VIẾT THÊM VỀ ĐỒNG XOÀI

LƯU THANH BÌNH


Đồng Xoài là một thị trấn vùng cao, có vị trí nằm ở đoạn tiếp giáp giữa cao nguyên Nam Trung Phần và miền Đông Nam Bộ. Không giống như Phú Giáo có nền địa chất là đất cát pha sét thuộc lớp phù sa cổ giống như Dầu Tiếng Tây Ninh, từ Đồng Xoài đi lên phía Bắc đều là đất đỏ bazan màu mỡ, tàn tích của nham thạch thời cổ đại. Nếu gọi Lộc Ninh là thủ phủ của cây tiêu, Phước Long là thủ phủ của cây điều thì Đồng Xoài là vương quốc của cây cao su với ba “đại” công ty là CS Phú Riềng, CS Thuận Lợi và CS Đồng Phú.

Năm 1997, khi thành lập tỉnh mới (Bình Phước) cũng có nhiều ý kiến đề nghị chọn Bình Long làm tỉnh lỵ, vì khi ấy Đồng Xoài hãy còn là một huyện nghèo so với thị trấn An Lộc (Hớn Quản) sung túc hơn. Tuy nhiên xét về địa thế thì Đồng Xoài có ưu điểm hơn hẳn vì nằm ở vị trí trung tâm.  Từ Ngã tư Đồng Xoài, đi lên phía bắc sẽ về Phước Long, rẽ trái về Chơn Thành, rẽ phải theo QL 14 sẽ đến Bù Đăng và xuôi theo phía nam sẽ trở lại Phú Giáo. Các thị trấn này đều cách Đồng Xoài khoảng độ 50 km.

Tuy nhiên, Đồng Xoài cũng chỗ dỡ của nó mà một người bình thường không có kiến thức quân sự cũng thấy : toàn bộ thị trấn đều nằm trọn trong lòng chảo mà bốn bề bao quanh đều là gò đồi. Chỉ cần điều chỉnh vài lượt pháo là mọi mục tiêu đều nằm gọn trong tầm ngắm. Bài hát “ Kỷ vật cho em” của nhạc sĩ Phạm Duy có đoạn “ …hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã …” , đánh dấu năm 1965, chiến sự bắt đầu leo thang với những trận đánh lớn cấp trung đoàn, sư đoàn cùng sự phối hợp của phi pháo yểm trợ. Súng Carbine thay cho Garant, AK thay cho Quảnh - tầm -  xào. Hai anh em chung một bọc giết nhau thê thảm nhân danh tiền đồn ý thức hệ.

Ngã tư Đồng Xoài, hướng về Bù Đăng trước có quán cơm có tên gọi ngộ nghĩnh là quán “Bà già tiền cũ”, chủ nhân của quán có thói quen tính tiền theo tiền cũ rồi quy đổi sang tiền mới, tính nhẩm nhưng thật nhanh và chính xác. Từ Bù Đăng đi lên Thọ Sơn , vượt qua trạm Cây Chanh, ranh giới giữa Bình Phưóc và Đắc Nông, sẽ thấy thảm thực vật hai bên đường khác hẳn : từng vạt Dã Quỳ, một loài hoa dại họ cúc tỏa sắc vàng rực rỡ, lác đác vài gốc thông xù xì, cằn cỗi. Đến Gia Nghĩa ( Đắc Nông) thì thông mọc thành rừng và Dã Quỳ thống lĩnh toàn bộ các bãi đất hoang ven quốc lộ. Một lần chúng tôi dừng xe bên đường, bứng một số cây con (giữ trong bầu đất) và một ít hoa khô để về giũ hạt gieo trồng nhưng tất cả đều không sống được, thật tiếc.

