GIỐNG MÁ

Nguyễn thị Cẩm

Lần nào ngày giỗ về quê gặp nhau, chị em tôi thường tán đủ chuyện trên trời dưới đất. Quanh đi quẩn lại đâu đâu rồi cũng kể lại những mẩu chuyện thời còn sống má đã yêu chiều ba đến thế nào. Vừa kể chuyện chúng tôi vừa liếc về phía các ông chồng, nháy mắt với nhau đầy ý nghĩa : “ Suỵt, nói nhỏ thôi kẻo các ông rể nhà này nghe được lại ganh tỵ, bắt chị em mình phải giống như má thì mệt lắm! ”

Má tôi mất lúc tôi còn chưa kịp trở thành thiếu nữ, nhưng hình ảnh của má vẫn còn in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi cho đến tận bây giờ. Không chỉ anh chị em tôi, mà cả những người thân quen, họ hàng, làng xóm, ai nấy đều nhắc đến má tôi với những lời khen ngợi chân thành.

Má tôi thấp người, không đẹp lắm nhưng trắng trẻo và có đôi má lúm đồng tiền thật sâu. Có lẽ cái lúm đồng tiền và nụ cười duyên dáng ấy đã khiến ba tôi, một thanh niên có tiếng đẹp trai hào hoa thuở ấy phải xiêu lòng. Nghe kể lại, lập gia đình rồi nhưng với thói phóng túng của con nhà giàu thời ấy ba vẫn chỉ thích rong chơi, hội hè đình đám, hát xướng bạc bài. Má tôi yêu chồng, lặng lẽ gánh vác cái gia đình bấy giờ chỉ “có tiếng mà không có miếng”. Trời chưa rựng sáng, với quang gánh trên vai, má sang chợ làng bên mua thức ăn về bán dạo. Từ con cá, miếng thịt, bó rau, cả đến củ khoai, bánh bò, bánh đúc. Đôi chân trần to bè, nứt nẻ của má lặn lội khắp xóm làng từ sáng sớm đến quá trưa. Vậy mà những đồng tiền dành dụm được của má thỉnh thoảng lại bị ba lấy đi đánh bạc. Tiếc của, thương thân, má không một lời oán trách mà chỉ lặng lẽ khóc. Rồi vẫn cứ tần tảo kiếm tiền, vẫn chăm sóc chu đáo cho ba từng miếng ăn giấc ngủ, vẫn cứ ngọt ngào khi ba gọi “Mình ơi”.

Đôi má lúm đồng tiền không giữ được ba tôi nhưng cái nết chịu thương chịu khó và những giọt nước mắt âm thầm của má đã làm ba tôi dừng lại. Khi anh tôi ra đời, ba tôi đã thay đổi hẳn. Từ bỏ những thú vui bên ngoài, từ chối thẳng thừng những lời rủ rê của bè bạn, ba tôi tuy vẫn còn tính gia trưởng, công tử khi xưa nhưng đã trở thành người chồng, người cha thương yêu vợ con rất mực. Cái lãng mạn phóng túng một thời của ba trước kia giờ chỉ còn lại những điệu hát rất hay và giọng ca trầm ấm mà ba dùng để ru con, là những buổi trưa nằm đong đưa trên chiếc võng, ông ngâm nga truyện thơ Lục Vân Tiên cho má tôi nghe.

Ba không giỏi giang trong việc làm lụng kiếm tiền, nhưng tình yêu của ba đã là chỗ dựa vững chắc cho má trong cuộc sống. Gánh hàng rong thời mới cưới đã trở thành tiệm tạp hóa to nhất làng, hằng ngày má lại ra chợ bổ hàng bằng xe ngựa. Bận rộn là thế nhưng má vẫn dành cho ba sự chăm sóc ân cần. Tôi vẫn nhớ đến những bữa ăn thịnh soạn ngày Chúa Nhật, nhớ ly bia pha mật ong má dành cho ba những buổi chiều, nhớ cả cảnh má bưng nước cho ba ngâm chân rồi cắt móng tay móng chân cho ba, má âu yếm nhổ tóc sâu cho ba những trưa rảnh rỗi.

Thương chồng, má thương cả họ nhà chồng. Khi thấy ba tôi buồn vì gia đình chú Ba của tôi đang gặp khó khăn, má bàn với ba đem cả gia đình chú về nuôi rồi giúp vốn làm ăn. Khi cô Tư tôi làm dâu ở nhà chồng bị đau nặng, ba má tôi lại đón cô về tìm thầy chạy chữa. Anh em chúng tôi lớn lên trong tấm gương về sự đùm bọc, yêu thương của ba má đối với mọi người. Rồi má qua đời đột ngột khi tôi và lũ em còn rất nhỏ. Anh chị tôi giống má đức hy sinh đã dành cả một thời tuổi trẻ phụ giúp ba nuôi dưỡng, chăm sóc chúng tôi khôn lớn thành người. Thời mới lớn, tôi rất tự hào khi nhận được lời khen “có cái lúm đồng tiền giống má”. Nhưng khi đã lập gia đình, tôi lại thèm được giống má hơn ở đức tính dịu dàng, nhân hậu, hy sinh.