THI SĨ ĐƠN PHƯƠNG

Hoàng Anh (BD)
(26-12-2012)
(Bài viết này, là nén hương lòng tôi thắp dâng lên linh hồn của anh đó, anh Đơn Phương thân qúi!)




Đơn Phương và Hàn Mạc Tử là đồng tác giả của tác phẩm Quần Tiên Hội,  tập kịch thơ 5 hồi. Theo ông Trần Thanh Mại, Hàn Mạc Tử viết được hai hồi, đã bị lạc mất, chỉ còn lưu lại 41 câu và đề cương vở kịch. Nguyên lúc đầu, thi sĩ họ Hàn sáng tác kịch thơ trên để tặng một độc giả ái mộ thơ của ông có tên là Thương Thương. Viết mới xong hai hồi, thể theo yêu cầu của gia đình thiếu nữ đó, ông ngưng không viết nữa. Đơn Phương khởi thảo viết tiếp phần sau, bắt đầu từ năm 1972; kết thúc vào câu thứ 700, năm 1988:
“Cánh hoa Huyền Thoại rơi đầy Nhân Gian”
Nhờ sự giúp đở quý báu của nhiều người, đến năm 1991, tập thơ được chính thức ra mắt độc giả. Một hành trình dài ngót 20 năm! Hai mươi năm ấy, biết bao nhiêu ngọt bùi, thống thiết đã xảy ra trong quá trình sống và viết của một thi sĩ.
Đã có nhiều người trong giới văn học nghệ thuật đánh giá cao công trình này, như quý ông Chế Lan Viên, Võ Long Tê, Sơn Nam, Kiên Giang, Tô Kiều Ngân, Lê Minh Quốc, Lê Anh Đủ…Giáo sư Võ Long Tê nhận xét:
“Đơn Phương có đủ thiện chí và tài năng hóa thân nhập thần thành một Hàn Mạc Tử…Đơn Phương tỏ ra sở đắc chất thơ Hàn Mạc Tử…Nồng độ chất thơ Hàn Mạc Tử chúng ta thường gặp trong những lúc Đơn Phương lập lại từ ngữ và phong cách của Hàn và ngay cả trong những lúc Đơn Phương hứng bút sáng tạo”
Được như vậy không phải là việc dễ dàng, nếu như không có tài năng và quan trọng hơn, có sự đồng điệu sâu sắc giữa hai người, về ý nghĩ, tình cảm, xuất phát từ cảnh ngộ và số phận rất đặc biệt của họ. Để biết rõ hơn hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, trình bày đôi nét về chân dung của nhà thơ Đơn Phương thiết nghĩ là điều cần thiết.
Đơn Phương tên thật là Trần Hồng Phương, tên cha mẹ gọi lúc thơ ấu là Cu Re. Ông sinh ra tại quê nội ở An Nhơn Tây, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Một số bài viết nói ông sanh năm Canh Thìn, 1940, nhưng trong giấy tờ ghi là 1945. Theo chính Đơn Phương, thì ông: “Tóm lại, cả hai đều sai. Theo tôi nghĩ, trong 2 năm 1942 hoặc năm 1943, một trong hai là năm sanh của tôi là có cơ sở nhất, nhưng không thể biết chính xác được năm nào”. (Đơn Phương, Ghép mảnh thời gian, 2006, tr.72)
Ngay từ lúc còn thơ ấu, ông đã sớm chịu đựng nhiều bất hạnh hơn bao trẻ khác, như ông đã tâm sự trong một bài thơ về hoàn cảnh gia đình của mình. Ba ông mất năm 1947, một nạn nhân bị giết oan trong thời chiến tranh ly loạn, khi vẫn còn trẻ:
“Từ ấu thời cửa ải đoạn trường qua
Chưa bao giờ uống trọn mật tình cha”
(Nhớ mẹ hiền)
Mẹ ông, con gái một điền chủ dưới Rạch Giá, theo chồng về đây, từ nay phải tảo tần nuôi ba đứa con, hai trai một gái, ông là người con giữa. Mẹ ông vừa phải lo kiếm miếng ăn, vừa lo nạn giặc giã triền miên:
