Phóng sự của báo Người Việt về cuộc họp mặt toàn cầu CGS & HS THĐ lần thứ 3

****

Ðại hội cựu học sinh Trịnh Hoài Ðức thành công tốt đẹp

Saturday, July 05, 2014 5:30:37 PM

Nguyên Huy/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) - Hai mươi tám cựu giáo sư và hàng trăm cựu học sinh của của trung học Trịnh Hoài Ðức Bình Dương trước năm 1975 đang cư ngụ trong gần 20 tiểu bang Hoa Kỳ cùng các nơi khác trên thế giới đã có mặt trong buổi đại hội toàn cầu kỳ 3 chính thức khai diễn vào sáng Thứ Bảy, 5 Tháng Bảy, tại nhà hàng Emerald Bay, Santa Ana.

Ðó là hai điểm đặc biệt trong sinh hoạt hội đoàn ở Nam California, vì có số nam nữ giáo sư tham dự đông nhất và số cựu học sinh các nơi về tham dự nhiều nhất.

Hớn hở và vui vẻ, Hội Trưởng Nguyễn Văn Diệp trong diễn văn khai mạc đã trịnh trọng xướng danh những vị nam nữ giáo sư của trung học Trịnh Hoài Ðức Bình Dương trước năm 1975 về tham dự.

Danh sách 28 vị nam nữ giáo sư được đọc lên đã khiến không khí trong buổi đại hội toàn cầu kỳ này chan hòa tình nghĩa thầy trò. Có vị từ Việt Nam qua cùng với hơn 10 cựu học sinh. Có vị từ những nơi xa đến như “cô Kim” ở Thụy Sĩ, thầy Trần Văn Em ở Boston.

Nhiều vị khi ra đến hải ngoại, dù cao tuổi, vẫn còn hoạt động trong ngành văn hóa, như Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, cựu hiệu trưởng, sau này là thứ trưởng Bộ Giáo Dục VNCH, nay là hội trưởng của tổ chức Lê Văn Duyệt Foundation, chủ trương một loạt các đặc san về lịch sử, nhân văn, địa văn các tỉnh miền Nam.

Loạt đặc san ấy đã trở thành một kho tàng tài liệu quý báu cho các thế hệ sau tìm hiểu về miền đất mới của Việt Nam, miền đất đã bị thực dân Pháp cắt rời thành một thứ “Nam Kỳ Quốc.”

Ông cũng cho biết, “Dù sức khỏe không còn được như trước, nhưng sắp tới đây tôi cũng phát động cho làm sống lại loạt đặc san này.”

Một người khác, Giáo Sư Ðỗ Anh Tài, nay ở hải ngoại được cộng đồng biết đến như một nhà tranh đấu cho đất nước và dân tộc. Một giáo sư khác nữa là Luật Sư Phan Huy Ðạt, hiện là tổng giám đốc kiêm chủ nhiệm nhật báo Người Việt, tờ báo tiếng Việt lớn nhất hải ngoại.

Vị cựu giáo sư đến từ trong nước, xin không nêu danh, cho biết: “Trường Trịnh Hoài Ðức Bình Dương nay vẫn còn tên cũ không thay đổi như hầu hết các trường trung học nam nữ sau năm 1975. Sĩ số học sinh nay rất đông và những anh chị em khi ra trường rồi cũng thường có những buổi hội họp để gắn kết tình thầy trò.

Khi thầy trò tôi được mời tham dự Ðại Hội Toàn Cầu kỳ 3 này, chúng tôi rất mừng vội xin làm thủ tục xuất ngoại để cố gắng tìm lại được chút hương xưa với các vị giáo sư cũ và cũng mong gặp lại các học trò của mình ngày trước. Nay thì thật là đã được toại nguyện trong những tháng ngày hưu trí.”

Khi giới thiệu các đồng môn từ xa về, hội trưởng Nguyễn Văn Diệp đã đến từng chỗ ngồi mỗi người mà giới thiệu và hỏi han qua những câu đùa vui như “thuở học trò.”

