CHUYỆN NGƯỜI THỢ RÈN THÀNH
PHỐ LUÂN ĐÔN
Võ Kỳ Điền
Tôi thiệt tình mê nhà phê bình gia văn học trứ danh Kim Thánh Thán vào thế
kỷ 17 đời nhà Thanh. Mê từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ, mê từng câu nói. Nhiều
khi không biết ổng nói thiệt hay nói chơi mà sao mê chết lên chết xuống.
Kỳ cục quá không biết nữa! Chắc kiếp trước tôi là tiểu đồng chuyên pha trà,
ôm tráp theo hầu cho ổng sai vặt. Nếu được vậy thì cũng là phúc đức mười
đời còn sót lại, không biết có đúng hay không. Bất cứ điều gì ước mơ vượt
quá sự thật, tôi đều cho là do... kiếp trước.
Như kỳ đi chơi ở Tây Ban Nha cùng nhà văn Song Thao mấy năm vừa qua, hai
anh em thử vòng tay ôm cây cột, mỗi bề chừng ba thước vuông bằng đá hoa cương,
mỗi cột là những tảng đá, được xếp chồng lên nhau, cái aqueduct tại tỉnh
Segovia, hệ thống dẫn nước từ núi cao về thành phố lớn chần dần cổ xưa. Tôi
nhớ đã buột miêng thốt lên - như vậy kiếp trước hai anh em mình là lính La
Mã đã è ạch khiêng mấy trăm ngàn tảng đá vuông vức to lớn mà xây nên công
trình dẫn nước đồ sộ nầy. Bây giờ được đầu thai trở lại để vuốt ve, nhìn
ngắm, thăm lại chốn cũ. Miệng thì cứ láp dáp quên mất là ông bạn nầy, có
tin thuyết luân hồi như tôi đã tin? Chỉ thấy anh chàng đẹp trai nầy cười
mím chi. Nhưng dù gì đi nữa, miễn cười là được rồi. Như Kim Thánh Thán đã
từng nói - chẳng cũng vui sao!
Trở về chuyện đại sư phụ Kim Thánh Thán, thiên hạ đều biết nhiều câu nói
lạ lùng và nhiều truyền thuyết của ông. Nhưng riêng tôi thì tôi nhớ mãi câu
nầy khi đi chơi xa - Người biết đi du lịch là người phải có đôi biệt nhãn
dưới hàng lông mày. Vậy đôi biệt nhãn ra làm sao. Hàng lông mày thì ai cũng
có, chỉ khác nhau ở đậm và lợt, ngắn và dài. Biệt nhãn là cặp mắt đặc biệt.
Cặp mắt sáng và mờ, viễn thị hay cận thị nếu hiểu theo ý của tôi thì thiệt
là... tội nghiệp cho câu nói của Kim Sư Phụ. Tôi suy nghĩ tới, suy nghĩ lui
và hiểu như vầy, không biết đúng không? Ý ổng nói là cái gì thiên hạ nhìn
thì mình đừng nhìn nữa và cái mình nhìn thì thiên hạ hổng thèm nhìn hoặc
có nhìn mà không thấy... Chắc là như vậy. Tánh tôi khá bộp chộp, đúng sai
không cần biết, hễ nghĩ sao là làm vậy liền hà, có sư phụ Kim Thánh Thán
dạy rồi mà, không hề đắn đo gì hết trơn hết trọi!
Năm đó, tôi lạc bước đến Luân Đôn, rồi lang thang đến thăm một cái nhà thờ
thiệt lâu năm, lớn thiệt là lớn. Hồi nào tới giờ tôi cũng có vô vài nhà thờ,
vài cái chùa nhưng đây là lần đầu tiên tôi ngộp thở. Thiệt tình là thở không
ra hơi. Sao mà lớn quá, lớn chần dần, không biết cửa chánh là cửa nào, không
biết tượng nào là tượng nào, phòng nào là phòng nào, đông tây, nam bắc, rối
mù... Đó là Abbé Westminster. Về sau thấy báo đăng đám cưới Hoàng Tử Charles
với công Nương Diana tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường nầy. Đó là chuyện
sau nầy. Chuyện Hoàng Tử cưới Công Chúa, báo nào cũng có nói...