“Theo lời Nội tôi kể, cuộc tản cư ấy diễn ra vào mùa hạ năm 1947 trong một đêm trăng trung tuần và có cơn mưa đầu mùa lất phất. Vì thưở ấy tôi và em gái tôi còn quá nhỏ cho nên Mẹ tôi phải bỏ hai anh em tôi vào hai chiếc thúng đặt ở hai đầu gióng để gánh. Mẹ tôi thật vất vả biết bao nhiêu khi phải đèo chúng tôi băng sông, lội suối, mà mưa trời lại không buông tha, lại còn kèm theo bao nhiêu mối hiểm nguy đuổi theo đàn người từng bước. Chắc lòng bà đã phải hứng chịu từng cơn đau mà không một ngôn từ nào diễn tả nổi. Niềm đau mất chồng, nỗi buồn rời bỏ nơi chất chứa bao kỷ niệm, thử hỏi còn có gì thê lương hơn, thống thiết hơn!” (Ghép mảnh thời gian, Đơn Phương, 2006, tr.18)
Khi về lánh nạn ở Tây Ninh, được vài năm thì vào một buổi chiều thu năm 1950, mẹ ông, một thiếu phụ chưa đầy ba mươi tuổi, qua đời vì bệnh lao trong nhà thương thí, khi ấy ông vừa mới khoảng 7 tuổi:
“Mẹ gượng nắm bức tranh đời run rẩy
Bằng vòng tay lau sậy buổi tàn đông
Rồi một ngày tàn úa lớp thu phong
Cửa viện thí nửa đời hồng gục ngã!”
(Nhớ mẹ hiền)
Con chim non, từ đó, gọi mẹ, bằng tiếng kêu ai oán lặng thầm:
“Ngần ấy thu rồi…mỗi dạo chiều mưa
Nhớ thương mẹ nói chi vừa bằng khóc…!”
(Nhớ mẹ hiền)
Đó chỉ là những giọt lệ long lanh đầu đời, chiếc cầu đoạn trường mà ông phải đi qua, vẫn còn dài thăm thẳm phía trước. Không còn ai nuôi nấng, hai anh em ông vào ở nhờ viện mồ côi Cao Đài tỉnh Tây Ninh. Đứa em gái theo người Dì về sống bên ngoại ở Rạch Giá, phải mười năm sau mới lại trở về sum họp với hai anh.
Đời một đứa bé mồ côi cha mẹ phải sống trong cảnh cô đơn, lòng ngập tràn thương nhớ và biết bao nỗi niềm có lẽ đã thôi thúc trong lòng Đơn Phương bao điều muốn tỏ bày, và thi ca là phương tiện giúp cho ông làm điều ấy. Thời gian sống ở viện mồ côi, ông có nhiều dịp đi ngoạn cảnh núi rừng ở Tây Ninh, và tập tành làm nhiều bài thơ. Ông viết:
“Tôi không sao quên được những gương mặt hiền từ, những tâm hồn đầy Phật ý của các cô Đạo Núi ngày xưa. Những nét tiêu diêu phưởng phất, những cử chỉ nhàn thiện, nhất là các cô đạo trẻ tuổi độ đôi mươi, trên đầu chít chiếc khăn nâu trông thanh thoát lạ thường. Có phải chăng cưộc đời văn nghiệp của tôi đã có sự phát nguồn ngay từ ấy”
(Đơn Phương, Ghép mảnh thời gian, 2006, tr.45)
Thời gian này, ông mới vừa nhập học trường sơ cấp ở ngoại ô Tòa Thánh Cao Đài. Bài thơ đầu tay của ông, viết ít năm sau, tựa là “Rừng thu”:
“Rừng Thu trăng vừa mọc
Cành lá đổ hào quang
Non sông tựa gấm vóc
Mờ mờ bước Thu sang”
(trích đoạn, thi tập Thương quê))
Năm 1958, bước vào lứa tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người, một ngày nọ ông sửng sờ biết mình đã bị mắc bệnh cùi, thời đó, đây là chứng bệnh hiểm ác tàn độc nhất trên thế gian này. Quá đau khổ, tuyệt vọng, và không muốn bị người đời kinh hãi hay gây thêm phiền lụy cho ai khác, nên chàng trai có cái tên rất đẹp là Trần Hồng Phương trốn trại bỏ đi lang thang vất vưởng trong rừng, trong núi, chịu đựng lạnh lẻo, đói khát, muỗi rừng cắn chích. Nhân viên và bạn bè trong cô nhi viện túa ra tìm ông khắp nơi nhưng không gặp. Sau khoảng vài tuần, trong lúc kiệt sức nằm bên một gốc cây ven rừng thì may mắn có một người bà con xa tình cờ đi ngang nhìn thấy. Người chú khuyên răn dỗ dành rồi đưa ông về ở tạm nhà bà Nội cách đó chừng 20 cây số. Càng ngày, bệnh càng phát tác và gây cho ông những cơn đau nhức kinh người. Cuối năm Canh Tý, ông vào điều trị tại nhà thương Chợ Quán. Đến khoảng cuối tháng 4-1961, tức hơn 3 tháng sau ngày nhập viện, ông cùng 12 bệnh nhân khác được chuyển viện tới trại cùi Bến Sắn, nay thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Nơi này thưở đó nằm giữa một vùng rừng rú, vành đai chiến khu D, nhà cửa thưa thớt, đường xá rất khó đi, chiến trận xảy ra thường xuyên. Ông Nguyễn Văn Xê, người cận kề với Hàn Mặc Tử trong những ngày tháng cuối đời tại trại phong Quy Hòa cũng vào Bến Sắn cùng ngày này. Ông Xê là tác giả của tập hồi ký viết về sinh hoạt của Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa từ ngày mới vào cho đến lúc lâm chung. Thời gian kể lại những chuyện này, bệnh tật đã tước mất đi của ông Xê cánh tay trái và hai cẳng chân. Trời xanh ưa cảnh trớ trêu, bấy nhiêu chưa đủ vừa lòng, nên cuối đời, ông Xê phải gánh thêm chứng mù và điếc, bất hạnh lại trùm lên bất hạnh.
Tại Bến Sắn, gặp được nhiều thi nhân đồng cảnh ngộ, tâm trạng như nhau, hồn thơ của ông như mạch nước ngầm tích tụ lâu ngày, giờ đến lúc khơi nguồn tuôn chảy, và tự đây, chảy cuồn cuộn mãi không ngừng cho đến cuối cuộc đời của ông. Khoảng năm 1964, ông gom lại hơn 60 bài thơ, thành tập thơ đầu tay Thương Quê, và chọn cho mình bút hiệu là Đơn Phương. Chọn bút hiệu Đơn Phương, là vì:
“Sở dĩ chọn bút danh đó, vì từ lúc biết làm thơ, tôi chỉ là khách độc hành trong việc sáng tác, chẳng ai chỉ dạy, cũng chưa gặp được một cao nhân đồng hành để trao đổi kỷ thuật thi ca”
(Đơn Phương, Bên chặng đường thơ 1963-1964, Ghép mảnh thời gian, 2006, tr.152).
Đầu năm 1966, khi đang ở Bến Sắn, một chân của ông phải bị cắt vì vết thương tàn phá quá nặng. Trong quảng thời gian đau đớn tột cùng từ thể xác đến tinh thần, nhờ có thư viện trại phong, Đơn Phương mới có cơ hội đọc được tác phẩm của nhiều thi sĩ nổi danh thời tiền chiến mà trước đây ông chưa hề biết. Trong số này, ông thích nhất là tác phẩm của Trần Thanh Mại viết về thân thế và thi văn của Hàn Mạc Tử và từ đó, ông mới biết nhiều về nhà thơ này.
Ông chần chừ mãi, đến năm 1967 mới gởi cả tập Thương Quê về tòa soạn nhật báo Tia Sáng. Thi tập này được nhà văn Sơn Nam ân cần giới thiệu trên nhật báo Tia Sáng và được ca sĩ Hoàng Oanh diễn ngâm trong chương trình thi văn Mây Tần do nhà thơ Kiên Giang phụ trách trên đài phát thanh Sài Gòn. Năm 1971, tập thơ đầu tay này của ông được xuất bản.
Cũng trong năm 1967, Đơn Phương kêu gọi sự hợp tác của một vài thân hữu nữa như Nhất Anh, Hải Vân Nhi, Huyền Diệp Tử…để thành lập thi văn đoàn Nguồn Thương, được sự hưởng ứng, tham gia của nhiều cây bút ở các trại phong. Lúc thịnh nhất, nhóm có trên 50 thành viên, bao gồm cả sinh viên, học sinh, quân nhân…Diễn đàn của nhóm, lúc đầu là Bích báo, sau mới ra được đặc san Nguồn Thương, xuất bản được vài số từ 1971 đến 1975. Sau 75, toàn bộ đặc san này bị đốt, nay nếu còn, may ra chắc chỉ còn một ít trong sưu tập riêng của vài người nào đó.