Phát biểu trong bài diễn văn khai mạc, ông Diệp thú nhận, “Ba tháng sửa soạn vừa qua cho đại hội này, tôi cũng như các anh chị em trong ban tổ chức lúc nào cũng canh cánh bên lòng nỗi bận tâm làm sao cũng phải thành công được ít ra là như hai lần trước. Chúng tôi đã liên tục liên lạc với những anh chị em cũ để tìm tới những anh chị em mới để gia tăng số hội viên, gắn kết thêm mối tình thầy trò Trịnh Hoài Ðức.”

“Kết quả đã vượt qua sự mong ước của chúng tôi là số thầy cô đã tới tham dự vượt qua con số 24 như đã được ghi nhận qua những hồi đáp. Trong khi đó, số anh chị em ở các nơi xa cũng tấp nập về như chúng tôi ghi nhận được là có Missouri, Boston, Carolina, Texas, Arizona, Oklahoma, Atlanta, New Jersy, Pennsylvania, và dĩ nhiên là có cả Nam Bắc California và San Diego nữa. Nỗi hồi hộp của anh chị em trong ban tổ chức làm chúng tôi căng thẳng thần kinh chẳng khác nào như hồi đi thi Tú Tài I,” ông chia sẻ.

Hội trưởng nhắc đến nỗi hồi hộp của thí sinh đi thi Tú Tài I, có lẽ chỉ có những người từng ở vào thời gian đó mới hiểu được cặn kẽ. Thi tú tài thời xưa có nhiều khó khăn, đòi hỏi về sức học vì số thí sinh được cho đậu thì ít mà số đi thi thì nhiều. Sau này còn một lý do nữa là nếu không qua khỏi được Tú Tài I thì sẽ phải rũ áo thư sinh mà lên đường nhập ngũ vì không còn được miễn động viên vì lý do học vấn...Thế nên, khi nói hồi hộp như khi thi tú tài là ông Diệp đã cực tả nỗi lo lắng của những người đứng ra tổ chức.

Cũng trong dịp này, ông Diệp tổng kết thành quả hoạt động trong nhiệm kỳ vừa qua của ban chấp hành.


Một số thầy cô có mặt trong đại hội (hình minh hoạ từ trang nhà THĐ *)

Bản tổng kết đã nhắc đến những kết quả rõ nét nhất là số cựu Giáo Sư Trịnh Hoài Ðức đã tăng dần trong những lần họp mặt. Cũng thế, số anh chị em cựu học sinh cũng đã gia tăng từ 15 người trong lần gặp gỡ đầu tiên thì nay đã tăng tới 270 người ghi tên trong danh sách hội viên.

Một thành quả khác nữa là anh chị em trong hội cũng rất sẵn lòng đóng góp mỗi khi hội phát động một công tác xã hội nào như cứu trợ thiên tai bão lụt hay giúp đỡ các cựu giáo sư, các học sinh Trịnh Hoài Ðức khi gặp phải những khó khăn về cuộc sống.

Một cuộc bầu cử tân ban chấp hành cho nhiệm kỳ 2014-2016 đã diễn ra sau đó cùng với một chương trình ca nhạc do chính anh chị em cựu nam nữ học sinh của trường trình diễn.

Cuộc vui kéo dài cho đến 3 giờ chiều mới chấm dứt.

Ðược biết, vào ngày hôm sau, các giáo sư và cựu học sinh Trịnh Hoài Ðức sẽ còn có buổi du ngoạn San Diego, viếng thăm hàng không mẫu hạm USS Midway, từng cứu vớt hàng ngàn người Việt tị nạn trong những ngày cuối của cuộc chiến Việt Nam.

Quý độc giả cần biết thêm chi tiết về Trịnh Hoài Ðức có thể liên lạc qua các số điện thoại (714) 906-3625, (281) 682-5774, và (310) 523-1587.

(*) hình trên báo Người Việt không download được. Độc giả có thể xem thêm rất nhiều hình trên tranh nhà Trịnh Hoài Đức: