Du lịch miền Đông Nam Bộ đầu thế kỷ XX qua du ký của Biến Ngũ Nhy

 (Phan Mạnh Hùng,  Tạp chí Văn hóa & Du lịch , số 18 (72), tháng 7.2014)

TÓM TẮT

Những trang du ký của Biến Ngũ Nhy, vượt qua sự giới thiệu về chuyến đi chơi của một cá nhân cho độc giả báo chí đương thời, đã trở thành những tư liệu quý, lưu dấu hình ảnh quá khứ một đi không trở lại, góp phần giúp độc giả và khách du lịch ngày nay hiểu rõ hơn về đất và người Nam Bộ cách nay gần một thế kỷ.

Nhà văn Biến Ngũ Nhy, tên thật là Nguyễn Bính (Bút danh Biến Ngũ Nhy là do chiết tự từ tên thật), sinh ngày 15 tháng 8 năm 1886. Ông học trường thuốc ở Hà Nội năm 1905 và tốt nghiệp năm 1910. Ra trường, ông được bổ nhiệm và thuyên chuyển làm việc ở các nơi như Hà Tiên, Long Xuyên, Tân An, Sài Gòn;  từng giữ các chức vụ bác sĩ trưởng bệnh viện Rạch Giá, bệnh viện lao Hồng Bàng (nay là bệnh viện Phạm Ngọc Thạch), giám đốc Bảo sanh viện Lao Động (nhà thương Con Cò). Ông từng cộng tác với các báo Nông cổ mín đàm, Công luận báo, Nữ giới chung. Sinh thời, Biến Ngũ Nhy là bạn văn của các tên tuổi: Nữ sĩ Mộng Hoa, Nhà thơ Tế Nghị, Nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển, Biện lý Huỳnh Khắc Dụng, Đốc phủ sứ Huỳnh Lý… Biến Ngũ Nhy mất ngày 22 tháng 7 năm 1973, linh cửu an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, sau cải táng hoả thiêu, tro cốt được thờ tại chùa Vạn Thiện, Chợ Lớn(1).

Trong lịch sử văn học, Biến Ngũ Nhy được biết đến với tư cách là người mở đường cho thể loại tiểu thuyết trinh thám ở Việt Nam với tác phẩm Kim thời dị sử. Tác phẩm này đăng nhiều kỳ trên Công luận báo từ năm 1917 đến 1920, sau đó được in thành sách, được nhiều thế hệ độc giả yêu thích. Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm thuộc các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện ký, thơ, nhàn đàm, du ký đăng trên các báo Nông cổ mín đàm, Công luận báoNữ giới chung. Văn chương đối với ông không phải là một hoạt động nghề nghiệp, nhưng bấy nhiêu những đóng góp cũng khiến ông xứng đáng đứng vào hàng những tác gia sáng giá nhất của văn học Nam Bộ đầu thế kỷ XX. 

Riêng về du ký, Biến Ngũ Nhy có các tác phẩm: Thủ Dầu Một du ký (Công luận báo, số 378, ngày 28/1/1921); Tây Ninh - Vũng Tàu du ký (Công luận báo, số 419, ngày 8/7/1921; số 420, ngày 12/7/1921; số 422, ngày 26/7/1921; số 423, ngày 29/7/1921; số 425, ngày 5/8/1921; số 427, ngày12/8/1921; số 430, ngày 26/8/1921; số 433, ngày 6/9/1921). Đây là những ghi chép về chuyến đi chơi của tác giả đến các vùng Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Vũng Tàu, ngoài giá trị văn chương nghệ thuật, còn chứa đựng những hình ảnh tư liệu quý về cảnh quan và con người vùng đất miền Đông Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Các trang viết này lưu dấu hình ảnh sống động về các danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái, kiến trúc, mỹ thuật, các điểm du lịch; thậm chí có thể có giá trị đối với các ngành khoa học nhân văn như: văn hoá học, xã hội học, dân tộc học, khảo cổ học… Theo thời gian, những ghi chép ấy đã trở thành một tài sản tinh thần, một thứ ký ức văn hoá không chỉ của địa phương mà của chung dân tộc.

