Bình Dương
chợ Thủ xưa và … Đèn ba ngọn
Lâm Quang Khải
Xưa thì cảnh như trong hình này, cái cột như cột chơi bóng
rổ đó. Sau đó thì người ta xây một “cột đèn đường” chính giữa một cái
nền cao cao và tròn bằng xi măng, đường kính khoảng năm sáu thước, mà
dân Thủ mình gọi là đèn ba ngọn, vì một cột đèn mà phần trên có ba ngọn
đèn.
Xin mời các bạn cùng tôi dạo bước vào tấm hình ngày xưa đó.
Xưa, ta nghe:
Đèn Sai gòn ngọn xanh ngọn đỏ, đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu.
Em về em học chữ nhu. Bốn phương anh vẫn đợi, ngàn năm anh vẫn chờ.
Nay, nghe lại như vầy.
Những thành phố em sẽ đi qua. Ðây Ba-Lê, đây Luân Ðôn, đây
Vienne
và …mỗi nơi đâu dân Việt mình, khi tản mạn bốn phương , dừng chân
lại ….
Đèn thế giới ngọn xanh ngọn đỏ.
đèn ba ngọn, ngọn tỏ ngọn lu,
dẫu đi anh học chữ Tây,
chữ Anh chữ Nhật cũng là … chữ nhu.
Người theo “Cảnh”… , chậu méo, chậu tròn … “thân” đành theo
vậy, méo tròn cũng ‘’chịu thôi’’. Cảnh, xứ, trần dù thay thay đổi đổi,
“tâm’’ dân Bình, xứ Thủ vẫn còn như xưa ...
Bà con viễn xứ đâu đâu.
Bốn phương chợ Thủ vẫn chờ, ngàn năm Bình Dưỡng vẫn đợi người về …
bến xưa.
Có đâu đẹp bằng…
Ngọn đèn ba ngọn ngày xưa ấy, soi cho ta… Ta đã thấy những
gì trong tâm khảm . Và ta đã thấу những gì trong đêm xưa, ngày cũ đó?
Gió lòng sông gió sao mà nhẹ thổi, làm ánh đèn Ba ngọn ngày xưa…
Thổi đi tám hướng ngàn phương
Ngàn phương tám hướng…
nay,
nương về chốn xưa.
Về chốn xưa, tôi dựng lại cảnh, người; bà con : nay, dòm
lại… cảnh cũ người xưa, nhen.
Thường thì đúng chín giờ đêm, qua cái loa phóng thanh ở đèn
ba ngọn, ta nghe như vầy : “Đây là đài phát thanh Sài Gòn, xin thông
báo với thính giả, bây giờ là 21 giờ, xin bà con vui lòng vặn âm thanh
vừa đủ nghe, để không làm phiền hàng xóm đang cần im lặng để nghỉ
ngơi”. Sau đó vài phút, thì loa phóng thanh, đầu chợ dưới, chợ trên đều
tắt. Và bà con trong xóm trong làng, thường thì “làm theo ra đi- ô”
dặn, là tắt âm thanh, để cho bà con nghỉ ngơi. Bà con xóm làng và chính
quyền xưa, họ còn tôn trọng lẫn nhau lắm.
Sáng thì khoảng sáu bảy giờ, (xin bà con mở bản nhạc này …
để nghe âm thanh của ngày xưa khoảng một ngàn chin trăm năm mươi mấy
(1955 – 1960…)
Đèn ba ngọn sang sáng nghe loa hát như vầy:
…Rừng xanh gieo bao sức sống, ú u ú u
Ngàn cây xôn xao đón hương nồng
của vầng thái dương hồng
bừng lên trời Đông.
Cỏ cây vươn vai lên tiếng, ú u ú u
Cùng bao nhiêu chim chóc tưng bừng
dậy sau giấc đêm dài
triền miên triền miên…
Đèn ba ngọn ban ngày cho nhạc vui tươi để chào đón một ngày
mới. (1) Và chợ Thủ Bình Dương ta, bắt đầu một ngày mới trong tiếng
nhạc vui tươi đó.
Cảnh nhộn nhịp của bạn hàng nhóm chợ, ra sao ? khoan nói vội …Ta
đi coi người nhàn nhã uống cà phê nhen… mùi cà phê bí-tất, bánh bao,
xíu mại dà cháu quẩy, buổi sáng ở tiệm Nhơn Hòa, ( khoảng giữa chợ,
đường Thái Lập Thành) ‘chữa’ uống mà đã nghe đã thơm lừng trong bụng ;
Thấy dân “khủ” (Thủ, BD) mình uống cà ‘phe’, sao mà nghe thương làm sao
mà thương! Thường thì… vì ít tiền, họ kêu một cái ly cà phê đen nhỏ. Ly
cà phê bóc khói nhè nhẹ được đưa ra; tay chẩm rãi đổ ly, nước cà phê
vào dĩa, ly thì tạm để trên bàn, cầm cái dĩa … cẩn thận uống từng hớp
một, để nghe mùi cà phê, để không nóng quá mà cà phê đủ ấm bụng. Tôi
hay nhìn họ, vừa uống vừa “suy tư”, khuôn mặt đâm chiêu, nghĩ hoàn cảnh
gia đình bẩn chật, hoàn cảnh khó khăn hay vận nước chinh chiến điêu tàn
?... Tôi tự hỏi ở lòng mình như vậy, dù lúc đó tôi còn nhỏ lắm. Mấy đưa
em tôi hay chọc tui ba cái vụ nầy. Nói ảnh uống cà phê thì phải chan vô
dĩa mới húp, ngồi thì phải gát một chân thì lên ghế! , thấy ông xe
ngựa, ông đạp xe ba bánh, gặp mấy ông bà già ... thì chấp hai tay xa xá
(chào hỏi). Lớn lên anh đi ứng cử dân biểu chắc đắc cử đó ! .. Làm sao
không thương và cảm động được, khi dòm dân quê tỉnh mình hả bạn. Trưa
thì tôi hay dòm mấy bà bán than ở hàng hiên nhà Ông Đốc Phủ Đẩu ăn
trưa. Họ xuống sông rửa tay sạch sẻ, bày đồ ăn trưa ra ăn. Trước, họ
lấy gói rau sống đem từ nhà theo bày ra một ảng rau, đặt lên mấy lá
chuối làm khăn trải, mở gói bún trắng nỏn mua ngoài chợ xóm đèn ba
ngọn, xong bày mấy con mắm lóc, lấy cái bàn tay còn đen đen màu than,
cầm hai ngón tay trỏ và cái vuốt mấy con mắm cho sạch chất nước và
thính còn đọng quanh con mắm… từ từ xé nhỏ ra thành sợi bằng cọng đũa.
Xong , bóc một nắm rau, bỏ mấy cọng bún lên, vài cọng mắm đã xé… cho
vào miệng ... nhai ăn một cách ngon lành. Tui dòm mà cũng bắt thèm !
Khi thì cắn thêm trái ớt, nghe cái cốc. Thấy họ ăn vui vẻ, khác với bộ
mặt suy tư của mấy ông uống cà phê buổi sáng. Đối diện xéo chỗ họ ăn,
là cái đít ( đằng sau) tiệm Nhơn Hòa. Tôi hay lén lén ‘’lòn’’ vào nhà
bếp của họ để coi. Họ thấy, đuổi ra, thì tôi vào chỗ họ chất cũi phía
hiên sau, mà tiếp tục quan sát dân tình. Đi hướng về bờ sông vài mươi
bước, có một cây sao già. Chỗ nầy là bến xe bò, xe bò chở cám, hay gạo,
ở tiệm Quảng Thành Xương. Tiệm này mở cửa ngang hông để khách chở bao
cám hay gạo. Đôi khi mấy xe bò này chở cát từ suối Giữa về hay vật dụng
nặng xây cất. Qua mấy chục thước thì tới bến xe ngựa tại ngả ba Bạch
Đằng - Phan thanh Giản. Mùi cức bò với nước đái, của hai bến bò và ngựa
có hai mùi khác nhau, bên nồng gắt, bên nhẹ hơn ti tí; lúc nhỏ đó tui
ghi nhận “gỏ gàng” như vậy .
Đi hết cái dãy nhà lụp xụp này về hướng ngược lại thì tới
vách tường cái nhà vách cao. Đối diện với cổng nhà ông Xã Tề. Tôi lòn
vào phía sau, vô nhà này là lò nướng bánh mì. Lúc chưa nướng thì nghe
cái mùi chua chua của bột mì ủ. Lúc nướng bánh mì, thì thơm lừng mùi
bánh mì mới nướng. Tiếng rao bánh mì thời đó là : “Ai ăn bánh mì nóng
dòn hôn?”. Nghe tiếng bán bánh mì rao vang lên cả một thời xưa
thân thương đó. Theo tôi biết, chợ Thủ mình lúc đó, có hai lò bánh mì,
một ở đây, một ở phía hông nhà ông xã Tề với, nhà xưa của Hội Đồng Cần.
Từ lò bánh mì này, nối với phía sau tiệm Minh Hồ, ngang qua
tiệm tôi đi lần ra phía trước chợ. Vì tôi có chơi với anh Xập Dì. Nên
quen với anh chủ Mập này ( thứ tư hay sáu gì đó, tui quên). Mặt anh
nhân hậu, hay cười xề xòa, đẹp trai và dễ thương nhất trong đám con ông
Đại Đồng, tiệm chụp hình của BD mình.
Bánh dừa xưa kia, ăn sao nay vẫn thấy mùi dừa thương nhớ.
