Bình dương  xưa và coi hát thuật sơn đông

Lâm Quang Khải


Đám con nít thời xưa tụi này gọi là coi ‘’hát thựt xưn đông’’. Thời một ngàn chín trăm năm mươi lăm, sáu mươi , khoảng đó ( 1955-1960), lâu lâu có đoàn sơn đông mãi võ về chợ Bình dương mình, làm bà con và nhất là đám con nít rộn ràng . Đám con nít tụi này đi coi “Coi hát thựt xưn đông” sướng đã chỉ luôn. Những danh từ “Gánh Hát Sơn Đông”, hay “Hát Thuật Sơn Đông”  là chỉ đoàn bán thuốc “gia truyền”, xen kẻ với những màn ảo thuật hoặc biểu diễn “nghề võ” .
 Khi thì gánh hát ở chợ  đầu trên, khi đầu chợ dưới.  Chợ Bình dương mình lúc đó thì hộp chợ buôn bán buổi sáng , một hai giờ trưa là chợ ‘’giản’’  từ từ, tới ba bốn giờ chiều là trống trải rồi. Sở vệ sinh lo hốt rác, quét dọn coi khá sạch sẽ tươm tất. Chợ đông người buôn bán buổi sang hay chợ chiều trống trải, lúc còn nhỏ đó, tôi đã cảm nhận những rung động riêng tư khác nhau mỗi cảnh chợ trong lòng mình.
Sau khi thấy bà con tụ tập đông đủ, thì  người điều khiển gánh hát, và luôn có một hay hai có anh hề lập lại lời ông nói; nối tiếp là tiếng trống, tiếng chập chỏa đánh lên.
 “Thưa bà con cô bác  , anh hề lập lại thưa bà con cô bác    (lùng tùng , lùng tùng xèng!),   thưa các  ông  già anh hề lập lại thưa mấy ông già (lùng tùng , lùng tùng xèng!),  thưa mấy bà già … anh hề lập lại thưa mấy bà già (lùng tùng , lùng tùng xèng!),  thưa các bác …, thưa các chú … , thưa các cô … , thưa các dì  …. , thưa các anh trai …  thưa các chị gái …, thưa mấy … mấy em con nít .. mỗi lần nói như vậy luôn anh hề lập lại và trống đánh… lùng tùng , lùng…  tùng xèng!
Hôm nay đoàn hát thuật bán thuốc chúng tôi hân hạnh giới thiệu loại thuốc gia truyền trị nhức mỏi…. trống đánh lên! … lung tung, tung! lung tung, tung xà!. Cô bác nào đau cái vai …tung tung, tung! đau cái cổ … lung tung, tung! đau cái lưng … tung tung, tung! …. Các ông bà cô bác hãy mua thử về xài …tung tung, tung! không cần mua nhiều … tung tung, tung! . Coi như trước mua vui, sau làm nghĩa!  …tung tung, tung!  xà!
Các bạn có biết tiếng … xèng là tiếng hai cái chập chả vổ vào nhau, tiếng xà thì cũng vổ vào nhau mà kéo hai miếng chập chả đẩy xẹt ra ngoài.
Sau màn giới thiệu công dụng  và hiệu quả của thuốc, thì nhiều bàn tay trong đám đông cầm tiền giơ lên “bán tui hai gói”, “tui một gói”, … Số người mua cũng khá đông, lúc đó ông bầu  chỉ … người trong đoàn mang thuốc đến: “Bên này hai gói” trống đấnh lên... lung tung, tung! này anh ba, “bên kia một gói!” lung tung, tung! này anh năm, hoặc “bên nây mua!”, “bên kia mua!”.… lung tung, tung! Nghe sao mà vui và đã cái lổ tai quá!
Sau màn bán thuốc là màn biểu diễn “nghề võ” (hoặc  hát thuật); đây cũng là màn mà bọn trẻ chúng tôi mong đợi! Với múa đao, múa thương loang loáng; thanh sắt kê vào ngực, rồi ngực chịu lại để bẻ cong thanh sắt lại, chứng tỏ là ngực cứng hơn cây sắt! hay với màn nằm trên bàn chông với mấy tảng đá chồng lên ngực rồi cho một người dùng búa tạ đập lên, khiến ai cũng le lưỡi, lắc đầu.
 Và cứ một màn bán thuốc, một màn biểu diễn “nghề võ” xen kẽ nhau.
Thuốc bán thì thường là thuốc nhức mỏi, thuốc điều hòa kinh nguyệt, thuốc xổ lải, thuốc đau răng, thuốc ho, thuốc dán hiệu con rắn, thuốc cảm mạo…. Và thương hiệu và nhất là “thuốc xổ lải mộng dừa” , kể lại bà con đừng có ớn nhen. Người điều khiển chương trình lựa một số em( có  bụng bư bự) cho uống thuốc xổ lải “biểu diển”. Các em biểu diển viên, tuột quần ngồi…đưa cái đít ra, vừa ăn kẹo “chơi”. Khoản mươi mười lăm phút sau, từ lổ đít mấy em ra một nùi lải, lải kim , lải đủa…coi thấy mà ghê. Bà con vổ tay nhiệt liệt hoan hô.
Xong màn biểu diển, tới cái màn đi xin tiền, chổ này là chổ vui nhất đây. Họ dẩn một con khỉ, có mặt áo xanh xanh đỏ đỏ đàng hoàng, tay cầm cái nón, đi xin tiền!  mấy em con nít gái thì thích mục này nhứt, vì con gái có khoái coi màn đánh võ đâu.
 Riêng cái gánh hát thuật Sơn Đông bán dầu cù là MatSu ( dầu cù à hiệu con voi) gây cho tôi chú ý nhất, được xem con voi, Vì quá khoái và thương  voi nữa, tôi  đi lượm những khúc mía , vạt bỏ của bà bán mía trước nhà, đem lại cho con voi ăn. Mấy người lớn thì cho thưởng voi những cây mía, mấy nảy chuối xâu xấu, mà họ mua. Đoàn hát với con voi này ở một hai ngày gì đó rồi cuốn gói ra đi .
Con voi và chú nài xuống bến đò, ở chợ cá  và voi lội qua bên kia sông … tôi dòm theo riết, khi con voi bị cái chợ cá làm khuất mắt, tôi vội chạy qua khỏi tiệm Hiệp Thành, để dòm tiếp. Lúc này voi đã lội hơn nữa dòng sông. Khi đến bờ bên kia, voi sấn rấn một chút rồi đi về hướng Hốc Môn mất khuất, để lại ở lòng tôi bao nhiêu thương tiếc và nhớ.
Có một  thứ tôi cũng ‘mê’ lắm và nhớ mãi là đoàn “hát thuật” hộp biến giấy ra tiền . Người làm hát thuật bỏ một  tờ  giấy vào một hộp khối hình vuông , đậy nắp kín lại,  đọc vài câu thần chú,  gõ gõ mấy cái vào hộp rồi mở ra, thì lạ chưa? Một hai tờ giấy bạc một đồng, hai đồng  cáu cạnh nằm dưới đáy hộp!  và sau đó cứ bỏ giấy vào, đóng hộp lại và mở hộp ra…và lấy  tiền. Tôi ước phải chi mình  có hộp này biến ra tiền, có tiền mua bánh và ăn mì, ăn nước đá đậu đõ đã luôn.
Một vài năm sau khi lớn lên, tôi cũng bắt chước và làm được cái trò này, mấy người bạn coi, họ khoái lắm.
Hoặc cái màn coi chóp bóng trong “cái thùng”. Một cái thùng kín bằng thiếc, chiều ngang hơn một thước rưỡi, chiều dài hơn hai thước, cao gần một thước. Thùng này để trên một cái xe ba bánh. Ta tạm gọi đó là một rạp chiếu bóng nhỏ. Xung quanh thùng có khoét từng hai lỗ nhỏ một, và có đánh số thứ tự , ai trả tiền thì đặt hai mắt vào hai lổ đó mà coi chiếu bóng. Mỗi ‘’xuất’’ như vậy có khoảng năm hay sáu khán giả coi.
Hát thựt xưn đông (hát Thuật Sơn Đông) đến chợ Bình Dương  của  mình trong khoảng thời gian từ năm 55 đến năm 60, thời gian không dài, nhưng để lại trong lòng chúng tôi những kỷ niệm êm đềm khó phai.
Còn chuyện đi coi chóp bóng trên nhà việc Phú Cường, tức là nhà làng , mí lị  đi coi mô tô bay, …  từ từ kể bà con nghe sau nhen.
08.06.2015.

****

Bình Dương chợ Thủ xưa và … Đèn ba ngọn.

Lâm Quang Khải


Xưa thì cảnh như trong hình này, cái cột như cột chơi bóng rổ đó . Sau đó thì người ta xây một “cột đèn đường” chính giữa một cái nền cao cao và tròn bằng xi măng, đường kính khoảng năm sáu thước, mà dân Thủ mình gọi là đèn ba ngọn, vì một cột đèn mà phần trên có ba ngọn đèn. 
Xin mời các bạn cùng tôi dạo bước vào tấm hình ngày xưa đó.
Xưa, ta nghe:
Đèn Sai gòn ngọn xanh ngọn đỏ,  đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu.
Em về em học chữ nhu. Bốn phương anh vẫn đợi, ngàn năm anh vẫn chờ.
Nay, nghe lại như vầy.
Những thành phố em sẽ đi qua. Ðây Ba-Lê, đây Luân Ðôn, đây Vienne
 và …mỗi nơi đâu dân Việt mình, khi tản mạn bốn phương , dừng chân lại ….
Đèn thế giới ngọn xanh ngọn đỏ.
 đèn ba ngọn, ngọn tỏ ngọn lu,
 dẫu đi anh học chữ Tây,
chử Anh chử Nhật cũng là … chử nhu.
Người theo “Cảnh”… , chậu méo, chậu tròn … “thân”  đành theo vậy, méo tròn cũng ‘’chịu thôi’’. Cảnh, xứ, trần dù thay thay đổi đổi,’’ tâm’’ dân  Bình, xứ Thủ vẫn còn như xưa ...
Bà con viễn xứ đâu đâu.
Bốn phương chợ Thủ vẫn chờ, ngàn năm Bình Dưỡng vẫn đợi người về … bến xưa.
Có đâu đẹp bằng…
Ngọn đèn ba ngọn ngày xưa ấy, soi cho ta… Ta đã thấy những gì trong  tâm khảm  . Và ta đã thấу những gì trong đêm xưa, ngày củ đó?
Gió lòng sông gió sao mà nhẹ thổi, làm ánh đèn Ba ngọn ngày xưa…
Thổi đi tám hướng ngàn phương
Ngàn phương tám hướng…
 nay,
nương về chốn xưa.
Về chốn xưa, tôi dựng lại cảnh, người; bà con : nay, dòm lại… cảnh củ người xưa, nhen.
Thường thì đúng chín giờ đêm, qua cái loa phóng thanh ở đèn ba ngọn, ta nghe như vầy : đây là đài phát thanh SG, xin thông báo với thính giả, bây giờ là 21 giờ, xin bà con vui lòng vặn âm thanh vừa đủ nghe, để không làm phiền hàng xóm đang cần im lặng để nghỉ ngơi. Sau đó vài phút, thì loa phóng thanh, đầu chợ dưới, chợ trên đều tắt. Và bà con trong xóm trong làng, thường thì “làm theo ra đi- ô” dặn, là tắt âm thanh, để cho bà con nghỉ ngợi. Bà con xóm làng và chính quyền xưa, họ còn tôn trọng lẫn nhau lắm.
 Sáng thì khoảng sáu bảy giờ, (xin bà con mở bản nhạc này … để nghe âm thanh của ngày xưa khoảng một ngàn chin trăm năm mươi mấy (1955 – 1960…)
Đèn ba ngọn  sang sáng nghe loa hát  như vầy:
Rừng xanh gieo bao sức sống, ú  u  ú u
Ngàn cây xôn xao đón hương nồng
của vầng thái dương hồng
bừng lên trời Đông.
Cỏ cây vươn vai lên tiếng, ú  u  ú  u
Cùng bao nhiêu chim chóc tưng bừng
dậy sau giấc đêm dài
triền miên triền miên.
Đèn ba ngọn ban ngày cho nhạc vui tươi  để chào đón một ngày mới. (1) Và chợ Thủ Bình Dương ta, bắt đầu một ngày mới trong tiếng nhạc vui tươi đó.
Cảnh nhộn nhịp của bạn hàng nhóm chợ, ra sao ? khoan nói vội …Ta đi coi người nhàn nhã uống cà phê nhen… mùi cà phê bí-tất, bánh bao, xíu mại dà cháu quẩy, buổi sáng ở tiệm Nhơn Hòa, ( khoảng giửa chợ, đường Thái Lập Thành) ‘chửa’ uống mà đã nghe đã thơm lừng trong bụng ; Thấy dân  “khủ” (Thủ, BD) mình uống cà ‘phe’, sao mà nghe thương làm sao mà thương!  Thường thì… vì ít tiền, họ kêu một cái ly cà phê đen nhỏ. Ly cà phê bóc khói nhè nhẹ được đưa ra; tay chẩm rãi đổ ly, nước cà phê vào dĩa, ly thì tạm để trên bàn,  cầm cái dĩa … cẩn thận uống từng hớp một, để nghe mùi cà phê, để không nóng quá mà cà phê đủ ấm bụng. Tôi hay nhìn họ, vừa uống vừa “”suy tư”, khuôn mặt đâm chiêu, nghĩ  hoàn cảnh gia đình bẩn chật, hoàn cảnh khó khăn hay vận nước chinh chiến điêu tàn ?... tôi tự hỏi ở lòng mình như vậy, dù lúc đó tôi còn nhỏ lắm. Mấy đưa em tôi hay chọc tui ba cái vụ nầy. Nói ảnh uống cà phê thì phải chan vô dĩa mới húp, ngồi thì phải gát một chân thì lên ghế! , thấy ông xe ngựa, ông đạp xe ba bánh, gặp mấy ông bà già ... thì chấp hai tay xa xá (chào hỏi). Lớn lên anh đi ứng cử dân biểu chắc đắc cử đó ! .. Làm sao không thương và cảm động được, khi dòm dân quê tỉnh mình hả ? bạn.  