CUỘC VIẾNG THĂM CUỐI NĂM TRÀN ĐẦY Ý NGHĨA 2
(Ở Sài Gòn)

Gs Nguyễn Thị Tâm

    Tôi vốn thích vui, nhất là gặp bạn và học trò. Nhưng tôi không thích phải tổ chức bất cứ cuộc họp mặt nào. Khi được mời, được rủ, nếu xét thấy không có hại cho bất cứ ai tôi đều tham gia. Hôm nay tôi lại được mời cùng các em đi thăm các thầy cô cũ ở Sài Gòn. Tôi đồng ý làm việc này vì muốn gặp lại các đồng nghiệp cũ. Ngoài ra tôi còn có ý định thử sức mình trong việc viết lại những việc chính mình mắt thấy tai nghe.

    Lần này anh Trần Văn Anh có gởi kèm theo một tập thơ “Thơ xưa... nay” vừa mới in xong cho các đồng nghiệp. Tuy hay tin trễ nhưng em Sương (khóa 15) vẫn gửi tặng các thầy cô Trịnh Hoài Đức một cuốn lịch.

    Nhóm đại diện đi thăm viếng có 4 người: tôi, em Hà, em Hoa và em Nguyễn Thị Hường. Các em đều là cựu học sinh khóa 15.

    Chúng tôi luôn giải thích cho thầy cô biết phần quà nào là của ai gửi. Hai tập san và ít hiện kim là do Hội Ái Hữu Cựu Giáo Sư và Học Sinh Trung Học Trịnh Hoài Đức Bình Dương gửi. Chúng tôi chỉ là những người tạm thay mặt.

    9g30 ngày 15.1.2017 các em đến đón tôi. Sắp xếp lịch để đi cũng hơi khó. Các em phải đợi tôi dạy xong mới đi được. Các em đã liên lạc trước với thầy cô báo ngày sẽ đến. Anh Lê Phát Triển có ý muốn đi với chúng tôi để thăm các bạn bè. Nhưng vì đường không thuận tiện nên cuối cùng anh phải ở nhà đợi chúng tôi đến.

    Rút kinh nghiệm lần trước lần này tôi mang theo một cuốn sổ và hai cây bút. Các thầy cô tôi chưa tiếp xúc lần nào như anh Đỗ Văn Bảy và anh Phan Kỳ Nam. Còn các cô thường dạy ở trường Nữ, mà tôi dạy ở trường Nam nhiều hơn nên có quen biết mà không rõ cả họ lẫn tên.

    Bây giờ già rồi
    (Thăm cô Nguyễn Thị Thư)

    Trước tiên chúng tôi đến nhà cô Nguyễn Thị Thư. Cô dạy Sử, Địa và Công Dân Giáo Dục. Nhà cô cũng hơi dễ tìm. Chúng tôi và khóa 15 có đến đây 1 lần khi nhà cô có tang.

    Cô rất vui khi biết chúng tôi đến. Phải một lúc sau cô mới nhớ tên tôi. Trò chuyện cùng nhau, tặng quà, chụp hình lưu niệm. Cô Thư có hỏi thăm về học trò cưng của cô là em Tú. Cô nói các học trò đến thăm cô đều nói cô không khỏe bằng tôi. Nhưng lúc này tôi trông cô có vẻ khỏe hơn lúc trước. Cô nói giờ già rồi. Ai lại chẳng phải già khi thời gian qua đi.



    Sau khi tặng quà và chụp hình, chúng tôi từ giã. Còn 9 chỗ nữa phải đến nên cô Thư đành để chúng tôi đi. Ra phía trước nhà thấy trời đã lắc rắc vài hột.

    Anh ấy không có nhà
    (Thăm anh Đỗ Văn Bảy)

    Trên đường đến nhà anh, em Hà cho biết chắc anh không tiếp. Anh thường ít tiếp xúc với người khác. Không biết tại sao.

    Lúc này mưa hơi nhiều. Tìm được nhà rồi nhấn chuông hồi lâu mới thấy có người xuống báo anh không có nhà. Đó là vợ anh Bảy. Chúng tôi nói muốn vào nhà một chút. Lúc bấy giờ chị Bảy mới vào lấy chìa khóa ra mở cổng. Mưa hơi lớn nên chúng tôi bị ướt hết vì đứng bên ngoài đợi.

    Chị mời vào nhà. Ngồi trò chuyện một chút. Các em tặng quà và xin chụp hình. Ý em Hà muốn có một tấm hình riêng của anh Bảy để học trò thấy được anh và biết thầy mình vẫn còn sống. Chị bảo để đi tìm và lên lầu. Có lẽ để xin ý kiến anh. Chị lấy hình trong album cưới của con. Hà chụp hình một mình anh Bảy trong đó.

