Chuyện chúng mình
Nguyễn thị Tư
Điện thoại reo... Nhất máy
lên, bên kia đầu dây có nhiều tiếng
cười nói râm ran. Có tiếng nhỏ Tâm, Đỗ̃ Năm,
Thái Hảo ... Lại có tiếng nhỏ Chín nữa. Bọn tụi nó
líu lo bàn chuyện gì mà cười cười, nói nói... Tôi vờ
như chẳng biết gì: “Alô, xin lỗi ai gọi tôi?”.
Bên kia nhỏ Tâm vừa cười vừa nói: “Chị Tư hả, tụi tui
đang quậy ở nhà nhỏ Chín đây, tụi nầy định rủ
chị hôm nào họp lại nhà Chín, rồi bọn mình làm vài
món đặc sản quê hương , vừa họp mặt, vừa nhâm nhi cho
vui”. Tôi phải tính đi tính lại cho kỹ càng mới dám hẹn, vì
tôi đang làm nghề giử trẻ không lương. Giử
cháu nội ấy mà... Thế là tôi hẹn vào ngày
thứ bảy, tất cả bọn nó đều ok.
Hẹn đến nhà bạn chơi... Hình
như điệp khúc nầy quen thuộc từ thuở nào, cái
thuở mà thắt bím tóc hai bên, tung tăng nhảy chân sáo.
Cả bọn đều thướt tha với tà áo dài trắng tinh, nhưng chẵng
có đứa nào yễu điệu thục nữ cả. Bọn chúng tôi,
tay ôm cặp táp, miệng nhai nhóp nhép, chân
thì nhảy nhót vô tư, không theo một vũ điệu
nào cả... Thuở ấy, chúng tôi khoái hái hoa dại, rượt
theo cánh bướm vàng dể thương, hoặc rượt đuổi nhau trên
đường khi tan học. Tất cả bọn tui đều sử dụng những động
tác chạy nhảy tung tăng một cách vô tội vạ, không
cần kiểm tra xem có giống cái chi chi chăng...Vô
tư... Và rất vô tư...
Nhắc đến những ngày xưa thân
ái ấy, thật không bút mực nào tả xiết nổi
niềm mà cảm xúc đang dâng tràn trong trái tim tôi.
Các bạn có công nhận là khoảng thời gian ấy là một
thời hoàng kim của bọn chúng mình không?.
Học trò Trịnh Hoài Đức ngày xưa khi đã học thì rất
là nghiêm túc, không dám chễnh mãng. Hầu như
chúng tôi phải học cả ngày ở trường. Đôi lúc được
nghỉ học một buổi thì chiều lại phải đi học thêm.
Bọn tụi tui gần như tất bật trong việc học.
Thời của bọn tụi tui chưa bao giờ có nữ sinh quậy phá hay
thuộc dạng cá biệt gì...gì đó.
Thuở ấy bọn học trò ngốc nghếch tụi tui
nhìn thầy cô qua một lăng hính thần thánh hoá.
Thầy cô phải là một đáng cao siêu nào đó,
không phải là người tầm thường. Nhiều khi trong tầm
mắt bọn tui cứ nghĩ thầy cô khi ăn uống, ngũ nghĩ
phải khác thường hơn mọi người. Đôi lúc tui nghĩ chắc
thầy cô phải ở trong những căn nhà to lớn, có chó dữ
canh nhà, phải có người ăn kẻ ở như các nhà phú hộ thời
xa xưa nào đó. Và còn nhiều nữa những cao sang phú quý
chỉ có ở những bậc thầy cô mà thôi. Vì thế
bọn nhóc tụi tui làm sao dám hó hé quậy quọ nổi gì.
Các bạn có biết tại sao tui
gọi thuở học trò bọn mình là thời hoàng kim không? Vì khi
học thì học tối tăm mặt mày như thế đó, nhưng nếu có
một buổi nào thầy cô vắng mặt không đến
dạy là bọn mình như bắt được vàng. Lúc đó cả bọn sẽ
hí hững bàn nhau tới nhà một bạn nào đó để cùng
nhau vui đùa hoặc cùng nhau làm món gì đó ăn cho vui, một niềm
vui không cần có tên gọi... Nhất là nhà tui
nha, tuy xa tận Vĩnh Phú, cách ngôi trường mình gần
chục cây số, nhưng có dịp nghĩ là cả bọn chạy
một mạch ra chợ Búng, nhảy tót lên xe đò, vừa nói vừa
cười, lật bật như sợ sẽ hết thời gian quý báu
nầy. Khi xe vừa ngừng bánh là cả bọn hối hã xô
nhau nhảy xuống hò hét cười đùa chí choé một cách
vô tội vạ... Ồn ào như cái chợ trời, lúc ấy
không biết cái thục nữ là cái chi chi... Nếu ai
nhìn thấy thì chỉ biết kêu lên... Ôi...
