“Có ai
đi chợ Bình Dương hôn?”.
TRẦN
BÌNH DƯƠNG
“Có
ai đi chợ Bình Dương hôn?”. Lời rủ rê, nhắn nhủ
đó mỗi khi có dịp nhớ lại
khắp người tôi bỗng nổi đầy gai ốc. Ký ức đằm thắm xưa kia
cháy bùng lên ngọn
lửa tuổi thơ, làm ấm áp thêm những ô
kéo kỷ niệm, mà có lúc tưởng chừng như
tôi
đã quên lãng mất rồi. Một trong nhiều ô
kéo ấy được mở ra, chính là hình ảnh
còn sót lại từ lúc tôi lần đầu tiên đi
chợ...
Đó là những buổi sáng mai, hai má con
tôi đón xe ngựa từ xóm Chánh Trong lên
chợ. Đường chỉ hơn một cây số, chiếc xe lọc cọc trên đường
lăn chầm chậm như
cuộc dạo chơi nhàn tản trong sương sớm của những nhà
quý tộc thôn dã lên thành.
Ông Bảy đánh xe ngựa vút roi vào chiếc
chuông đồng sáng loáng nghe leng keng
thật vui tai, chốc chốc lại ghìm cương. Một, hai bà
khách bước lên, tiếng chân
ngựa lào xào bon trên mặt đường loang lổ. Xe qua
cầu Bến Cỏ. Tôi nhận ra bóng
mình in trên mặt nước xanh rờn, nước xanh hơn cả bè
rau muống nổi lều bều hai
bên bờ rạch.
“Qua hãng rượu trắng Bình Tây của cô Bảy rồi
đó bà con, sẽ tới chợ đồng hồ”.
Tôi ngước lên. Ờ quả thiệt đúng vậy! Cái cột
đồng hồ nhô lên cao giữa những mái
phố màu đỏ gạch. Nó in sừng sững dưới làn
mây xanh nõn, khác nào một bức tranh
phác thảo tuyệt đẹp.
Bến xe ngựa ở đường Trưng Vương, trước cổng rạp Trần Trung, chợ
Bình Dương đây
rồi, cái cột đồng hồ mỗi lúc một gần hơn. Mắt tôi
lấp loáng. Tôi reo lên: Chợ
Bình Dương đây hả má?
Ấy là phút giây tôi bắt gặp ngôi chợ
đầu tiên của tuổi thơ tôi. Năm đó tôi vừa
lên bảy tuổi.
Tóc tôi bây giờ đã điểm bạc. Gần bốn mươi năm
rồi, mình đâu còn trẻ nữa! Má tôi
gần tám mươi - tuổi gần đất xa trời vậy mà cứ hai ba bữa
bà lại thầm thì: - Hai
má con mình đi chợ Bình Dương nghe?
Ông Bảy đánh xe ngựa đã mất từ mấy năm trước.
Không ai còn làm nghề đưa khách
bằng xe ngựa. Chở má tôi bằng chiếc Honda, qua hãng
rượu trắng, qua cầu Bến Cỏ,
tôi cảm thấy buồn buồn. Tất cả giờ đây đã thay đổi,
cây cầu, hãng rượu đã biến
mất từ lâu trong ký ức mọi người.
“Có ai đi chợ Bình Dương hôn?” - Tôi trả lời
nho nhỏ mắt cay cay “Có chứ, có
tôi đây”. Có má tôi lầm lũi đi
vào chợ, dáng lụm cụm, mắt cúi xuống như
tìm một
cái gì đó trên đường. Phải rồi, má
ơi! Hồi vừa bảy tuổi. Ở chỗ này con đã nhìn
thấy cột đồng hồ. Cái đồng hồ cũ kỹ mà cả xứ Nam kỳ
này không có đến cái thứ
hai. Nó càng cao, vuông, già nua như đồng hồ
chợ Bến Thành và chợ L.T. Nó cũng
thấp thoáng mô típ châu Âu lãng
mạn, ở đất Pháp trầm lặng mà ta thường nhìn thấy
qua phim ảnh. Ôi cái chợ của tôi! Công
trình của một thằng Tây xâm lược nào
đó
tên gọi là Bonnemain từ năm 1934 đã để lại biết bao
nhiêu điều tốt đẹp an lành.
Má tôi không đủ sức đi đến khu chợ đồng hồ.