Trưa thì tôi hay dòm mấy bà bán than  ở hàng hiên nhà Ông Đốc Phủ Đẩu ăn trưa. Họ xuống sông rửa tay sạch sẻ, bày đồ ăn trưa ra ăn. Trước, họ lấy gói rau sống đem từ nhà theo bày ra một ảng rau,đặt lên mấy lá chuối làm khăn trải, mở gói bún trắng nỏn mua ngoài chợ xóm đèn ba ngọn, xong bày mấy con mắm lóc, lấy cái bàn tay còn đen đen màu than, cầm hai ngón tay trỏ và cái vuốt mấy con mắm cho sạch chất nước và thính còn đọng quanh con mắm… từ từ xé nhỏ ra thành sợi bằng cọng đủa. Xong , bóc một nắm rau, bỏ mấy cọng bún lên, vài cọng mắm đã xé… cho vào miệng  ... nhai ăn một cách ngon lành, tui dòm mà cũng bắt thèm ! Khi thì cắn thêm trái ớt, nghe cái cốc .Thấy họ ăn vui vẻ, khác với bộ mặt suy tư của mấy ông uống cà phê buổi sáng.  Đối diện xéo chổ họ ăn, là cái đít ( đằng sau) tiệm Nhơn Hòa. Tôi hay lén lén ‘’lòn’’ vào nhà bếp của họ để coi. Họ thấy đuổi ra, thì tôi vào chổ họ chất củi phía hiên sau, mà tiếp tục quan sát dân tình. Đi hướng về bờ sông vài mươi bước,  có một cây sao già. Chổ nầy là bến xe bò, xe bò chở cám, hay gạo, ở tiệm Quảng Thành xương. Tiệm này mở cửa ngang hông để khách chở bao cám hay gạo. Đôi khi mấy xe bò này chở cát từ suối Giữa về hay vật dụng nặng xây cất. Qua mấy chục thước thì tới bến xe ngựa tại ngả ba Bạch Đằng - Phan thanh Giản. Mùi cức bò với nước đái, của hai bến bò và ngựa  có hai mùi  khác nhau, bên nồng gắt, bên nhẹ hơn ti tí; lúc nhỏ đó tui ghi nhận “gỏ gàng” như vậy .
Đi hết cái dãy nhà lụp xụp này về hướng ngược lại. thì tới vách tường cái nhà vách cao. Đối diện với cổng nhà ông Xã Tề. Tôi lòn vào phía sau , vô nhà này là lò nướng bánh mì. Lúc chưa nướng thì nghe cái mùi chua chua của bột mì ủ. Lúc nướng bánh mì, thì thơm lừng mùi bánh mì mới nướng, tiếng rao bánh mì thời đó là : Ai ăn bánh mì nóng dòn hôn?  Nghe tiếng bán bánh mì rao vang lên cả một thời xưa thân thương đó. Theo tôi biết, chợ Thủ mình lúc đó, có hai lò bánh mì, một ở đây, một ở phía hông nhà ông xã Tề với, nhà xưa của Hội Đồng Cần.
Từ lò bánh mì này, nối với  phía sau tiệm Minh Hồ,  ngang qua tiệm tôi đi lần ra phía trước chợ. Vì tôi có chơi với anh Xập Dì. Nên quen với anh chủ Mập này ( thứ tư hay sáu gì đó, tui quên) mặt anh nhân hậu hay cười xề xòa, đẹp trai và dể thương nhất trong đám con ông Đại đồng, tiệm chụp hình của BD mình.
Bánh dừa xưa kia,  ăn sao nay  vẫn thấy mùi dừa thương nhớ.
Dưới đèn ba ngọn này, người ta thì ca bản nhạc thương hoài ngàn năm, tui thì nhớ cái bánh dừa “thương”ngàn năm. Có một ông Tàu, làm bánh dừa. Ông đổ bánh trong một khuôn tròn lớn (khoảng sáu hay tám tất) hình như bằng gan thì phải. Mặt khuôn  trên ụp phần khung đổ bánh phía dưới, sau khi đổ một lớp bột phía dưới xong. Ông đổ một lớp dừa ngào đường cát vàng cho phủ líp phần bột, cho thêm một lớp bột phủ  kín lớp dừa lại, đậy nắp và nướng . Xong, mở nắp phần trên ra, cắt ra làm sáu hay tám phần rất đều và khéo. Mỗi miếng cắt ra hình tam giác . Vì bột pha với đường vàng, nên bánh cắn vào miêng nghe được vị hơi ngọt mà xơm xớp của bột mì, vị ngọt của dừa ngào đường cát vàng, cả hai “ nghe” vị ngọt, sốp mà beo béo, cả hai trộn lẫn vào nhau,…sướng và nghe đã tới vài chục năm sau, ...vẫn còn nhớ đến bây giờ đó bạn ơi ..!. Thằng nhỏ phải xấp hàng chờ, vừa đợi vừa coi nên … ăn đã lắm. Lúc bánh mới ra lò , vì còn nóng phải vừa ăn vừa thổi, ngon sao là ngon. Ông làm bánh, bán cho mấy người đứng đợi xung quanh đó, rồi đi giao bánh cho bạn hàng gần đó ăn. Về sau tôi không thấy ông bán nữa, và bánh dừa này sao tuyệt tích giang hồ luôn, tiếc sao là tiếc.