Học trò...
Bây giờ nghe Lê Tâm hẹn đến
nhà Chín chơi làm tui nhớ quá cái thời hoàng kim ấy. Nhưng
hôm nay có phần khác hơn ngày xưa,vì bọn tụi tui không
còn vô tư nữa, không tung tăng ngây ngô, mà bây
giờ rất ư là đàng hoàng, nghiêm túc như một bậc
chân tu...hành...
Ngày thứ bảy đến, hai nhỏ Chín và Lê Tâm
yêu cầu tui làm món gì đặc sản quê hương cho nó
hơi sang trọng một chút. Suy nghĩ lung lắm tui mới chọn được
một món vô cùng cao lương mỹ vị và rất tuyệt
của thời năm 1978. Đó là món khoai mì. Các bạn khoan thất
vọng, vì vào cái thời 78 ấy, khoai mì là món ngon nhất
để cứu đói đó nghe. Khoai phải nhập “khẩu” từ vùng
Tây Ninh xa xôi, vì lúc ấy ở đâu có món gì
thì chỉ vùng ấy dùng mà thôi. Đem đi chỗ̉ khác bán sẽ
bị tội buôn lậu đó nhe. Thời ấy mỗi gia đình
chỉ được mua có hai ký thôi. Vậy thì bây giờ
mình mua được ở xứ Búng không phải là quá quý đó ư?
Thế là nhỏ Tâm quyết
định với tui mua khoai mì về luộc lên, xong bẻ nhỏ
ra trộn với dừa xay nhuyễn, thêm một chút mỡ
hành vào là ngon tuyệt đó nha. Nào chúng mình cùng lấy
bánh tráng cuốn khoai mì thêm mấy cọng rau thơm vào
và chấm nước mắm tỏi ớt. Dứt liền đi các bạn ơi!!!
Hôm họp mặt có nhỏ Tâm(đầu đàn), Đỗ
Năm, Xuân Mai, Thái Hảo, H.Thuý Vân, Chín, Trương thị Bảy
và ... dĩ nhiên có tui. Cái bạn Bảy nầy bọn
tui phải lục tung thị xã Thủ Dầu Một mới tìm được đó
nha. Còn chị Hai lỡ chuyến đò, hẹn rồi nhưng kẹt đám
giổ, đành thất hẹn. Hạnh và Út, hai người nầy
rát khoái vui nhưng cũng đành lỡ nhịp cầu, cũng vì cái căn
bệnh đám giổ. Mỹ Duyên thì kẹt phải chăn lũ trẻ
(nghề nghiệp).
Bọn tui vừa ăn vừa kể từ chuyện
ngày xưa, rồi đến chuyện ngày nay, nhắc nhớ đến
mấy đứa còn miệt mài bên trời Tây như nhỏ
Xuân Dung, Ánh Tuyết ,Vân... Bọn nó giờ nầy
chắc ngủ say rồi, không biết bao giờ bọn nó sẽ về
lại Việt Nam. Bọn tui vừa vui mà cũng vừa ngậm ngùi nhớ
nhung một ngàn lẻ một chuyện của thời áo trắng
ngây thơ... Nhắc về hải ngoại, bọn tui lại nhớ và
nói về bạn Nhung, người bạn mới gặp lại không lâu.
Biết bao giờ sẽ gặp lại nhau, thời gian chẳng còn lại bao nhiêu,
đã xa nhau và vẫn còn mãi xa...
Ở đây, nơi quê nhà, bọn
tụi tui muốn gặp nhau chỉ cần một lời hẹn là có
thể tìm thấy nhau. Còn các bạn nơi hải ngoại thì còn
phải đợi chờ và khó khăn lắm mới có ngày về lại quê
hương tìm gặp nhau. Thời gian có chờ đợi chúng mình không?