Bà lang thang vài chỗ, nhìn ngắm,
hỏi han, rồi sẽ tìm chỗ nghỉ chân. Má tôi
đang lần về với quá khứ. Bà đang đi
tìm cái sạp hàng của bốn mươi năm về trước: để
uống một tô trà Huế. Chen chúc giữa
các sạp hàng nhựa, hàng cao su bây giờ, xưa
kia là khu ăn uống. Phải rồi, lần
đầu tiên đi chợ, tôi đã được ăn một dĩa bánh
ướt tôm khô được bóc từ tay một bà
già cũng trạc tuổi má tôi, từ chiếc mâm bằng
đồng lọt thỏm trong quang gánh. Cái
mùi vị ấy, không bao giờ tôi quên được. Những
sợi bánh ướt mỏng mảnh, loang loáng
mỡ, mằn mặn trôi qua cổ tôi, mùi tôm khô
bùi bùi, thơm thơm bốc lên sống mũi.
Bốn mươi năm trời trôi qua, cho mãi đến bây giờ
trong suốt cuộc đời tôi luôn
tin rằng chẳng có một hiệu bánh cuốn, bánh ướt
nào ở Bình Dương hay cả xứ Việt
Nam này, có thể ngon hơn cái sạp hàng xưa
ấy. Thời gian đã xóa đi tất cả; nó đã
xóa đi gần như vĩnh viễn tiếng khà khoái
trá của má tôi, cùng tiếng hít
hà,
tiếng nuốt nước miếng ừng ực, tiếc rẻ của tôi từ dĩa bánh
ướt tôm khô đầy kỷ niệm.
Chợ Bình Dương của tôi đó! Còn đâu
tiếng bào nước đá đậu đỏ bánh lọt của ông
Tàu già nơi góc đường, cùng mớ âm
thanh rộn rã, vang động cười nói nơi các
quán, các tiệm nước đông vui. Lớn lên,
tôi mang bao thứ âm thanh kia đi vào đời
bỗng có lúc giật mình khi đọc sách, cảm
nhận ra những điều kỳ lạ. Ôi những tiệm
nước Tàu ồn ã tạp nhạp, có cà phê,
bánh tiêu, bánh bao, xíu mại... Có
những người
đàn ông húp cà phê bằng đĩa - những
hồn ma của quá khứ mà nhà văn Bình
Nguyên
Lộc lúc còn bé đã nhìn thấy
và bị ám ảnh. Xế bên kia là khu hàng
quần áo cũng y
hệt như bốn mươi năm về trước. Cũng những căn sạp nho nhỏ, hơi tối,
những người
bán hàng chào mời vui vẻ. Tôi bỗng thẫn thờ
vì trước mắt mình đã thay đổi. Ở
góc hàng này, hồi ấy má tôi mua cho
tôi bộ quần áo đầu tiên để đi học. Bà chủ
hàng
người miền Bắc, hàm răng đen nhánh, chít khăn
bóng mượt. Má tôi đã tần ngần lựa
chọn những chiếc áo vải Nam
Định màu ngà ngà. Những chiếc áo vải
“bươm-lin” trắng toát. Và tôi đã cởi trần
truồng ra ướm thử vào người cái quần “kaki” xanh đậm,
trước cái nhìn vừa ý của
má tôi...
Má tôi có thói quen giống như những người
phụ nữ đi chợ khác. Đi chợ trước nhất
là ăn quà sau cùng mới ra chợ cá trước khi
về. Bà dắt tay tôi lướt qua hàng
thịt, hàng rau cải, bỏ lại sau lưng tiếng gọi ơi ới. Hồi ấy, chợ
cá còn nằm
trên bến sông Bạch Đằng, có mái che hẳn hoi,
thành chợ đúc bằng sắt tây. Đó là
cái chợ cá sạch nhất Nam
kỳ
lục tỉnh, mà ông Sơn Nam
nhà
văn đã từng viết trong sách Nam
kỳ cảnh trí ở Sài Gòn. Ông kể chuyện
đã phiêu bạt đến đất Bình Dương lúc
còn
trai trẻ quãng năm 1943, 1944, theo ghe mắm từ Cà Mau tấp
bến Bạch Đằng. Chợ cá
đón ông với những sạp hàng ngăn nắp, đủ loại, đủ
kiểu, nào là cá đồng, cá
ruộng, tôm, hàng mắm, hàng dưa, ốc, sò...