Do lòng yêu mến nhà thơ Hàn Mạc Tử nên vào mùa hạ 1973, ông thực hiện  chuyến đi Quy Hòa, thăm mộ của nhà thi sĩ. Không may, khi ở Quy Hòa, xương bàn chân trái còn lại của ông bị hư hoại, phải giải phẫu cắt đi.
Sau khi vết thương lành, ông trở về Tây Ninh, từ giã luôn công việc dạy học cho các em nhỏ ở trại phong. Đến năm 1975, rời khỏi Tây Ninh, không còn chốn dung thân, từ đây ông sống đời du lữ, rày đây mai đó, và làm nhiều công việc khác nhau để tồn tại, khi đi buôn, khi làm kiếp ăn xin…Đến năm 1981 ông về ở trại phong Thanh Bình, Thủ Đức. Vào lúc này ông đã bị tàn phế nặng nề, hai chân thì cụt, còn các ngón tay của ông cứ co rút lại dần, chỉ còn lại hai cái cùi tay nhỏ xíu. Không còn cầm viết được nữa, ông phải lấy dây cột viết vào tay. Bị bệnh tật hành hạ, đau đớn và khổ sở không thể nào tả xiết, thế nhưng nguồn thơ thì lại không ngừng tuôn trào trong tâm tưởng của một nhà thơ. Ngày ấy, với Đơn Phương:
“Cười ra Thơ và khóc cũng ra Thơ…”
(Ẩn số cuộc đời)
Ông trú ngụ trong một căn chòi lá nhỏ bên bờ rạch nhìn ra sông Thủ Thiêm. Ông đặt tên cho tổ ấm này là Lều Gió Ven Sông. Căn chòi nhỏ, nhưng gió mát lồng lộng bốn mùa. Tại đó, ban ngày ông tiếp tục đời hành khất, lúc rảnh, là nơi để tụ hội bạn bè đến đàm luận thi văn. Một hôm, khi ông đang ngồi ở ven đường phố chợ, có người phụ nữ thay vì cho tiền như những người khác, lại bỏ vào chiếc nón lá của ông một bó rau muống. Thấy lạ, ông ngước mặt nhìn. Người phụ nữ đó bất giác thốt lên “Ụa! Thi sĩ Đơn Phương đây mà!”
“Ta là người hành khất
Độc hành hứng sương bay
Hóa thân tiền kiếp lưu đày
Sanh ra thừa kế chuỗi ngày buồn thiu
Thước nào đo được tiếng kêu
Từ trong thương tích dập dìu thổi ra”
(Lễ Dâng, xuân 2008)
Nghiệp ăn xin là công việc bất đắc dĩ, làm cho ông ray rức nhiều. Đến năm 1983, ông mới nghĩ đến việc phải ngụy trang hình thể để đi bán vé số. Nhờ những trải nghiệm trong những công việc này, ông viết được hai tập thơ là “Hành Khất Ca” và “Hận Trường Ca”.
 Cũng tại Lều Gió, một hôm tình cờ lục đống bản thảo cũ, ông gặp lại bản Quần Tiên Hội mà ông đã viết được 150 câu từ năm 1972. Sau đó, cơ duyên khiến ông gặp hai ông Phạm Xuân Tuyển và Võ Long Tê. Nhờ sự động viên của hai vị này, ông quyết định viết tiếp tác phẩm, và sau một thời gian ngắn thì hoàn thành.
Trong quá trình sáng tác, ông có nhiều kỷ niệm vừa đau buồn, vừa khó quên. Có lần đang đi bán vé số ở chợ Thủ Đức, vài ý thơ tâm đắc hiện lên trong đầu, sợ rằng không ghi chép thì sẽ quên. Ông lượm một bao thuốc lá xé ra làm giấy rồi hỏi mượn cây viết để trên chiếc bàn nhỏ của cô gái bán vé số  ngồi gần đó. Thế nhưng, có lẽ nhìn thấy thân hình cổ quái của ông, cô ấy sợ nên từ chối. May mắn lúc đó có một người đàn ông đang ngồi trên chiếc xe Honda ở gần, nghe vậy thì lấy viết ra, lại thấy tay ông không còn nguyên vẹn, nên hỏi ông cần viết gì sẽ chép giúp. Ông nói rằng mình cần ghi lại giúp mấy câu thơ. Ông đọc, người đàn ông tốt bụng đó ghi:
“Tình chàng không giống Trương Quân Thụy
Có nghĩa trinh nguyên thấm tận hồn
Chảy mãi trong tim nguồn Thánh Ý
Hoa lòng không đậu xứ Tân Hôn”
(câu 679-682, Quần Tiên Hội)