Tác giả Biến Ngũ Nhy cho biết, nhân nhàn rỗi “ba ngày tết Tây”, “nghĩ mình luẩn quẩn trong chốn phồn hoa như Sài Gòn - chợ lớn cũng chẳng có thú chi vui”, “nghĩ các nước văn minh lấy sự giao du là điều thích ý nên thường hay trẩy sang xứ này xứ khác, trước là xem phong cảnh, sau là giúp cuộc thương trường, còn chúng ta cứ xẩn bẩn quanh năm trong một chỗ, chẳng chịu vân du các nơi, đến nỗi cuộc thế trong bổn xứ mà cũng chưa thông thuộc”, vì vậy tác giả quyết định đi chơi vùng Thủ Dầu Một, Tây Ninh và Vũng Tàu. Từ tâm điểm là Sài Gòn đến các vùng đất này có thể nói là tương đối thuận lợi. Phương tiện đi lại đã có xe khách tư nhân của người Việt phục vụ chu đáo. Các dịch vụ du lịch chưa phát triển nhưng bù lại có sự yên tĩnh, thoáng đãng của thiên nhiên khác với sự nào nhiệt của Sài Gòn.

1. Du lịch về Thủ Dầu Một

Xuất phát từ Sài Gòn, tác giả đưa chúng ta theo con đường xe hơi Sài Gòn - Thủ Dầu Một, bắt đầu từ Chợ Mới đến Gia Định, đường Quản Hạt, Bình Lợi, Bình Phước, Lái Thiêu, Chợ Búng, Thủ Dầu Một. Qua mỗi vùng đất, tác giả có những ghi chép lý thú:

Đường từ Sài Gòn đi Thủ Dầu Một: “Xe hơi bắt từ Chợ Mới chạy vô Gia Định rồi noi theo đường Quản Hạt chạy qua cầu Bình Lợi, đoạn tẻ qua chợ Bình Phước, chợ Lái Thiêu, chợ Búng rồi lên thủ Dầu Một. Từ Sài Gòn vô Gia Định tuy xa cách nhau hơn năm ngàn thước chớ phong cảnh hãy còn mùi thành thị, đâu đâu cũng có phố phường. Ra khỏi Gia Định rồi thì nhà cửa thưa thớt dần, chỗ thì vườn tược sum suê, chỗ thì đồng không mông quạnh một khoảng rất xa. Khỏi cầu Bình Lợi, quẹo qua đường Thủ Dầu Một, xe càng chạy tới chừng nào thì phong cảnh càng thêm đổi. Hai bên đường cây cối mọc sởn sơ, dường như hạp thuỷ thổ nên sức sung, lực mạnh, xa xa có một vài cái nhà ngói cất theo lối vườn, tường vôi đã nát, ngói đỏ phai màu, xem ra đã cổ. Còn nhà lá thì bộn bàng, lớp lợp lá dừa, lớp lợp tranh, cất trong đám cau, dừa bộ rất nên thanh tịnh. Nhiều chỗ trồng mía rất nhiều: mía nhỏ cây mà nước nhiều, để làm đường tán. Cây măng cụt nhiều nhứt, vì dài dài theo hai bên đường, đâu đâu cũng có trồng măng; mỗi năm, nhằm mùa măng cụt, ghe thương hồ lên mua, chở đi lục tỉnh hằng hà sa số. Măng miệt này rất ngon nên tiếng măng Thủ xưa nay đành bực nhứt.

Từ Bình Phước lên tới Thủ thì đất cao, có chỗ thành gò, có nơi lại trũng, bởi vậy nên đường lộ có chỗ dốc lên cao, có chỗ trải xuống thấp, tựa hồ như đất núi, khi lên thác, lúc xuống ghềnh. Dòm xung quanh thấy chỗ gò cao một dãy, cây cao chớn chở xanh mù thì trí tưởng là mình lên cảnh non cao rừng rậm. Song ngó trũng kia, thấp chưa đầy mười thước, thì mới hay là mình còn ở đồng bằng!”(2).