Thật phong phú. Một cái chợ theo đúng
cách ông diễn tả - không hề hôi mùi
cá.
Tôi mang cái hương vị sạch trong từ chợ cá của
nhà văn Sơn Nam hơn bốn mươi năm
về trước, lóng lánh hình ảnh chợ cá trải
dài ra đến nhà Đốc phủ sứ, dẫn qua con
đường Hàng Dương lộng gió, nơi những chiếc ghe, chiếc
phà từ Bình Mỹ, Củ Chi
xình xịch qua sông, đến bưu điện, Ty Điền địa, trường Mỹ
nghệ Bình Dương. Với
tôi một thằng bé lần đầu tiên đi chợ, nó mở
đầu từ chiếc xe ngựa ở xóm Chánh Trong,
theo âm thanh lọc cọc từ đầu bến Hàng Dương, phi nước kiệu
về xa hơn nữa tận Mỹ
Hảo, Tương Bình.
Có ai đi chợ tết Bình Dương hôn?
Ấy là những năm sau này, lúc tôi đã
lên mười bốn tuổi. Má tôi hồi ấy đã trở
thành một kẻ chợ. Bà bán vải vóc, quần
áo may sẵn trên lề đường Đoàn Trần
Nghiệp đối diện với cột đồng hồ. Bảy năm qua, kể từ lần đi chợ đầu
tiên, đối
với tôi hoàn toàn không đổi khác,
tôi vẫn nhận ra chỗ này là chợ trên, đằng kia
là chợ dưới. Ở dưới cột đồng hồ tôi được uống nước
mía thay vào ly đậu đỏ bánh
lọt.
Chợ Bình Dương trong trí tưởng tôi bây giờ
thật chẳng có gì đẹp hơn, vui hơn và
không nơi nào có thể sánh kịp. Những
ngày vui nhất, đẹp nhất là khoảng rằm
tháng chạp trở đi, chợ bùng lên khác
nào những ngày lễ hội. Ngồi trong sạp hàng
phụ má tôi, tôi trông rõ sắc màu
của cuộc sống, đầy ắp bao hình ảnh đến lạ
lùng. Mấy chục sạp bán bánh mứt che tạm bằng
mái tole, bày bán đủ thứ bánh mứt,
thèo lèo cứt chuột, chà là, hột sen,
trà, rượu, bánh trái đủ loại... Mấy ông
Tàu già ngồi bán hàng phơi cái bụng
to, rún lồi ra, hõm vào như trái chanh. Tất
cả các mặt hàng khác như rau cải, hoa kiểng, quần
áo, vải vóc, đồ đạc linh tinh
cứ như những dòng thác cứ ầm ào tuôn chảy
vào chợ cùng với bao làn sóng người
nối nhau đi đứng, nói cười.
Hình ảnh ông đồ già qua bài thơ của Vũ
Đình Liên mà tôi đã học ở ngay
phía sau
tôi, chứ không đâu xa. Trên dãy phố
Đoàn Trần Nghiệp những bức liễn đỏ như son,
những nét chữ rồng bay phượng múa, bức trướng ông
Táo, Thần Tài đầy dẫy. Dường
như, ở vào thời điểm ấy, tôi chưa hề có cái
cảm nhận về những chiếc lá vàng bay
hiu hắt, mực đọng trong nghiên sầu. Mấy ông đồ nho viết
liễn vẫn đắt hàng, ai
cũng cần đến. Tôi chìm ngập trong tiếng pháo
đùng vừa mải mê nhìn ngắm say sưa.
Phải rồi, năm ấy tôi lên mười bốn tuổi. Chợ tết Bình
Dương đã giúp tôi khám phá
ra rằng, mình đã bắt đầu yêu. Bốn mươi năm rồi,
tóc tôi đã chấm bạc, nhưng giờ
đây cái xúc động rộn ràng, day dứt tim đập
mãnh liệt nơi lồng ngực vẫn chưa hề
mất đi. Vâng, chính là tình yêu đầu
đời vụng dại của tôi. Chính cô gái ấy chứ
chẳng ai khác. Đó là một cô bé tuổi
khoảng 12, 13 tên là A Phón, hay ngồi cắn
hạt dưa nhìn tôi cười mủm mỉm. Sạp hàng bánh
mứt, thèo lèo cứt chuột kia ế khách,
đủ thời gian cho nó ngồi liếc mắt lè lưỡi trêu chọc
tôi. Tai tôi nóng bừng, xấu
hổ. Nhưng quái lạ thật, lòng tôi như có
chút gì đó thật dịu êm, nồng nàn. Đầu
óc tôi bỗng dưng tưởng tượng ra biết bao điều kỳ lạ.
