LỊCH SỬ NGÀY LỄ HALLOWEEN

 Hồ Xưa

                                   


          Ngày lễ Halloween là ngày lễ diễn ra hằng năm vào đêm 31 tháng 10 Dương lịch (Oct 31). Tên gọi Halloween là viết gọn của All Hallows' Evening, cũng là Hallowe'en hay All Hallows' Eve. Lễ hội Halloween ngày nay bắt nguồn từ dân tộc Celt, là một dân tộc sống cách đây hơn 2,000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh quốc, Ái Nhĩ Lan và miền Bắc nước Pháp.
         Dân tộc Celt bắt đầu năm mới vào ngày 01 tháng 11 Dương Lịch. Một lễ hội được cử hành vào đêm trước năm mới để vinh danh vị thủ lãnh đã quá cố là Samhain. Ngày lễ hội này báo hiệu sự bắt đầu của mùa lạnh, của những ngày tối tăm thường được liên kết với sự tàn tạ và sự chết của loài người. Dân tộc Celt tin rằng Samhain cho phép những linh hồn người chết được trở về nhà trên trần gian vào đêm hôm đó. Vào năm 43 (Tây lịch kỷ nguyên), người La Mã chinh phục vùng đất của dân tộc Celt và cai trị khoảng 400 năm (vùng này bây giờ là Anh Quốc). Trong giai đoạn này có hai lễ hội Samhain của dân tộc Celt. Một trong hai lễ đó là FERALIA được cử hành vào cuối tháng Mười để vinh danh những ngưòi đã chết, lễ thứ hai dành cho Pomona, nữ thần La Mã về cây và quả. Có lẽ vì nữ thần Pomona mà quả táo (apple) đã được kết hợp vào lễ hội Halloween. Sau ngày lễ Chư Thánh, tại Anh Quốc, còn có ngày "Các vong hồn" vào mồng 02 tháng 11. Tại Anh Quốc, Halloween đôi khi được gọi là Nutcrack Night hay Snap Apple Night vì mọi người trong gia đình ngồi quanh lò sưởi kể chuyện và ăn đậu phụng rang hoặc nhai "táo".
Vào ngày "Các vong hồn," những người nghèo đi "khất thực cô hồn" (went-a-souling) và họ sẽ được bố thí bánh trái gọi là "soul cakes" (bánh vong hồn) để họ hứa là sẽ cầu nguyện cho "các vong hồn."
         Halloween đến Mỹ do những di dân đầu tiên, đa số đến từ Anh Quốc và một số từ các vùng thuộc dân tộc Celt, họ đã đem qua Mỹ khá nhiều phong tục khác nhau. Nhưng vì nhiều lý do, mãi đến thập niên 1800 mới trở thành tục lệ được nhiều người hưởng ứng.
         Hoạt động truyền thống của ngày lễ nầy gồm các trò chơi, đốt lữa trại, họp mặt các kiểu y phục, viếng những căn nhà ma, đốt đèn trái bí đỏ. Chính người di cư Ái Nhĩ Lan và Tô Cách Lan đã đem theo và truyền bá phong tục lễ Halloween nầy đến Bắc Mỹ vào thế kỷ thứ 19. Các nước phương Tây khác có truyền thống ngày lễ nầy vào thế kỷ 20 như nước Ái Nhĩ Lan, Hoa Kỳ, Canada, Puerto Rico, Anh, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan.
       Halloween có nguồn gốc lâu đời của bộ lạc Celtic gọi là Samhain (đọc là Sah-win).
       Ngày lễ Samhain được tổ chức vào cuối vụ mùa theo phong tục văn hóa Gaelic. Samhain là thời gian được người theo dị giáo xưa sử dụng để lấy thêm phương tiện, vật dụng chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt. Người dân tộc cổ xưa Gaels tin tưởng rằng vào ngày 31 tháng 10 hàng năm, tường ranh cách biệt giữa thế giới người sống và thế giới người chết sẽ bị xóa bỏ và người chết sẽ trở lại và gây ra cho mùa màng bị sâu bọ phá hoại và hư hại lớn lao. Các lễ tổ chức để thường xuyên bảo vệ ngọn lửa trại truyền thống đó. Họ cũng tin rằng ngọn lửa đó có sức lực hữu hiệu tiêu diệt côn trùng và loài dơi phá mùa màng vào khu vực trồng trọt. Đó cũng thêm vào lý do tại sao người thổ dân xưa tổ chức ngày Halloween. Vào ngày đó, người ta mang mặt nạ và áo quần kỳ dị để bắt chước cho giống các linh hồn ma quái hay làm cho loài ma quái dịu bớt sự hung bạo phá rối hư hại mùa màng.
         Vào tối ngày 31 tháng 10, từ 7 giờ đến 11 giờ, trẻ con ăn mặc quần áo ghê rợn lạ kỳ và đeo mặt nạ ma quỷ đi từ nhà nầy sang nhà khác trong khu phố, làng xóm để xin kẹo với ý nghĩa là muốn hỏi các chủ nhà là muốn bị gạc hay được đối xử tử tế. Bọn trẻ con hỏi: “Trick or Treat". Đây là sinh hoạt chính của hầu hết trẻ em và thiếu niên tại Hoa Kỳ trong đêm Halloween.



