Con đường xưa em đi
Lâm Quang Khải



Con đường xưa em đi, Đinh Bộ Lĩnh
Bình Dương là chốn mẹ sanh ra miềng ( mình)
Qua bao "Thương hải tang điền"
Chưa rời cái rốn, niềm riêng nỗi niềm.(BìnhDươngxưa)

Biển dâu dâu biển, đổi đổi thay thay, thì tôi nhìn, Đinh Bộ Lĩnh xưa nay vẫn vậy thôi, cảnh đổi lòng mình có đổi đâu! . Con đường xưa tôi đi, lúc tôi còn nhỏ lắm, bắt đầu ý thức được cuộc đời thế giới xung quanh. Thế giới đó, có con đường , mà từ nhỏ ‘’em’’ đi. Em đi với mẹ với cha, với em với chị … rồi một mình em đi. Vì em qua lại bao lần, giờ em đi lại về miền đất tâm. Đất tâm ấy, em vun trồng đào xới. Nên đời em luôn nở mộng với hoa.

Ngàn dâu xanh biết một màu, lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ? (1) … Chàng ra đi, xa miền đất mẹ , gió thân bay, như cây cải về trời … còn ai ở lại chịu nhiều đắng cay .

Xưa tôi hay ước, sanh ở đâu … ngày về ‘’chôn’’ chốn đó …. như mơ rằng: “Chưa rời cái rốn, niềm riêng nỗi niềm”. Nay thì … kẻ ở … “niềm riêng” người đi cũng một ở “nỗi niềm” riêng thôi.

Bụi trần bám lá cây da, phủ Đinh Bộ Lĩnh, khách trần đầy vơi . Cây da kia ngày xưa một cõi , nay bụi trần phủ kín cây da. Cây da chen lấn sống còn, lá ru theo gió, thân kia bận sầu … Nhắc thì nhắc lại cho vui, xin chàng xin thiếp đừng sầu hơn chi.

Xưa, một mình rong ruỗi
Giữa đất Thủ, Bình Dương
Giữa giống nòi trăm tuổi
Giữa sông chợ thân thương
Giữa dòng đời, nay nhớ lại, niềm xưa…

… Ngả ba Ngô Tùng Châu, Đinh Bộ Lĩnh tôi bắt đầu đi vào vùng xưa em đi. Lòng ngần ngừ trong giây lát, thẳng đi ‘qua bên kia bờ’ vùng cây da, và vườn hoa dinh tỉnh trưởng, cuối, là khu rừng ‘già’ cây sao dầu rợp lá với mây trời.
… hay quẹo phải dừng chân lại bên bờ mương vĩa hè… tráng ciment. Chỗ bên này hàng cây bông giấy rợp mát là bên hông vườn ông Bác (2) của tui và hay nhìn vào nhà đó, để hồn thả vào mơ mộng, chim, trời hòn non bộ bên trong đó.

Bên kia đường có hai nhà cất song song, kiểu là lạ. Nóc nhà bầu tròn, đó là nhà kho chứa xăng dầu của tỉnh lỵ. Kế đến là Sở Trường Tiền, đối diện nhau ở hai bên đường. Lối kiến trúc đây hơi là lạ. Chính giữa là một căn nhà, nóc lợp bằng thiếc, cao gấp hai, hai rưởi nhà bình thường, là chỗ xe đậu để sửa chữa, có ba hay bốn cầu xe xây bằng ciment cao nửa thước, cho xe chạy lên để sửa chữa ….. Ngang, bên trái của garage đó, là dãy phố cho nhân công ở. .. Còn phía nhà đối diện bên kia đường . Cũng kiến trúc như bên nay, nhưng căn nhà nóc cao ở giữa là chỗ để đậu xe, và cái xe mà tôi khoái nhìn nhất là xe hủ lô, là loại xe cán đá cho bằng mặt để làm đường. Xe hủ lô này chạy bằng than đá hoặc củi đun tạo thành hơi nước. Xe chạybằng sức đẩy của hơi nước nghe tiếng xìn xịt. Chạy một hồi xịt ra làn hơi nước một tiếng thật mạnh… một tiếng xì.. ịt xịt … thật lớn , … nghe “đã” cái lỗ tai . (Tôi nghĩ là khi áp suất nước quá cao, thì phải xã hơi nước ra để cân bằng áp suất).
Chiều chiều, tía má tui hay dẫn bọn này đi lại thăm Bà Ba Nữa, ở giải nhà nhân công. Đó là dịp tôi quan sát “cái nhà trường tiền’’ này tận bên trong …. Thật là ‘thả mãn’ niềm ước mơ! Để rồi sau đó, trưa trưa một mình trở lại, đi “tiếu ngạo giang hồ’’ ở đây, thật là ... đã. Cuối dãy nhà của Bà Ba Nữa ở, là chân đồi của “Tòa Bố’’, có một cầu thang bộ đi lên. Cầu thang dốc khá cao, đi với hàng cây rậm mát, hai bên cây giao nhau. Tôi đi như lòn vào cây rậm mát mà lên thăm ông trời… Lên tới đỉnh “trời’’. Ở kìa bên kia là Tà (Tòa) Bố, bên trái là Dinh Tỉnh Trưởng, bên phải là dãy rừng cây, có đường xuống Ngô Quyền và có đường lòn xuống piscine. Những con ve lớn tiếng hát như là chào đón tôi,cậu bé nhỏ lên được trời mây . Như vậy mà còn chưa thỏa niềm mong ước , còn muốn… làm sao được vô Dinh Tỉnh Trưởng… tiếu ngạo tiếp…