Dưới đèn ba ngọn này, người ta thì ca bản nhạc thương hoài
ngàn năm, tui thì nhớ cái bánh dừa “thương” ngàn năm. Có một ông Tàu,
làm bánh dừa. Ông đổ bánh trong một khuôn tròn lớn (khoảng sáu hay tám
tấc) hình như bằng gang thì phải. Mặt khuôn trên ụp phần khung đổ bánh
phía dưới, sau khi đổ một lớp bột phía dưới xong. Ông đổ một lớp dừa
ngào đường cát vàng cho phủ líp phần bột, cho thêm một lớp bột phủ kín
lớp dừa lại, đậy nắp và nướng . Xong, mở nắp phần trên ra, cắt ra làm
sáu hay tám phần rất đều và khéo. Mỗi miếng cắt ra hình tam giác . Vì
bột pha với đường vàng, nên bánh cắn vào miêng nghe được vị hơi ngọt mà
xơm xớp của bột mì, vị ngọt của dừa ngào đường cát vàng, cả hai “ nghe”
vị ngọt, xốp mà beo béo, cả hai trộn lẫn vào nhau,… sướng và nghe đã
tới vài chục năm sau, ...vẫn còn nhớ đến bây giờ đó bạn ơi ..!. Thằng
nhỏ phải sắp hàng chờ, vừa đợi vừa coi nên … ăn đã lắm. Lúc bánh mới ra
lò, vì còn nóng phải vừa ăn vừa thổi, ngon sao là ngon. Ông làm bánh,
bán cho mấy người đứng đợi xung quanh đó, rồi đi giao bánh cho bạn hàng
gần đó ăn. Về sau tôi không thấy ông bán nữa, và bánh dừa này sao tuyệt
tích giang hồ luôn, tiếc sao là tiếc.
Quanh đó có hàng bán xôi, bắp ngon cũng khá ngon. Tôi ghi
nhận là cái … “vị’’ nhẹ nhàng của làng quê. Không như gian hàng xôi và
bánh ngọt có vẻ “sang và khéo hơn” của Bà Giáo Thọ, phía bên kia hông
(giữa) chợ. Bà bán xôi đủ loại: xôi lá dứa, lá cẩm, bên dưới lót một
miếng bánh phồng, trên mặt chan một ít nước cốt dừa, đậu xanh cà, vài
sợi dừa nạo phất phơ, rắt đường cát vàng và cho thêm một ít mè. Ăn một
gói , “nghe cái cái kheo khéo” của Bà Giáo. Ngoài xôi ra, bà Giáo còn
bán các thứ bánh: bánh bèo ngọt, bánh qui, xôi vị, bánh dừa ( bánh bột
nếp, nhưng đậu xanh lại ăn với muối mè đường).
Nhớ tới đây tôi nhớ lại đứa em sáu tuổi của tôi, sáng hỏi em
muốn ăn gì, nó trả lời bắp nặng bặp, hoặc xôi bà giáo hay xôi ở cột đèn
ba ngọn.
Khác với cái “mộc mạc” của dì Tư, thím Tám.. bên nây chợ,
xóm bình dân dưới đèn ba ngọn, tôi hay lân la lại mấy bà bán bánh qui,
bánh qui mềm mềm deo dẽo, trên núm có một chấm đỏ. Nhưn đậu xanh, nhưn
dừa nạo thơm ‘’mùi dừa’’, cắn nhẹ ăn nghe mềm trơn dẽo dể nuốt. Sao tôi
vẫn thích mấy món này, nghe có mùi xóm làng quê Mỹ Hảo, Bến Thế của
tui. Rồi bánh thuẩn một loại giống như bánh bông lan, hình như làm bằng
hột vịt, có cái vị riêng của nó; bánh cúng bánh cấp, xôi vị, cơm rượu
... Mỗi lần có giổ quảy, Bà Nội tôi hay ra đây mua bánh cấp bánh cúng .
Ăn “đám giổ” đồ mặn xong, tôi vẫn khoái nếm những bánh ngoài chợ nầy.
Rồi đi dạo tiếp, coi bán mắm của mấy bạn hàng bán nhỏ nơi
đây, trên đường Thái Lập Thành nầy, thay vì lại mấy vựa mắm trên nhà
sàn phía bờ sông, Tôi khoái món cá lốc mắm “xổi” nơi đây lắm. Tôi lại
lân la coi họ bán măng chua, với lại cây môn, cây mướp (?) làm chua
...v.v.
Trời về xế trưa, bạn hàng dọn bớt, mấy con bồ câu của nhà bà
Năm Trong bay từng đàn lại kiếm ăn, trông vui mắt lắm.
Khoảng ba bốn giờ là chợ tan hết, khung cảnh sau đó, nói
phần sau vậy.
18-06-2015.
1 - Bài hát Sáng Rừng (Phạm Đình Chương) - Nghe nhạc của Tui
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/sang-rung-pham-dinh-chuong-va.LZD9eUC-AH.html
Mời các nghe bản nhạc nầy cùng lúc đang đọc bài này, cho giống,
loa phóng thanh của chợ Thủ mình thời xưa 1955- 56.
2- Mấy món nhà quê này, bà con có thấy gì không đúng, xin
góp ý, tui sửa lại cho đúng hơn nhen.