Con đường đắp mới
Lâm Quang Khải


Cám ơn BSNQ cho tôi tấm hình ngã ba Ngô Quyền- Nguyễn Tường Tam . Mỗi tấm hình của Bình Dương nhất là những hình ảnh của ngày xưa cũ, là mỗi gợi nhớ. Nhớ kẻ thân yêu nhớ đến quê nhà. Nhân đây ghi vội dòng “dư lệ”, để nhớ để thương, cảnh tuyệt vời. Dư lệ là nói theo ngôn ngữ “hành” cái hành đó trong ngủ ấm (1) hành như cái đà bắn một mũi tên, tên mà vừa bay ra khỏi ná, bay đến khi nào hết sức bay của nó mà thôi. Dư lệ là đi theo hành của ngôn ngữ “dòng dư lệ”. Ngôn ngữ âm điệu một thời của chúng ta sao “buồn quá hả”. Ở đây tôi theo, nhưng không muốn nhuốm lệ buồn đâu nhen. Lệ là đẹp, dư lệ là còn lại cái đẹp của ngày xưa cũ, lệ cũng là nước mắt, mà sao không là một giọt nước mắt đẹp, của ngày xưa, của ông bà cha mẹ gởi gắm lại cho ta?

Ngày trước tôi thắc mắc là sao mấy người già ‘’mau nước mắt’’, giờ thì tui cũng vậy, rất dễ cảm động. Bài nào tôi viết, ngọn bút có chấm sơ qua vài giọt lệ, thì mới cảm thấy hay hay.


Từ ngã ba Ngô Quyền ta lần vô đường mới đắp nghe các bạn. Đắp để có con đường đi tới ngã Thành Quan. Đường này mới đắp, khoảng năm mươi bảy, năm mươi sáu hay lui về trước nữa, thì tôi quên rồi. Vì vậy khởi thủy nó có tên đường đắp mới, đường đất đỏ, và đường cầu mới nữa vì nó mới đắp bằng đất đỏ, mà không có trãi nhựa dầu hắc.


Qua đi cho nhớm bụi hồng, bụi hồng nhuộm áo cho đời em vui. Có con đường nầy, cá nhân riêng tôi, gia đình và cả bà con nữa, vui lắm. Vì mỗi lần về nội hay vô nội tôi đi bằng con đường mới đắp này, khỏi phải đi vòng qua ngã cầu Ông Kiểm, Miễu Tử Trận hay ngã Cầu Ông Đành mà đi dô.


Nếu từ Thành Quan đi xuống, tại ngã ba này có một cái dốc, phía tay phải có mấy cái mã bằng đá ong. Lúc nhỏ đó tôi nghĩ là nếu chúng ta chết, thì (chỉ) chôn ở đó mà thôi. Đường phía bên trái thì là nhà của Bác Sáu Sáng (và ông Bà Cụ thân sinh của Bác Sáu, vì tui còn con nít nên không biết hay quên tên mất rồi). Bên phải của con đường là nhà cô Ba Nữa, cô hai Điền (ông bà cụ cũng không biết hay nhớ tên), sau đó là quẹo vô nhà của Nội tôi, ông Bác.


Nói tới đoạn nầy tôi lại nhớ đến thầy Tất Tử Lợi, thầy đã đăng một tấm hình mà tôi chấn động tâm can. Hình ‘’Lối về’’, lối về có một (hình) Thành Quan , nhìn sơ qua là tôi hồn phi phách tán, bởi hình Thành Quan là biểu tượng xóm “tôi”; nói theo ngôn ngữ kiếm hiệp, thầy lại cho những câu thơ… mà ‘’ui cha ôi’’, sao mà mùi nhớ ngất trời … Chiếc lá nào vấn vương, Là sắc hương ngày cũ, Chỉ rơi lại đây những mảnh sầu . Đọc kiếm hiệp học theo phi thân chưởng kiếm, miên lý tàn châm, ý kiếm phải là như én liệng mùa xuân, xuất chiêu phải như thiên binh vạn mã, vân vân và vân vân thì khó quá, chứ còn ngôn ngữ : cái con bà nó sao học lẹ thế:. “Cái con bà nó’’, TTL ui, ông làm tôi nhớ mẹ nhớ cha, nhớ cô nhớ bác nhớ gì … mà tùm lum, nhớ ớn trời. (xin lỗi nhà thơ, em là phàm phu tục tử, nhưng tin có chúa ( thơ) ở trên trời, xin lỗi, xin lỗi)