    Ai mà quên tên tôi thì tôi giận đó
    (Thăm cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết)

    Mưa hơi khá hơn khi chúng tôi đến nhà cô Ánh Tuyết. Vì không rõ họ tên cô nên chúng tôi có hỏi lại thì cô cười và nói: “Ai mà quên tên tôi thì tôi giận đó”.

    Cô Thư có kể cho các em nghe:

    Cô Tuyết thấy học sinh của cô Thư mời cô Thư họp mặt ở Bình Dương. Cô Tuyết nói cô không có học trò mời nên cô buồn.
    Nghe vậy, tuy cô Tuyết không dạy các em khóa 15 nhưng năm nào có họp mặt các em đều mời cô Tuyết.

    Sau khi tặng quà và chụp hình, tôi thấy đã 1 giờ rồi nên hối các em về để đến nhà anh Phan Kỳ Nam. Trước đó các em đã hẹn rồi. Anh nói 2 giờ anh phải đi dạy. Chúng tôi cố gắng tranh thủ cho kịp giờ.

    Em này là em nào?
    (Thăm nhà anh Phan Kỳ Nam)

    Nhà anh Nam khó tìm hơn nhà cô Tuyết. Đến nơi gọi cổng mới biết anh ở trên lầu. Anh ra lan can nói vọng xuống: “Các em đợi thầy một chút”.

    Đứng bên này lề sát cổng nhà anh Nam tôi nói với các em: “Có một người không phải là em”. Thu Hà bên kia lề nói với qua: “Ba người là em, còn một người không phải là em đâu”. Vì anh ở trên lầu cao nên không nghe được.

    Khi gặp anh, vì muốn trêu chọc nên tôi đi đến trước mặt anh, khoanh tay và cúi đầu xuống nói: “Dạ em xin chào thầy”. Anh lấy tay chỉ tôi và hỏi các em: “Còn em này là ai mà tôi không biết”. Các em trả lời: “Là cô Tâm dạy Triết đó thầy”. Bầu không khí bỗng nhiên xịu xuống nhưng anh lập tức vớt nó lên được ngay: “À, là chị Tâm dạy Triết”. Rồi anh cười.

    Khi các em cho anh xem ảnh đã chụp, anh chỉ nhận ra hình cô Chánh. Anh nhắc đến các học sinh và một số thầy cô cũ. Tôi cố gắng hòa vào để làm cho bầu không khí trở lại vui vẻ như lúc đầu.

    Thu Hà nhìn tôi và chỉ vào các quà tặng. Tôi chỉ lại phía Thu Hà, ý bảo em hãy tặng.

    Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với anh Nam. Tôi thấy anh có vẻ chân thành, vui và rất hiểu chuyện.

    Lúc đầu ở nhà anh Nam ra thì cô Dung gọi tới. Cô hỏi đã đến đâu rồi. Cô đợi từ sáng đến giờ nên nóng ruột.

    2 giờ rồi nên chúng tôi tìm chỗ ăn trưa. Mọi người đều đói. Chúng tôi ăn cơm. Em Hường xin được trả tiền: “Có cô đi với chúng em, để em đãi cô”.

    Bố ơi! Cô Tâm đến rồi
    (Thăm anh Phạm Minh Châu và cô Phan Thị Ngọc Dung)

    Cũng có khó khăn một chút để tìm được nhà. Dung ra đứng đón ở trước nhà, khi thấy Hà tới, ôm chầm lấy em. Quay ra thấy tôi cũng vừa đến lại ôm chầm lấy tôi. Dung vốn là người rất tình cảm.

    Dung gọi lớn lên: “Bố ơi, cô Tâm đến rồi”. Anh Châu từ trên lầu xuống, chào mọi người. Anh có vẻ trẻ và khỏe hơn Dung. Dung bảo hay bị mất ngủ nên rất mệt. Tôi chỉ cho Dung xoa vào huyệt dũng tuyền, theo sách y học chỉ dẫn. Dung bảo: “Con trai mình muốn đưa bọn mình qua Mỹ sống, mình buồn quá không muốn đi. Nó cũng sắp về nữa rồi”.

    Tặng quà, chụp hình... Dung nói hình mình xấu và già quá nên Hà chụp thêm hình khác và đứng ra xa.

    Khi chúng tôi ra tới xe rồi Dung mới xin địa chỉ và số điện thoại của tôi. Bạn còn hứa nếu có dịp sẽ lên thăm tôi.