Sau khi ghi xong, người đàn ông nọ hơi ngạc nhiên, khen thơ hay quá và hỏi vậy ra chú là nhà thơ à. Cô gái, lúc này biết chuyện mới lên tiếng: “Vậy sao hồi nãy chú không nói?”
Có khi, ý thơ dồn dập, ông viết miệt mài cả đêm, tới sáng thì kiệt sức không đi bán vé số nổi nữa, phải đem trả lại cho đại lý.
Tệ hơn, có lần lo cắm cúi viết những dòng thơ đang nhảy múa trong đầu, mâm vé số của ông bị kẻ bất lương rinh mất, vậy là hết sạch cả vốn. Bù lại, trong tình cảnh éo le ấy, ông đã viết ra được cả hàng chục câu thơ mượt mà óng ả như những dòng tơ:
“Nương nương ơi! Đàn lòng ra thơm nức
Lửa hồng thơ hừng hực đốt tâm trung
Ta nắn nót phím đàn căng tột bực
Tình đôi ta đến tuyệt mức vô cùng…”
Một nghệ sĩ nhận xét về Đơn Phương rất có tình lý:
“Đối với Quần Tiên Hội của Đơn Phương, chúng tôi nghĩ rằng hãy khoan nói đến chuyện thơ hay hay dở, chỉ nghĩ đến hình ảnh một người mắc bệnh nan y, ngồi trong cái chòi lá trông ra bờ sông cô quạnh, cố gắng kẹp cây bút bằng những ngón tay cùi cụt để chép đi chép lại những vần thơ, điều đó cũng đủ để chúng ta thương cảm và trân trọng.”
(Tô Kiều Ngân)
Vào năm 1997, đài phát thanh BBC có chương trình phát sóng dài 15 phút giới thiệu tập thơ Quần Tiên Hội với giọng ngâm của Phan Văn, người dẫn chương trình là Bạch Kim. Đây là sự đền bù rất ý nghĩa so với bao nhọc nhằn gian khó mà nhà thơ đã chịu đựng.
Sau 18 năm nếm trải đủ mùi vị của cuộc sống ngoài xã hội, năm 1992, ông trở về ẩn náu tại trại phong Bến Sắn và từ đó ít khi rời nơi đây để đi đâu. Ông được cấp cho căn nhà nhỏ nằm ven suối. Con suối róc rách chảy giữa hai hàng cây rừng rợp bóng mát ấy với ông là Khe Ngọc, còn căn nhà nhỏ đơn sơ, là Tịnh Bần Viên. Ghi nhớ ngày dọn đến Tịnh Bần Viên, 21-01-1996, ông có bài thơ Mái Ấm Tiêu Dao:
“Gió xuống, chiều trăng rụng suối mơ
Nắng sâu, lún tận nẻo xa mờ
Khói luồn mấy khúc xa xăm nhạt
Một bức hoàng hôn, tranh rất thơ
….
Sớm vui hớp gió bên Khe Ngọc
Chiều mượn liềm trăng gọt bớt sầu”
(Vu Vơ 4)
Một bài khác:
“Lều trăng chưa dọn sạch
Lời thơ buồn như mây
Thưa không! Ảo ảnh chan đầy
Mắt em sầu rụng ngõ gầy buồn tênh!”
(Dại quá!Xin chừa!)
Đời sống nơi đây phải chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng nhờ cuộc sống giản dị, đạm bạc, và không còn phải lo lắng bôn ba khắp nơi để kiếm tiền, nên những ngày tháng được hưởng cảnh an cư thanh tĩnh nơi đây lại là những ngày êm đềm hạnh phúc nhất và giúp ông sáng tác được nhiều nhất trong đời ông, như chính ông kể, có ngày ông viết được cả hàng trăm câu thơ.
Ngoài thi ca, một niềm an ủi lớn với ông là vợ con. Chuyện tình của ông cũng ly kỳ như cuộc đời ông. Vào một buổi tối cuối thu năm 1975, khi ông đang trên hè phố thì có người dẩn đến một cô gái tuổi độ 20, trên mặt có vài vết bầm. Người quen nọ nhờ ông dẩn cô gái đáng thương đó đi trốn sự truy bắt hãm hại của bọn du đảng cầu Ông Lãnh. Ông đưa cô gái gởi ở nhờ nhà một người bạn thân cũ ở Tây Ninh, trong căn nhà nhỏ mà ông và vài người bạn trước đây đã lập ra một quán cà phê có tên là Quán Chiều để tụ họp sinh hoạt văn chương với nhau. Ông trở lại Sài Gòn tiếp tục làm gả hành khất giữa gió mưa nắng bụi của cuộc đời. Cảm mối ân tình này, cô gái không muốn rời xa anh nữa, tự nguyện làm chiếc bóng của anh cho đến cuối đời. Họ có với nhau hai người con, một gái, một trai. Vợ của ông tên Liên, nhưng để kỷ niệm mối lương duyên buổi đầu gặp gở, ông đặt cho cô cái tên mới rất thơ mộng là Song Thu. Người quen, thường chỉ gọi là Thu. Ông làm thơ tặng Thu:
“Gió Thu mơn tóc em dài
Đong đưa hoa nắng rụng cài dáng thơ”
….
“Gánh hương tưới đẫm thư phòng
Tưới luôn hình dáng em trong hồn này”
(Dỡ dang khó nói đền bù, Viết cho nội thê Trịnh Thị Liên-Một ngày chớm sang thu-2000)
Nhìn cảnh người vợ đảm đang tận tụy chăm sóc cho chồng, ông làm nhiều câu thơ thắm thiết nghĩa tình cho nàng:
“Sớm chiều bếp núc lui cui
Chồng kêu, vợ dạ mới vui gia đình”
Hoặc:
“Mỗi khi mắt khói chui vào
Em ơi, giữ kẻo thơ trào tràn mi”
Ngoài người vợ hiền chung thủy sắt son, một vài bóng hồng đi qua cuộc đời cũng khắc ghi sâu đậm hình ảnh của họ trong tâm hồn và thi ca của ông. Tâm hồn của một thi nhân, dào dạt hồn thơ, thì cũng nồng nàn thủy chung không kém trong tình yêu:
“Thấy em từ xứ Chiêm Bao
Quét gom nắng hạ phơi màu nhớ thương”
(Xin chừa cho anh)
“Ta chết đi, nhưng mảnh hồn yêu dấu
Theo bước em cho đến vạn đời sau…”
(Rồ dại)
“Mai anh chết, ở bên dòng suối mát
Hồn nhớ em sầu thảm đến muôn đời!”
(Khổ lòng chưa!)
Điều trái ngang, là sự lo sợ mơ hồ về cái chết lại không đến với ông, nhưng đến với những người mà ông đã yêu, đã nhớ. Những bài thơ sáng tác khi tưởng nhớ họ, Đơn Phương thường viết những dòng đề tặng, đọc chúng thôi, nghe cũng đủ bâng khuâng, như:
“Tưởng nhớ Phạm Thị Thu Lan người yêu xưa đã tử nạn trên chuyến xe chiều 1986”. Ông viết khá nhiều bài cho người phụ nữ này như “Chúc xuân người dưới mộ”, “Nằm mộng đêm xuân”, “Lưu luyến hồn xưa”…:
 “Còn em dưới mộ có reo vui?
Cạn chén men xuân chắc ngậm ngùi?
Trông nén hương trầm bao khói toả
Nhớ thương mờ mịt chẳng tàn nguôi?”
Một số bài khác: “Viết cho Nguyễn Thụy Băng Giang, một trong những người yêu đã mất”:
“Đêm qua nằm ngủ trên đồi
Chiêm bao thấy dáng em ngồi dưới trăng”
(Dấu tích mơ)
“Ta đem mai táng ý thơ buồn
Trong ráng mây chiều lả tả buông
Trong bóng hoàng hôn thưa thớt nắng
Trong hồn ai nhẹ lướt qua truông”
(Ta đem mai táng)
Ngoài ra, ông còn nhiều mối sầu nhớ nhung khác như Liên, tình yêu đầu đời, như Nga, như Mơ, như Trâm, như Hải Triều…để rồi:
“Đau thương cứ mọc thêm chồi
Nhớ người con gái bên đồi trăng xưa
Áo trời rách bởi cơn mưa
Hồn tôi rách bởi lưa thưa nắng chiều”
(Chồi đau thương)
Ngoài những cánh hồng đã sớm dạt trôi theo gió cuốn, Đơn Phương còn có nhiều bài thơ viết cho những người đồng cảnh ngộ với mình đã mất, thể hiện niềm thương cảm sâu xa. Trong một bài thơ, ông ghi: “Tưởng nhớ những người đồng cảnh ngộ hiện nằm trong nghĩa trang Bến Sắn”. Viết cho họ, mà cũng là viết cho chính ông mai sau:
“Suốt cuộc đời tàn tạ…khổ bao nhiêu
Khi nằm xuống đìu hiu như lá úa
…….
Kiếp Thi Nhân lệ máu đẫm một thời
Nay được hưởng một khung trời hiu quạnh!
(Nói chuyện nhau dưới mồ)