Bây giờ tôi kể tiếp. Khi vào bên trong tôi quýnh quá, ngó ngang ngó dọc,
cái gì cũng lạ, cái gì cũng lớn. Tiếng Anh tôi kém lắm, chỉ biết lỏm bỏm
qua cuốn Anglais vivant mà cũng quên đi gần hết. Nghe dân Anh nói chuyện
như vịt nghe sấm nhưng đọc thì biết được vài chữ dễ dễ.. Ngàn năm một thuở
dễ gì có được cơ hội nầy, tôi bèn rán nhìn và nhớ câu nói của Kim Thánh Thán
- phải có đôi biệt nhãn dưới hàng lông mày. Đôi mắt tôi lúc đó chưa cần đeo
kiếng, nhìn đâu cũng thấy sáng trưng, vậy thì chắc mình cũng có đôi biệt
nhãn. Hổng lo. Trong nhà thờ lại có nhiều phần mộ các vua chúa nước Anh.
Chỗ nầy là phần mộ các vua Edward, các vua Henry, các vua William, từng đời
vua nối tiếp... nhiều lắm, không sao nhớ hết. Mỗi phần mộ là một kiến trúc
lớn như ngôi nhà được những người thợ tài hoa thời đó chạm trổ tinh vi khéo
léo, nạm đầy vàng ngọc trên cửa, trên tường, xa hoa cùng cực...
Chân tôi bước đi và bước đi hoài, mắt cũng nhìn và nhìn hoài, các phần mộ
vua chúa nước Anh nối tiếp nhau, từ đời nầy sang đời kia, coi hoài mà không
hết... Tôi hơi chán nên không nhìn lên nữa, mõi cổ quá, rồi không còn nhìn
lên trên nữa, nhìn quanh nhìn quất, rồi tôi cuối nhìn xuống dưới chân. Hình
như trên nền đá cẩm thạch có khắc chữ, tôi rán nhìn và rán đọc, coi coi họ
đã khắc cái gì giữa sân nhà thờ uy nghi nầy...
A, biệt nhãn mà Kim Thánh Thán muốn nhắc tới, chắc là cái sàn đá cẩm thạch
trắng láng bóng của nhà thờ nầy.
Trời đất ơi, dưới chân tôi cũng là những phần mộ của những người có công
với đất nước Anh. Chỗ tôi đang đứng là phần mộ của Đô Đốc Nelson, vị đại
anh hùng của hải quân Anh đã đập tan hạm đội của Đại Đế Napoléon của Pháp
và Tây Ban Nha ở trận Trafalgar. Tên tuổi nầy, cả thế giới, ai mà không biết.
Nếu bạn đi du lịch Luân Đôn, thế nào bạn cũng có dịp đến công trường Trafalgar
nổi tiếng xứ nầy, có tượng con sư tử bằng đồng đen đường bệ. Nội cái đuôi
nó, cả gia đình tôi ba người đứng vừa bằng. Tôi đâm ngạc nhiên đến độ sững
sờ. Kỳ lạ hơn nữa, những hàng chữ Anh viết theo lối văn cổ xưa, vậy mà tôi,
một người không rành, lại đọc và hiểu được. Chắc cũng nhờ ... kiếp trước
có ở xứ nầy...
Lại bước thêm bước nữa, lại một ngạc nhiên thú vị. Đây là phần mộ của một
người thợ rèn đã có công cứu thành phố Luân Đôn, thoát khỏi một trận hỏa
hoạn khủng khiếp. Nếu không có ông hy sinh mạng sống, thì bao nhiêu công
trình tráng lệ, lâu đài đẹp đẽ, bao nhiêu của cải, tiền bạc của Luân Đôn
tích lũy cả mấy ngàn năm sẽ thành tro bụi, bao nhiêu sinh mạng phải bị điêu
tàn trong biển lửa... Một cái chết cứu được hằng ngàn mạng sống. Phải nói
cho đúng, đó là cái chết phi thường của bậc anh hùng.
