CUỘC SỐNG NĂNG ĐỘNG!

GS Nguyễn Thị Tâm

                       Năm 1967, tôi tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa, Sàigòn.
                       Cùng các bạn vui chơi một vòng Sàigòn, Chợ Lớn, để chia tay.
                       Lúc đi ngang một Chùa Ấn Độ, ở Chợ Sàigòn, các bạn rủ nhau vào xin xăm. Mọi người nô nức, muốn biết tương lai mình như thế nào. Tôi không thích xin xăm.Từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng xin xăm bao giờ!
                       Để chiều lòng  các bạn, tôi lần đầu tiên và cũng có lẽ là lần cuối cùng, xin xăm! Quẻ Thượng Thượng! Đến mùa thu , muốn gì được nấy! Xăm phán một cách tốt đẹp như  vậy!
                       Trước tiên, bản thân tôi đến Bộ Giáo Dục, đường Lê Thánh Tôn. Đã gặp Bà Đinh Thị Thu Ba và có quyết định đi Phú Hoà Đông dạy. Tôi đã từ chối vì lý do sắp ký hợp đồng với Bộ Xã Hội. Nếu dạy ở Phú Hoà Đông, không tiện cho việc đi lại.
                      Bà Thu Ba hỏi địa điểm nhà tôi. Sau khi biết tôi ở tại Chợ Thủ Dầu Một, Bà nói:
                      - Từ Chợ Thủ Dầu Một, chỉ cần băng qua sông là đến Củ Chi. Rất thuận lợi. Nếu không nhận quyết định, mai mốt khó có quyết định mới!
                      Tôi dứt khoát gởi sự vụ lệnh lại cho Bà.
                      Trước đó, các thầy giới thiệu thêm Nha Khảo Cổ, Trung Tâm Học Liệu, đang cần một cử nhân Triết, để tôi rộng đường lựa chọn... So đi tính lại, sau khi xem qua các nơi được giới thiệu, cuối cùng, quyết định ngừng lại ở Trung Tâm Thủ Đức của Bộ Xã Hội.
                       Đã ổn định ở Thủ Đức, suy nghĩ tiếp và quyết định xin về Trung Học Trịnh Hoài Đức Bình Dương, làm thêm việc dạy học. Rất may mắn, đã được Ông Hiệu Trưởng Nguyễn Trí Lục lúc bấy giờ, giúp đỡ.
                       Phải nói, ngày xưa, những người tốt nghiệp các trường Đại Học rất được ưu đãi. Muốn về Trung Học Trịnh Hoài Đức, phải tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm thủ khoa hoặc á khoa. Hoặc đã đi các trường xa, một thời gian sau , mới được về nơi gần...
                      Làm ở Trung Tâm Giáo Hoá Thiếu Nhi Thủ Đức, tôi được biết thêm nhiều thứ, được học hỏi rất nhiều! Mới thực sự va chạm với cuộc sống thực tế! Không còn lơ lửng trên mây, như lúc còn cắp sách đến trường....
                      Trung Tâm mời các giáo sư Đại Học như Thầy Lý Chánh Trung, Thầy Trần Văn Quế... đến giảng dạy cho các cán bộ, công nhân viên.
                      Từ Trung Tâm ra chợ Thủ Đức, tôi thỉnh thoảng đi nhờ xe Thầy Lý Chánh Trung. Thầy rất hiền lành, giản dị. Trên đường đi,  Thầy kể nhiều chuyện về chính trị, tôn giáo, về đời sống cho tôi nghe... So sánh nước ta với nước khác, nên tôi biết Thầy đã từng đi du học.
                       Thầy Quế , lúc đó, tương đối đã già. Lần nào lên dạy , Thầy vẫn mặc bộ đồ lớn màu rất đặc biệt như màu đất đỏ, xen màu vàng đậm. Anh Phạm Ngọc Đảnh, du học từ Đức về, là cố vấn kiêm phiên dịch cho Đức, đang tài trợ Trung Tâm, mời các Thầy lên dạy. Tôi có dịp được nghe Thầy Quế và anh trò chuyện. Thầy tặng sách Thầy đã viết cho chúng tôi. Tôi  đã tặng lại cho Thầy Quế quyển Bỉ Vỏ,  nói về những người phạm pháp, trộm cắp.
                Trung Tâm mời các thầy người nước ngoài đến dạy các trò chơi, dạy xếp giấy theo kiểu Nhật _ Origami_ lúc đó đang là thời thượng. Chúng tôi được học làm các món thủ công bằng gáo dừa...do người nước ngoài dạy. Được học các trò chơi tập thể do hai anh em sinh đôi, rất nổi tiếng ở Sàigòn lúc bấy giờ lên dạy.
                 Chúng tôi phải học nhiều thứ để phục vụ cho việc theo dõi, nghiên cứu tâm lý các thanh thiếu niên phạm pháp ở Trung Tâm. Cùng làm việc, cùng vui chơi với các em, thêm tình cảm gắn bó giữa hai bên. Từ đó các em kể lại chuyện thật đời mình. Chúng tôi dựa vào, tìm lối thoát phù hợp cho các em...
