Những con đường không tên
Minh Tâm
Trong bài viết Những Con Đường Chợ
Thủ, Hoàng Anh đã liệt kê và nhắc lại lịch sử của những con đường lớn trong
khu vực Phú Cường. Bài viết gợi nhớ nhiều kỷ niệm thuở nào. Tuy nhiên, sau
khi đọc kỹ thì thấy còn thiếu vài con đường nhỏ mà ngày nay không còn nữa.
Bài viết nầy xin bổ túc như dưới đây. Những đường nầy xưa kia không biết
tên gì, nay xin tự đặt như sau:
1.
Đường Bạch Đằng nối dài:
Ngày xưa từ
Miễu Tử Trận có con đường đi vô Thành Công Binh, khi tới cổng thành thì rẽ
tay mặt theo vòng tường thành rồi qua cầu Rạch Trầu nối vào đường đi Mỹ Hảo.
Con đường nầy là đường đất đỏ. Nó là đường tắt nối liền chợ Thủ Dầu Một và
khu Mỹ Hảo, xa hơn là Bến Thế. Khoảng nửa đường nầy, phía tay phải có một
nhà máy xay lúa. Đó là cơ sở do ba tôi làm chủ, sau đó ba tôi bán nhà máy
lại cho một người Hoa là ông Trần Vinh, nhà ở gần nhà máy nước đá Tứ Hải.
Ngoài ra, còn có một xóm nhà với chừng 5, 6 căn mà thôi. Trước xóm nầy có
đường mòn dẫn lên chùa Phước Long. Năm 1968, chiến tranh xảy ra ở đây. Xóm
nhà nầy bị cháy. Đường từ Miễu Tử Trận lên Mỹ Hảo và đường bọc ra chùa Phước
Long cũng bị cấm không cho lưu thông nữa và từ từ mất dấu. May là công binh
Mỹ đã xây con đường vòng đai (ngày nay là đường Huỳnh văn Cù) nên mỗi khi
người dân từ Mỹ Hảo muốn đi chợ thì khi tới Thành Công Binh thì phải đi vòng
qua chợ Cây Dừa để ra chợ. Đường nầy vòng xa hơn mấy cây số nhưng được tráng
nhựa nên dễ đi hơn.
Không ảnh thấy rõ con đường đất đỏ bao bọc vòng quanh Thành
Công Binh và nhà máy xay lúa của ba tôi ở góc phải (ảnh chụp khoảng
năm 1967)
Tới cổng thành Công Binh có con đường bọc vòng thành đi về Mỹ Hảo (hình
chụp năm 1949)
2. Đường Nguyễn Tường Tam nối dài:
Ngày
xưa, từ Thành Quan đi ra theo đường Nguyễn Tường Tam tới đường Ngô Quyền (chỗ
nhà cô Năm Bèo) thì có thể tiếp tục đi thẳng. Bên trái là nhà cô Năm, bên
phải có nhà máy nước của Cấp Thuỷ, sau đó ta đi lên dốc đi dọc theo một cư
xá cảnh sát và xéo ra bên hông Ty Lao Động tới trước Toà Hành Chánh rồi lại
xuống dốc để ra chỗ nhà thuốc tây Lê Quan Quản. Từ đây chỉ cần rẽ phải là
tới chợ. Đây là con đường đất đỏ, nhỏ hẹp, quanh co nên ít xe chạy và thường
chỉ dùng cho người đi bộ. Tuy nhiên đây là con đường tắt để nối liền khu
Thành Quan và chợ nên có nhiều người sử dụng. Sau Mâu Thân, đường bị rào
chắn và từ đó hết được lưu thông.
3.
Đường Âu Cơ:
Từ
Ngã Sáu đi vô Phú Lợi, đường Bác Sĩ Yersin chấm dứt ở Ngã ba Cây Sao Quỳ.
Từ ngã ba nếu đi về hướng đông nam thì sẽ đi Phú Lợi. Từ ngã ba nếu đi về
hướng đông bắc sẽ đi vào An Mỹ. Từ khi có QL 13 mới, con đường từ Ngã Ba
Cây Sao Quỳ nối vào đường đi An Mỹ ít xe lưu thông. Từ Ngã Sáu, tới ngã ba
Cây Sao Quỳ ta phải đi vòng qua ngã tư Phú Lợi, QL 13 (ĐL Bình Dương) rồi
mới rẽ vào đường đi An Mỹ được. Hiện giờ, đường tắt nầy có tên là đường Âu
Cơ nhưng tới căn nhà của Uỷ Ban ND Thị Xã thì hết, không thông ra ĐL Bình
Dương được.
Không ảnh thấy rõ con đường bao bọc Thành Công Binh và Ngã Ba Cây Sao
Quỳ chia hai : một đường về Phú Lợi và một đường về An Mỹ (lúc đó chưa có
QL 13 mới)
Ngày nay, Bình Dương phát triển, đường sá làm mới rất nhiều, người viết đã
lâu không trở lại quê nhà nên không biết hết. Tuy nhiên, những con đường
cũ và là đường tắt như trên đây là những con đường rất thân thương mà tác
giả đã nhiều lần đi qua. Viết lại ở đây để nhớ về một thời bình yên của 50
năm về trước như nhắc nhở rằng vạn vật đổi thay, hôm nay là đường thì ngày
mai cũng có thể mất đi mà thành nhà cửa, xóm làng.
(9/2015)