Rồi dưới mỗi một bước chân rón rén đầy tôn kính của tôi, có vị là đại tướng,
có vị là trung tướng, có vị là trung sĩ, thượng sĩ, có vị là dân thường,
nam có nữ có, hàng hàng lớp lớp nằm bên nhau, đều đặn trên mặt sàn cẩm thạch
trắng ngà của giáo đường... họ đều là những người đã yêu nước đem tài năng,
tâm huyết, lẫn sinh mạng để cống hiến cho quê hương, xứ sở. Điều mà tôi thán
phục là phần mộ của vị Đại Tướng và phần mộ của người thợ rèn ngang bằng
nhau, không lớn nhỏ, không cầu kỳ chạm trổ... tất cả mỗi viên gạch cẩm thạch
trắng mà tôi bước lên đều giống hệch nhau, đều là chốn yên nghĩ ngàn đời
cho những người con dân ưu tú của tổ quốc Anh Cát Lợi. Họ đã sống cho nước
Anh và họ đã chết vì nước Anh. Họ đã chết cho những người còn lại, vươn cao
lên dưới ánh mặt trời.
Và tôi đâm chợt hiểu lý do tại sao người dân Anh lại yêu tổ quốc họ cuồng
nhiệt như vậy. Tôi một người xa lạ, khi thấy những công trình như vầy, thì
nghĩ rằng nếu mình là dân Anh thì cũng sẽ tự đứng lên cầm súng bảo vệ quê
hương đất nước cho đến hơi thở cuối cùng, không một chút do dự.
Rồi tôi cũng lẩn thẩn so sánh, nếu chúng ta đứng trước cầu Thê Húc hay núi
Dục Thúy, chúng ta hoàn toàn không đọc được những chữ xa lạ khắc trên bia
đá, cũng không hiểu được tại sao cha ông lại đặt những tên nầy tên kia và
những tên gọi như vậy là muốn nói điều gì. Rồi đến tên ông bà trên mộ bia,
bài vị trên bàn thờ thì viết bằng chữ hán, chữ nôm. Mà đôi khi chữ hán, chữ
nôm, thì viết một đằng, trong giấy tờ, sử sách, tài liệu... thì được ghi
hoặc dịch một nẽo. Vậy sai đúng ở cái chỗ nào... Trong khi đó, cùng ảnh hưởng
văn hóa Trung Hoa mà dân tộc Nhật Bản, dân tộc Đại Hàn, họ đọc và hiểu được
tất cả những gì tổ tiên họ để lại từ mấy ngàn năm trước. Trong khi chúng
ta thì vứt bỏ, không do dự, tiếc thương. Tuy họ còn giữ lại cái cũ nhưng
bây giờ họ cũng văn minh, tiến bộ như thường, đâu thua kém ai. Tôi không
muốn nhắc tới điều nầy và thiệt tình là không muốn! Tôi viết những dòng nầy,
cốt chỉ để nhắc lại câu nói của Kim Sư Phụ mà thôi, chớ không có ý thảo luận,
phê bình hay tranh luận gì hết chuyện chữ viết và ngôn ngữ đất nước mình!
Chuyện nầy dành cho các nhà học giả uyên thâm.
Tóm lai, khi đi du lịch, nói theo Kim Thánh Thán là phải có đôi biệt nhãn
dưới hàng lông mày. Công án nầy ông đã đưa ra từ mấy thế kỷ trước, tôi cũng
nghiền ngẫm hoài, chưa giải đáp xong. Nói theo nhà Phật là phải còn trôi
lăn hàng bao nhiêu kiếp nữa thì mới mong “hoát nhiên đại ngộ” được ?
21-08-2017