                 Tôi đọc, tóm tắt, đôi khi dịch các sách về tâm lý thanh thiếu niên bằng tiếng Anh. Công việc này có thể mang về nhà làm.
                 Được phụ trách thêm việc mở một thư viện sách đọc cho các em. Đã lên danh sách, đã liên hệ các Thư Viện Quốc Gia, Quốc Gia Hành Chánh...để tìm hiểu. Rất tiếc, cuối cùng, không biết vì lý do gì, thư viện tạm ngừng lại, chưa thành lập được. Tôi lỡ mất một việc học hỏi mới.
                 Người Đức tài  trợ cho Trung Tâm xây dựng nhà cửa khá đẹp, phù hợp cho sinh hoạt của các em. Họ mở lớp dạy tiếng Đức, phổ biến văn hoá của họ cho các nhân viên. Tôi tham dự. Thời gian sau phải dừng lại do quá bận rộn nhiều công việc. Rất tiếc!
                 Trong giao dịch, người trẻ nói chuyện với họ bằng tiếng Anh. Người lớn tuổi nói tiếng Pháp. Tôi có cảm tưởng người Đức thích nói và nghe tiếng Anh hơn...! Khi anh Đảnh có mặt ở Trung Tâm, họ giao dịch bằng tiếng Đức.
                  Ngoài việc học thêm ở Trung Tâm, lúc rảnh rỗi, tôi học Nữ Công Gia Chánh do bà Đốc Phạn mở tại Trường Nữ Châu Thành. Cô Sáu Hoa và chị Trương Thị Liên dạy các học viên lớn bên ngoài vào học...Tôi cũng học nấu các món ăn Tây và Ta, học làm bánh với Cô Đào, ở sau dãy Phố Làng. Bây giờ là đường Bà Triệu.
                  Đó chỉ là học để vui chơi, vì hiếu kỳ!
                  Học thêu thùa cực và lâu quá mới có thành quả, tôi quyết định học vẽ. Lên Trường Mỹ Thuật Công Nghiệp, bây giờ gọi là Mỹ Thuật _ Văn Hoá, xin học vẽ dự thính. Đề nghị được học vẽ với anh Phạm Vĩnh Khương, đang là giáo sư Trung Học Trịnh Hoài Đức.
                   Năm 75 đến, Hiệu Trưởng mới quyết định không nhận dự thính. Đành từ giã trường! Chị Hiệp, giáo sư ở đấy có một người con nuôi lai Mỹ, muốn học tiếng Anh. Chị trao đổi, tôi dạy tiếng Anh cho con chị. Chị dạy vẽ cho tôi. Rốt cuộc cũng không đi đến đâu! Bận rộn quá, đành bỏ dở nửa chừng!
                   Có thời kỳ, trước 75, tôi đã đến Nhà Thờ Chánh Toà hiện nay, xem các em học Nhu Đạo. Đếnđường Bạch Đằng, gần Miễu Tử Trận,xem người ta học Vovinam. Đến Ngã Tư Piscine , xem người ta học bơi lội.Rốt cuộc, tôi không cảm thấy thích, nên không theo học môn nào...
                   Trong lúc làm việc hai nơi như vậy, đã được học nhiều thứ... , tôi vẫn còn tranh thủ học tiếp những thứ khác, nếu có dịp.
                   Nghỉ hè, kết hợp với nghỉ phép năm ở Trung Tâm, đi Cần Thơ thăm các bạn cũ , cùng học Văn Khoa  ngày xưa. Sẵn dịp , thăm luôn anh tôi dạy học tại  Trung Học Phan Thanh Giản.
                   Đề nghị học dự thính khoá Tu Nghiệp Giáo Dục Doanh Thương, được tổ chức tại Đại Học Sư Phạm Cần Thơ từ 26/08/1970 đến 22/09/1970. Đến cuối khoá, được nhận Chứng Chỉ Tốt Nghiệp, với danh nghĩa là giáo sư của Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức, Bình Dương. Nhờ vậy , được học kế toán, đánh máy, sửa máy chữ...với các giáo sư khác.
                    Tôi đã tiếp tục tham dự khoá Hội Thảo về Kinh Tế Gia Đình do Bộ Văn Hoá Giáo Dục & Thanh Niên tổ chức ở Sàigòn từ 20/07/1974 đến 07/8/1974. Lần này được đi học là do lên Văn Phòng Trường chơi với chị Cạng  , chị Tiết, chị Xuân, xem công văn có khoá học. Đề nghị anh Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Phúc cử đi.
                     Được học cắm hoa kiểu Nhật, do một nữ giáo sư du học từ Nhật về dạy. Lớp cũng dạy Nữ Công Gia Chánh, làm các thứ bánh Tây và Ta, nấu các món ăn đặc biệt. Được học khiêu vũ... Nhưng tôi không thích môn này lắm. Tôi cảm thấy bị gò bó trong các điệu nhảy!
                      Thật là một cuộc sống năng động!
                      Tôi đã làm việc, học hành không ngừng nghỉ...
Sau 75, tôi vẫn tiếp tục cuộc sống năng động như vậy...!
                      Bây giờ tôi quyết định:
                      Hãy vui chơi thoải mái!
                      Đã làm việc hết mình rồi!
                      Không gì phải hối tiếc!