Chợ Lái Thiêu: “Tuy chợ nhỏ mà cảnh cũng đẹp. Tại đó dân sự có chuyên nghề đóng bàn ghế theo kiểu Langsa. Có hai cái trại mộc có danh, nuôi thợ thầy đông đảo, đóng nhiều kiểu rất xinh đẹp.

Từ Lái Thiêu lên chợ Búng, thì ruộng nương ít, xa xa chỉ thấy một vài khoảng rộng, kỳ dư thì vườn tược, hoặc trồng cau, dừa, măng cụt, hoặc trồng cây thuốc, khoai môn. Hai bên đường, nhà cửa cũng rải rác ít nhiều, mà dòm vào trong xa thì chỉ thấy cây cối hoang vu. Gần tới chợ Búng, xe chạy gần một cái rạch nhỏ, tên là sông Búng, chẳng biết chảy về đâu mà nước lình bình, màu xanh sắc lục, rong rêu nổi tứ bề, bộ rất dơ dáy. Chẳng biết người sở tại lấy nước suối hay là sông nào mà dùng chớ không lẽ dùng nước sông ấy, vì xem màu sắc chắc là chẳng khá nên dùng”(3)  

<> Chợ Thủ Dầu Một

Chợ Thủ Dầu Một: “Cũng như chợ các tỉnh thành nhỏ, trong thì một cái nhà dài, ngoài bờ sông thì một cái chợ cá, hai bên chợ thì hai dãy phố trệt, buôn bán đồ vặt. Trên đầu chợ có một cái trường bá nghệ, dạy học trò An Nam nghề đúc, nghề chạm, còn sự buôn bán thì cũng tầm thường, chẳng có chi là thạnh vượng: chợ chỉ có một khoảnh ấy, còn xung quanh thì phố xá đều là nhà trệt, ít có nhà lầu. Chợ ở dưới đất bằng, còn các dinh, cùng các công sở thì ở trên gò, chỗ thì thấp xuống trũng, hai bên có trồng cây sao mát mẻ”(4).

Tỉnh thành Thủ Dầu Một: “Mặt tiền châu thành trở ra ngoài sông, có cẩn bực thạch dài gần một ngàn thước. Sông ấy là sông Sài Gòn, song từ Sài Gòn lên đây đã hơn ba mươi mấy ngàn thước nên quang cảnh đã đổi. Xem ra thì cái cảnh trên nguồn, hai bên bờ sông cây mọc giăng giăng chỗ cao chỗ thấp, bi bít mịt dày, nhánh lá de tận xuống nước, xa xa có một vài khoảng trống, có nhà, có vườn, trồng cau, trồng chuối, dựa bờ sông có một vài chiếc ghe đậu im lìm. Ngang chợ, ném về phía bên kia sông, có một cái trại cưa, có bến đò để chở bộ hành và xe hơi qua lại. Đường ấy đi về miệt Hóc Môn(5).

Chuyến dã ngoại của Biến Ngũ Nhy về vùng Thủ Dầu Một kết thúc trong một ngày với cảm giác “lòng rất toại lòng, vì được một ngày nhàn du phỉ chí”. Ngày nay, du lịch về vùng Thủ Dầu Một, với những người sống ở Sài Gòn không phải khó. Chúng ta có thể chọn các phương tiện xe hơi, xe gắn máy, xe khách hoặc xe buys và có thể đi về trong ngày. Cảnh vật ngày nay so với thời của Biến Ngũ Nhy đã đổi thay nhưng trục đường chính nối Sài Gòn và Thủ Dầu Một vẫn còn đó, những địa chỉ như Chợ Búng, chợ Lái Thiêu với sản vật trái cây, chợ Thủ Dầu Một vẫn là những điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách.

2. Du lịch về Tây Ninh

Đến với không gian Thây Ninh, tác giả giúp chúng ta hình dung ra lộ trình: từ Bà Chiểu đến Hạnh Thông Tây, lên Quán Tre, qua Hóc Môn, Củ Chi, Trảng Bàng, Châu thành Tây Ninh, Núi Điện Bà với những chi tiết sống động:

Hạnh Thông Tây: “Xe chạy một chập tới Hạnh Thông Tây, chợ thì nhỏ, ở xa tỉnh thành mà cũng đông đảo nhà cửa. Ra khỏi xóm rồi, chạy lên Quán Tre, đi ngang qua một xóm kia kêu là Chợ Mới. Từ Hạnh Thông Tây lên Quán Tre, hai bên đường có vài cái vườn cao su, cây lá xơ rơ, coi không mấy đẹp mắt”(6).

Hóc Môn, Bà Điểm: “Khỏi Quán Tre tới Trung Chánh là một cái xóm nhỏ ở dựa bên đường. Gần đây có ngã ba đi qua chợ Bà Điểm, còn lên tới Hóc Môn thì độ 4000 thước nữa. Xưa nay thường nghe tiếng Hóc Môn, Bà Điểm mà nay mới biết chỗ này. Tại đó, có đồng ruộng lớn, đất coi mòi khá hơn mấy chỗ kia, trông xa có vườn tược tốt tươi, thạnh mậu. Hóc Môn là một nơi thị tứ trong thôn dã. Chợ rộng lớn hai dãy, xung quanh phố ngói, đường sá sạch sẽ, có nhà giấy xe lửa, có tiệm cầm đồ xinh đẹp, đình, chùa cách thế lịch sự”(7).

Củ Chi: “Củ chi là một cái xóm nhỏ, có nhà giây thép, trường học ở dựa bên đường, còn xóm làng ở thụt vào trong. Đường có trồng cây cao bóng mát, khi thì xe chạy qua một khoảng không rộng lớn mênh mông, khi thì đi ngang qua một cảnh đồng hoang, tre mọng giăng giăng từng khoảng”(8).

Trảng Bàng: “Tuy là quận nhỏ mặc dầu chớ chợ Trảng cũng là thị tứ. Hai bên phố xá sạch sẽ, ở giữa có ba dãy chợ ngói liên tiếp với nhau, sắp hàng chữ nhứt. Tại đây có vài tiệm An Nam buôn bán đồ tạp hoá, có bán cả cơm Tây rất tiện cho khách du lỡ bữa. Thường nghe tiếng dưa hấu Trảng Bàng ngon nhứt nên tôi mua một trái ăn thử, thì quả thiệt dưa ở đây ngọt vô cùng”(9).

Tỉnh thành Tây Ninh: “Tới nơi tôi dòm kiếm một cái xe kéo đặng đem đồ hành lý tại nhà hàng (Bông-ga-lô) song kiếm hoài không có mà cũng chẳng thấy xe mui, kéo kiếng chi hết, duy chỉ có thứ trệt, dáng như xe bò mà nhỏ hơn, trên có mui như mui rùa, dưới có hai bánh như bánh xe ngựa, dùng ngựa kéo gọi là xe thổ mộ. Xưa nay chưa từng đi xe đó nên mới đi thì ý có hơi bỡ ngỡ, ngay chân cũng không đặng mà xếp lại cũng không toàn, túng thế phải ngồi thòng hai chân ra đằng sau mà chịu trận. Tưởng phận mình đã vậy, còn thiên hạ là sao, té ra dòm thấy những cô áo mớ má phấn môi son, nào thầy đồ tây, nón giày ra dáng, cũng đi xe như mình, ngồi chỏ hai chân vào be xe, khoanh tay rẽ coi mất vẻ oai nghi, kém phần lịch sự! (…) Châu thành Tây Ninh hẹp nhỏ, phố xá ít, sự buôn bán bơ thờ, bề thế khó tấn phát. Có một đường đông đảo hơn hết là đường xe hơi dưới Sài Gòn chạy lên, chỗ ấy là chợ Cũ, hai bên phố trệt, nhà cửa cũng tầm thường. Ra tới bờ sông thì đường đi dựa mé sông, đi trước dinh quan Chánh bố. vừa khỏi đó thì có cầu sắt qua chợ Mới, có hai dãy nhà lồng bằng gạch, ngó mặt qua dinh Chánh bố, hai bên có phố trệt dựa đường, quang cảnh trống trải mà bộ thế rất cheo leo, eo hẹp. Dưới sông thì ghe thương hồ rất ít, chỉ thấy chừng mươi chiếc ghe lồng, kỳ dư thì gỗ súc nằm đầy trên bãi. Hai bên bờ sông có được ít cái nhà ngói kiểu cách lịch sự. Dinh quan Chánh bố cất trên gò nổng, day mặt ra bờ sông, còn các công môn thì ở mé về phá sau. Tại đây có đủ các sở: toà án, thương chánh, kiểm lâm, trường học, nhà thương, v.v…”(10).

                                                                                              Xe phát thư Tây Ninh

Núi Điện Bà: “Ra khỏi châu thành thì nhà cửa thưa thớt, đất gò ruộng xấu, bề sanh nhai thua kém các nơi. Tại đây trồng dưa hấu nhiều, song năm nay thất mùa nên cũng có ít. Vả lại đường vận tải cũng cam go, phần nhiều dân sự chỉ nhờ lộc rừng nên ít người giàu có. Đi khỏi châu thành chừng 4 ngàn thước thì tới rừng. Rừng ấy kêu là rừng độm, rộng lớn mênh mông, ăn vào tận tới chân núi, bề ngang hơn 8 ngàn thước. Cách nay bảy năm trước, những thiện nam tín nữ trong Lục châu đi lên Điện Bà lấy làm khó nhọc vì chẳng có đường bộ, phải đi xe bò, băng ngang vào rừng rất nên cực khổ. Sau có bà tổng đốc Chợ Lớn xin nhà nước khai đắp đường quan lộ vô tới chân núi. Bà lại dưng một số tiền rất to mà phụ vào sở phí. Nhờ vậy mà ngày nay xe hơi, xe ngựa chạy đến chân núi dập dìu, lấy làm tiện quá! Đường đi ngang qua rừng, chỗ lên cao, chỗ xuống thấp, hai bên cây cối mọc dày. Đi qua một cái truông, gọi là truông Hồng Đào. Trong rừng cũng có nhiều thú dữ như cọp, beo song ít khi ra tới lộ”(11).

Điện Bà: “Nội cuộc có bốn cái nhà, hai cái nhà ngói, một cái nhà giảng và một cái nhà Phật. Bốn cái đều cất bằng ngói, vách dựa cất kề cận nhau, nhà ngói thì xơm ra ngoài bìa núi, phía bên hữu nấc thang lên, nhà giảng thì ngay trước mặt, chùa Phật thì ở bên tay trái. Còn điện Bà thì ở cách chùa Phật chừng mươi thước, ở thụt vào trong hang. Ấy là một cái hang nhỏ ở giữa kẹt đá, trên có một gộp đá de ra như mái nhà, dưới thì phông tô làm vách tường, bề rộng chừng lối nửa căn nhà. Trong điện có cái cốt của Bà bằng đồng để trong một cái ngai, kỳ dư thì tượng bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Khi nào có nhiều người lên cầu thì ngày đêm hương khói nghi ngút, chẳng khi nào dứt”(12).

3. Du lịch về Bà Rịa - Vũng Tàu

Đến với Bà Rịa - Vũng Tàu, tác giả có những nét ký hoạ các không gian: Thủ Đức, Biên Hoà, Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu:

Chợ Thủ Đức: “Sáu giờ một khắc xe chạy, lên tới Biên Hoà gần 7 giờ rưỡi. Từ Sài Gòn lên Biên Hoà 30 km, xe chạy ngang qua chợ Thủ Đức. Chợ này nhà cửa đông đảo, bán buôn sung túc, bề thị tứ chẳng kém nào một tỉnh thành nhỏ nhỏ. Từ Thủ Đức sấp lên đất không bằng phẳng, chỗ gò lên cao, chỗ trụt xuống thấp, nhiều nơi rừng bụi hoang vu, ruộng nương thưa thớt. Còn lối bốn năm ngàn thước nữa tới Biên Hoà, thấy phía bên hữu có một hòn núi, bề cao độ tám, chín chục thước, ở cách đường đi chừng ba, bốn trăm thước: ấy là núi Châu Thới”(13).

