Bài phóng sự đăng trên báo Người Việt - Nam Cali
(có sửa chữa)

Cựu giáo sư, học sinh Trịnh Hoài Đức-Bình Dương nhớ ‘Thời học sinh’ qua Đại hội toàn cầu lần 5
July 7, 2018
Uyên Nguyễn/ Người Việt



Giáo Sư Lê Đức Cửu đến từ Việt Nam (trái) bên cạnh là Giáo Sư Đỗ Anh Tài trong ngày Đại hội toàn cầu lần 5 của cựu giáo sư, học sinh Trịnh Hoài Đức-Bình Dương. (Hình: Uyên Nguyễn/ Người Việt)
 
SANTA ANA, California (NV) – Sáng hôm Thứ Bảy 7 Tháng Bảy, tại nhà hàng Majesty thuộc thành phố Santa Ana, các cựu giáo sư và học sinh trung học Trịnh Hoài Đức-Bình Dương đã có cuộc hội ngộ toàn quốc lần thứ 5.

Theo ban tổ chức, cứ hai năm lại có một lần đại hội toàn cầu. Ông Nguyễn Văn Tiếp, trong ban Cố Vấn cho biết: “Những năm chẵn chúng tôi tổ chức đại hội toàn cầu, những năm lẻ thì các hội đoàn địa phương gặp gỡ nhau riêng ở địa phương mình cư ngụ. Nam California thường là nơi được chọn làm nơi hội ngộ toàn cầu, đã bốn lần rồi. Trung bình mỗi lần có khoảng hơn 200 anh chị em ở nhiều nơi về tham dự.”

Ông Nguyễn Văn Diệp, cũng trong ban cố vấn nói thêm: “Mỗi năm, số anh chị em đến tham dự, nhất là các giáo sư, một ít đi vì lý do sức khỏe. Thế nên trong lần đại hội này, chúng tôi kêu gọi các bạn còn trẻ, nghĩa là còn ít tuổi hơn chúng tôi, hãy tham gia hơn nữa vào công việc chung này”.

Năm nay, chủ đề cuộc hội ngộ toàn cầu của cựu giáo sư và học sinh Trịnh Hoài Đức là “Thời học sinh” nên chương trình họp mặt nghiêng về những kỷ niệm của thời học trò.


Hàn huyên trước giờ khai mạc Đại hội toàn cầu lần 5 của cựu giáo sư, học sinh Trịnh Hoài Đức-Bình Dương. (Hình: Uyên Nguyễn/ Người Việt)

Cũng như các lần hội ngộ trước, năm nay cũng có ba cuộc họp mặt, tiền hội ngộ vào chiều Thứ Sáu, 6 Tháng Bảy tại Thư Viện Việt Nam trên đường Westminster; hội ngộ chính tại nhà hàng Majesty trên đường Edinger, và một cuộc du ngoạn thăm Santa Barbara. Nhưng vì ít người ghi tên tham dự cuộc du ngoạn này ban tổ chức cho biết đã hủy bỏ vào phút chót.

Cựu Giáo Sư Việt Văn Lê Đức Cửu đến từ Việt Nam tâm sự: “Lần nào ở hải ngoại có tổ chức hội ngộ toàn cầu Trịnh Hoài Đức, tôi cũng cố gắng sang vừa để thăm gia đình, con cháu cư ngụ ở bên này khá đông, vừa để gặp gỡ các bạn đồng liêu xem ai còn ai mất, vừa để được sống lại thời gian tôi được hướng dẫn các em vào đời. Đó là thời gian mà tôi coi như đáng nhớ nhất trong cuộc đời của tôi”.

Được hỏi về số học sinh cũ còn ở lại Việt Nam, Giáo Sư Cửu cho biết: “Sau năm 1975, số học sinh cũ tản lạc đi nhiều. Nay Trịnh Hoài Đức là trường trung học cơ sở với tổ chức mới nên người cũ chẳng còn bao nhiêu nên mỗi khi được hội ngộ với các em như hôm nay là điều vinh hạnh với tôi. Thăm hỏi các em thấy hầu hết đều có được cuộc sống tốt đẹp, con cái được học hành đến nơi đến chốn, và hầu hết anh chị em đều tỏ lòng thương mến thầy cũ trường xưa, đó là điều mà tôi thấy được kết quả của nền giáo dục ngày trước.”

