Chuyện
xưa trường cũ - Phần 2
Lưu thanh Bình
1. Năm học 1966 – 1967,
trường Trịnh Hoài Đức tổ chức thi tuyển vào đệ thất, lấy năm
lớp trong đó ba lớp học tại trường nam gồm hai Pháp ( P3,
P4 ) và một Anh (A5) được xếp học ở dãy phòng trệt
bên kia sân sau theo thứ tự P3, P4 rồi đến A5. Ba phòng
này đến nay không còn nhưng các bạn có
thể tìm thấy trong trang hình ảnh trường THĐ. Lúc ấy
trong mắt một chú nhóc như mình, cái gì
cũng mới lạ, từ phòng học, hành lang lát gạch men trắng
đỏ (để đứng xếp hàng, nhỏ đứng trước lớn đứng sau, đứng trước hay
bị ký đầu) đến lan can xây gạch quét vôi trắng.
Đứng ở đây có thể nhìn bao quát cả sân trường,
đối diện là dãy phòng học chính có lầu,
bên phải là phòng thí nghiệm ít khi thấy
mở cửa. Nhưng đẹp nhất là hai cái khung gỗ dùng để đá
banh, đẹp nhì là cái hàng rào kẽm gai
có khoét lổ để chun ra kiếm dế và củ sắn! Học sinh ngoan
là những “em” đi học sớm, đến phòng giám thị để nhận
sổ đầu bài của thầy cô, sổ điểm danh của học sinh, khăn trải
bàn, hộp phấn trắng (có khi có phấn màu) trong
đó nhét thêm cái giẽ lau và cuối cùng
là siêng quét lớp. Học sinh “chưa ngoan” thì cũng
đi học sớm nhưng “dang nắng” ngoài sân với trái banh,
khi vô lớp thì lưng áo đẫm mồ hôi và đầu
khét nắng. Chưa chắc học sinh ngoan là giỏi, bằng chứng là
Nguyễn Vinh Quy, vừa là học sinh giỏi nhất lớp vừa là thủ quân
của đội bóng B5, vô địch THĐ năm 1971, một tay judo có
hạng, bóng bàn và bóng chuyền cũng hết chê.
Một điều có thể nhiều bạn chưa biết, đó là danh sách
gần 60 bạn nhập học lớp đệ thất A5 năm học 1966 – 1967, hè năm 1973
khi tốt nghiệp lớp 12 chỉ còn có bốn bạn là Quốc, Văn,
Lắm và Tâm. Sự biến động của thời cuộc lúc bấy giờ đã
ảnh hưởng đến việc học hành như thế đó. Đầu năm học đệ tam,
hơn mười bạn xin chuyển trường sang Nông Lâm Súc, vì
ngành đó được ưu đãi hoãn dịch chậm thêm
một năm so với các bạn cùng tuổi. Năm 1972, khi thi xong tú
tài 1 thì gần nữa lớp không còn được hoãn
dịch vì lý do học vấn nữa. Số ít vào Sư Phạm,
số đông vào Thủ Đức và Đồng Đế.
2.
Ngày nhập học, lớp A5 có đến năm bạn tên Hùng,
trong đó có ba bạn cùng là Nguyễn Văn Hùng.
Thầy (?) gọi cả ba cùng đứng lên và chỉ định lần lượt
là Hùng A, Hùng B, và Hùng C. Hùng
A đi lính chết, Hùng C đẹp trai đi lính cũng chết nốt,
chỉ còn Hùng B nhỏ con hiện là Giám đốc một ngân
hàng Tỉnh tại Bình Dương. Thầy Tích (đã mãn
phần) có một độc chiêu làm bọn mình rất ngán:
khi dò danh sách gọi lên trả bài thầy hay dừng
lại đột ngột làm cả đám lên ruột như Nguyễn Ngọc…aaa…
( Nguyễn Ngọc Quang hay Nguyễn Ngọc Thòn ?) hoặc Bùi Công…ừ
..ườm.. ( Bùi Công Tân hay Bùi Công Trung
?). Hôm rồi họp lớp, mình và Mai Văn Ba vừa cười vừa
nhắc lại kỷ niệm xưa, hai thằng hay trù ẻo nhau “bị” lên trả
bài, bởi vì nếu Ba trả bài thì Bình sẽ
khỏi và ngược lại. Bạn nào làm thầy giáo thì
đều biết, thời gian ôn bài cũ chỉ có mười phút
làm sao gọi nhiều được, nên thường thầy cô chỉ gọi tượng
trưng một ở đầu, một ở giữa và một ở cuối danh sách. Mình
rất lấy làm sung sướng nếu Ba bị trả bài, và chắc có
lẽ hắn cũng sung sướng lắm nếu mình bị kêu! Sau này
cả hai đều trở thành “thầy”, một làm thầy giáo và
một làm thầy tụng. Thầy sau béo tốt và được ngưỡng
mộ nhiều hơn thầy trước.
