Dòng sông nước lớn

Cao Quế Lâm
 
    Chiếc phi cơ chao lượn vài vòng trước khi trượt dài trên phi đạo, hạ cánh an toàn.  Nhìn từ trên cao, Portland đẹp như trong tranh vẽ. Sự hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và đường nét thiên nhiên làm thành phố nổi bật hẳn lên trong bình minh êm ả. Những bãi cỏ xanh rờn nối nhau trải dài như tấm thảm nhung xanh vô tận.  Tôi biết đến nơi này cũng từ sự tình cờ. Nhiều năm trước có người quen mách bảo nơi đây có một thánh đường Công giáo rất linh thiêng - tên gọi Đức Mẹ Sầu Bi (Our Lady of Sorrows Catholic Church) - nổi tiếng "cầu là được, ước là thấy".  Nghe theo lời chỉ dẫn, vợ chồng tôi đã lặn lội tìm đến cầu nguyện bằng tất cả lòng thành kính, kết quả ơn trên đã nhậm lời và sau đó ngôi nhà hạnh phúc của chúng tôi vang lên tiếng oe oe của con trẻ chào đời… Portland là thành phố yên tĩnh ở miền tây bắc Hoa Kỳ.  Mưa gần như suốt năm, một năm có 365 ngày thì mây mù và mưa gần như là 300 ngày rồi. 65 ngày nắng đẹp còn lại thì nghe đâu là nắng của Cali, lang thang đến chốn này. Thấy phong cảnh hữu tình nên lưu lại vài hôm, chừng không chịu được cái buồn nên nắng đẹp lật đật quay đầu về lại Cali, để lại Portland vốn dĩ đã buồn, giờ lại buồn hơn. Từ đó đến nay, tôi thường trở lại nơi này, vì càng đến thì tôi lại càng tìm ra nhiều nét tương đồng, gợi nhớ thật nhiều đến Chánh Mỹ quê xưa…
        …Trời đã xế chiều, gia đình tôi rời thác nước Multnomah vào lại thành phố. Nơi đây vắng vẻ, xa thật xa mới có một lối ra xa lộ, họa hoằn lắm mới thấy một chiếc xe trên đường.  Dòng sông Columbia uốn khúc lượn lờ, trước khi chảy ngang qua thành phố Portland cũng có một nhánh rẽ.  Hệt như sông Sài Gòn trước khi xuôi ngang đầu chợ dưới Thủ Dầu Một cũng có một con lạch lớn mang nước vào những cánh đồng lúa mênh mông, nơi đó có cầu Rạch Trầu vắt ngang, nối liền Mỹ Hảo và xóm chợ bên ngoài…
       ... Ngày đó mấy đứa tôi còn nhỏ xíu, chừng lớp 6, lớp 7 gì đó.  Chiều chiều sau giờ học, cứ trông hôm nào nước lớn là lại đèo nhau trên hai chiếc xe đạp cà tàng, thả dài con dốc Ủy Ban Xã rồi tấp vào "đóng đô" ngay cầu Rạch Trầu. Dòng sông nước lớn bao giờ cũng đẹp và thơ mộng, chứ nhìn dòng sông trơ đáy khi nước ròng thì chán chết. Bốn đứa tôi nhà gần và cùng học chung lớp nên rất thân nhau. Đứa ngồi vắt vẻo trên thành cầu cao, đứa thả hai chân thòng xuống nghịch mấy giề lục bình trôi xuôi.  Đang đùa giỡn say mê nhưng khi nghe tiếng của chuyến xe lam chở khách cuối cùng trong ngày từ xa thì tụi tôi đổi đề tài. Chờ cho chiếc xe vừa vượt qua, cả bốn đứa cùng đồng thanh la lớn: "Dì Tám, Dì Tám". Một bà dì tội nghiệp nào đó nghe kêu đúng vai thứ thì giật mình, hớt hải ngó lên, nước trầu chảy ròng ròng đỏ dài một khoảng áo. Cả đám tôi phá ra cười ngặt nghẽo. Chiếc xe lam vẫn lạch bạch nhả khói khét mù tiếp tục cuộc hành trình, vẳng theo lời mắng: "Mấy thằng quỷ...".  