       "Trick" nguyên nghĩa là: đánh lừa, trò chơi tinh ma nghịch ngợm: "Treat" là tiếp đón, đối xử tử tế, tiếp đãi. Các em nhỏ và thiếu niên, thanh niên hóa trang với áo quần và mặt nạ hình ma quỷ, rồi cầm lồng đèn đi từ nhà này sang nhà khác trong xóm, gõ cửa và nói "trick or treat." Câu này ngầm ý có nghĩa là: “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi.” Thông thường những người láng giềng luôn luôn muốn tránh việc "trick" nghĩa là chơi đòn đánh lừa nên thường tiếp đón (treat) chúng bằng kẹo và trái cây (theo tục lệ còn có nhét đồng tiền ở bên trong).

         Chủ nhà phải chuẩn bị sẳn kẹo bánh để cho trẻ con khi chúng đến. Tục lệ Halloween nầy được lưu truyền mãi mãi vì trẻ con rất thích được có dịp để đi xin kẹo bánh. Chủ nhà phải đốt đèn ở cửa và kẹo bánh sẳn sàng, túc trực mấy giờ liền để tiếp đón các trẻ con hàng xóm. Có khi cha mẹ, ông bà bồng bế con cháu đi với chúng đến xin kẹo. Không khí khu xóm nhộn nhịp vui vẻ hẳn lên. Biểu tượng chính của đêm "Halloween" là cái đèn lồng của chàng Jack - "Jack-of-lanterns." Các biểu tượng phụ là phù thủy, ma quỷ và mèo đen.
          Hoạt động ngày Halloween trở thành quen thuộc phổ biến rộng rãi trong cả nước tại Hoa Kỳ, Anh, Ái Nhĩ Lan, Canada và tăng mạnh ảnh hưởng vào những năm gần đây và du nhập sang các nước ở Âu châu, Saudi Aramco của Dharan, Akaria, Ras Tanura của xú Saudi Arabia. Ảnh hưởng ý nghĩa mạnh mẽ nhứt là tại Anh quốc, nơi đây Cảnh sát đe dọa sẽ truy tố cha mẹ nào cho phép con cái mình mang theo những dụng cụ để lừa phỉnh, gạt gẫm người khác. Họ khuyến khích cư xử tử tế, nghĩa là “treat”. Trong lục địa Âu châu, nơi du nhập nhũng trò chơi có tánh cách như mua bán của ngày lễ Halloween ngày một nhiều, đến đổi các trò chơi trở nên bất hợp pháp có vẻ gạt gẫm.                                      
                                 
Truyền Thuyết Về Halloween:

         Theo truyền thuyết của nước Ái Nhĩ Lan (Ireland) thì từ ngữ "Jack-of-lanterns" đến từ một người có tên là Jack. Jack là một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép vào Thiên Đàng vì lý do: lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì. Thế nhưng anh ta lại cũng không thể vào Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không bắt anh. Chuyện kể rằng: một hôm có con quỷ đến quấy phá một vùng dân cư, chẳng may bị báo động, người ta đến cầu cứu các vị tu sĩ đem các vật thánh đến "yểm" và "khóa các cửa" ra vào. Thế là con quỷ bị bắt... Jack đã nhận ra đó là con quỷ thường vui đùa với mình và Jack đã tìm cách gỡ vật "yểm ma quỷ" mở đường cho quỷ chạy thoát.
        Để đền ơn cứu mạng, con quỷ kia đã hứa với Jack là sẽ không bắt hồn Jack về Địa Ngục. Do đó, khi Jack chết vì một tai nạn, hồn Jack bị Thiên Đường từ chối. Jack liền tìm đến Địa Ngục, nhưng quỷ không cho vào... vì lời hứa trước. Thấy Jack lạnh lùng khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở Địa Ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm... trên đường trở lại trần gian. Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô.. và ánh lửa từ trong đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của Jack. Có lẽ Jack phải cầm đèn đi lang thang trên mặt đất cho đến ngày phán xét cuối cùng của nhân loại.
         Vào giữa thế kỷ 19, tục lệ "trick or treat" chưa được phổ biến ở các thành phố lớn vì ở những nơi này "tình hàng xóm láng giềng" hầu như không có; nhiều người ở cạnh nhau mà không quen biết nhau, cho nên Halloween đôi khi gây ra những sự việc tai hại. Ngày nay, nhiều cộng đồng, nhiều tổ chức đã đứng ra bảo trợ các tục lệ vui chơi của ngày lễ Halloween, nên nó đã trở thành một ngày lễ hội rất được chào đón của thiếu niên và một số thanh niên.

Ngày Halloween có ý nghĩa giáo dục và nhân bản:

         Hành động và cuộc đời của Jack đã trở thành những kinh nghiệm để tuổi trẻ rút ra một bài học làm người, đó là:
         Sống không nên tham lam, bủn xỉn, keo kiệt.
         Phải có lòng bác ái, từ bi, biết giúp đỡ kẻ khó khăn.

