DẠ KHÚC CHO TÌNH NHÂN
LƯU THANH BÌNH

Ngày em thắp sao trời
Chờ trăng gió lên khơi
Mà mưa bão tơi bời
Một ngày mưa bão không rời
Trên đôi vai thanh xuân
Ướp hôn nồng bên gối đắm say
Ánh sao trời theo gió rụng rơi đầy …
Ngày xưa tôi là con ma mê nhạc trữ tình của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng …bên cạnh dòng nhạc hòa tấu của Paul Mauriat nhưng không hiểu sao lại ít để ý tới những bài hát về tình yêu của đôi Lê Uyên&Phương, có lẽ một phần do quá no nê với nhạc Trịnh và giọng ca của Khánh Ly chăng ? Sau đó một thời gian dài, rất dài, tôi không còn ý niệm gì về gu âm nhạc của mình, trừ khi có chút chạnh lòng khi tình cờ nghe lóm đâu đó những bài quen quen được cover lại, nhưng trong những hoàn cảnh không phải để nghe nhạc.
Mấy hôm trước, ngồi uống cà phê sáng trong quán quen mà chủ nhân cũng là một tay mê nhạc, đang sở hữu một Studio. Biết sở thích của tôi, anh chuyển sang dòng nhạc trữ tình, màn hình hiện lên danh ca Lê Uyên với điệu nhạc, ca từ bài hát làm tôi nghe như luồng điện chạy qua người. Từ đó đến hết bài, tôi không dứt ra được nữa. Tôi như thấy lại mình những ngày ở phương trời xa kia, với những cảm xúc lo âu, được, mất, vui buồn như người nhạc sĩ cảm nhận, mặc dù không giống như văn thơ, âm nhạc chuyển tải bằng ý nhiều hơn bằng lời.       

Cùng rót bao nhiêu ngày hoang
Cùng đếm bao nhiêu mộng tàn
Ru người yêu dấu trong vùng trời đêm
Vừa hoa nở tươi môi
Tình nhân đã xa xôi
Ðời ngăn cách nhau hoài
Một lần thôi đã không thôi
Yêu nhau trong lo âu
Biết bao lần tha thiết nhớ mong
Lá hoa rừng mau xóa đường quay về
Làm ánh sao đêm lẻ loi
Màu tối gương bên đèn soi
Ân tình sâu vẫn trong đời thủy chung
Bài không mới, nếu vài mươi năm trước có nghe thì tôi chắc cũng không “cảm” và nhớ được vì không có tâm trạng, vốn sống để mà chiêm nghiệm, cảm thông với người nhạc sĩ-ca sĩ, với độ tuổi đôi mươi và tâm hồn hướng ngoại, âm nhạc sôi nổi của Lê Hựu Hà như “Tôi muốn” lôi cuốn hơn nhiều. Những năm 70 ấy, cuộc sống văn hóa- văn nghệ miền Nam sao mà phong phú quá, cả một bầu trời đầy sao, từ âm nhạc đến văn học, từ  triết học đến nghiên cứu. Phút rực sáng trước 75 ấy giống như Văn đoàn Tự Lực và nhạc tiền chiến trước biến cố 1945 vậy.
Nhạc của Lê Uyên Phương có những nét riêng, rất riêng không lẫn vào đâu được, dịu dàng tha thiết là đặc điểm của dòng nhạc trữ tình, nhưng ở hầu hết các sáng tác của Lê Uyên Phương là viết về cuộc tình của chính họ, về những trăn trở và lo lắng cho cuộc sống của hai người, những trái đắng và mật ngọt, hân hoan và đau khổ, chính vì nó thực nên dễ đi vào lòng người hơn. Nói như cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thì nhạc Lê Uyên Phương nhuốm mùi nhục cảm da thịt, của giới tính nam-nữ chứ không lãng mạn như Phạm Duy mà cũng không siêu thực như Trịnh Công Sơn.

Ðời mãi mãi mãi cách xa
Dòng nước mắt nóng tiễn đưa
Xin cho lần cuối
Tình ấy đắm đuối thiết tha
Vì qua bao nhiêu điêu linh
Xót xa đắng cay trong đời

Màn đêm mở huyệt sâu
Mộng đầu xin dài lâu
Một vì sao lạ rơi, nghe hồn tê tái
Trên dòng hương khói bay
Ái ân ơi đừng phụ lòng ta
Nhớ thương sâu xin gởi người xa
Khóc nhau trong cuộc đời
Giấc mơ xưa khăn phủ vành sô
Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau
Chết bên nhau thật là hồn nhiên!
Tôi nghe lại bài này với giọng hát của Lê Uyên và Khánh Ly để so sánh. Chất giọng cả hai đều giống nhau nhưng Khánh Ly hát có vẻ điêu luyện hơn. Còn Lê Uyên hát có “lửa” hơn, nồng nàn và say đắm như thổi hồn vào trong khúc nhạc. Cũng phải thôi, vì là người trong cuộc mà. Kỳ dư những giọng hát khác, cả nam lẫn nữ, đều là những ca sĩ nổi tiếng nhưng tôi nghe không “cảm” được. Có thể do sự khác nhau trong khả năng cảm thụ âm nhạc của mỗi người chăng ? Như bài “Chiều một mình qua phố” tôi vẫn thích giọng ca của Cẩm Vân hơn.   
Đôi uyên ương nay đã lẽ bóng nhưng giọng hát của người ở lại vẫn thiết tha, vẫn nồng nàn say đắm như có người bạn đời bên cạnh, và khi tiếng đàn ghi ta hòa trong tiếng hát của cố nhạc sĩ cất lên : ái ân ơi đừng phụ lòng ta …thật xúc động đến mức tôi phải ghìm mình lại …lời bài hát cũng là lời tiên tri chăng ? Nay “uyên” đã bay về trời, chỉ còn “ương” ở lại. Và vẫn tiếp tục cống hiến cho đời tiếng hát của đôi uyên ương. Họ đến với nhau đầy trắc trở nhưng trong âm nhạc đến cái chết cũng không chia lìa họ được. Diễn đạt theo ý nhạc của Phương thì đấy chính là cặp khái niệm đối lập khổ đau và hạnh phúc. Cám ơn Đà Lạt, cái nôi đã góp cho đời những ngôi sao âm nhạc Khánh Ly-Trịnh Công Sơn và Lê Uyên-Phương.

(8-2019)