Tôi nhớ mãi tấm hình cậu Cưng tôi chụp cho ba chị em chúng tôi ở đoạn đường này năm năm mươi sáu hay bảy gì đó (khúc Ngô Quyền mới đi vô). Lúc đó con đường mới mở. Phía bên trái con đường có một mương lớn song song con đường . Phía bên phải con đường có lơ thơ vài cây soài riêng già. Vì mới cất nên bà con còn gọi là ‘’Cầu Mới’’. Qua cầu sắt phía phải ngay góc đó có một cái ao nuôi cá tra. Từ miếng đất này đi xít lên một chút là nhà Bác Hai Dung, bác của tôi. Nhà cửa lúc đó người ở thưa thớt, đi lên khoảng năm bảy trăm thước gì đó, có con đường mòn, phía bên trái đi vô một đoạn dài gặp một lạch chắn ngang, đoạn này là nhà của bà Cô Ba - em ông Nội - nóc ngói âm dương, vách ván, nền đất coi thơ mộng lắm. Đất nầy đổ về hướng Thành Quan, phía trái là đất của bà Ba, phía phải là khu vườn soài riêng rộng lớn, thơm mùi vườn tược và hàng cây bòn bon thẳng tắp, mà sau đó, khi hàng cây nầy cổi, tôi không còn thấy cây bòn bon nầy nữa. Tôi hay lần mò vô nhà của ông Bác, cái nhà cổ xưa của ông sơ tôi để lại, sao khi vào nhà xưa cổ làm như bắc được nhịp đập của người xưa. “Nghe nói”, vùng đất này phần lớn là của ông Sơ ông Sờ ông Sẩm ( tiếng lúc nhỏ tôi gọi thế, không biết có đúng không, ghi lại kỷ niệm cho vui). Lớn lên tôi suy ngẫm mãi câu, ai giàu ba họ, ai khó ba đời lắm. Và câu nói, một đời làm thầy thuốc, tam thế suy. Ông sơ tôi (ông Nội của ông Nội) và ông Nội tôi là thầy thuốc Bắc nổi tiếng một vùng. Cả một vùng đất rộng lớn của tổ tiên, con cháu sau bán dần dần hết (cánh phía ông Bác).


Tôi còn nhớ gì trong tâm tôi hiện nay hả ? Mùi của những nhà xưa cổ, mùi của những bà con thân thương, mùi của những cây cau, soài riêng, vườn đất và cây cỏ, cây sứ Tàu ( ngọc lan) sân trước và nhất là tiếng ve rộn rã những buổi trưa hè. Nay đã xa rồi, nhưng ở tận lòng tôi cảnh vật như là hôm qua.


Vật đổi sao dời, câu vọng cổ ngày xưa vang vọng, tính sao cho nàng tính trọn niềm thủy chung, con đường đấp mới đó cảnh vật xung quanh lớn dần theo năm tháng, người đông thêm nhà lớn hơn. Nhưng nhìn theo tướng mà vô tướng, thì con đường đấp mới đó, không mới, tình hàng xóm nghĩa đồng bào vẫn như thuở nào, có bao giờ mới hơn xưa đâu, hả bà con.


Hẹn bà con bài tiếp theo, từ đường đấp mới Ngô Quyền ta leo lên dốc Ông Cò đỉnh cao.

Con đường này ngày xưa tôi đi, leo dốc vai mang theo nhiều mơ mộng, mà lòng nhẹ tênh khi lên tới đầu dốc (Ông Cò). Sau người ta bịt mất con đường, nhưng tôi vẫn hằng ngày đi bằng đường trong mộng thênh thang, mơ trong tâm tưởng tới ngày hôm nay. Hôm nào lên dốc Ông cò , mang theo hình ảnh những người năm xưa.

MTL 30.05.2015

(1) – sắc thọ tưởng hành thức.


Cầu Mới