“Rời biển khổ, các anh nằm yên đó
Nhờ nắng mưa gọt bỏ mọi niềm đau
….
Bây giờ đây nằm bên nhau san sát
Dưới trăng buồn vẫn tán chuyện vu vơ”
(Chỉ là cát bụi)
Trong hoàn cảnh bệnh tật hiểm nghèo, đời sống sầu thảm như thế, Đơn Phương đã không ít lần bị ám ảnh và dự cảm đến cái chết của chính ông:
“Một mai ta chết thì sao
Trăng, thơ và mộng có cùng vào áo quan?

Để rồi…nếu rủi một mai…
Xin đem tơ bện hình hài áo quan
Xin dâng kinh hạt một tràng
Xin chôn theo cả trăng vàng cùng ta.”
(Gởi lại mai sau)

“Xin đừng giẫm lá trăng non
Trong đây hồn chữ vẫn còn phất phơ

Sống đem tơ máu mà căng
Chết rồi chỉ có hương trăng canh mồ!”
(Mồ Đơn Phương)
Càng lớn tuổi, hai mắt của ông cũng càng mờ dần, chữa trị nhiều vẫn không khỏi, thế nhưng ông vẫn tận dụng hơi sức còn lại để tiếp tục sáng tác, với sự giúp sức của một máy đánh chữ. Sự nghiệp của ông thật đáng nể, với hàng mấy mươi thi tập, kịch thơ, trường thi. Trường thi của ông, ngắn nhất là 2000 câu, dài thì lên đến cả 4000 như Giao Châu trường hận, Lời ca hoang, Khói cuộn rừng hương, Ngọc đàn thanh, Hận trường ca…Viết thì quá nhiều, nhưng đáng tiếc là ông không đủ điều kiện để xuất bản thơ của mình, nên ngoài Thương Quê và Quần Tiên Hội, ít người có dịp thưởng thức được thơ ông.
Vào tháng 11 năm 2012, Đơn Phương vào nằm điều trị tại khoa nhiễm, bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương vì bệnh viêm phổi. Sau hai tuần, ông lặng lẽ ra đi vĩnh viễn vào khoảng 3 giờ sáng ngày 15 tháng 11, năm 2012, hưởng thọ 72 tuổi.
Đời Đơn Phương và Hàn Mạc Tử có vài điểm trùng hợp kỳ thú. Thi sĩ họ Hàn sinh lúc 8 giờ sáng, ngày 22 tháng 9 năm 1912, mất lúc 3 giờ chiều ngày 11 tháng 11 năm 1940. Ngay năm Hàn Mạc Tử mất, Đơn Phương ra đời. Đơn Phương mất lúc 3 giờ sáng, cũng trong tháng 11. Hàn sinh giờ Thìn, Đơn Phương mất vào năm Thìn. Trong lúc nhiều người đang tưởng niệm 100 năm ngày sinh của Hàn, Đơn Phương trở bệnh nặng, chăm sóc ông là anh Hoàng ở chung trong trại phong, học trò của ông Nguyễn Văn Xê, kẻ đã chăm sóc cho Hàn Mạc Tử trong những ngày tháng cuối đời.
Hàn thọ 28 tuổi, Đơn Phương thọ 72 tuổi, cộng lại, cả hai có mặt trên cõi đời được đúng 100 năm. Cả hai đều bị hành hạ vô cùng đau đớn khổ sở bởi căn bệnh hiểm ác, nhưng cũng từ đó, họ lại cho ra đời hàng chục ngàn câu thơ đẹp đẽ, lóng lánh như châu ngọc để hiến dâng cuộc đời. Trong một bài tựa cho tác phẩm của mình, Đơn Phương viết:
 “Tôi làm thơ! Nghĩa là tôi đồng lõa với nỗi thống thiết, bi thương và bất hạnh, nghĩa là phơi bày hết thảy những tế bào sạm đen, bế tắc chẳng còn chu lưu trong huyết quản. Cũng có nghĩa là tôi khờ dại không chung dòng chuyển lưu thoái hóa của luật trời.
Tôi làm thơ! Nghiã là tôi cưỡng chế toàn bộ lệ lòng, toàn bộ sầu vương, oán giận, cải tạo chúng thành những tràng chuỗi Thơ long lanh, chớp ngợp màu sắc. Vì đau thương hay hạnh phúc, đoàn viên ly biệt, mật đắng hay hương thơm đều là hạt hoa tinh tuyền, đều là nụ thơ triền miên tỏa sáng trong tận đáy lòng người Thơ vĩnh cữu”
(Thơ Đơn Phương, tr.21)
Ông được an táng trong nghĩa trang Bến Sắn, nằm cạnh những người thân quen của ông. Nơi đây ông đã nhiều lần trầm ngâm đứng nhìn, cảm thương, ngẫm nghĩ đến số kiếp bất hạnh đau thương của biết bao người. Trên mộ Đơn Phương có hai tấm bảng ghi lại lời thơ của ông:
“Đây không hơi mỹ tửu
Cũng chẳng niềm ly tao
Chỉ có thơ vĩnh cửu
Toát ra từ thương đau”
(Thơ Đơn Phương)
Để kết thúc bài viết tưởng niệm Đơn Phương, xin chép lại trọn vẹn một bài thơ của ông, để san sẻ những cảm nghĩ của chính ông, về một ngày mai khi ông nằm im lặng dưới mộ phần:

MỘT MAI TÔI NẰM XUỐNG

Một mai tôi nằm xuống
Trong vũng đời buồn thiu
Còn ai gom sầu muộn
Dưới cơn mưa ban chiều!

Một mai tôi nằm xuống
Đáy mộ thầm buồn tênh
Dải tơ trời ai cuốn
Lạc loài trôi mông mênh!

Một mai tôi nằm xuống
Cô độc đường thơ bay
Dòng hương trăng cuồn cuộn
Còn ai hốt vào tay!

Một mai tôi nằm xuống
Gởi trọn kiếp sầu hoang
Bàn tay nào nặn uốn
Ý thơ buồn mênh mang!