 Quanh đó có hàng bán xôi, bắp ngon cũng khá ngon. Tôi ghi nhận là cái …’’vị’’ nhẹ nhàng của làng quê. Không như  gian hàng xôi và bánh ngọt có vẽ “sang  và khéo hơn”  của Bà Giáo Thọ, phía bên kia hông(giữa) chợ, Bà bán xôi đủ loại: xôi lá dứa, lá cẩm, bên dưới lót một miếng bánh phồng, trên mặt chan một ít nước cốt dừa, đậu xanh cà, vài sợi dừa nạo phất phơ, rắt đường cát vàng và cho thêm một ít mè. Ăn một gói , “nghe cái cái kheo khéo” của Bà Giáo,. Ngoài xôi ra, bà  Giáo còn bán các thứ  bánh: bánh bèo ngọt, bánh qui, xôi vị, bánh dừa( bánh bột nếp, nhưng đậu xanh lại ăn với muối mè đường). 
 Nhớ tới đây tôi nhớ lại đứa em sáu tuổi của tôi, sáng hỏi em muốn ăn gì, nó trả lời bắp nặng bặp, hoặc xôi bà giáo hay xôi ở cột đèn ba ngọn.
Khác với cái “mộc mạc” của dì Tư, thím Tám.. bên nây chợ, xóm bình dân dưới đèn ba ngọn, tôi hay lân la lại mấy bà bán bánh qui, bánh qui mềm mềm deo dẽo, trên núm có  một chấm đỏ. Nhưn đậu xanh, nhưn dừa nạo thơm ‘’mùi dừa’’,  cắn nhẹ ăn nghe mềm trơn dẽo dể nuốt. Sao tôi vẫn thích mấy món này, nghe có mùi xóm làng quê Mỹ Hảo Bến Thế của tui. Rồi  bánh thuẩn một loại giống như bánh bông lan, hình như làm bằng hột vịt, có cái vị riêng của nó;  bánh cúng bánh cấp, xội vị, cơm rượu ... Mỗi lần có giổ quảy, Bà Nội tôi hay ra đây mua bánh cấp bánh cúng . Ăn “đám giổ” đồ mặn xong, tôi vẫn khoái nếm những bánh ngoài chợ nầy.
Rồi đi dạo tiếp, coi bán mắm của mấy bạn hàng bán nhỏ nơi đây, trên đường Thái Lập Thành nầy, thay vì lại mấy vựa mắm trên nhà sàn phía bờ sông, Tôi khoái món cá lốc mắm “xổi” nơi đây lắm. Tôi lại lân la coi họ bán  măng chua, với lại cây môn, cây móp làm chua , gọi là dưa móp ...v... v.
Trời về xế trưa, bạn hàng dọn bớt, mấy con bồ câu của nhà bà Năm Trong bay từng đàn lại kiếm ăn, trông vui mắt lắm.
 Khoảng ba bốn giờ là chợ tan hết, khung cảnh sau đó, nói phần sau vậy.
18-06-2015.
2- Mấy món nhà quê này, bà con có thấy gì không đúng, xin góp ý, tui sửa lại cho đúng hơn nhen.
1 - Bài hát  Sáng Rừng (Phạm Đình Chương) - Nghe nhạc của Tui
 http://www.nhaccuatui.com/.../sang-rung-pham-dinh-chuong...
Mời các nghe bản nhạc nầy cùng lúc đang đọc bài này, cho giống, loa phóng thanh của chợ Thủ mình thời xưa 1955- 56.


Bình Dương rửa chợ xúc hồ

Lâm Quang Khải

Nước kia đã rửa bụi này còn vương
‘ta về cuối mái đầu sương điểm
nghe nặng từ tâm lượng đất trời
cảm ơn hoa đã vì ta nở
thế giới vui từ một lẽ loi…’ .(1)
Bình dương  chợ Thủ ơi
ngày xưa ta đi cùng khắp nẽo
Ngó ngó người qua cảnh với trời.
nay ta vơi lại niềm thương nhớ       
ghi lại vài dòng
trong  gió mây.