Này A Phón, đừng cười nữa.
Hai đứa mình sẽ cùng nhau đi qua chợ đồng hồ, rẽ sang
bên này phố, ngồi lặng
yên nơi góc đường hẹp, nhấm nháp một ly sâm
bổ lượng, tận hưởng đầy đủ thú vị
của cuộc đời. Hay em muốn chui vào giữa cột đồng hồ, kéo
chiếc ghế con, ngồi
xệch xuống gọi một tô bún bì chả, một đĩa
bánh xèo nóng thơm giòn, ớt cay đến
rát họng, ăn đến đâu thèm đến đó. Tôi
mơ A Phón sẽ gật đầu. Cái ly sâm bổ lượng
lành lạnh, đĩa bánh xèo ấm nóng ở chợ
Bình Dương kia, dẫu có đầu thai kiếp khác
cũng chẳng bao giờ ta nếm được Phón ơi...
A Phón không trả lời. Vậy là tôi lững thững
đi một mình. Dưới chân cột đồng hồ,
cái góc hình tam giác chia đều cho mấy quầy
sách báo. A Phón, tôi sẽ mua tặng
em quyển Tam Quốc Chí bằng tranh - chắc là em không
rành tiếng Việt, ở ông già
chủ tiệm Minh Thành nhận ra tôi, sẽ bán với
giá rẻ. Bởi tôi và Thiệt con ông là
bạn. Hoặc giả, tôi sẽ đến tiệm Ngọc Thành, mua cho em
chiếc kẹp sơn mài có vẽ
hoa lấm tấm bằng vỏ ốc. Nó sẽ cuốn gọn gàng những lọn
tóc cháy nắng vàng hoe
của A Phón. Như một kẻ mộng du, tôi lướt qua con đường
Nguyễn Thái Học, nhà
hàng Nam Bắc Hiệp lớn nhất Bình Dương xưa, nơi thể hiện
kỳ tích của hai nhà
doanh nghiệp một Bắc, một Nam, họp lại thành Nam Bắc Hiệp,
đèn điện sáng choang
và tấp nập bao người. “Có ai đi chợ Bình Dương
hôn?”. Có tôi! Có tôi một thằng
bé mười bốn tuổi trôi theo dòng người với sự
ngô nghê ngốc nghếch. Nó nhìn đăm
đăm lên tấm bảng hiệu nhà thuốc Võ Văn Vân,
mà cứ mơ hai đứa bé cùng che chung
chiếc dù kia là mình và A Phón...
Có ai đi chợ Binh Dương hôn? Câu hỏi trả lời hẳn
nhiên là có. Bởi lẽ chợ Bình
Dương giờ đây vẫn còn đó, to lớn, đồ sộ và
hiện đại sau bốn mươi năm dài đằng
đẳng. Hãy tha thứ cho chúng tôi, các bạn ạ!
Sự to lớn, rực rỡ kia là phần của
các bạn. Còn những gì của chúng tôi
là quá khứ. Hãy đồng cảm và tha thứ cho
tôi, nếu các bạn biết rằng vào những năm sau
này, tôi chưa từng bước chân đến
tham quan ngôi chợ mới, chia sẻ cùng các bạn những
gì đang phát triển và tự
hào.
Má tôi và tôi vẫn đi chợ Bình Dương.
Bà lụm cụm, già nua đi tìm một thế hệ của
riêng mình đã mất! Bà cứ ngỡ bây giờ
đang vào phiên chợ tết, cái thời mà
pháo
nổ ì đùng quen tai. Ừ, pháo nổ hồi ấy vui lắm,
thời của những đứa trẻ như bà
vừa bịt tai đứng bên hè phố, vừa vui mừng la hét
đến khản giọng: Bang Tề thua
Bang Lũy. Bà cũng chẳng cần hiểu hai ông Bang kia
là ai. Nhưng quả thật họ giàu
có quá sức, thi nhau lấy pháo thay tiền mà
đốt hàng mấy giờ đồng hồ liên tục.