Đường từ Biên Hoà đi Bà Rịa: “Tới Biên Hoà, xe ngừng cho kẻ lên người xuống rồi chạy liền. Khỏi Biên Hoà có một cái vườn cao su dựa bên đường, cây còn nhỏ mà lá úa nhiều, bộ không được thạnh mậu cho lắm. Đi tới cây số 47 thì gò cao, đất dốc, hai bên rừng bụi rườm rà, đường quanh co trắc trở. Chỗ ấy kêu là truông Thò Đo, những kẻ cầm bánh xe hơi đều cho là chỗ hiểm nên hễ tới đó thì rất cẩn thận. Khỏi truông Thò Đo, xe chạy thẳng lên Long Thành còn năm ngàn thước nữa tới nơi thấy có một cái vùng cao su rộng lớn mênh mông, ở dựa bên tay tả, bề dài có hơn ba ngàn thước. Vườn ấy của bà De La Souchère, cây lá tốt tươi, có mòi thạnh vượng. Long Thành là một cái chợ nhỏ có nhà giây thép, trường học và đồn lính Mã tà, phong cảnh nhà quê, dân sự thưa thớt. Khỏi Long Thành có một cái đồng rộng lớn, đất coi bộ tốt hơn các nơi kia nhiều. Xe chạy một đỗi tới ngã ba Bà Ký, còn 39 km nữa thì tới Bà Rịa. Từ đây ruộng nương ít, rừng bụi nhiều, xa xa mới thấy một vài cái nhà lá. Chốn này cọp beo chẳng thiếu chi, thường hay ra nhiễu hại heo bò của dân sự nên người ta hay làm rọ mà bắt hoài thú dữ ấy. Rừng dài thăm thẳm, xe chạy hồi lâu mới ra tới một khoảng trống, qua một cây cầu kêu là cầu Thị Vải. Tới đó nhìn thấy xa xa bên hữu một dãy núi, ấy là núi Gành Rái, tục kêu là Ô Cấp, còn bên tả lại có một dãy núi khác gần hơn, ấy là núi Bà Rịa”(14).

Châu thành Bà Rịa: “Tỉnh thành Bà Rịa nhỏ hẹp, trừ ra dinh các quan và các cộng môn, nhứt là nhà quan Chánh bố và Sở Thương chánh thì còn có vẻ lịch sự, chớ kỳ dư thì cũng tầm thường. Chợ nhóm trong một cái nhà lồng bằng gạch, trên lợp ngói, hai dãy phố trệt ở hai bên, một dãy nữa nằm ngang phía trên đầu chợ, gần đó có cái sông nhỏ, ghe thương hồ ít, sự bán buôn xem rất bơ thờ chẳng thấy một cửa hàng nào lớn (…) chúng tôi bèn tính đi Long Hải vì nghe nói chỗ ấy cũng là một nơi hóng gió tốt, thiên hạ thường cũng hay đến đó. Song hỏi lại thì cũng không có xe hơi đưa bộ hành đi Long Hải, mà chỗ ấy cũng chẳng có nhà ngủ, nhà hàng chi hết! Mấy nơi thắng cảnh như Vũng Tàu Cùng Long Hải mà lại chẳng có xe đưa, rất lạ!”(15).