Lời tựa (Tâm Vô August 21. 2016. )
Cuộc đời không khác chi một dòng sông, đã trôi đi thì không bao giờ trở lại. Và ký ức, giống như những hạt phù sa lắng đọng lại hai bên bờ khi dòng nước trôi qua. Tất cả đều sẽ ra đi, nhưng kỷ niệm vẫn mãi mãi ở lại, vẫn mãi mãi trường tồn.
Những ký ức của thời xưa cũ bao giờ cũng tuyệt đẹp và chất chứa. Với người ly hương, ngoài những chất chứa, lại còn có những ray rứt, hoài vọng về cố hương, nơi mình đã chôn nhau cắt rốn.
"Đoái trông muôn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa"
Xin cám ơn tác giả đã dìu dắt độc giả trở về những kỹ niệm tuyệt vời của thời xưa cũ, tái hiện lại những hình ảnh hết sức sống động của Chợ Thủ ngày xưa. Những hình ảnh của chợ mấy chục năm xưa bỗng như sống lại dưới hồi ức của tác giả, nó như một cuốn phim quay ngược đầy sống động, đưa độc giả trở lại thời hoàng kim của quê hương, một giai đoạn mà chắc còn lâu lắm, người Việt mình mới được trở lại…
***
Mỗi lần thấy  nhân viên thành phố tui đang ở bên Tây này rửa đường, lề đường, sạch trơn, làm tôi nhớ về những kỹ niệm ngày xưa , ngày còn rất nhỏ. Bậc đại nhân bàn về thiên hạ đại sự, tôi kẻ tiểu nhân (con nít thời 1954),  nên viết về chuyện  dưới cái nhìn con nít của ngày xưa . … nhớ tuồng như là hôm qua đó, mà nay đã bạc đầu như sương trắng ;  tôi nghĩ là ít có người  nhớ chuyện ‘bá láp’ đó đâu . Với tôi hể cái gì thuộc về nơi  đất ''Thủ'' đó, ‘’thủ’’ giử lại mình, rác bụi cũng thần tiên; Thôi mình nhớ “ừng sau”, thì viết “ ừng vậy” ,đi.
 Rửa chợ súc hồ là gì ?, con nít tôi xin kể .
Chẳng là, lâu lâu một lần chánh quyền thị xã chợ Thủ dầu một, hay làm công việc rửa trong lồng chợ Thủ mình của mình cho … nó sạch sẽ.  Đúng là văn hóa Tây phương, hả?. Thời Tây chưa về xứ, ngoài cái hốt rác thì khỏi nói, hốt xong họ còn cho quét chợ , quét đường nữa …đúng là sạch boong (mấy người làm công tác này là những người tù sắp mãn hạn). Tôi còn nhớ được “mùi” bụi đường bay lên khi họ quét, mùi nồng và nhẹ nóng gắt của bụi đường bay vào mũi…, tôi để vậy cho bụi bay vào, để nghe được mùi đất trời .
Bụi khách trần không mời nhưng lại đến !
Bụi trần kia, vẫn bám mãi đến hôm nay
Tâm ‘’không’’ thì bụi bám vào chợ Thủ,
Tâm vơi đầy nên bụi mãi còn đây.
Nắng nóng thơm da tay mùi khen khét ….
 Nóng ngoài đường và hơi nóng,  ấm tận tim gan … (2)
Tâm vơi đầy
  hỏi ,
 sao bụi còn “đâu” còn mãi, vậy?
Tôi thường ra chợ , lòng vòng quanh quẩn; Vô lòng chợ dưới, xẹt ra đầu chợ trên; Vô ngả Thái Lập Thành rồi ra đầu , hay ngang hông chợ (Đoàntrần Nghiệp)  …. Đi tùm lum, chỉ theo ngẩu hứng  . Không phải chỉ để ăn, mà còn để ngắm nhìn bà con ngoài chợ, bà thâu  tiền chổ với búi tóc như củ tỏi, nước da ngâm đen, dưới càm bà có một nốt ruồi bự bằng đầu ngón tay út với mấy cọng râu lăn quăn, thân mập phì quá khổ, lúc nào cũng quen thuộc với chiếc áo bà ba trắng quần vải đen, từ xa, vừa nhìn thấy bả đi tới là mấy chủ sạp phải lo tiền sẵn để nạp ''tiền chỗ'', bà hai xẻ miếng thịt heo ra sao, Chú hai Tỏn đóng đôi guốc như thế nào, mấy bà mẹ già nhà quê cười đưa cái miệng móm xọm … thấy mà thương. 