         Không nên chơi đùa với ma quỷ. Ma quỷ hiểu theo nghĩa bóng là những trò lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi, những việc làm tinh quái do trí thông minh và tưởng tượng của tuổi trẻ sáng tạo ra có khi làm hại đến người, đến xã hội... Chơi đùa, giao du với ma quỷ sẽ dễ bị cám dỗ đi vào đường tối tăm và tội lỗi. Tuy nhiên, chuyện anh chàng Jack trong đêm Halloween cũng ghi nhận một thái độ sòng phẳng của quỷ, đó là "ân đền, oán trả" và "giữ lời hứa." Dù rằng sự "giữ lời hứa" này đã làm cho Jack rơi vào thân phận cô hồn lang thang vất vưởng. Đối với các xã hội Âu, Mỹ, Halloween đã trở thành lễ hội vui chơi hằng năm cho trẻ em và kể cả người lớn. Ít người quan tâm tìm hiểu ý nghĩa nhân bản của nó.
         Nếu đào sâu hơn, có lẽ sẽ tìm thấy tính cách nhân bản trong câu chuyện. Thử đặt câu hỏi: Tại sao dưới ánh sáng khoa học và kỹ thuật mà các nước Âu, Mỹ vẫn dành một ngày lễ hội cho người của "cõi Âm" mà đại diện là chàng Jack?
         Jack là nhân vật tưởng tượng nhưng đã thực sự hiện thân trong cuộc đời, trong thân phận làm người... mà lại là một người cô đơn. Khi chết, Jack trở thành cô hồn, không chỗ dung thân... Thiên Đàng và Địa Ngục đều từ chối!
         Truyền thống lễ hội Âu Mỹ đã dành cho Jack một ngày. Một ngày được trở lại với cõi dương. Trong ngày đó, Jack có thể sống vui chơi thoải mái, vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn. Đây là ý nghĩa nhân bản của lễ hội Halloween. Với ý nghĩa nhân bản này, ngày lễ Halloween và Rằm tháng Bảy Âm lịch của Á châu có thể xem như là ngày hai cõi Âm, Dương hội ngộ trong niềm thương cảm bao la...

 

        Có rất ít tài liệu lịch sử ghi lại về ý nghĩa lễ hội hóa trang quần áo và mặt nạ trong ngày Halloween ở Ái Nhĩ Lan, Anh quốc hay Bắc Mỹ trước thập niên 1900. Mãi cho đến năm 1911, một tờ báo Anh ngữ phát hành tại thành phố Kingston, Ontario, gần biên giới New York, tường thuật một số ít trẻ con đi bộ trên các phố xá vào ngày Halloween từ 6 giờ đến 7 giờ tối, vào viếng các cửa hàng mua bán hay nhà láng giềng đã được tiếp đón tử tế, cho bánh kẹo để thưởng chúng ca hát vui vẻ.
         Năm 1920, lễ hội Halloween cũng được tổ chức riêng lẽ tại Chicago. Hàng ngàn thiệp chào mừng lễ Halloween cũng được in vào những năm đầu của thế kỷ 20 nhưng không thấy nghe nói đến tục lệ trẻ con hỏi “trick-or-treat”. Nhiều sách nghiên cứu về lịch sử ngày lễ Halloween cho biết tục lệ “trick-or-treat” chỉ xảy ra năm 1934 và chính thức được sử dụng vào năm 1939.  Như vậy, lúc hàng trăm ngàn dân di cư từ Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan và Bắc Mỹ từ 1717 đến 1770 và hàng triệu người sau đó đến sau cũng chưa có tục lệ “trick-or-treat”. Sau nầy, tục lệ trên đã bị chỉ trích là lợi dụng và bốc lột trái ý của người khác. Nhiều người cũng cho rằng việc làm trên không lành mạnh, giống như đi ăn xin. Vào mùa Halloween năm 1948, nhiều trẻ con cũng biểu tình bày tỏ ý kiến của chúng mang bảng ghi “AMERICAN BOYS DON’T BEG” (Trẻ em Mỹ không ăn xin).
         Nhưng nhiều Hội đoàn đã ủng hộ việc làm của các trẻ con, cho đó chỉ là một trò vui chơi lành mạnh đáng khuyến khích và duy trì. Và nó vẫn được tổ chức như mong muốn của trẻ con và người lớn cho tới ngày nay.

MỪNG LỄ HỘI HALLOWEEN

Hàng năm cứ đến cuối tháng Mười,
Lễ hội mừng vui, ôi quá vui.
Trẻ nhỏ đèn mang đi khắp phố.
Samhain lễ hội Jack tươi cười.
Phố phường nhộn nhịp quà cho trẻ,
Đồng ruộng mùa sang đạt vụ tươi.
Ha lô quyên sáng trao quà kẹo, (Halloween)
Hạnh phúc reo vang cuối tháng Mười.


HỒ NGUYỄN (23-10-2016)
____________________

Hồ Xưa sưu tầm và phiên dịch từ trang mạng:
                   - Halloween’s history.com.
                   - Trick-or-treat on Halloween & Jack of lanterns.  
                    Happy Halloween!