3. Thuở ấy tiếng Pháp
hãy còn thông dụng lắm, tâm lý đa số phụ
huynh đều muốn cho con theo học Pháp văn để dễ kèm bài
ở nhà. Một số bạn lớp A5 thực ra là bị lùa qua vì
hai lớp Pháp quá đông, chớ thực ra không có
đăng ký học tiếng Anh. Nên nhập học đã hơn một tuần mà
có phụ huynh còn xin cho con chuyển qua lớp Pháp. Hình
như văn hóa Yankee chưa được ưa chuộng hay sao ấy. Giờ học tiếng Anh
đầu tiên, cả lớp đứng ngóng nhìn ra sân, vì
tất cả đều biết thầy cô sẽ xuất hiện từ cuối sân , đi bộ băng
ngang qua khoảng sân rộng để đến lớp. Nghĩa là thầy cô
sẽ “ra mắt” học trò trước, rồi học trò mới “ra mắt” thầy cô
sau. Những thầy cô mới còn phải ngước mắt nhìn lên
trên khung cửa, nơi có gắn hai tấm biển nhỏ ghi tên lớp
: một lớp sáng và một lớp chiều. Hai lớp bên cạnh đã
có thầy cô vô, nghe rõ tiếng hô “Nghiêm”
và điểm danh nhưng sao A5 không có thầy ta ?. Bổng có
tiếng la: “Cô , cô chứ hổng phải thầy bây ơi”. Cả lớp nhìn
ra sân thì thấy một tà áo dài tha thướt
đang tiến về phía lớp học. Cô còn trẻ , đẹp và
hiền. Nói tiếng Bắc thật là dễ thương, chắc là mới
ra trường. Cô tên Liên, khi nào giận thì
hay …làm thinh. Sách giáo khoa Anh văn khi ấy là
bộ English for today , mà mỗi cấp lớp có màu khác
nhau, sách lớp đệ thất màu vàng, nhiều bài mình
còn nhớ như: “A trip to the zoo” hay “ The ant and the bread” .v..v…Mình
có một kỷ niệm với cô: có lần mình phát
âm từ “day” lẫn với từ “die”, cô vừa chỉnh vừa cười làm
cả lớp cũng cười theo, chỉ có một người không cười! Gọi là
sinh ngữ quả là chính xác vì nó sẽ chết
nếu học mà không hành. Trong bốn kỹ năng nghe, nói,
đọc, viết thì thầy cô chỉ chú trọng đọc viết thôi
nên sau này nếu bạn nào làm việc trong môi
trường có tiếp xúc với người ngoại quốc đều phải đi học lại.
Kinh nghiệm là dù bạn có nói bập bẹ ngọng nghịu
thì người nghe vẫn thích hơn là thông qua phiên
dịch. Nhất là những anh phiên dịch láo, tự nói
theo ý mình để tỏ ra thông thái.
4. Năm đệ tam thì bọn
mình bắt đầu tập làm quen với cua xào lăn ( Cours de
langue et de civilisation Francaise). Phải nói thật tiếng Pháp
nghe hay và diễn cảm hơn tiếng Anh nhiều, chỉ có điều chia động
từ khó quá (thí dụ động từ “ăn” nên nhiều người
đi làm việc cứ chia động từ ăn hoài, sợ quên) .Còn
nhớ thầy Nhượng dạy Pháp văn có lần giải thích tại
sao có một số từ tiếng Anh và tiếng Pháp giống nhau:
“À, tại vì cái bọn “tụi nó” đứng bên kia
bờ biển Manche hóng tai nghe trộm người Pháp nói chuyện
rồi bắt chước nói theo nên…hơi giông giống đó
mà”. Hoặc câu chuyện một anh người Mỹ ngồi tiếp một anh người
Pháp mà hai chân vắt tréo để lên bàn,
lại còn khiêu khích: “Tôi có làm
phiền anh không ?”. Câu trả lời là: “Không sao,
anh có thể để luôn hai chân còn lại lên bàn
cũng được !”. Những bạn nào học Pháp văn chắc còn nhớ
cô Quế, vóc người nhỏ nhắn, học sinh hay gọi lén là
“bà ngoại”, vì khi ấy cô đã cao tuổi rồi. Thấy
trong danh sách thầy cô, ghi là đã mãn
phần, không biết là cô mất năm nào. Thầy Anh (
Huỳnh Ngọc Anh) có cách dạy hơi khác, bắt học sinh làm
bài tập nhiều, có lần thầy nói thẳng các em là
học sinh trường công, phải nổ lực bản thân nhiều; thầy không
để tâm cố gắng như khi dạy ở Bồ Đề, Nghĩa Phương đâu. Thầy hay
đội nón nỉ và mang đôi giày cao cổ, giống như
ông thầy…bói. Bây giờ chắc thầy đã cao tuổi lắm,
không biết vui thú điền viên nơi nao. Thầy Mẹo cũng dạy
Pháp văn, thường hay dí dỏm nên không khí
lớp lúc nào cũng sinh động. Tuyệt chiêu của thầy là
cú đấm vai nhớ đời, bảo đảm không bao giờ làm bài
sai nữa.