Nhìn anh  Ba, chú Năm đánh xe ngựa  sau một chuyến đưa khách đi Miểu Tử trận hay Mỹ Hảo về, từ bến xe ngựa ở ngả ba Bạch Đằng – Phan Thanh Giản, họ xề lại quán trà huế, đối diện xéo của chợ cá, mua một tô  trà huế, xậm màu trà, cầm hai tay (vì tô hơi bự)  vừa thổi vừa húp một cách ngon lành… Trước mặt bàn của quán  trà, có cây thanh ngang, treo vài ba nãi chuối già,  chuối sứ hoặc chuối  simon , trên mặt bàn  thì để hủ kẹo đậu phộng,  vài phong bánh in, năm ba trái cóc, ổi, tô muối ớt đỏ au. Mấy ông bợm nhậu mua một xị đế,  với cái ly  nhỏ xíu, ''chúm'' miệng uống vào rồi khà ra một  cái, mồi nhắm là một miếng cóc , hay ổi . Thậm chí , không có gì, thì một trái ớt, chấm muối, cũng là mồi rồi !  Lâu lâu mấy chả còn ợ lên thiệt lớn, lè nhè năm ba câu mà lúc nào cũng kèm theo những tiếng chửi thề quen miệng , mồi nhậu của mấy người xích lô, ba bánh, là như vậy. ... tiếng , rồi ...''dô.. dô''  đi anh, vui nhộn..  Bà chủ quán thì dáng ốm người cao lỏng khỏng, tay chân lanh lẹ,  lúc nào cũng cầm cái quạt lá, hay quạt mo,quạt xành xạch cái lò củi để giữ lửa cho nồi trà bên trên , vì vậy người ta còn gọi là, dì ba...quạt trà huế, còn ông chồng thì mặt vuông , con người thâm thấp, chậm chạp hơn. Mỗi lần dở cái nắp nồi, hơi nước xông lên nghi ngút, tỏa hương thơm lừng, làm tui nhớ đến bình trà huế ủ trấu của bà Cố tui.
Phía trái quán nước, có mấy gánh nẻ, lúc nào cũng đông khách , mấy bà ngồi trên chiếc ghế nhỏ xíu, gần bệt dưới đất, khoe những cặp đùi, người trắng phếu, kẻ đen thui thủi , áo thì kéo sát lên tới vai và cổ, lòi ra cái lưng trần, dính đầy những ống nẻ. Mấy hàng ống trúc, lớn bằng ngón tay giữa. Hai hàng sáu ống, ba hàng  chín ống nẻ , coi giống như là cái lưng con nhím.
Gần đó, mấy cái cà ràng than hồng đỏ rực, của gánh bán bánh tráng phồng nướng . Cái bánh tráng được kẹp giữ hai cái kẹp chỉa que bằng tre . Miếng bánh tráng được lật qua lật lại lẹ làng, phồng lên từ từ, chín xong, thì màu vàng hột gà, thơm phức coi mà phát thèm, nướng xong, dì Út bánh phồng mới lấy cái nan tre mõng dính như con dao lam , rạch cái bánh nghe một cái rẹt , dì  mới tách nó ra làm hai thiệt là ngay ngắn, xong dì bắt đầu nhúng tay vô thau nước, rồi bỏ qua cái chậu đường mạch nha màu nâu đậm , ngắt một nhúm nhỏ kéo lên thiệt lẹ thành một sợi mõng, có bề ngang cỡ hai phân , dì để lên đầu này cái bánh , kéo tuốt qua đầu kia, ịn xuống cho dính, trét đâu cỡ ba bồn lằn thì xong, dì Út bốc một chúm dừa rám nạo sẵn rắc lên, xong rồi dì bẻ hai cái bánh lại  thành một góc tư, một tay đưa bánh, một tay lấy 5 cắc, bỏ vô túi áo rồi tiếp tục trét dừơng lên mấy miếng bánh khác, tay làm thoăn thoắt, miệng không ngừng hỏi hết người này đến người kia muốn mua bao nhiêu...tui cầm miếng bánh phồng tráng kẹo, bỏ vô miệng cắn một cái rốp nghe dòn rụm thiệt đã vì cái ngọt của đường, cái béo của dừa và mùi thơm bánh nướng.
Gần cái phông tên nước, ngay góc đường là xe mì của chú Cấm, mùi mì hủ tíu bay ra nghe thơm phức .Kia kìa mấy người gánh nước, tiếng thùng thiếc va chạm, tiếng rao hàng, tiếng cười nói ồn ào pha trộn tiếng Tàu, tiếng Việt lẫn nhau nghe vui quá trời luôn.
 Cái tánh sao cũng là lạ, tui hay nhìn mấy người nghèo qua lại cỏi ta bà, lòng nghe hạnh phúc,  nên thấy gì gì cũng là cỏi tịnh độ  thân thương?  Nghe được tiếng chợ ồn ào, kinh sách đâu đó ghi, nếu ‘’ngộ tánh’’ cao, tất thảy đều là Diệu Âm của chư Phật, thấy … nghe có lý à nhen. Đi xa thì nhớ ở gần thấy thương !