Dường như má tôi bao giờ cũng nhìn thấy rất gần,
rất hạn hẹp, khuôn viên chợ
Bình Dương chỉ lọt thỏm trong lòng bàn tay.
Bà chẳng cần để ý đến khu chợ mới
xây, to như trái núi trước mặt. Bà chỉ
thích loanh quanh những cửa chợ hẹp vào
ra hồi ấy. Chỗ này má tôi đã uống tô
trà Huế mỗi ngày. Chỗ này có hàng
bánh hỏi
thịt quay, bún giá, rau sống thuở xưa nằm phía sau
khu chợ vải to, có người bạn
gái của bà làm chủ. Bà lập dị, bảo thủ, ngờ
nghệch đến độ tội nghiệp.
Bà
tìm mua một hũ chao, một lọ tương ớt ở tiệm chú Xổi đầu
đường hồi đó, nhưng
tìm mãi nào đâu thấy. Ra về. Chợt nhớ đến
cha tôi, bà lật đật bước vào căn phố
cũ ý định mua một vài lạng trà Thái Lai,
chỉ có trà Thái Lai là má tôi
ưng ý,
nhưng cái hiệu trà nổi tiếng xưa đã lùi
vào quá khứ còn đâu tăm dạng. Má ơi,
má
đã đi chợ Bình Dương với hành trình của một
bà già đang cố sức mở những ô kéo
ký ức màu vàng. Màu vàng từ chiếc
cột đồng hồ cũ kỹ, dãy sạp hàng vàng vọt dưới
ánh đèn măng sông lấp lóa cả màu
vàng của những buổi sớm mai óng ánh tia nắng
trên quãng đường làng ra chợ, cái màu
vàng của thời gian lướt qua bảng lảng như
những đám bụi mù.
“Có ai đi chợ Bình Dương hôn?”. Má ơi
tôi muốn thốt lên, đi
chợ với chúng tôi bằng xe ngựa dừng lại bên
hông rạp hát Trần Trung. Ôi cái rạp
hát bây giờ vắng lặng, hiu hắt, u buồn. Cái
sân khấu mái vòm kiểu Tây đâu rồi,
nó ấm cúng, thân thiện làm sao thời điểm
mà nhạc sĩ Phan Hữu Lý, bạn tôi lúc
còn là một cậu bé lên mười, đã
ôm chiếc đàn guitar biểu diễn cùng với nhóm
đồng
ca thiếu nhi Phú Cường! Thời ấy đã ra đến chợ thì
phải xem hát. Và rạp hát gắn
liền với chợ như một thứ văn hóa, một thứ nhu cầu cần thiết.
Cũng những hàng
ghế này, thằng bé con như tôi bốn mươi năm xưa, rụt
rè nắm tay ông anh trai lần
đầu xem chớp bóng. Nó ngạc nhiên khi phải đứng
lên tháo mũ ra khỏi đầu, nghiêm
chỉnh nhìn lên màn ảnh. Lá cờ vàng
chóe hiện lên chỉ toàn những màu đen
và ồn ã
tiếng quốc thiều trỗi dậy. Rồi nó say mê, lặng phắt đờ đẫn
trước những cảnh
đánh vật hát ca tình tự của những con người nhảy
nhót trong phim Ấn Độ, những
lực sĩ của thành Bá Đạt đã làm nhịp tim
nó hồi hộp rộn ràng.
Má ơi! Chợ Bình Dương rồi sẽ không còn đọng
lại trong ký ức má nay mai. Nó sẽ
tan đi nhẹ nhàng như khói, như sương theo tuổi già
và cái chết của má, một bà
già lụm cụm, nhặt nhạnh bao hình ảnh của quá khứ.
Và rồi, con cũng sẽ như vậy.
Mỗi thế hệ tự nhìn ngắm, ước mơ, hy vọng những gì
thân quen gần gũi với mình
qua lăng kính cuộc đời. Chợ Bình Dương bây giờ
là thế. Hiện đại, đồ sộ và ngẩng
cao đầu với tầm cao công nghiệp với màu đỏ của gạch hoa,
màu kính trắng lóa
sang trọng. Nhưng có mỗi một điều má và con phải
tin rằng tiếng vọng và dư âm
của kỷ niệm vẫn ở đó, ở câu nói thốt ra từ cửa
miệng mỗi người.
“Có ai đi chợ Bình Dương hôn?”.
Và tức khắc có ai đó sẽ trả lời...