Người ta thường nói :"Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò". Giữa thế kỷ 20, quỉ không có, ma cũng chẳng còn, thì học trò là nhất rồi, phải không? Chọc ghẹo người chán rồi tụi tôi lấy đồ ra ăn, do đã hẹn trước nên chúng tôi mang đủ, khi thì đậu phộng, khoai lang, khi thì khoai mì, củ bình tinh.., toàn là những thứ ở nhà trồng lấy chứ đứa nào có tiền đâu mà mua. Ăn no rồi tới phiên tán dóc, từ những chuyện xưa như hồi trước khi “thoả thuận” với nhau trái đất hình tròn thì người ta đã “chứng minh” được là trái đất hình vuông, rồi như con vịt có trước cái trứng hay cái trứng có trước con vịt… cho đến những chuyện tân thời hơn như :"cô Thanh Nga của tao mà đã diễn thì chị Thanh Kim Huệ của mày không có cửa". Vậy đó, toàn những chuyện ấm ớ, tào lao, giờ nghĩ lại thấy mình hồi đó sao "con nít" vậy... Hơn thế, tụi tôi giống nhau ở một điểm là “kiến thức cực cao, cái gì cũng biết”, nhưng khi “đi vô chi tiết thì hổng biết cái gì”.  Bởi vậy chúng tôi mới chơi chung với nhau được. Một trong những trò vui bất tận của tụi tôi là chờ đứa nào ngủ thì trét mắm tôm lên chót mũi, cho dù có kỳ rửa sạch sẽ gì đi nữa thì cái mùi khăn khẳn đặc trưng vẫn còn vương vấn một cách khó chịu. Khi món ấy lỗi thời thì tụi tôi chuyển qua quẹt lọ nghẹ lên mặt: "Thì ai biểu mày ngủ làm chi, ra đây để chơi chứ đâu phải ra đây để ngủ, muốn ngủ thì ở nhà ngủ đi". Đó là lời mắng nhiếc mà "nạn nhân" sẽ phải nghe sau khi bị xử phạt... Thường thì chúng tôi chỉ ngủ lẻ tẻ từng đứa khi không cưỡng nổi cơn buồn ngủ khi gió chiều mơn man. Nhưng có một lần cả đám cùng lăn ra ngủ vùi bên đống rơm ấm áp, và đó cũng là lần tai họa. Số là sau khi vẽ râu ria lên mặt tôi và thằng L. xong thì hai thằng còn lại không có chuyện gì làm, đâm chán cũng lăn ra ngủ tuốt. Chừng cảm giác mặt bị ướt như ai tạt nước thì cả đám hốt hoảng chồm dậy, đằng xa cơn mưa thật lớn đang ầm ầm kéo đến từ bên kia sông.  Giông gió nổi lên, trời đất tối sầm, màn mưa rượt nhau chạy loang loáng mặt nước như vạn mã thiên binh từ hướng Bình Mỹ kéo sang. Những cơn mưa miền nhiệt đới thường day dẳng và dữ dội. Tụi tôi tính toán thật nhanh, mưa lớn kiểu này, chạy trốn chưa khỏi dốc Chánh Mỹ thì nước lũ đổ xuống cũng đủ cuốn tụi tôi rồi. Túng thế, ngó quanh quất thì thời may thấy cái chòi vịt trên bờ biền, nằm khuất bên trong mà bình thường tụi này không thèm ghé tới. Lúc tụi tôi tấp vào tá túc thì cha con chú chăn vịt đang chuẩn bị bữa cơm chiều, chú xởi lởi vo thêm gạo nấu cháo cho đám khách không mời mà đến này. Cậu con trai nhỏ tuổi hơn tụi tôi, ốm nhom và đen nhẻm lúc đầu nhìn với ánh mắt e dè, chừng quen chút đỉnh nó nói chuyện líu lo. Bên ngoài mưa bão vẫn to, giờ chắc cũng tối lắm rồi, đứa nào cũng đang lo trong bụng. May sao chừng một lát mưa bớt hạt, chúng tôi vội vã từ giã cha con chú chăn vịt tốt bụng. Trên đường về, đứa nào cũng suy nghĩ sẵn trong đầu lý do nào hợp lý nhất để giải thích cho việc vi phạm lần này….
