sáng hôm sau sẽ lân la sang nhà ông Tạ Tiêu, người bạn tri kỉ quen biết từ ngày ông dắt gia đình về đất Thủ lập nghiệp, ông Tạ Tiêu rất có uy tín cũng như sức ảnh hưởng trong bốn Bang hội người Hoa, ông đang giữ chức vụ trưởng Bang Cứu Tế Hội Quảng Đông, nơi ông Lý tìm đến để nhờ sự giúp đỡ.
. . . . . . . . . . . .
Nhà ông Tạ Tiêu nằm gần bến Xe Ngựa, căn nhà gỗ cổ, mái ngói đỏ có ba gian, trước sân có trồng cây khế hơn trăm năm tuổi.
Ông Tạ Tiêu có khuôn mặt vuông vứt, chân mày rậm, tóc ông bạc trắng vì tuổi đã gần thất tuần.
Ông Tạ Tiêu tuy lớn tuổi hơn ông Lý nhưng vẫn xưng tôi gọi thầy. Hai người ngồi uống trà nơi chiếc bàn gỗ có đặt bốn cái ghế nhỏ nằm dưới bóng râm của cây khế.
Nghe xong câu chuyện và xem qua bài thơ ông Tạ Tiêu đưa mắt nhìn trời rồi phán.
“天定生死日, 人定智勇謀.
天機不可露, 露出避免敗. ”
Tạm dịch:
“Thiên Định Sinh Tử Nhật,
Nhân Định Trí Dũng Mưu.
Thiên Cơ Bất Khả Lộ,
Lộ Xuất Tị Miễn Bại. ”
Dịch nghĩa:
“Trời Định Ngày Sinh Tử,
Người Định Trí Dũng Mưu.
Thiên Cơ Bất Khả Lộ.
Lộ Ra Khó Tránh Bại. ”
“Thầy với tôi,  tình tri kỉ đã hơn hai mươi năm. Thầy đem câu chuyện riêng tư mà Thầy ấp ủ đã bốn mươi năm kể ra đây, thì tôi rất lấy làm quý trọng, vì Thầy đã tin tưởng. Nhưng tài trí tôi chỉ như con chim sẻ đang đậu trên cành khế kia, chứ chẳng hơn Thầy bao nhiêu. Ở chỗ thâm giao tôi giới thiệu cho Thầy đi lên xóm Gò Cầy kiếm nhà ông Trần Tam để nhờ giải nghĩa. Học vấn và kiến thức của tôi mà so với ông Trần Tam thì như chim Sẻ đem so với Diều Hâu. ”
Rồi ông Lý như được mở cờ trong bụng vì sắp tìm được quý nhân. Ông Lý hỏi tới:
“Vậy ông Trần Tam là ai? tuổi tác bao lớn ? người như thế nào? ”
Ông Tạ Tiêu tay nâng tách trà, mắt sáng long lanh nhìn lên cây khế rồi nói:
“Ông Trần Tam tuổi cũng thất tuần, là cháu đời thứ tư của tướng Trần Thượng Xuyên, xưa kia nhà ông bà tổ tiên ở Nông Nại đại phố sau chạy giặc Tây Sơn nên trốn về qui ẩn đất Phú Cường. ”chưa dứt câu ông Tạ Tiêu tiếp lời.
“Thầy có nhớ trận lụt Nhâm Thìn tháng mười năm ngoái không? ”
“Dĩ nhiên là tôi còn nhớ chứ, nhờ thầy Tạ đây mà cả gia đình tôi tránh được cơn đại họa”
Nói đoạn ông Tạ Tiêu phất tay:
“Không, cái công ấy tôi không dám nhận. Vào ngày rằm tháng tám năm ngoái, trước trận đại hồng thủy hai tháng thì chính ông Trần Tam đã báo cho bốn Bang người Hoa biết trước trận lụt, sau chúng tôi mới bẩm với Ngài Tỉnh Trưởng biết để mà di dời dân làng cùng tài sản chạy lên vùng đất cao. Nhưng sau đó thì người Pháp lại nhận công đầu”.
Trước khi ông Lý ra về, ông Tạ Tiêu bỏ nhỏ bên tai một câu.
“Ngài mai đúng giờ Tỵ thì thầy hãy đến tìm ông Trần Tam, nhớ rằng đúng giờ Tỵ nghe Thầy”
Đơn giản vì ông Trần Tam xưa nay chỉ tiếp khách vào giờ Tỵ. . . . . .

Sáng hôm ấy trời nắng lên cao lắm,  dưới bóng râm của hàng cây dương trồng cạnh mé bờ sông,  ông Lý đi bộ lên tới cầu Ông Kiểm,  rồi cứ nhắm một đường mà đi thẳng lên cái ngã ba. 