Nữ Giáo Sư Thục Oanh, dạy môn Sử Địa tại trường nữ Trịnh Hoài Đức trong nhiều niên khóa, nay định cư tại Westminster, Nam California cũng vui vẻ cho biết: “Vui và cảm động lắm. Nhận bó hoa tình nghĩa thầy trò, lòng tôi xao xuyến vô cùng. Cả một thời dĩ vãng thân yêu lại hiện về. Điều mừng nhất là thấy các em đều có được cuộc sống tốt đẹp nơi xứ người mà vẫn còn giữ được phong hóa Việt Nam, tôi nghĩ đó là kết quả của nền giáo dục của chúng ta trước đây mà không khỏi thầm kiêu hãnh vì mình cũng đã góp công một phần nhỏ bé của mình khi cùng các em dưới mái trường Trịnh Hoài Đức”.

Giáo sư Đỗ Anh Tài có mặt trong buổi hội ngộ này cũng hoan hỉ: “Những buổi hội ngộ như thế này, được hưởng những phút giây thầy trò nhắc lại chuyện xưa với tình cảm vừa trân trọng vừa thân ái, với tôi, là những phần thưởng quí giá nhất mà các em trao cho chúng tôi. Đó là những món ăn tinh thần quý báu với tuổi già của chúng tôi”.

Chương trình được khai diễn với phần chào mừng của ban tổ chức và phần trao hoa kính chúc thầy cô tăng thêm tuổi thọ để cùng các lớp hậu sinh hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Một chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” Trịnh Hoài Đức được các cựu học sinh trường nữ thi nhau lên trình bầy những ca khúc thời học sinh. “Mỗi năm đến Hè lòng man mác buồn”, hoa phượng đỏ lại nở tung sân trường báo hiệu một niên khóa vừa qua, một niên khóa mới sắp tới. Ai còn ở lại Trịnh Hoài Đức, ai vào Sài Gòn bước vào những đại học quốc gia… Tiếng hát nhắc nhau một thuở học trò vô tư trong sáng trong tình thương yêu trìu mến của các thầy cô cho dù có nghiêm khắc để răn đe những sai lạc khi vào đời.

Được hỏi về những kỷ niệm của tuổi học trò, mọi người đều sốt sắng kể lại: “Chúng em là trường nữ Trịnh Hoài Đức. Trường Trịnh Hoài Đức có hai cơ sở, một nam một nữ cùng có tên chung là Trịnh Hoài Đức ở hai nơi riêng biệt nên cũng ‘nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò’ như ai. Có điều phá thì phá nhưng học hành chẳng kém phía nam sinh và tinh thần đoàn kết Trịnh Hoài Đức thì rất cao, chứng cớ chúng em đã lập được nhóm Đai Đen Trịnh Hoài Đức để tập chung với nhau cùng chia sẻ ngọt bùi”.

Trong những phút chuyện trò với anh chị em Trịnh Hoài Đức, chúng tôi thấy cựu học sinh Trịnh Hoài Đức rất kiêu hãnh đã xuất thân từ ngôi trường này và ra đời gặt hái được nhiều thành công về mọi phương diện. Họ kể, về anh hùng trong quân đội thì có Thiếu Tá Hải Quân Ngụy Văn Thà hy sinh trong trận hải chiến oanh liệt với hải quân Trung Cộng. Về giáo dục có Tiến Sĩ Cao Văn Hở, tốt nghiệp Georgetown University, Washington DC, giáo sư Quốc Gia Hành Chánh, giảng viên đại học Từ Minh Tâm, về luật khoa có Thẩm Phán Đặng Đình Long, Luật sư Trần Kim Hoàng v.v…

Các cựu học sinh Trịnh Hoài Đức cũng nhắc đến lịch sử của ngôi trường, vốn là một trường trung học công lập lớn nhất tỉnh Bình Dương. Theo hai cựu học sinh Trịnh Hoài Đức là Từ Minh Tâm và Nguyễn Văn Diệp thì sau năm 1975, tuy trường vẫn còn tên Trịnh Hoài Đức nhưng trở thành một ngôi trường nhỏ hơn là trung học cơ sở. Trước đó nó là một ngôi trường lớn nhất tỉnh và đặc biệt nhất VNCH là có hai cơ sở khác nhau, một dành cho nam sinh và một dành cho nữ sinh. Trường có đến hơn 100 thầy cô dậy các lớp từ đệ Thất (lớp 6) đến đệ I (lớp 12), được tổ chức chu đáo nên cho đến nay nửa thế kỷ đã qua mà các cựu học sinh Trịnh Hoài Đức vẫn còn ấp ủ trong lòng nhớ về mái trường xưa, thầy bạn cũ.

Quý độc giả muốn liên lạc với hội Ái Hữu Trịnh Hoài Đức xin gọi: (281)682-5774, (310) 523-1587, (909) 525-3225.