Chuyện về một người thầy

Tư Nguyễn

 


    Hôm nay, bọn tụi mình họp nhau tại nhà Dung. Năm chở Thái Hảo đi chợ mua đồ nấu bún riêu. Hảo là người phải móc hầu bao, vì nhỏ bị thua cuộc trong việc đố nhau.

             Chỉ có bốn  đứa tụi mình thôi: Dung, Năm, Hảo, Tư. Nhưng lại có một vị rất ư quan trọng được mời dự tiệc, đó là thầy ….. Thầy là cựu học sinh khóa 7 Trịnh Hoài Đức .

            Ngày xửa ngày xưa, thời mà bọn Dung, Năm , Hảo còn bé tí của lớp Đệ Tứ, chúng tôi đã được thầy dạy thêm môn Lý hóa. Lúc ấy thầy còn là sinh viên năm nhứt của trường Đại học sư phạm,

   Có lẽ thầy cần  thu nhập thêm nên thầy dạy tại nhà.

            Thời ấy Thầy là một sinh viên có vẻ thư sinh mà phải dạy đám học trò chỉ  thua thầy vài tuổi. Chắc Thầy sợ nhứt quỷ nhì ma thứ ba là đám nhóc nầy nên Thầy rất ư là nghiêm trang ít nói. Thầy cố truyền đạt tất cả những kiến thức Thầy có, nên bọn nhóc tiếp thu được rất nhiêu ở Thầy.

            Người Mẹ của Thầy lại là một người càng tuyệt vời hơn. Gia cảnh của gia đình thầy không khá giả và phải nuôi đàn con còn nhỏ, chỉ Thầy là người phụ lực thêm cho gia đình, nhưng Bà rất yêu thương đám trò nhỏ nầy. Mỗi ngày Bà nấu cơm nhiều và đãi cho đám trò nầy một bửa cơm no nê. Bà yêu thương  đám nhỏ nầy thật lòng như những đứa con nhỏ của Bà. Học phí học thêm chỉ có 30 đồng mỗi tháng, nhưng lòng thương của Bà mênh mông là vậy. Bọn nhỏ nầy thì quá ngây thơ, được mời thì hăng hái nhào vô ăn liền , ăn thật tình, ăn say mê vì Bà làm cơm rất ngon. Bọn nầy quá thật bụng mà không do dự hay đắn đo còn vái với ông trời  xin được Bà mời cơm mãi mãi. Chúng tôi không biết là gia cảnh Thầy còn nhiều khó khăn mới phải dạy thêm. Khi bọn nhỏ ý thức được điều nầy thì cuộc đời đã đi qua 40 năm thăng trầm, vật đổi sao dời, khi quay nhìn lại mới nghe lóng xót xa xấu hổ.

            Mình không được diễm phúc được học cùng Thầy, nhưng khi nghe các bạn nhắc về Thầy, nói về công lao của Thầy và người Mẹ của Thầy, mình nghe xúc động vô cùng. Mình hình dung Thầy chắc bây  giờ phong độ, đạo  mạo , nghiêm khắc khó gần, vì nhà mô phạm nào cũng tạo cho mình một phong cách khác biệt hơn mọi người thường.

Nhưng trưa nay, khi đối diện để chào Thầy, mình cảm nhận Thầy là người vui vẻ, thương yêu học trò hết mực, rất bình dị, đơn giản. Thầy mừng rỡ, vui cười , vổ đầu bọn nó như còn thương yêu lắm. Có lẽ ngày xưa Thầy phải tạo dáng dử , nghiêm khắc cho bọn nầy ớn mới dạy dược, nếu không thì bọn nó “nuốt Thầy khỏi nhai “ rồi. (Nói vậy chứ ngày xưa bọn nầy dễ thương ngoan hiền như nàng tiên trong chuyện cổ tích ấy mà!.)

            Tiếp xúc mới biết, ngày xưa Thầy dạy ở trường Bình Phú khi mới ra trường. Thời gian sau Thầy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhiều trường như  Phú Cường ( Nghĩa Phương), Chánh Nghĩa, Hiệp Thành, Phú Thọ.

            Có một lần gần đây Năm và Hảo tình cờ biết được địa chỉ của Thầy. Bọn nó tìm đến thăm, Thầy trò một phen  mừng rỡ biết bao. Hỏi về gia cảnh, Thầy vẫn một mình một bóng, âm thầm lặng lẽ sống bên người Mẹ già đã đau yếu nhiều theo năm tháng.

            Đối diện cùng Thầy, mình lặng người và xúc động vô cùng, không như trong ý nghĩ của mình trước đó, mình phác họa trong đầu Thầy bây giờ chắc phong độ lắm. Nhưng trước mắt mình, Thầy không còn hiên ngang hùng hổ như thuở xưa. Phong độ đâu rồi người thầy thư sinh xưa?. Chỉ mới 65 tuổi thôi mà, gần như Thầy bị nền văn minh hiện đại nhận chìm vào một góc tối. Thầy lạc lõng , cô đơn… Thời gian đã xóa nhòa đi tất cả, gương mặt hao gầy, những dấu chân chim hằn sâu quanh đôi mắt mệt mõi, không giống như lời các bạn tả về Thầy thuở xa xưa.

            Mình nói với Thầy: “Cuộc sống Thầy bình yên quá, im ắng quá, ước gì cuộc sống tụi em được như Thầy”.