Bên tay trái ngã ba có một ngôi Miễu mà người Pháp cho xây dựng từ sau năm 1920.  Rồi bên tay phải là con đường đi hướng thành Quan,  cái xóm Gò Cầy nằm giữa con đường tắt ăn thông qua Chánh Mỹ nối thành Săng Đá.
Ông Lý tìm đến nhà ông Trần Tam để nhờ giải thích tường tận nỗi nghi vấn.
Nhà ông Trần Tam xây cất đơn sơ,  trước ngõ có hai gốc cây dầu cổ thụ,  phía sau nhà lú lên khóm tre cao có thể nhìn thấy từ ngoài đầu ngõ,  nơi có hàng cây gai,  cây bụi làm rào che chắn.
Khi ấy là vào giờ Tỵ,  ông Lý đứng trước nhà kêu.
“Xin cho hỏi Thầy Trần có ở nhà không? ”
Vừa dứt lời thì cánh cửa gỗ chính trước nhà mở toang,  đó là một cụ ông tóc bạc,  lưng tôm,  nhưng đôi mắt sắc như dao,  trán cao mày đậm,  sắc thái thần khí lắm,  tố chất không hổ danh con cháu tướng Trần Thượng Xuyên.  Ông Trần Tam mỉm cười rồi cất lời,  giọng nói ấm và thanh khiết của kẻ cơ trí hơn người.
“Dạ! Xin mời Thầy vào nhà uống trước ly trà!”
Dường như tất cả được chuẩn bị sẵn để chờ ông Lý đến thăm.  Từ bình trà hoa nhài với hai cái ly bằng sứ,  cho tới dĩa trái cây,  rồi bàn cờ tướng thế song mã ngũ hành chưa phá xong nằm kế bên.
Sau khi cả hai cùng ngồi nơi phòng khách trong căn nhà gỗ cũ,  trên tường treo toàn câu đối chữ Hán và vài bức tranh phong thuỷ vẽ tay.  Nhưng ấn tượng nhất là tấm họa hình một ông Tướng thân cao tám thướt,  tay cầm thanh giáo dài ba trượng chĩa về hướng người nhìn,  mà ông Lý nghĩ thầm trong bụng có lẽ là bức họa hình của danh tướng Trần Thượng Xuyên.
Rót ly trà mời khách xong thì ông Trần Tam hỏi.
“Dạ! Hân hạnh đón tiếp Thầy Lang Lý ghé chơi,  xin cho hỏi Thầy Lang Lý kiếm tôi có việc? ”
Ông Lý sững sờ vì tại sao ông Trần Tam lại biết tên mình và còn biết ông hành Y,  mặc dầu cả hai chưa một lần gặp qua. Ông định bụng chắc do ông Tạ Tiêu báo cho ông Trần Tam biết.
Ông Lý mở lời bày tỏ:
“Thật tình,  hôm nay tôi đến đây là có một nỗi khúc mắc trong lòng chất chứa đã lâu, mà tự mình kiến thức nông cạn không thể giải thích rõ,  nay được bạn tri âm là Ông Tạ Tiêu giới thiệu qua kiếm Thầy Trần,  kính mong Thầy gỡ mối tơ lòng. ”
Nghe qua câu chuyện,  giấc mơ ba hôm trước và bài thơ của thầy Khổng Lai qua lời kể của ông Lý,  lúc này ông Trần Tam đứng dậy chấp hai tay sau lưng đi tới đi lui rồi nhẹ giọng nói.
“Trời cho ta ngày sinh,  Đất cho ta ngày tử,  bài thơ của thầy Khổng Lai đi ngược với vận mệnh xoay chuyển càn khôn,  vì đã báo rõ năm mất của Thầy Lang Lý đây!”
Nghe ông Trần Tam nói chưa dứt câu thì ông Lý giật mình,  tay rung rung,  tim ông đập mạnh.
“Hai chữ Quỷ Xạ trong bài ý chỉ xóm Cầy,  vì trước đây khu này rừng hoang,  đồi vắng,  nhà cửa lưa thưa,  Cầy Hương rất nhiều,  nên được gọi là Xóm Cầy. ”
Ông Lý lúc này thắc mắc nên buột miệng hỏi.
“Thưa Thầy Trần,  vậy năm tôi mất là năm nào? ”
Ông Trần Tam trầm ngâm rồi bảo.
“Năm Thầy Lang Lý mất chính là năm nay!”
