Giếng nước quê xưa
Minh Tâm


California mấy năm nay bị hạn hán. Vùng tôi cư ngụ thuộc Los Angeles, Nam Cali không có một giọt mưa. Chánh phủ phải yêu cầu mọi người tiết kiệm nước 30%. Lúc nầy cỏ cây ở đây vàng úa, khí trời oi bức, khó chịu. Nam Cali không có nước ngầm hay nước sông. May nhờ có người Mỹ giỏi giang. Từ Sacramento - Miền Bắc Cali hay từ tiểu bang Nevada, họ đào những con kinh  dẫn nước dài hàng ngàn cây số rồi bơm nước về  Los Angeles để xài, chớ nếu vùng nầy còn thuộc Mexico thì vẫn còn là sa mạc hoang vu vắng vẻ chớ không được trù phú như hiện giờ.

Nói tới chuyện nước để nhắc nhớ về quê mình nơi có những giếng nước trong trẻo quanh năm.


Hình minh họa (từ internet)


Làng Chánh Hiệp của tôi là nơi có một địa hình phức tạp. Trong làng có những vùng cao như Chánh Mỹ, Chánh Thiện… nhưng cũng có nhưng vùng thấp như xóm Giếng Máy, Ấp Chánh, Mỹ Hảo... Với địa hình cao thấp không đều như vậy nơi đây có nhiều giếng nước trong lành cung cấp nước ngọt quanh năm cho người dân trong làng, trong tỉnh.

Đầu tiên xin nói về Giếng Máy. Ở đó có một mội nước lớn và trong. Chánh quyền thời Pháp đã làm máy bơm và bơm nước từ đây về cho dân trong thị xã sử dụng. Xóm Giếng Máy có nhiều nước tốt, chỉ cần đào chừng vài mét là đã có nước ngầm rồi. Nhờ đó, nghề làm giá rất phát triển ở đây vì giá cần rất nhiều nước để tưới.

Cứ đi dọc theo bờ phía bắc của con rạch Cầu Mới thì sẽ thấy có rất nhiều giếng nước. Bên Cầu Ông Đành có giếng của nhà bà Tám Kia. Ngay dưới lòng rạch cũng có mạch ngầm. Người dân ở đây đã đặt một ống bê tông dưới lòng rạch chỗ Cầu Ông Đành. Khi nước ròng, trong ống nước vẫn trong và có thể gánh đem về nhà để xài .

Tiếp theo là giếng nước nhà anh Thanh Long. Đó là một mội nước lớn, Dân xóm Thành Quan, dốc Chánh Hiệp đều xuống đây để gánh nước về xài. Nhà tôi cũng đặt ống và có máy bơm để bơm nước từ mộị nầy để xài.

Trong khu đất nhà tôi cũng có một giếng nước. Nó nằm ở vườn dưới, trước nhà Dì Hai Bé. Hồi xưa, má tôi cũng làm giá để bán. Mội nước nầy là nơi lấy nước để tưới giá.

Bên kia đường đắp mới có mội nước nhà bà Ba Phụng và nhà ông Cả Luận. Hai
giếng nầy có bờ thành cao, quanh miệng giếng được tráng xi măng sạch sẽ. Mội nước ở đây nước trong và mạnh. Dân xóm Cầu Mới hay lên đây lấy nước về xài. Có khi ngoài chợ bị hư đường ống thì dân chợ cũng vào đây để lấy nước về xài tự do. Bên nhà ông Tám Xương (Xược) cũng có mội nước trong. Mội nầy cũng dùng để tưới giá vì nhà ông cũng là nơi sản xuất giá.

Qua tới xóm Miễu Tử Trận cũng có mội nước ở kế nhà Dì Ba của tôi. Đó là nơi người dân xóm Miễu lấy nước về xài.

Hàng năm, tới gần Tết thì các giếng nước được tát cạn, làm vệ sinh, cạo rong rêu … Lúc đó tôi thấy mọi người phải tát nước khá nhanh tay vì các mội phun ở đây rất mạnh, chỉ cần một giờ sau là nước lại đầy tràn ra ngoài. Tới ngày mùng ba Tết là ngày Tết nhà, chủ nhà thường có một mâm để cúng tại các giếng nước nầy.

Nước mội ở Chánh Hiệp rất trong và mát. Nước trào ra các đồng ruộng xung quang qua các đường mương. Nước trong mương ở vùng Giếng Máy hay Ấp Chánh cũng trong trẻo, cá nhỏ lội nhởn nhơ.

Đó là các giếng nước cạn. Trước 1975, chánh quyền bắt đầu khoan các giếng nước sâu. Ở Thủ Dầu Một có các giếng nước ở gần Cầu Ông Đành, ở ngã ba Ngô Quyền - Nguyễn Tường Tam và ở khu đất của dì Hai Điền ở đường Nguyễn Tường Tam, kế nhà ông Cả Luận. Những giếng nầy cung cấp nước cho hệ thống cấp nước của tỉnh trong một thời gian lâu dài cho đến khi có nhà máy nước ở Chánh Mỹ thì các giếng sâu nầy hết hoạt động.

Từ thập niên 1960, chánh quyền bắt đầu đặt đường ống để cấp nước cho mọi nhà. Rồi kỹ thuật khoan giếng sâu cũng cung cấp nước cho những gia đình có khả năng. Vai trò các mội nước cạn bắt đầu giảm dần và sau nầy hầu như ít ai cần tới nữa. Số giếng nước trong làng giảm dần Nhiều giếng bị lấp hay xây nhà cửa lên trên, hầu như ít người biết rằng hồi xưa nơi đó là một giếng nước ngọt trong lành cung cấp nước cho cả xóm.

Bình Dương là nơi đất đai mầu mỡ. Khí hậu ở đây ôn hoà, lại có nguồn nước dồi dào. Thảo nào người dân Bình Dương chất phát, hiền hoà. Có đi xa, sinh sống ở một nơi ít nước, mới thấy thương nhớ quê mình, nơi có những mội nước trong để nuôi sống mọi người một cách dễ dàng, thuận tiện.