Chợ Vũng Tàu

Sông Hàng: “Sông Hàng là nơi danh thắng trong tỉnh. Sông Hàng là cái rạch nhỏ, chảy quanh co theo dãy núi Bà Rịa, phía ngoài thì chẳng có chi lạ, duy có phần gần trên nguồn có đá giăng ngang qua gần lấp lòng sông làm cho nước trên nguồn chảy xuống rất mạnh. Tại nơi nước đổ mạnh nhà nước có cất một cái nhà máy nước cách châu thành chừng hai ngàn thước, có đặt ống cho nước chảy vào trong tỉnh thành. Đi chơi sông Hàng thì thẳng ra tại nhà máy nước đó mới xem rõ. Chúng tôi tới nơi, ngắm xem phong cảnh thì rất thích. Sông tuy hẹp hòi, bề ngang không đầy mươi thước, vì chỗ ấy là gần nguồn, bên thì đất dốc, bên thì núi cao mà nước trông như mắt mèo, chảy mau cuồn cuộn. Nhiều chỗ có đá giăng ngang qua nên nổi lên từng khối lớn, khối nhỏ, khối thì bằng cái bàn, khối thì bằng bộ ngựa. Hai bên bờ sông cây cối sầm uất, lớp cao vượt ngọn lên trời, lớp thấp la thà dưới nước, tự do nghiêng ngửa mọc càn. Vẳng vẳng nghe tiếng chim kêu vượn hót, trông ra kìa núi nọ cây, cảnh u tịnh hoang vu như chốn thâm san cùng cốc”(16).

Đường từ Bà Rịa đi Vũng Tàu: “Từ bà Rịa ra Vũng tàu 25 ngàn thước, hai bên đường vắng vẻ, ít có nhà cửa ai, chỗ thì đồng hoang, chỗ thì rừng rậm, duy có đi ngang qua nhà chỗ kêu là cỏ may thì có một cái xóm nhỏ. Tại đây có Sở Thương chánh coi về ruộng muối, có sông lớn, có một cái cầu bằng xi măng, bề dài 110 thước, bắc ngang qua sông. Khi xe qua cầu dòm thấy bên cạnh nhà thương chánh, hai đống chi cao lớn đồ sộ như hòn non liền hỏi người đánh xe thì mới rõ là hai đống muối (…) đường dài thăm thẳm, khi qua cụm rừng rậm, khi kề cánh đồng hoang, vắng vẻ không nhà cửa ai, phong cảnh rất u tịch. Nhưng vậy mà thỉnh thoảng lại có một vài cái xe hơi của khách nhàn du, tiếng còi inh ỏi, tiếng máy vù vù, thoát thoát chạy qua làm cho cát bay mù mịt, bụi cuốn một vùng, chừng trông rõ thì xe đã chạy quá đỗi. Lâu lại gặp đôi ba cái xe bò hoặc của lính thú chở rương chở trấp, hoặc của kẻ khách thương chở đồ hàng hoá, chậm rãi lịt kịt đi tới, bộ khoan thai nhàn nhã vô cùng”(17).

Tỉnh thành Vũng Tàu: “Vũng Tàu là một cái quận thuộc về Bà Rịa. Tuy vậy mà tỉnh thành Vũng Tàu xinh đẹp hơn các tỉnh lỵ miền Đông Bắc xứ Nam Kỳ nhiều. Đã xinh đẹp lại lớn, chẳng kém gì thành thị Mỹ Tho. Tại đây đèn khí có, máy nước có, đường sá rộng lớn và rất sạch sẽ. Dựa theo cửa biển có nhiều đền đài, dinh thự xinh đẹp. Những tay phú hộ Langsa, Hồng Mao, Khách trú đều có cất nhà mát tại đó, để hòng lúc rảnh rang đi hóng gió biển. An Nam ta thì thấy ông Lê Phát An cũng có cất một cái nhà mát hai từng xinh tốt. Mà đẹp đẽ nhứt thì có dinh quan Toàn quyền và nhà hàng Tây. Dinh quan Toàn quyền cất trong một hòn núi nhỏ, phía trong cửa biển, nhà lầu rộng lớn, kiểu cách đẹp đẽ vô hồi, phong cảnh ở xa coi rất lịch sự. Phần thường dinh đó không có ai ở, chỉ có một người quản gia ở giữ đồ thôi, trừ ra một hai khi, hoặc quan Toàn quyền và quan Phó soái có đi hóng gió thì mới ra ở đó ít lâu mà thôi. Còn nhà hàng Tây thì rộng lớn, chưng dọn nghi tiết hẳn hoi, cách huê mỹ chẳng khác nào như nhà hàng Continental ở Sài Gòn.