            Thầy cười buồn: “Đừng mơ ước như tôi, cuộc sống mà yên bình, lặng lẽ quá, không có ngọn gió nào làm dậy sóng dòng sông đời của tôi thì hóa ra cuộc sống nầy quá vô nghĩa. Và tôi … trở thành dòng sông chết… Bây giờ tôi không dám hơn thua, cao thấp, không đua chen  danh lợi , tiền tài, danh vọng. Tôi phải bằng lòng với những gì đang có. Đó là chút lương hưu nuôi sống hàng ngày, bên người Mẹ già chưa biết ra đi ngày nào. Còn ngày mai của tôi  là vô nghĩa…

            Còn các chị than phiền cuộc sống mình sao quá nhiều phiền muộn, vì các chị đang vào vòng xoáy của cuộc đời, phải thăng trầm, sóng gió, phải hơn thua danh lợi để cho tương lai một ngày mai cho đàn trẻ đang nối bước phía sau các chị, cho chúng nấc thang để đi lên và vươn xa trong xã hội hiện đại hôm nay. Vòng xoáy làm các chị mệt nhoài, những dập dềnh, khúc khuỷu, những cơn sóng đời đưa đẩy sẽ làm dòng sông đời các chị thêm màu sắc, đổi thay để dòng nước sẽ trong xanh hơn, đẹp đẽ hơn và là một thắng cảnh cho mọi người ngắm nhìn mà mơ ước. Trong những người mơ ước ấy có tôi…”

            Tôi ngẩn ngơ khi nghe Thầy phân tích. Tôi thấy quá đúng, vì hạnh phúc, vì ngày mai của đàn con, vì muốn chúng là nhánh sông đời đầy hoa thơm cỏ lạ, vì muốn ánh sáng sẽ rực rỡ trên đường chúng đi, và cũng vì mình còn nhiều tham sân si quá nên lao mình vào cơn xoáy của dòng đời…

            Nhưng qua tâm sự của Thầy mình nghe ngậm ngùi, thương cho Thầy một thời cũng là một thanh niên duyên dáng, yêu đời, từng hiên ngang chỉ huy ở vài ngôi trường, trong đó biết bao người cùng trang lứa, vì sao đến đoạn cuối cuộc đới Thầy vẫn lặng lẽ một mình với nổi lòng hoang vắng.

            Mình chợt hỏi Thầy: “Sao Thầy không lập gia đình.  Thầy chán đời hay Thầy chẳng thèm để ý tới ai?” Thầy yên lặng nở nụ cười hiền: “Hảy đổ thừa cho duyên số , chưa có phần mình”.

            Thế trong đời Thầy có nuối tiếc gì không?. Thầy có  gì để nhớ suốt đời chăng? Thời trai trẻ không có hình bóng nào, một mái tóc dài hay một nụ cười nào làm cho thầy lưu luyến hay sao?

            Thầy yên lặng giây lát rồi từ tốn nói: “Nuối tiếc thì chắc trong đời ai cũng phải có một một đôi lần, vì mình không thể hoàn hảo mà không thiếu sót. Để nhớ suốt đời thì đã là người có lý trí thì làm sao tránh khỏi. Còn kỷ niệm cho một bóng hình nào đó của thời mơ mộng thì đã là người có trái tim thì ai tránh khỏi. Chỉ tiếc là thời khắc đó đã xa lắm rồi, thời gian  không giúp được gì cho quá khứ nó chỉ chôn vùi thôi. Cũng như hôm nay tôi vẫn nhớ đến các chị một thời cùng học với tôi, đó là những kỷ niệm đẹp trong đời. Còn có chị rất quý tôi , từng đến tặng quà tôi nhân ngày nhà giáo, chị còn cố mời tôi đến nhà chị chơi , bây giờ chị ở xa trên Đà lạt chị vẫn mời tôi đến nhà chơi, nhưng tiếc là tôi không có dịp thực hiện lời mời của chị ấy, đó cũng là một sự tiếc nuối…”

            Thầy ơi ! Có phải ngày xưa thầy  thích cô vào vỏ ốc của riêng thầy? Có phải Thầy  thấy chưa thể  đem hạnh phúc cho một người nào đó? Có phải vì là nhà mô phạm mà thầy  mở lòng cho  ai đó thì sẽ bị chê cười… Vì sao và vì sao  … Để bây giờ thầy lặng lẽ với chuổi thời gian chết… Thầy lụn tàn như chiếc lá vàng rơi rụng giữa dòng đời, bị thời gian chôn vùi  và quên lãng dưới bước chân đời  hối hả.

            Phải chi thời xưa, thầy đừng co mình vào vỏ ốc, cái thời vàng son của tuổi trẻ Thầy trãi lòng mình cho bướm hoa rập rờn đua sắc, để hôm nay sẽ có những nụ hoa đời tô điểm đời Thầy . Sao Thầy lại cười buồn? Tất cả đã muộn màng, thời gian không chờ đợi ai bao giờ.

            Tạm biệt Thầy, có chút gì đó làm xao lòng bọn học trò ngày nào. Dáng Thầy đơn độc quá. Thầy cho đời những nụ mầm tươi tốt. Thầy đem hết  những kiến thức, những hiểu biết cho đời, nhưng đời không ban tặng cho Thầy dù chỉ một nụ hồng bé nhỏ. Vì sao? Lỗi ở Thầy hay lỗi của số phận  cuộc đời…?