    Chị muốn tôi tặng sách gì?
    (Thăm anh Nguyễn Thuận Nhờ)


Trước nhà anh Nhờ

    Anh Nhờ trả lời điện thoại. Anh ra đứng ở bờ hè chờ chúng tôi đến. Khi thấy xe chúng tôi anh vẫy tay liên tục.

    Anh xin phép để chúng tôi ngồi ở băng đá trước nhà một người hàng xóm bên cạnh nhà anh. Vợ anh đang dạy học trong nhà. Anh nói đáng lẽ anh phải gọi Hà là chị vì là vợ bạn. Rồi anh hỏi ý tôi. Tôi nói: “Anh cứ gọi là em, coi như học trò của anh cũng được”. Thật ra ba em này đều không có học với anh khi xưa.

    Anh đưa chúng tôi quyển kỷ yếu và bảo chúng tôi viết vào. Anh nhắc nhớ ghi ngày tháng năm sinh, địa chỉ để khi ai có dịp chúc mừng, nếu có thể anh sẽ gởi sách tặng... Khi nào đến sinh nhật mà không thấy quà của anh gởi thì biết anh đã chết... Dù anh vừa nói vừa cười, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy mủi lòng.

    Anh trông có vẻ xanh xao, ốm yếu hơn hẳn năm rồi. Hà bàn với tôi hay là mình nói với Sương giúp đỡ anh ấy tìm bệnh và trị bệnh. Chúng tôi không biết anh có bệnh không mà cũng không dám trực tiếp hỏi anh.

    Trong lúc các em ghi vào sổ kỷ yếu của anh, tôi cầm tập và viết qua trước nhà anh ghi chép bảng hiệu bán sách của anh. Mọi người nhìn chúng tôi chăm chú, không biết chúng tôi làm gì, chắc họ nghĩ chúng tôi là phóng viên, là nhiếp ảnh viên...

    Bảng đó ghi như sau:

    -  Giáo phu sơ lai, giáo tử anh hài.
    -  Dạy con từ thuở còn thơ
    -  Dạy chồng từ thuở ban sơ ngỡ ngàng
    -  Nuôi chồng khỏe, dạy chồng ngoan
    -  Cẩm nang bán ở 17 đường 13
    -  Nhất bổn vạn lợi đây các bà!

    Mời quý khách ghé qua NHƯ NGỌC thư hiên vào các sáng thứ 3, 5, 7 từ 8g sáng đến 13g để chọn.
     Sách quý giá rẻ.

    Khi các học sinh ra về hết chúng tôi vào phòng sách của anh. Sách để ngỗn ngang. Anh có cả kho sách lớn: sách Tàu, sách Tiếng Anh... dịch ra tiếng Việt... có quyển sách viết hẳn bằng tiếng Anh, sách dạy làm giàu, tiểu thuyết... Nghĩa là đủ loại sách.

    Anh muốn tặng mỗi người một cuốn. Ngay cả tài xế anh cũng tặng. Anh hỏi con của tài xế bao nhiêu tuổi, thích đọc sách gì... rồi tặng cho hai cuốn sách hình khá đẹp.

    Anh hỏi tôi muốn tặng sách gì. Tôi bảo anh hãy tặng tôi một cuốn sách viết những gì lạc quan để người ta có thể vui sống. Anh lục lọi và tìm đưa cho tôi cuốn “Những người thích đùa” của Azit Nêxin, bản dịch. Anh ghi trong sách tặng tôi:

        Kính tặng chị Nguyễn Thị Tâm
        đồng nghiệp cố cựu ở Trịnh Hoài Đức
        Mai sau dù có bao giờ
        Cảo thơm lần giở ngày xưa lại về.

       Rồi anh ký tên ở phía dưới.

    Khi viết tặng cho chúng tôi anh nói: “Mười mấy năm nay không cầm viết, giờ run tay chữ càng xấu hơn”.

    Các em tặng quà cho anh và chụp hình. Anh ngồi yên ngoan ngoãn như một chú bé con, cầm 2 tập san và bì thư ép vào ngực. Anh thật hiền lành và chân chất.

    Em Hường thích đọc sách của nữ sĩ Quỳnh Dao. Ngoài quyển sách của anh tặng ra, em còn mua một chồng sách. Khi em trả tiền anh nói nhiều quá, trả lại bớt, nhưng em không nhận.

    Anh nói: “Nay là ngày đại hỷ! Được tặng quà lại bán được sách”. Anh dặn khi nào các em có cần sách gì bảo cho anh biết anh sẽ tìm và gửi đến”.

    Hình như anh có khó khăn gì đó. Tôi cảm thấy như vậy.