Ngưng mộng mơ, trở lại đi tiếp nha bà con, qua Trường Tiền, đến ngả ba Lê văn Duyệt… Riêng tôi lúc bé nhỏ đó, tôi cho khúc này là tôi vào thế giới dân gian rồi, kìa là tiêm vàng Lê Nguyên, của ông bà cả Bửu, cái nhà này đẹp và ‘’bự ’’, coi bề thế lắm…. Kế bên xóm đó , tôi có một đứa bạn tên là thằng Xuân , lớn lên một chút tôi và nó hay vô vườn nhà Nội tui, cất nhà, hai đứa nằm chơi…nói dóc… Ngoài cái vui tánh và dễ thương của nó, con nít mà nó coi vai u thịt bắp, coi chắc nịt, chả bù với tui thì óm nhách cà tong cà teo. Sở dĩ tôi nhắc tới Xuân và nhớ hoài tới bạn của mình, là khi lớn lên, tôi nghe Xuân đi “Lôi Hổ” là toán lính biệt kích chuyên nhảy vào lòng địch, hay nhay ra Bắc. Nhớ lại, anh hùng và khí chất đó tiềm ẩn ngay từ thuở còn bé… Có những chàng trai, sau, có thêm thanh nữ  nữa, họ ra đi bảo vệ phần đất mà họ sống, gia đình và bà con họ… một cách “thật là tự nhiên”… không do ai biểu, ép bức cả.

Đối diện bên kia đường là một trại lính, tôi cũng nổi tính tò mò… muốn vào xem.. coi trong có cái gì? Riêng cái khám đường kế bên, ‘nghe’ sao ơn ớn, chẳng nghĩ đến chuyện ‘’muốn vào xem’’.

Tiếp tiệm vàng Cả Bửu là dãy phố, trong đó có nhà của Bác Năm Thái, nhà nầy thông tới đằng trước, vườn Bông là tiệm thuốc Trường An. Tôi có vào chơi, mà sao không biết nữa ở Bình Dương tôi khoái “sưu tầm” mấy cái nhà “ loại này. Có dịp bàn sau về mấy cái nhà “đi tuốt luốt” này mà tui biết.

Ngả tư Đinh Bộ Lĩnh và Dốc Ông Cò.

Đường lên Dốc Ông Cò sao nghe nặng sướng, đường xuống dốc ông cò sao nghe mát cả thân tâm… Lên lên xuống xuống đi cả ngàn lần sao nghe chưa đã…Và dẫu bây giờ đi cho trọn kiếp vẫn như bước chân xưa… Và tôi gọi vùng này là chốn chân mây.

Ngả tư đó có quận châu thành Bình Dương đóng ở đó. Giấy tờ xã thì ở nhà làng, tỉnh thì lên tòa bố, quận châu thành thì ở đây. Sau này khoảng sáu mươi ba, sáu mươi lăm gì đó, quận châu thành dời lên ngả ba cây sau Quì, Nhà này trở thành ty tiểu học.