Bạch Dinh - Vũng Tàu

Đứng ngoài mũi núi Ô Cấp nhìn vào thành thị thì thấy dài dài theo bãi trước nhà cửa nguy nga, ngựa xe đông đảo. Trên thì non cao chớn chở, dưới thì cửa biển mênh mông, quả là một cảnh sơn thuỷ đẹp vô cùng, vậy thì nước ta cũng có nhiều nơi thắng cảnh thuỷ tú sơn kỳ, nào kém chi những cảnh của ngoại bang”(18).

Ngày nay, đến với Tây Ninh, Vũng Tàu vẫn với lộ trình ấy, nhưng đường xá đã tốt hơn, cảnh phố xá, người xe nhộn nhịp. Du khách không còn có cơ hội thưởng lãm cảnh vật trên đường đến với điểm du lịch. Khoảng cách về sự phát triển đô thị của Tây Ninh, Vũng Tàu so với Sài Gòn và các đô thị khác trong cả nước đã được rút ngắn. Dịch vụ du lịch cũng được mở rộng và nâng cao. Tuy nhiên, nhiều trong số các giá trị thiên nhiên và tinh thần không còn giữ được nét xưa.

*

Những trang viết của Biến Ngũ Nhy, vượt qua sự giới thiệu về chuyến đi chơi của một cá nhân cho độc giả báo chí đương thời, đã trở thành những tư liệu quý, lưu dấu hình ảnh quá khứ một đi không trở lại, góp phần giúp độc giả và khách du lịch ngày nay hiểu rõ hơn về đất và người Nam Bộ cách nay gần một thế kỷ.

 

 

Chú thích:

 

(1) Về tiểu sử của nhà văn Biến Ngũ Nhy, trong các bộ từ điển: Nguyễn Q. Thắng, Từ điển tác gia Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin, 1999; Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên, Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế Giới, 2004, đều ghi là “không rõ năm sinh, năm mất”. Các thông tin liên quan đến Nguyễn Bính - Biến Ngũ Nhy ở đây được ghi theo gia phả của gia đình tác giả. (Tư liệu Biến Ngũ Nhy thuộc công trình NCKH cấp Trọng điểm Đại học Quốc gia Văn học Quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX đến 1930 do PGS.TS Đoàn Lê Giang chủ nhiệm).

(2), (3), (4), (5) Thủ Dầu Một du ký, Công luận báo, số 378, ra ngày 28-1-1921.

(6), (7), (8), (9) Tây Ninh - Vũng Tàu du ký, Công luận báo, số 419, ra ngày 8-7-1921.

(10) Tây Ninh - Vũng Tàu du ký, Công luận báo, số 420, ra ngày 12-7-1921.

(11), (12) Tây Ninh - Vũng Tàu du ký, Công luận báo, số 422, ra ngày 26-7-1921.

(13), (14) Tây Ninh - Vũng Tàu du ký, Công luận báo, số 425, ra ngày 5-8-1921.

(15), (16) Tây Ninh - Vũng Tàu du ký, Công luận báo, số 427, ra ngày 12-8-1921.

(17) Tây Ninh - Vũng Tàu du ký, Công luận báo, số 430, ra ngày 26-8-1921.

(18) Tây Ninh - Vũng Tàu du ký, Công luận báo, số 433, ra ngày 6-9-1921.

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Kim Anh (cb) (2004), Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

2. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (cb) (2004), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế Giới, Hà Nội.

3. Nguyễn Hữu Sơn (2013), Du ký vùng cao phía Bắc nửa đầu thế kỷ XX, Tạp chí khoa học Văn hoá & Du lịch, số 12 (66).

4. Nguyễn Q. Thắng (1999), Từ điển tác gia Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.