Xóm góc chợ ''đầu dưới'' này, góc Bạch Đằng và chợ Cá; tôi hay nhìn ông bán bánh mì. Ông ốm yếu, mặc cái quần xà lỏn củ xì bạc màu tro, đưa hai chân khẳng khiu, mông mốc, hai bàn tay cũng chẳng khá gì hơn. Trên bàn ông để một dĩa cá mòi hộp, với nước sauce, một dĩa xíu mại…v.v.. lèo tèo dĩa hành ngò và dưa chuột. Khách của ông, ông đi qua , trẻ em đi lại, vô mua một khúc “ bánh mì chan”,  năm ba cắc hay một đồng  gì đó, mà ăn ngon lành. Coi vừa buồn cười, vừa thấy thương  mà ứa nước mắt khóc người “ chợ tui’’. Bạn có biết ‘’bánh mì chan’’ là gì không, vì hổng có tiền nhiều, thay gì mua một khúc bánh mì  không , cái này  lại được chan một chút nước sauce, rắt muối ''nhiều nhiều dùm nhen'', vậy thôi…, xong, ăn coi ngon lành . Tui và bà chị hàng xóm hay nhìn ‘coi’  và tủm tỉm cười.
 Vòng chợ như vậy, để nghe những mùi ‘’thân thương” làm sao ấy.
 Và niềm vui hôm nào ''chợt đến'', là ngày  trưa hôm nay khoảng hai ba giờ… sở trường tiền (ty công chánh)  kéo máy bơm ra rửa chợ. Cái máy “bơm"đó  là một cái “rờ mọt” có hai bánh xe , máy thì lớn như đầu máy xe hơi mười bánh.  Máy bơm  đươc đặt ở cuối dốc bến đò qua sông, sát chợ cá. Đường kính của ống dẫn nước bằng bắp vế người lớn, được kéo từ đầu máy bơm  nước vô tận trong lòng chợ. Xong xã đâu đó máy bơm  nước bắt đầu chạy. Tụi con nít mừng rơn, chạy nhảy và nhất là đi trên những ống dẫn nước đó, bây giờ đã căng cứng, đi trên đó, hai tay thì xòe ngang ra để lấy thăng bằng. Rớt xuống, thì lại leo lên đi tiếp,  như người hát xiệc đi dây. Xong chạy vào chợ coi người ta rửa chợ,  Mấy ống xịt nước với áp xuất cao, xịt vào các đường đi, cát đất bợn cáu gì văng đi mất, đường đi, sạp bán trở nên sạch sẽ. Mấy cái thớt thịt được xây bằng loại xi măng như là cẩm thạch cũng  được bắn rửa thiệt sạch coi mát mẽ  như ta vừa mới tắm. Bọn con nít rình rình qua lại, để có dịp rửa chân, tay, đôi khi nước bắn vào cả thân mình, sao mà nghe mát rượi.
Phần ngoài chợ thì ống dẫn nước trên con đường Thái Lập Thành, chạy lên tới bùng binh ,để cho thêm nước hoặc súc hồ sen. Hồ nước được tát cạn, xịt rữa xung quanh thành hồ, và cho nước mới vào.
Xong rồi đâu đó, máy bơm  tắt, mây ống nước đang căng cứng, từ từ xẹp xuống, như là người ta kéo màn vãng tuồng hát… niềm tiếc nuối của mấy đứa nhỏ lại xông lên!
Các bạn, bà con Bình Dương yêu quí của tui ơi,
Chuyện chỉ có như vậy mà làm tui mãi nhớ khôn nguôi. Bởi, vì kỷ niệm đó nhiều dịp được‘’gợi nhớ’’ bên trời Tây nầy, họ hay rửa đường, rửa hành lang cho người đi bộ, một xe nhỏ bề ngang gần bằng lề đường, kéo thêm một “xi tẹt’’ nước để chầm chậm mà rửa đường sạch boong. Căn bản của vấn đề, là văn hóa của sự tu bổ và sạch sẽ, mà người mình chẳng có ? … Mỗi lần như vậy là dịp  nhớ về .
Nhưng các bạn ơi,
 Họ chẳng rửa đi được những’’bụi khách trần’’ của chợ Thủ, Bình dương …bụi  bám chặt tim tôi,  những hạt bụi mà kinh sách xưa nói,  ''người khách không được mời'' đó.
Tôi phải đi…’’ khiếu nại” mới đươc, rửa mà chẳng sạch được bụi khách trần ở tâm tôi ...
 Người không hay một thoáng vô vi …
mà,
Ngắm con sông bạc một màu chung thủy,(TS)
Những phút nhớ về. 18.08.2015
1 - thơ Tô thùy Yên Và Thầy Tuệ Sỹ
2 - ghi nhận: tui tuyệt chẳng biết làm thơ, nên xuất khẩu thành  văn … xin ghi như vậy.