Ta trở lại khúc cây da .

Thời gian trước, những xe công cộng như xe đò xe lô và xe vận tải. Lâu lâu chánh quyền hay kiểm tra, để bảo đảm an toàn cho khách hàng, dân chúng và thường thực hiện điều đó, ở khoảng đầu đường Đinh Bộ Lĩnh này. Tui khoái coi ba cái vụ này lắm, nhất là coi thử thắng. Một toán đứng khoảng cây da. Xe bắt đầu chạy từ Bưu điện lại với một tốc độ khá mau. Xe tới khoảng cây da, một người ra dấu thắng lại. Xe thắng cái ‘’ rét… rồi rét rét, và ngừng bánh. Vết bánh cao su của xe ‘hằn’ lại bên đường thành những vết đen, dài 5 bảy tấc, mùi cao su khét lẹt… nghe đã lắm. Sau đó là những màn khám vệ sinh, băng nệm dụng cụ vân vân … để bảo đảm an toàn cho hành khách.

Niềm vui con nít thời đó là những vụ như vậy, sau tui sẽ kể những sinh hoạt vui ngoài xóm chợ. Những ngày ồn ào vui nhộn đã qua đi, nhường lại không khí an tĩnh thường ngày. Tiếng ve kêu vang rền khi hè tới, hoặc tiếng ve nho nhỏ dài và lẫn hòa với tiếng chim hót, tiếng lá xào xạc, khi nhè nhẹ, lúc thì rộn rã hơn khi trời lộng gió. Âm thanh đó như những bản nhạc của trời của mây của gió, của cây da và rừng cây rợp lá cho cậu bé, bé nhưng đã nghe được những âm điệu thông ngàn và cỏ cây khi trời ngưng gió lộng, mùi của quê hương muôn thuở… Cám ơn, và cám ơn cuộc đời.

Và xóm Bạch Đằng thường hay xử dụng con đường này để đi Saigòn trong giờ từ sáng cho tới xế trưa, vì lúc đó đường bên hông chợ đang nhóm. Đúng với ý nghĩ, con đường xưa em đi. Em bấy giờ là “đại danh tự” rồi. Em, ông Hai, thím Ba, dì Tư… khi qua con đường này đều trở thành người “em thơ mộng” của Đinh Bộ Lĩnh của Bình Dương. Ai qua rồi, chẳng một lần “nhớ”.
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạc đầu. Xưa nói rằng, người đẹp, và danh tướng, không “hứa” với nhân gian sống tới trọn kiếp… nhưng Đinh Bộ Lĩnh và Bình dương ơi, tôi muốn cùng ngươi “ thấy”, kiến bạc đầu .Ước mơ là một chuyện, thưc tế lại là chuyện khác . Nhưng… em ơi nếu mộng không thành thì sao? Non cao biển rộng biết đâu mà tìm ? (3)… Tìm được chớ…

Tìm ở chỗ bất trụ tướng… Tại sao chúng ta không có một cái nhìn xuyên suốt, chỉ thấy cái đẹp của Thẩm Thúy Hằng của Brigite Bardot của ngày xưa thôi, và khi về già… ta lại nhăn mặt làm ngơ? Tại vì chúng ta mãi trụ ở tướng đẹp của ngày xưa, … và trong cái nhìn bất trụ tướng đó, cây da cũ bến đò xưa, mãi và mãi mãi trụ nơi tâm địa của tôi,… chấp nhận tánh vô thường.. sẽ nhận chân được.. chân thường là như vậy đó…

Dẫu…nghe ‘’phong phanh’’ là cây da kia sẽ được bứng ra cho mấy “Đại gia” trồng. Con người dân dã còn chưa được tôn trọng huống chi là cây cổ thụ. Và…

Cũng “ thường thôi “, thời đại văn hóa trồng cây của “ Việt nam”(4) mà .. xin đóng ngoặc hai chữ Việt nam đó…. ai cũng mong rằng hai chữ Việt Nam… không còn “đóng khung đóng ngoặc gì nữa” … Mong lắm thay.

11-03-2015

(1) Chinh Phụ Ngâm
(2) Hội đồng Cần nay là nhà xưa Trần Công Vàng
(3) Nhạc Lam Phương
(4) Xin hẹn ở một bài khác, sẽ viết về bài văn hóa trồng cây.