“ĐÔNG CỔ AM, NAM HÀNH THIỆN”(1)
Như Tâm Nguyễn Thị Đức    

        
Cali đang giữa thu , khí hậu thật lý tưởng , nhất là hiện giờ. Nắng thu Cali không chói chang như nắng hè nhưng cũng đủ sưởi ấm cho những bụi cúc, bụi trà mi nhiều mầu đang đua nở. Những búp hoa lyly trông giống như những chiếc hỏa tiễn xinh xinh cũng đang vươn khỏi đám lá xanh non để hứng nắng thu. Mầu sắc thiên nhiên của hoa, của lá, của cỏ đang hòa trong nắng vàng, tạo cho căn vườn nhỏ này một vẽ đẹp thật nhẹ nhàng, thơ mộng.   Thời gian nơi đây, dường như cũng cảm nhận được vẻ đẹp thanh khiết của khu vườn nhỏ nên không nỡ trôi mau.

Quanh đây thật yên tỉnh ! Mấy con chim nhỏ trên ngọn cây cọ sau nhà cũng đã bay đi kiếm ăn . Âm thanh hiện tại chỉ còn có tiếng rung nhẹ của hoa, của lá trong gió thu, nhưng thính giác của loài người không đủ bén nhậy để cảm nhận được.

Cạnh khu vườn, một căn phòng đọc sách được kiến trúc đơn sơ bởi những lớp kính mỏng, bao quanh. Ngồi đây đọc sách, ngắm hoa, vào một ngày cuối tuần như hôm nay thì thật là một dịp hưởng nhàn hiếm có ở xứ Cali hối hả này. Tôi cảm ơn Trời Phật, cảm ơn thiên nhiên, cảm ơn tổ tiên, cha mẹ, đã cho tôi được hưởng những giờ phút an bình như hiện tại. Quanh tôi cảnh thiên nhiên thật thanh tịnh. Trong tôi, một cảm giác thơ thới, an nhàn khó tả. Tôi không còn gì quan trọng để  phải ưu tư. Bổn phận với xã hội, với tứ thân phụ mẫu, tôi đã làm tròn. Các con tôi đã trưởng thành. Chúng đã được đào tạo trong xã hội khoa học hiện đại, nhưng vẫn giữ được cốt cách, nguồn gốc của người Á Đông.

Trên tay tôi hiện giờ là cuốn  “NHỮNG NHÀ NHO HÀNH THIỆN TRIỀU NGUYỄN “của nhà khảo cứu Ðặng hữu Thụ, một vị lão thành gốc Hành Thiện rất yêu Hành Thiện. Cuốn sách khiến tôi nhớ đến câu:  "ÐÔNG CỔ AM, NAM HÀNH THIỆN", được tuyền tụng khá phổ biến qua nhiều thập niên ở miền Bắc Việt Nam. Nhớ tới đây, một khúc phim dĩ vãng  về người cha của tôi đã quay lại trong trí tôi. Tôi mỉm cười nghĩ tới cha, một người rất yêu Hành Thiện nhưng không phải là con dân của Hành Thiện!. Cha tôi là một nhà giáo quý trọng văn học nên rất ngưỡng mộ những địa phương nổi tiếng về văn học như Cổ Am, Hành Thiện. ..  
            

Câu phương ngôn “ Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện” tôi được biết từ cha tôi từ lâu lắm rồi, từ hồi Tôi còn rất nhỏ. Những  đăc điểm của cha tôi cũng là nguyên do khiến tôi trở thành con dâu của Hành Thiện .Tôi còn nhớ câu chuyện vui về cha tôi , chứng tỏ người ngưỡng mộ những làng nổi tiếng về văn học như thế nào. Câu chuyện đó như sau: "Có một ngươi bạn của cha tôi làm mối một thanh niên HànhThiện cho tôi, đứa con gái duy nhất của trong gia đình. Mặc dù chưa biết rõ diện mạo người thanh niên này ra sao, cha tôi đã đồng ý. Tôi phản đối cha: “Thế lỡ người ta đui què mẻ sứt thì cha cũng gả con cho họ sao?” Cha tôi đã cười và mắng yêu: “Cô rõ khéo lo!”. Rồi để minh chứng rằng quyết định của cha tôi không phải là vội vàng, hấp tấp, cha tôi đã giải thích với gia đình tôi như sau:

    - "Người này là con một nhà giáo cũng thanh bạch như nhà mình, bản  thân anh ta cũng là nhà giáo, điều đó bảo đảm đạo đức của gia đình và bản thân anh ta . Gia đình laị có gốc Hành Thiện, một làng nổi tiếng văn học (Cha tôi cũng không quên nhắc lại câu uyền tụng về Hành Thiện!) , như vậy chắc chắn cha sẽ có những đứa cháu ngoại thông minh, học giỏi”.

Ðến khi đứa cháu ngoại đầu lòng ra đời, cha tôi đã nựng cháu: ” Ông chỉ mong sống đến khi cháu đi học để xem cháu của ông thông minh đến cỡ nào!” Nhưng rất tiếc ông ngoại đã mất quá sớm, chẳng thấy được ngày các cháu đi học. Và đúng như sự mong muốn của ông, các cháu sau này đều là những học sinh giỏi  và thông minh. Dưới suối vàng chắc ông đang mỉm cười hãnh diện rằng  trước kia ông đã quyết định đúng.

Thiên nhiên đã ưu đãi Hành Thiện, đã ban cho Hành Thiện một phong thủy thích hợp (2) để phát triển về văn học, nhờ vậy con dân Hành Thiện từ xa xưa đã thông minh, thành đạt về mặt khoa bảng, và từ đó đã tạo thành truyền thống vững chắc, từ thế hệ này qua thế hệ khác, con cháu Hành thiện cứ theo đà đó mà tiến.

Dù vận nước nổi trôi, dù phải sống  lưu vong ở khắp nơi trên thế giới, nhưng con dân Hành Thiện vẫn luôn luôn hãnh diện về quê hương của họ, họ vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của cha ông, rất có năng khiếu về văn học, rất thành công về khoa bảng và vẫn duy trì được Câu phương ngôn “… Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”.

Chú Thích:
 1-“ Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”: - Tỉnh Hải Dương ở hướng đông Bắc Việt có làng Cổ Am, còn tỉnh Nam Định ở về nam có làng Hành Thiện, cả hai đều nổi tiếng về văn học và có nhiều khoa bảng thời còn Nho học.                  
 - Dù chỉ là một làng, và dù phải sống lưu vong nhưng hàng năm ở nhiều nơi như  Paris, nhất là ở Nam Cali, dân Hành Thiện vẫn duy trì ngày hội Thánh Tổ, với bàn thờ và cờ lọng rất uy nghi, lộng lẫy .
 2-Làng Hành Thiện có hình một con cá chép, xung quanh làng là sông, giếng làng là mắt cá chép.