Đồng Xoài cuối năm dứt mưa sớm hơn dưới đồng bằng, khi gió hanh se lạnh lùa trong nắng sớm cũng là lúc vào mùa thu hoạch lúa rẫy, loại lúa thường được trỉa trên sườn đồi, hạt mẩy tròn có đuôi, gạo nấu lên dẻo nhưng không dính như nếp, dân đi rừng hay nấu trong ống lồ ô, có nơi gọi là cơm lam. Cơm lúa rẩy ăn với thịt rừng nướng thiệt là “ bá cháy”. Vào mùa lúa, chim két kéo về từng bầy, hễ đáp xuống vạt rẫy nào là tan hoang nơi đó, lúa gãy gục từng chòm thật đau xót. Thịt két dai, không ngon. Lại thêm bọn khỉ, voọc nhào ra chia phần, khiến người ta phải làm chòi canh giữ rẫy.

Đồng Xoài cũng là quê hương của cây ươi ( hay lừ ươi ), một loại cây cho hạt dùng làm nước giải khát cùng với hột é mà thuở nhỏ đi học hầu như ai ai cũng thích. Trái ươi chín có nầu nâu đen, phơi khô cho nhăn lớp vỏ lụa bên ngoài, khi dùng thì vạt hai đầu rồi ngâm vào nước độ dăm phút cho bung hết cỡ, vớt ra bóc võ hòa vào nước đường cùng với hột é ngâm nở màu tím làm thành một loại nước giải khát dân dã , rẽ tiền mà trẻ con rất thích. Đồng Xoài sau Tết âm lịch vào mùa khô, từng đoàn người rùng rùng rủ nhau vào rừng hát ươi, đồ nghề chỉ gồm một giỏ đệm và cái rựa. Ươi thuộc loại thân mộc, mọc trong rừng thường tập trung thành từng đám, khi đã gặp thì người ta vung rựa đẵn luôn gốc cho thân cây ngã xuống rồi mới thu hoạch. Trái non trái già gì cũng lặt sạch một lần rồi thôi. Chờ cho trái chín khô rụng xuống gốc ư ? Chỉ có trong chuyện cổ tích. Người ta lý luận : biết sang năm có tới mình không mà dưỡng ? Hậu quả là cây ươi ( lừ ươi ) đã biến mất khỏi Đồng Xoài từ cuối thế kỷ trước. Mà gỗ ươi cũng không tốt, bị xếp vào nhóm 8 là loại gỗ tạp. Thợ cưa gặp gỗ ươi rầu lắm, mau lụt lưỡi vì gỗ xốp mà thớ vặn.

Ngày nay, giao thông phát triển, xe khách Sài Gòn – Đắc Lắk thường chọn tuyến Đồng Xoài – Bù Đăng – Gia Nghĩa – Đắc Min làm lộ trình thay vì Phan Thiết – Phan Rang – Khánh Hòa – Phú Yên xa hơn gấp đôi đường. Bây giờ thì mọi người đều công nhận quyết định chọn Đồng Xoài làm tỉnh lỵ là ý tưởng đúng đắn, có tầm nhìn xa trông rộng !  

Gần mười năm ở vùng cao, tôi được nếm thịt sóc, gà rừng, chồn, cheo, nai , mễn, nhím, trúc, heo, gấu, đặc biệt là thịt trăn và thịt cọp. Nhắc Đồng Xoài , tôi nhớ đến Phú Riềng thủ đô của bệnh sốt rét, rừng Mã Đà hữu ngạn sông Đồng Nai ma thiêng nước độc. Cũng như nói về Phước Long, tôi nhớ Bù Nho, Phước Bình, Đa Kia, cầu Suối Dung Tư Hiền, Thác Mơ, cầu Đắc Lung, núi Bà Rá, cầu Rạt, Sóc Bom Bo, Phước Tín, Đường 10, … hay Bù Đăng tôi nhớ Bù Na, Bù Gia Mập, Nghĩa Trung, Thống Nhất, Thọ Sơn, đèo Chuối, cầu 38, ngã ba Đức Liễu …Tôi vẫn mong một ngày làm một “tour de Bình Phước” để thăm hết các chốn cũ kể cả Đắc Ơ, Lộc Tấn, Lộc Hiệp, Bù Đốp …mà không biết có thực hiện được không .

( 4 – 2014)


Đồng Xoài Ngày Nay (ảnh Google.com)