Ông Lý nghe xong sắc mặt tái xanh,  tay chân bủn rủn,  ngồi trên chiếc ghế gỗ tựa lưng vào vách nhà mà không một chút sức lực,  người ông cảm thấy nhẹ tênh.
Thầy Trần Tam nhìn ông rồi trấn an nói:
“Tôi sẽ giải thích cho Thầy Lang Lý đây tỏ tường trước.  Hai chữ Quỷ Xạ (鬼麝)trong bài thơ còn có nghĩa trùng âm khi đọc là Quý Xà (癸蛇).  Năm nay 1953 nhằm năm Quý Xà.  Rồi giấc mơ thầy Khổng Lai hiện về cưỡi trên lưng con chim Hạc với ba lần dùng cây phất trần để đánh lên đầu con chim Hạc khiến đầu nó hoá đầu Rắn,  điều này như khẳng định thêm rằng năm nay là năm mất của Thầy Lang Lý đây!”
Ông Lý như tuyệt vọng,  giọng ông rung rung đứt quãng.
“Dạ. . . . vậy. . . Thầy Trần. . . . đây biết rõ ngày nào tôi mất không? và xin thầy Trần chỉ cho cách hoá giải? ”
Ông Trần Tam tay bưng ly trà,  nhấp một ngụm rồi bảo.
“Con số ba ở đây quyết định mọi chuyện,  Thứ nhất: giấc mơ và câu chuyện của Thầy Lang Lý đây,  thì ngoài ông Tạ Tiêu và tôi ra thì Thầy tuyệt đối nên giữ kín.  Thứ hai kể từ ngày bài thơ và giấc mơ đã được hoá giải thì nội trong ba ngày tới Hắc Bạch Vô Thường sẽ tới kiếm Thầy.  Thứ ba : để hoá giải kiếp nạn này thì nội trong ba ngày tới,  khi mặt trời khuất bóng bên kia sông,  Thầy Lang Lý tuyệt đối không được bước chân ra khỏi nhà cho tới sáng giờ Tỵ hôm sau. ”
Ông Lý nghe xong câu cuối thì lấy lại thần sắc,  ông Lý trong bụng như được mở cờ,  Ông vui mừng lắm,  giờ thì nỗi khúc mắc bấy lâu nay trong lòng Ông đã được hoá giải,  Ông thầm cảm ơn Thầy Khổng Lai đã báo trước ngày mất của Ông để mà tránh nạn,  và cảm ơn ông Trần Tam với kiến thức sâu rộng đã giúp Ông giải thích tỏ tường.
Quá giờ Ngọ ông Trần Tam tiễn ông Lý ra tới tận ngõ,  nơi có hai cây Dầu cổ thụ che bóng.
Ông Trần Tam lại nói khẽ bên tai ông Lý :
“Thầy Lang Lý nhớ lời tôi dặn, sau ba ngày thì Thầy sẽ thoát khỏi họa sát thân. ”
Ông Lý khuôn mặt nửa vui nửa buồn quay lưng chấp tay cung kính nói lời cảm biệt rồi đoạn bước đi,  bóng ông Lý khuất dần sau bụi tầm vông của con đường xóm Cầy quanh co xiên vẹo.
Ông Trần Tam tay vịn cửa rào,  mắt nhìn lên trời rồi ngâm hai câu thơ:
“棺木癸蛇難要改
晚市當年解出街”
Tạm dịch như sau:
“Quan Mộc Quý Xà Nan Yếu Cải.
Mạn Thị Đương Niên Giải Xuất Nhai. ”
Dịch thơ:
“Quan Tài Chôn Xác Năm Nay.
Đêm Hôm Khuất Bóng Chớ Nên Ra Đường. ”
Nắng trưa nghiêng soi trên những cành lá Dầu,  lá tre,  rồi rũ bóng xuống con đường quanh co xanh đá,  nơi những ụ mối cao nằm xa xa trên một ngọn đồi,  thấp thoáng vài ba ngôi nhà có mái ngói đỏ âm dương,  nơi ấy là Xóm Cầy.
. . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . .
Chuyến xe bus số một đã tới trạm chợ Đỏ,  tôi bước xuống xe vào tiệm thuốc Bắc để hốt vài vị thuốc về hầm canh xương cá Sấu.
Tính tiền xong tôi bước ra khỏi tiệm,  đi vài bước thì ngoái cổ lại để nhìn ông Thầy Lang vừa hốt thuốc,  trời chiều nắng đã dần tắt.  Vài phút nữa đây màn đêm sẽ buông xuống trên con đường thành phố hoa lệ.
Tôi nhủ thầm:
“Đêm Hôm Khuất Bóng Chớ Nên Ra Đường. ”
Ma Cau một ngày nắng đẹp.
(5/2020)