Hăm ba đưa ông táo, hăm sáu đưa học trò!
Dong Trinh

Những ngày này, chợ búa nhộn nhịp, các gian hàng Tết được dựng lên vội vội vàng vàng, chợ bông với đủ loại, đủ màu. Nào vạn thọ cúc đại đóa, mồng gà, thược dược, hướng dương. Còn có những loại bông mắc tiền cho nhà giàu như mai, đào, lan. Những chậu kiểng được uốn hình rồng, phượng . Mấy chậu hạnh lá xanh mơn mởn, trái vàng tươi. Xa xa, mấy cái lều chất dưa hấu cao ngất ngưỡng. Mấy trái dưa tròn trịa, da bóng láng. Cạnh đó,dãy bánh mứt, thèo lèo, hột dưa, chà là đựng trong những cái thùng cây. Khách mua trả giá, người bán rao hàng. Chợ Tết thường được bắt đầu lối 21,22 âm lịch.
Ngày hăm ba, má nấu cơm sớm, dọn dẹp bếp núc cho thiệt sạch. Xong đâu đó, má bắt đầu bày mọi thứ lên bếp. Ngày này, TV thường chiếu những vỡ hài kịch với’ hai ông và một bà ‘. Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm cứ đến ngày hăm ba tháng Chạp âm lịch, Táo quân lại cưởi cá chép bay về trời để trình tấu mọi việc xãy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến tối ba mươi, nhà nhà mới cúng để rước ông Táo quay về trần gian để tiếp tục mọi công việc, coi sóc bếp núc của mình.
Vì Táo quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở, tốt xấu của gia chủ. Cho nên, để cho ông táo về tâu với Ngọc Hoàng những điều tốt lành hầu được may mắn suốt năm, gia chủ thường làm cái lễ tiễn ông rất trịnh trọng với chè trôi nước, bánh mứt, theo lèo cứt chuột, còn có bộ ngựa chạy cò bay để cho hai ông một bà dùng làm phương tiện mà bay về trời.Do truyền thuyết hai ông một bà , nên bếp của mình ngày xưa bao giờ cũng có ba cái lò. Ngày nay, khoa học tiến bộ, hầu hết các gia đình, ngay cả miệt ruộng đồng cũng xài bếp ga, bếp điện. Vừa tiện lợi vừa nhanh chóng. Thành ra, chỗ thì bốn khuôn lò, chỗ chỉ có hai khuôn. Vì vậy, ngày nay, chuyện hai ông một bà chỉ còn là trong ký ức chúng ta mà thôi.
Sau ngày đưa các ông bà về thiên đình, chúng ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Trước tiên là cái bàn thờ tổ tiên. Ba tôi phải theo dõi thời tiết, coi ngày nào nắng ráo đem bộ lư đồng mà theo năm tháng đã mờ úa, chuyển sang một màu vàng sậm cũ kỹ. Anh tôi đem hết ra bày ngoài hàng ba, lấy mấy cái khăn lông cũ, chanh, giấm, nước...Sau khi cẩn thận kỳ cọ, đánh bóng, bây giờ bộ lư đã sáng ngời, y như mới.
Mọi thứ bừa bãi hàng ngày được thu gọn, nền gạch tàu được anh tôi dùng bàn chải rễ tre chà từng miếng vuông thật kỹ. Một lát sau, nền gạch chuyển sang màu đỏ au, tôi nghe hơi mát bốc lên cả nhà.
Ngày hăm sáu, ngoài đường vắng bóng học trò qua lại. Tuy nhiên, tiếng trống cù, tiếng chập chả nổi lên rình rang. Đám trẻ không phải tới trường nên tha hồ chạy theo đám cù cùng làng khắp xóm.
Rồi chiều ba mươi, chợ búa tiêu điều, xơ xác, nhiều người may mắn bán hết sớm đã vội thu dọn để về nhà cho kịp giờ rước ông bà, chung vui ba bữa với con cháu. Những người không may, hàng hoá còn nhiều, cố nấn ná bán tháo bán đổ, vớt vát đồng nào hay đồng nấy, mặt mày buồn hiu. Lấy đâu tiền mua cho con bộ quần áo mới chạy khoe ba ngày tết, lấy đâu tiền trả bớt nợ nần, lấy đâu tiền mua vài miếng thịt miếng rau đây hở trời!
Chuyện gì rồi cũng qua. Sáng mùng một, ngoài đường, mấy cô thiếu nữ tóc quăn, tóc kẹp, áo hường, áo xanh dắt nhau ra chợ, mặt mày tươi rói. Chút má hồng, môi thắm không xoá đi được cái nhà quê nhưng lại vô cùng mộc mạc, đáng yêu. Mấy cô vừa đi, vừa nói cười khúc khích. Ôi thiệt là có duyên, cái duyên chất phác của cô thôn nữ miền Nam.
Anh Hai tôi, nguyên là rễ của người dì thứ Hai. Ba má tôi và chúng tôi rất quý anh. Dù là vai cháu rễ nhưng anh chỉ nhỏ hơn ba tôi một tuổi. Anh là người con hiếu thảo, phụng dưỡng mẹ già cho đến cuối đời .
Trong gia đình, anh là người chồng gương mẫu và là người cha có trách nhiệm. Năm nào cũng như năm đó, đúng sáng mùng một, anh ăn mặc chỉnh tề, ra nhà ba má tôi. Anh đến trước bàn thờ, đốt ba cây nhang, khấn nguyện rồi kính cẩn lạy ông bà tổ tiên. Trên bàn thờ khởi hương nghĩ ngút. Cái lục bình có hình sơn thủy được cắm vô đó nhánh mai vàng đã được thui gốc và lặt lá từ hôm rằm. Sáng nay, cành cây đầy những cánh mai vàng rực, chén lẫn lá non và những nụ còn xanh biếc. Bên trái tủ thờ là cái chân ngựa bằng gỗ đỏ, bên trên một cái dĩa thật lớn với các loại trái cây được chính anh Hai tôi chưng thiệt khéo. Trưa ba mươi năm nào anh Hai tôi cũng đến nhà, với đôi bàn tay khéo léo, đôi mắt thẩm mỹ. Anh giúp ba má tôi sắp xếp lại bàn thờ thật là đẹp, thật là trang nghiêm. Tôi nhìn lên, hai tấm hình ông bà nội tôi được đặt dựa ngay ngắn trên vách. Ông bà như đang mĩm cười, sung sướng cùng con cháu trong mấy ngày xuân. Tôi cùng mấy đứa em, xúng xính trong bộ quần áo mới, được ba má lì xì. Những bao thơ đỏ có tiền mới tinh thơm phức, những tô mì, những cái hột vịt lộn đang chờ đón chúng tôi tối nay ở đầu chợ dưới...
Tết đến rồi, tết đến rồi bà con ơi!
Năm mới nói chuyện cũ để nhớ lại những ngày xưa thân ái hồi nẩm cho vui. Thân mến chúc anh chị em một mùa xuân thật an lành, hạnh phúc nhé!