      ... Sáng hôm sau, cả bốn đứa tề chỉnh đi học nhưng nghiêm túc, không nhảy nhót như mọi ngày.  Tới giờ chơi, cả đám tản ra chỗ vắng vén quần lên, đứa nào cũng lằn ngang lằn dọc vì bị phạt cho lần về trễ tối qua.  Vậy đó, sau này tôi mới ngộ ra là chỉ có những đứa con lêu lổng ham chơi, chứ không có ba mẹ nào lơi lỏng, thờ ơ. Lỗi nhỏ thì có thể dung, chớ tội to thì không thể thứ.  Mấy hôm sau, tụi tôi lại ra bến sông quen thuộc, nhưng tư thế lần này có khác. Sau khi nghe kể về cha con người chăn vịt tử tế, ba má tụi tôi gửi cho nào là gạo, đường, cả chén đũa, hộp quẹt... nữa, toàn những thứ nhu yếu phẩm mà vào cái thời bao cấp ngăn sông cấm chợ khó khăn đó, nó quí như vàng.  Tụi tui hí hửng đạp xe nhanh ra chòi vịt vì có cơ hội trả ơn, nhưng khi tới gần thì đứa nào cũng bâng khuâng, ngỡ ngàng . Thì ra cha con chú đã giở chòi, đi sang cánh đồng khác nhiều lúa hơn cho vịt kiếm ăn. Chỉ còn vương vãi trên nền chút tàn tro và mấy cục gạch bể đã từng dùng để nấu bếp. Gió chiều hiu hiu, thấp thoáng cánh cò chấp chới bay ngang, mặt trời lặn dần trên sông, kéo theo những tia nắng vàng vọt lưu luyến cuối cùng.  Chiều nay mây tím xây thành, cả chân trời tím thẫm một màu từ phía miệt Bình Mỹ bên kia. Cả bốn thằng ngây người, chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt vời, chúng tôi không dám cử động vì sợ rằng tiếng động và gió sẽ làm vỡ đi chút không gian tĩnh lặng của buổi hoàng hôn trên sông... Nhưng dù có lặng yên, né tránh, lần khân gì đi nữa, thì gió cũng đã cuốn tôi đi xa, ra khỏi vành nôi êm ấm của tuổi thơ ngây. Để giờ đây, bên dòng sông lạ lẫm xứ người, cách quê xưa nửa vòng trái đất, tôi lang thang lần về những dấu ái xa xôi.  Tôi không có dịp gặp lại những người bạn niên thiếu của mình cũng như cha con người chăn vịt chạy đồng tốt bụng năm xưa. Tất cả họ như cơn gió mát thoảng qua đời tôi trong phút chốc nhưng vẫn lưu lại những êm đềm của tuổi hoa niên. Bốn mươi năm vật đổi sao dời, nếu có tình cờ va chạm vào nhau đâu đó trong đời, đã chắc gì còn nhận ra nhau…
    … Tiếng vỗ tay cùng tiếng lao xao tán thưởng ca đoàn làm tôi giật mình trở lại với hiện tại.  Những người giáo dân tề chỉnh đứng dậy ra về sau khi người linh mục già ban phép lành thánh lễ đã xong.  Ngồi yên từ hàng ghế cuối nhà thờ, chúng tôi nán lại nhìn dòng người chầm chậm đi qua. Đã bay cả ngàn dặm đến đây thì không có lý do gì phải hối hả, bon chen.  Những lần đầu vợ chồng tôi thắc mắc sau không thấy bao nhiêu giáo dân Việt Nam dù Cộng đoàn nơi đây khá lớn, sau hỏi ra mới biết "phe ta" đi lễ bên nhà thờ Đức Mẹ La Vang cách đó không xa. Trời vừa tạnh mưa hãy còn se lạnh.  Vợ con tôi hớn hở rảo bước ra tiệm bán quà lưu niệm, tôi bắt thang máy lên tầng trên. Thánh đường Đức Mẹ Sầu Bi có cách kiến trúc rất đặc biệt. Nhà thờ chánh được xây dựng bên dưới, còn vườn hoa và nhà nguyện, nơi tu tập của các linh mục và các soeur thì trên cao, ngang ngọn của những cây thông già cao nhất, phải lên bằng thang máy.  Lúc sinh thời, má tôi cũng đã từng đến nơi này, má con tôi cùng tản bộ dưới tán lá ướt sũng sau cơn mưa, rôm rả kể lại kỷ niệm một thời ở Chánh Mỹ, Bình Dương.
      Chiều nay  tôi sẽ về lại Cali đô hội phồn hoa.  Về lại với những với những xa lộ không bao giờ vắng xe, về lại Bolsa với những hàng quán, tiệm ăn không bao giờ đóng cửa, về lại với những bon chen, toan tính đời thường.  Hơn ba mươi năm xa quê, tôi chưa một lần trở lại chốn xưa, chưa một lần thăm lại cây cầu, dòng sông năm cũ. Tôi vẫn giữ mãi trong lòng hình ảnh ngày xưa của cánh đồng lúa chín rì rào, của hoàng hôn tĩnh mịch trên sông.  Ba mươi năm vật đổi sao dời, Bình Dương giờ đổi thịt thay da, nếu có về tôi sẽ thấy những cao ốc lộng lẫy, những siêu thị hào nhoáng, Bình Dương đơn sơ, thanh khiết một thời đã lùi vào dĩ vãng hoàng hôn. Nhưng dù có thay đổi, chuyển mình gì đi nữa thì tôi vẫn mãi yêu Bình Dương và Chánh Mỹ thân thương. Trong một chừng mực nào đó chuyến về thăm lại Portland như chuyến du hành cho tôi có cơ hội lội ngược về cánh đồng ký ức năm xưa, nó sẽ làm dầy thêm chiếc gối kỷ niệm cho tuổi già sắp đến nay mai.  Để mãi mãi trong lòng vẫn chỉ có một Bình Dương, Chánh Mỹ thân thương./.