(còn tiếp)
******
Dãy nhà có ba lớp học (khoảng năm 1966)
Lúc đó dẫy bên trái (do công binh Đại Hàn
xây) chưa có
Còn dãy bên phải cũng mới xây sau nầy
Hiện giờ tất cả các dãy nhà nầy đã bị phá
bỏ khi xây trường mới
Lời bàn của Bành Văn - khóa 12
TH Ð
Đọc chuyện của chàng Bình thì tôi nhớ một vài
chuyện, xin nhắc lại đây cho vui.
Hồi học đệ thất tôi mới biết đá banh cho nên ham lắm.
Mỗi ngày mới 10 giờ sáng là đã vô trường
để đá banh trong khi lớp tới một giờ trưa mới học. Ghiền lắm. Ngay
cả giờ nghỉ giữa hai môn học chừng 10 hay 15 phút gì
đó cũng ra sân đá. Một hôm đang đá banh có
đứa bị vấp dây điện té nhào. Trời đất. Dây điện
đâu mà ở giữa sân banh. Có đứa la lên “Có
trái”. Tôi không biết rõ là trái gì
nhưng ngờ ngợ chắc lựu đạn hay mìn. Sau khi làm thám
tử lần theo dây điện tìm thấy trái lựu đạn cả bọn "di
tản chiến thuật" khỏi sân banh liền. Sau lính quận Lái
Thiêu lên tìm được và phá nổ tất cả cũng
bốn năm trái lựu đạn. Ngồi trong lớp nhìn thấy lựu đạn nổ thấy
rất đã (con nít mà!). May mà hổng có thằng
nào tử mạng.
Nói tới vụ “trái gì” thì cũng nên kể
ra đây một chuyện khác cho vui. Lúc đó tôi
đang học lớp đệ ngũ thì phải, cũng học cùng phòng như
hồi đệ thất nhưng buổi sáng. Thầy Phạm Viết Tích dạy Sử Địa
năm này. Trước đây hồi đệ thất thì học thầy môn
Lý Hóa. Sau này thầy ở San Jose, California có
gặp em gái tôi và có nhắc tới tôi nhưng tôi
không có dịp gặp lại thầy. Bây giờ đọc trên trang
THĐ nghe thầy đã mãn phần.
Lúc đó thầy đang giảng bài về Hai Bà Trưng.
Thầy đưa ra giả thuyết là bà Trưng Trắc là trưởng nên
tên gọi từ chữ: “trứng chắc”, còn bà Trưng Nhị là
từ “trứng nhì”. Trên bảng, thầy đang hứng chí giãng
về trứng chắc, trứng nhì, trứng ... lép thì ở dưới có
đứa bực mình la lên "trứng d...". Thầy đang quay người nhìn
lên bảng nên không thấy thằng nào nói nhưng
thầy tức quá, mặt đỏ lên, môi rung rung, miệng ấp úng
không nói nên lời. Cuối cùng thầy sảng lên,
nói: “Trứng đó thì em để ở nhà mà xem,
đừng đem vô lớp mần chi.” Cả lớp cười ào ào.
Thầy nói đặc ngữ miền Trung không thằng nào hiểu.
Chẳng hạn như khi thầy nói “Vòng tay lại” thì Vương
Cẩu mặt mày ngơ ngác. Nó là người Hoa, tiếng
Việt thường thường nó còn chưa biết hết, nói chi phương
ngữ miền Trung. Mặt đỏ ké, thầy la lên tiếp: “Vòng tay
lại”. Nó cũng ngơ ngác nhìn thầy. Thầy la lần thứ ba:
“Vòng tay lại”. Bất quá tam nha, thầy tát nó
một bạt tay liền. Khổ thân chưa, thầy muốn nó “khoanh tay lại”
mà thầy lại nói “vòng tay lại”. Một chút sau nó
ra ngòai lầm bầm, chưởi thề nhỏ nhỏ ... Tội nghiệp thằng nhỏ, lỗi
nầy không phải tại nó “ngoan cố” mà tại nó không
hiểu ông thầy nói gì!
Nhớ lại thầy Tích, tôi cảm thấy bồi hồi nhớ thầy. Từ hồi
đó cho tới sau này lớn lên cũng vậy, đi đâu mà
gặp thầy, chưa kịp chào thầy là thầy đã kêu tên
tôi lên um xùm. Thầy quả là người vui tính.
Câu bất hủ của thầy mà tôi còn nhớ: "Các
em lấy tạp ra tui đạp cho mà viết" cũng còn văng vẳng bên
tai tôi. Cuối năm học thầy còn đem máy chụp hình
ra để chụp hết học sinh của thầy, cứ 4-5 năm đứa một tấm. Sau đó tặng
lại cho tụi tui. Tiền rửa hình chắc không ít nhưng thầy
không đòi tiền đứa nào mà lại cho không.
Nhờ đó tụi tôi mới có vài tấm hình kỷ niệm
hồi học Trịnh Hoài Đức ...
Bành Văn