Như bạn Chín, bạn Quý thời gian đếm
trên đầu ngón tay. Ngày tháng đi qua theo từng nhịp tim.
Ba mươi mấy năm trôi nhanh trong lãng phí, còn lại những
ngày cuối đời, bọn mình lại gặp nhau muộn màng.
Những ngày tháng mình gặp nhau đây phải cám ơn nhỏ
Tâm. Nhỏ là sợi dây liên lạc chặt chẽ nhất
của lớp chúng mình. Trong khi bọn mình cứ mãi bôn ba cơm áo
gạo tiền, nào chồng, nào con, rồi thêm cháu
chắt thì nhỏ Tâm (nói nhỏ nghe thôi) ở vậy
một mình, không lập gia đình và "nuôi
con". Khoan hiểu lầm nha, nhỏ nuôi trẻ mồ côi.
Bạn bè chẳng may ra đi mãi mãi bỏ lại con thơ, nhỏ ôm nuôi
cho đến ngày lớn khôn. Lại thêm một chuyện
rất ư là thán phục nữa là khi còn đi dạy học, trong lớp có
học sinh nào nghèo, nhỏ quyên góp tiền của bạn bè giúp
đỡ để cháu được học tiếp tục lên. Thế
là từ cái máu của Tâm thích làm chuyện khác người ấy
mà bọn chúng mình nhờ vậy mới có ngày họp lại bên
nhau đó nha.
Từ những ngày tháng gặp lại nhau,
các bạn có thấy mình trẻ lại không? Họp lại là cười
nói không ngơi, quên đi những phiền toái đang xoay
quanh mình. Hôm nay bạn nầy gọi cho nhau, ngày may bạn
khác mail hỏi thăm.Cuộc sống có phần ý nghĩa hơn
lên ở cái tuổi gần đất xa trời nầy.
Như nhỏ Xuân Dung và Ánh Tuyết,
ở tận nơi trời xa, tất bật với công việc,
nhưng chỉ cần chút thời gian rảnh là mail về cho mình,
chỉ để gởi cho nhau một bức ảnh đẹp nào đó ở nước ngoài
hoặc một bài văn hay của ai đó, để cho tình bạn mình
thêm ấm áp.
Chị Hồng cũng vậy. Dù
bận rộn với đám cháu lao nhao, nhưng thỉnh thoảng cũng
dành chút thời gian mail cho nhau để nhắc cho nhau những kỷ
niệm vui buồn ngày xưa, để bọn mình luôn nhớ
rằng có một tình bạn chân thành bên ta.
Còn chị Hai ở tuốt dưới Sài
gòn. Ngày nào cảm thấy nhớ bạn là nhảy tót lên xe buýt,
vọt lên nhà Lê Tâm, rủ ren Đỗ Năm, Thái Hảo, Xuân
Mai, Mỹ Duyên chạy xuống nhà nhỏ Chín, quậy tưng
bừng như mừng ngày cả bọn vẫn còn bên nhau.
Đã xa lắm rồi thời áo trắng tinh khôi. Tuổi
học trò ngây thơ đã bị thời gian vùi lấp.
Những kỹ niệm vui buồn của bọn mình còn nguyên vẹn
đó trong mỗi chúng ta. Ngỡ đâu theo tháng ngày trôi, tất
cả đã chìm vào lãng quên, nhưng có ngờ đâu, hôm nay
khi tay bắt mặt mừng, bọn mình khơi nhẹ lên chút tro tàn
thì hình ảnh một thời thơ dại vẫn đẹp lung linh, không
cần điểm tô, sơn phết.
Thời gian ơi, xin hãy chầm chậm
thôi. Ngày tháng có qua đi hãy đừng vùi chôn kỷ niệm,để
bọn chúng mình sẽ còn nhiều những lần hẹn tiếp
bên nhau, còn có nhau. Dù cho cách núi ngăn sông, nghìn
trùng xa xôi cách trở, chúng mính vẫn còn hẹn nhau hoài,
hẹn ngày mai... Ngày mai nữa... Và những ngày xa nữa... Sẽ luôn
tìm gặp nhau, dù cho mỗi đứa một phương trời...
Hẹn nhau nhé.. Bạn ơi...
T.