Một mai tôi nằm xuống
Những giai điệu huyền mơ
Biết còn ai chiều chuộng
Hay lạc loài bơ vơ!
(Trời chớm sang thu 2008)

 

Tác phẩm của Đơn Phương:
-1958-1969: Thương Quê (xb. 1971)
-!989: Quần Tiên Hội (nxb. Văn Nghệ, 1991)
-Thơ Đơn Phương (nxb.Văn Nghệ, 2009)
19 tập thơ: Hành khất ca, Lưu Luyến, Vu Vơ (6 tập), Thương quê…
4 kich thơ: Lệ trăng, Quần Tiên Hội, Hồn rụng non tiên, Vườn xuân thánh.
8 truyện thơ: (từ 1500 đến 4000 câu): Hận trường ca, Giao Châu trường hận, Máu Thánh vườn hoang, Ngọc đàn thanh, Khói cuộn rừng hương, Máu nhuộm vườn trăng, Thiên tình đất Thủ…
Ngoài ra, ông còn tự nghiên cứu viết kịch và cải lương, 2 vở tuồng ông còn lưu giữ về sau này là “Bão lộng giang hồ” (lọai hương xa), và “Yêu là tự sát” (loại xã hội)
3 tập văn xuôi tổng hợp, và rất nhiều bài thơ rời khác còn nằm trong di cảo của ông. Đặc biệt, ông còn bộ hồi ký 3 tập, không phổ biến.
THAM KHẢO:
-Thơ Đơn Phương (NXB. Văn Nghệ, 2009)
-Ngọc Đàn Thanh (1991)
-Vu Vơ III (1991)
-Những dòng tơ (Nguyễn Đắc Thắng, nxb.Văn Nghệ, 2009)
-Ghép mảnh thời gian (Đơn Phương, 2006)

Bên mộ nhà thơ Đơn Phương…

Gần một tháng nhà thơ nghiệp dư Đơn Phương (Trại phong Bến Sắn, Khánh Bình, Tân Uyên), người viết tiếp “Quần tiên hội” của Hàn Mặc Tử mất, chúng tôi có dịp trở lại thăm mộ ông. Thật cảm động khi ông được yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng có một ngôi mộ ấm cúng…


 
Những bạn thơ bên mộ nhà thơ Đơn Phương

 Giữa nghĩa trang yên tĩnh của Trại phong Bến Sắn, ngôi mộ mới của Đơn Phương được làm nên bởi sự ủng hộ của bằng hữu thi ca, của người thân. Mộ do bác sĩ Thắng lập bằng đá, màu đen. Hai bên mộ có đề thơ: “Đây không hơi mỹ tửu cũng chẳng niềm ly tao/ Chỉ có thơ vĩnh cửu  toát ra từ thương đau”. Trước mộ là tấm bia viết giản dị: Nhà thơ Đơn Phương, Trưởng Văn đoàn Nguồn thương.
Nhóm thi hữu hôm đó đến viếng mộ Đơn Phương gồm có nhạc sĩ Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệthuật tỉnh cùng các hội viên Hội Văn học Nghệthuật Bình Dương là nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học dân gian…
Nhà thơ mang nỗi đau Hàn Mặc Tử này tên thật là Trần Hồng Phương. Ông từ trần ngày 15-11-2012 vì bệnh nặng, hưởng thọ 73 tuổi. Cuộc đời ông là một chuỗi ngày cay đắng trong nghèo khó và bệnh tật. Nhà thơ Đơn Phương sinh ra trong chiến tranh, sống kiếp mồ côi, ở nhờ cô nhi viện, Đơn Phương làm thơ từ năm 13 tuổi. Khi phát hiện mắc bệnh phong, ông đã tuyệt vọng, có khi phải trốn chạy vào rừng, sau đó lang thang hành khất... Cuối cùng, ông chọn Trại phong Bến Sắn làm nơi dừng chân đểvừa chữa bệnh, vừa làm thơ.
Cảm nhận nỗi đau như Hàn Mặc Tử, mê đắm thơ Hàn Mặc Tử, Đơn Phương từng viết: “Tôi với người cùng thếgiới đau thương/ Thịt cùng ngấm một thứ hương kỳ quặc/ Cùng rưới lên đời rừng nước mắt/ Nay bên mồxin đặt một vòng hoa”… Ông viết hàng trăm bài thơ thống thiết như Hàn Mặc Tử đã từng viết. Sáng tác của Đơn Phương đặc sắc nhất là hoàn thiện kịch thơ “Quần tiên hội” của Hàn Mặc Tử. Từ 41 câu dang dở của thi sĩ nổi tiếng này, Đơn Phương viết thành 700 câu hoàn chỉnh của một vở kịch thơ…
QUỲNH NHƯ