Con sẽ đưa ba về

Kim Nên


    Trong quán ăn người cha già 90 tuổi đang ngồi ăn hủ tiếu, giọng ông nhỏ nhẹ khẩn xin: “Ba nói cái này cho Nên nghe: Hồi đó con đưa ba qua Mỹ, bây giờ con đưa ba về Việt nam nha. Tụi Mỹ nó hay lắm ăn toàn là bánh mì, còn mình ăn cơm phải về Việt Nam. Ở đây không phải là quê hương của mình”.
    Người con gái mỉm cười nói cho qua câu chuyện: “Dạ để khi nào rảnh con sẽ đưa ba về”. Người cha sung sướng an tâm ăn hết tô hủ tiếu thịt bầm mà ông ưa thích. Ông rất thích đi ăn tiệm. Cũng tô hủ tiếu mua ở tiệm đem về nhà, ông chê không ngon.

    Ông rất thương cô con gái út và ưu ái tất cả những gì cô làm. Ông thường hãnh diện nói với vợ: “Bà thấy không, nhờ con gái tui đi trước nên nó đem hết gia đình qua bên đây…”. Có khi mấy đứa cháu ngoại cũng điên đầu vì ông: “Cái đôi vớ này không giống đôi vớ dì Bảy tụi bây mua cho tao” hay “Kẹo này không ngon như kẹo dì Bảy tụi bây mua”.
    Buổi sáng đầu tiên ở Mỹ, ông đứng trước sân nhà con, nhìn cây cỏ xanh mát ông nói: “Đây là thiên đàng”. Ông kể cho con nghe về chuyến bay sang Mỹ: “Mấy đứa tiếp viên hàng không không biết tiếng Tây. Ba xin cái fourchette mà nó không hiểu”. Người con cười: “Ba có đi Mỹ chứ đi Tây đâu mà nói tiếng Tây”. Ông mê thích Tây vô cùng. Cái gì của Tây là nhất, kể cả thuốc men, bánh kẹo. Mà nghĩ cũng phải, vì chính nhờ ông xếp Tây mà ba mới cưới được vợ.
    Thời gian trôi qua, mặc dù ông sống ở đây rất hạnh phúc bên con cháu, nhưng trong tâm tư của ông vẫn miên man niềm thương nhớ quê hương, nhớ nơi chôn nhau cắt rún, nhớ mồ mả ông bà. Ông nhớ những ngày cận Tết đi thăm mộ cha mẹ. Ngày đó, ông dẫn mấy đứa con nhỏ, tay xách cuốc xẻng, tay xách giỏ thức ăn nào heo quay, bánh bò, trái cây, nhang đèn đầy đủ. Cha con ông hì hục làm cho sạch cỏ quanh mồ mả ông bà. Sau đó ông bày thức ăn ra cúng. Cúng xong cha con ông ngồi ăn trưa giữa không gian yên tịnh phảng phất mùi nhang thơm. Trên đường về, ông không quên chặt vài nhánh mai rừng đem về thui góc cho mai nở đúng vào ngày Tết.
    Ông nhớ những ngày rong chơi khắp thành phố Bình Dương. Chiếc xe đạp là bạn tình gần gũi suốt cuộc đời thanh nhàn của ông. Mỗi ngày, ông đều nâng niu lau chùi đánh bóng nó. Năm 85 tuổi, ông vẫn khoẻ mạnh chạy một mạch Sài Gòn – Bình Dương sáng đi chiều về để thăm bạn bè. Nhớ có lần người con gái út về thăm nhà một lượt với ông. Trong khi cô hì hục lái xe Honda lúc chạy lúc không thì cha cô với chiếc xe đạp đã về đến Bình Dương trước cô rồi. Ngày trở về Mỹ, cô không muốn gia đình tiễn đưa  sợ quyến luyến khóc thương. Cô vội vã ra khách sạn chờ xe chở ra phi trường. Vừa bước ra khỏi cửa xe, cô đã thấy cha cô cũng vừa đạp xe tới. Thương làm sao tình cha, người cha già tràn đầy khí phách, lanh lẹ giữa rừng xe hỗn loạn ở Sài Gòn.
    Cha cô dáng mạo thanh phong lẫm liệt, râu tóc dài bạc trắng thường đạp xe khắp làng. Học trò ở trường học gần nhà thờ gọi ông là ông thánh Giuse. Tánh ông nóng nảy, cương trực, nhưng giản dị vui tính với cháu con. Sáng nào ông cũng ra chợ ăn  hủ tiếu, xíu mại, cà phê. Trên đường về nhà là mua bánh tiêu, bánh bò cho các cháu. Hôm nào con cháu nóng cảm thì ông hối hả lấy cải bẹ xanh giã nhuyễn pha với dấm chà trên lưng tụi nhỏ cho bớt nóng. Ông tìm lá cây chung quanh nhà như xã, tía tô, lá bưởi .v…v. nấu nồi nước xông cho giải cảm. Ông chở con cháu đi thầy thuốc. Về tới nhà ông cẩn thận chưng siêu thuốc sao cho đúng lượng, ba chén nước còn lại tám phân. Thuốc bắc rất khó uống, lỡ uống mà ói ra thì ông bực mình la hét nhưng sau đó ông lại âm thầm, kiên nhẫn chưng siêu thuốc khác.
    Ở đây, ông nhớ nhà. Nhớ nhiều lắm. Những đêm khuya khi ông khó ngủ và thức giấc thì nỗi buồn xa xứ càng ngậm nhấm tâm hồn già nua của ông. Ông thường ngồi dậy đưa đôi mắt u buồn nhìn ngoài khung cửa nhà trước. Ông quỳ lạy Trời Đất xin có một ngày trở về quê nhà. Tuổi già không chờ đợi ông. Một đêm mùa Đông giá lạnh, với con tim mệt mỏi đợi chờ, ông đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay và tiếng khóc nghẹn ngào của người con gái.
    Cô đã mất thật rồi người cha yêu dấu cả cuộc đời đem niềm vui cho con cháu. Mất ông, những ngày họp mặt gia đình cứ thưa dần, thưa dần. Nhớ làm sao người cha thường đạp xe chở cô đi chữa bịnh trên con đường làng gồ ghề nắng cháy. Người cha yêu thiên nhiên biển cả thường dẫn anh em cô đi tắm biển Vũng Tàu. Ngày đó, ông nhẫn nại chìu con nô đùa, chạy nhảy trên bãi biển, rượt bắt mấy con cua biển trốn trong khe đá đêm khuya. Làm sao tìm được nụ cười hiền hoà tủm tỉm thật dễ thương: “Bà ơi! Con Nên cắt mài cái móng chân không còn đau cấn nữa. Chút nữa con chở ba đi chợ mua đôi giầy săng dan mới nha con”. Cô chợt thấy ánh mắt đỏ hoe xúc động của người mẹ hiền.
    Mười bốn năm đã trôi qua và những năm còn lại của cuộc đời mình, người con gái luôn mang nặng trong tâm tư niềm vấn vương, ray rứt. Cô đã không làm tròn lời hứa với người cha mà cô vẫn hằng kính phục, yêu thương: Con sẽ đưa ba về ...