    Bà xã thầy đẹp quá!
    (Thăm anh Lê Phát Triển)

    Trên đường đi, lúc đó đã tối rồi, đèn đuốc sáng choang. Có lẽ anh Lê Phát Triển sốt ruột nên điện hỏi xem xe có trục trặc gì không.

    Các em điện lại khi không tìm được đường. Mãi một lúc sau mới đến được nhà anh.

    Tôi thấy trên bàn nhà anh Triển bày ly tách, các thức uống... Nhưng chúng tôi chỉ lo nói chuyện với nhau.

    Tôi nói với anh Triển hoàn cảnh của anh Nhờ. Anh Triển nói để anh thu xếp rồi gặp anh ấy xem sao.

    Thấy phía sau lưng tôi, trên thành ghế sofa có một bảng lộng kiếng khá lớn mừng ngày 20.11. Tôi lấy xem thì thấy chúc mừng anh Lê Phát Triển nhân ngày nhà giáo Việt Nam. Trong đó ghi anh là Phó Hiệu Trưởng, là cố vấn cho trường Bắc Mỹ. Anh nói giờ anh hưu rồi, chỉ giữ chức vụ cố vấn cho có lương mỗi tháng.

    Lúc vào nhà các em có hỏi cô (vợ anh Triển) thì mới biết chị ấy mất hai mươi mấy năm rồi. Giờ anh sống với 2 cô con gái. Họ bận việc nên không có nhà.

    Chúng tôi ra về, bảo anh chỉ cần tiễn ra cổng thôi. Nhưng anh vẫn tiễn ra tận xe.

    Ngồi trên xe Hường không ngớt miệng khen hình bà xã anh Triển đẹp như hoa khôi, như minh tinh màn bạc.



    Thăm chị Chung Hữu Hiếu (đã qua đời) và em chị là thầy Chung Hữu Tâm.

    Tìm nhà chị Hiếu quả là vất vả. Cũng may là đến Hóc Môn mới mua hoa, nên hoa rất tươi, đẹp mà lại rẻ.

    Cháu chị Hiếu cho biết giáp năm xong rồi mới đem chị về đây để thờ. Vì chị đã mất mà trường không ai hay nên nay đến thăm chị, tặng hoa và quà.

    Chúng tôi cùng nhau đốt nhang cho chị.


Đến thắp nhang trước bàn thờ chị Chung Hữu Hiếu

    Phần quà của thầy Chung Hữu Tâm cũng gởi luôn ở đây.

    Khi lên xe, bầu không khí bỗng nhiên như chùng xuống và khá nặng nề. Không ai nói năng gì. Chị Hiếu mất không ai hay. Vào tháng 4 – 2016, khi em Ngọc (khóa 15) thay mặt lớp đến mời chị. Kêu cửa hoài không ai ra trả lời. Hàng xóm nói chị đã chết cách đây mấy tháng rồi. Thường chị đến nhà bạn bè chơi. Còn bạn bè không đến nhà chị nên ít ai biết chị mất.

    Đã hơn 8g tối rồi. Chúng tôi cùng đi ăn. Mọi người đều đồng ý ăn cháo gà cho khỏe. Hường lại xin trả tiền lần nữa nhưng Hà nói để em trả.

    Về đến nhà đã hơn 9h tối rồi.

    Tôi chỉ rảnh để thăm viếng các thầy cô kể trên. Còn những thầy cô khác vì tôi bận dạy học nên không đi được.

    Nay tôi xin tạm thay mặt các thầy cô mà tôi đã viếng thăm để gởi lời:

    Cám ơn và chúc mừng năm mới Đinh Dậu cho Ban Điều Hành Hội Ái Hữu Cựu Giáo Sư và Học Sinh Trung học Trịnh Hoài Đức – Bình Dương.

(HT 17.01.2017)

Bổ túc:

Ngoài những thầy cô trên đây, đoàn cũng đã đến thăm và tặng quà đến quý vị giáo sư và nhân viên văn phòng như sau: GS Trần văn Anh; Giám thị: Lai văn Chín, Nguyễn kim Tiết; Nhân viên văn phòng: Nguyễn thị Năng; Y tá: Nguyễn thị Xuân. Xin cám ơn GS Nguyễn thị Tâm, Trần văn Anh, CHS Huỳnh thu Hà, các CHS khóa 14 & 15 đã nối nhịp cầu giữa hội và quý thầy cô và nhân viên trường THĐ. Chúc mừng năm mới tất cả được vạn sự an lành, dồi dào sức khỏe.


Thăm cô Nguyễn Thị Xuân tại Thủ Đức