TỪ CHỮ “THỌ” NGÀY XƯA ĐẾN “TUỔI GIÀ SỐNG KHOẺ” NGÀY NAY
GS Trần Anh

1/ Chữ “Thọ” ngày xưa:
      Ba điều tốt đẹp nhất mà người Phương Đông muốn mình luôn có được nhiều là:”đa phúc”,”đa lộc” và “đa thọ”(多 福, 多 祿, 多 壽), gọi tắt là “tam đa”. THỌ 壽 là điều tốt đứng hàng thứ 3. Giống như chữ PHÚC 福 trong chữ Hán, THỌ 壽 thuộc kiểu chữ “hội ý”, nghĩa là nó được hình thành bằng chính ý nghĩa mà nó chứa đựng để thể hiện mình. Phân tích chữ THỌ 壽 của chữ Hán ta sẽ thấy rõ điều đó.
  Thọ 壽 trong chữ Hán được xếp vào bộ sĩ 士  và gồm có 5 chữ cấu thành, đó là:
  a/. Chữ “Sĩ”士: nghĩa đen là học trò, là học rộng, là sự hiểu biết, là tư duy. Là phần trên của chữ THỌ 壽, sĩ 士 mang ý nghĩa “muốn sống lâu, điều đầu tiên là bộ óc luôn phải suy nghĩ, sáng suốt”. Điều nầy trùng hợp với mệnh đề triết học làm nền tảng cho triết học phương Tây của triết gia René Descartes: "Je pense, donc je suis"(Tôi tư duy vậy là tôi tồn tại)
    Ý nghĩa sâu xa mà 士(sĩ) muốn nói trong chữ Thọ là: nếu không còn minh mẫn, không suy nghĩ sáng suốt, thì dù chưa chết cũng không phải là “THỌ”!
     b/. Chữ “Nhị”二 (2 nét ngang xen giữa chữ 工(công): nghĩa đen là 2, nghĩa rộng ra là quan hệ giao tiếp với người thứ 2 trở lên, tức là mọi người. Muốn sống lâu phải thường xuyên giao tiếp với người đời. Hơn nữa, nó cũng bao hàm ý nghĩa: gọi là “sống thọ” khi nào còn giao tiếp được với người khác. Dù còn sống, nhưng không giao tiếp được với ai cũng không phải là “thọ”.
     c/.  Chữ “Công”工: nghĩa là vận động. Con người muốn sống lâu cần vận động theo sức lực của mình. Còn sống mà không vận động được thì không gọi là “thọ”.
    d/. Chữ “Khẩu”(口): Trong chữ Hán, chữ “Khẩu” vẽ hình cái miệng 口 nghĩa là “miệng”, nơi phát ra lời nói. Tuy nhiên, trong chữ Thọ 壽 , chữ “Khẩu “口 có nghĩa bao quát hơn, nó biểu thị những gì phải đi qua cửa miệng. Đó là ăn để sống, nói để giao tiếp, cười khóc để thể hiện tình cảm...Khi sống mà cái miệng không làm được hết chức năng của nó thì cũng không phải là thọ!
     e/. Chữ “Thốn”(寸): theo nghĩa đen là tấc, nghĩa rộng là sự đo đếm, là mực thước. Chữ này là phần cuối cùng của chữ Thọ (壽)nhằm quy định 4 chữ trên trong chữ Thọ: “sĩ, nhị, công, khẩu “ đều phải thực hiện ở một mức nhất định, mẫu mực thích hợp cho từng người, chứ không phải là như nhau cho tất cả. Nghĩa là sự minh mẫn, vận động, giao tiếp, ăn uống, nói năng, biểu hiện tình cảm của người sống “thọ” phải nằm trong mẫu mực thích hợp với mỗi người. Và chính điều nầy cũng khiến người xưa xếp “tam đa” theo một thứ tự cố định, bất biến: PHÚC-LỘC-THỌ. Có “phúc”mở đầu thì mới có “lộc” và được “thọ”. “Lộc” luôn luôn nằm giữa, bị kẹp giữa “phúc” và “thọ”, để hạn chế lòng tham “bỗng lộc”. Phải gieo “phúc”(làm điều tốt) thì mới hưởng “lộc” và được “thọ”trong chừng mức có được. Nếu “lộc”đứng trước là khởi phát lòng tham vô độ, “lộc” không thể đứng sau, vì cái cuối cùng quý nhất của con người là “thọ”. Lộc phải đứng giữa để phục vụ cho cái “thọ”!
  Đó là quan niệm “thọ” thật chí lý của người xưa được thể hiện trong sự tạo thành chữ “THỌ” trong Hán tự.
 Hình như quan niệm nầy được khắc họa thêm bằng câu chuyện ngụ ngôn về ông Ký Viên được kể lại bằng thơ sau đây:
“Ông Ký Viên, khi còn đi học,
Dạo ngoài đồng, gặp mấy lão ông
Tay cuốc đất nhanh như trai trẻ,
Mặt hồng hào, dáng khoẻ thanh niên...
Đến gần một cụ, Viên thưa :
"Bẩm ông! khoẻ được là nhờ   cách chi ? "
Ông nầy vui vẻ cười khì :
"Ta đây khoẻ được vì bà sắc thô!”
Viên liền tiếp giọng ngây ngô,
Hỏi ông kế tiếp: "ông nhờ cách chi?”
Ông nầy dựng cuốc, ngừng tay :
"Cơm chiều, ăn chỉ một vài miếng thôi!”
Tiếp theo, Viên hỏi ông ngồi:
"Ông ơi, xin dạy cho đôi ba điều!”
Ông già chỉ nói bấy nhiêu:
"Khi ta nằm ngủ chớ nên úp đầu!”
Cuối cùng, Viên kết một câu:
" Chỉ tại tam tẩu ngôn,
  Sở dĩ thọ trường cửu "(1)
   
(1) tạm dịch : Chỉ theo lời 3 cụ ,nhờ thế mà sống lâu. Nghĩa là:
    -“vì bà sắc thô”: nên ít khuyến khích chuyện ái ân, khiến người ta tiết dục.
    -“cơm chiều vài miếng”: là biết cách ăn điều độ như quan điểm trường thọ hiện nay:”sáng: bữa ăn hoàng đế; trưa: ăn cơm thường dân; chiều: bữa cơm của người ăn mày.
   - “ngủ chớ úp đầu”: tức là không âu lo, sống lạc quan...

 2/ Tuổi già sống khỏe ngày nay:
     So với ngày xưa, thì tuổi thọ bình quân ngày nay cao hơn nhiều. Những nhà chuyên môn phân biệt hai khái niệm của tuổi già là sống lâu và sống khỏe. Sống lâu là sống được đếm trên số tuổi, còn sống khỏe là sống không đếm tuổi mà sống trên niềm vui và sức khỏe. Hỏi một ai đó: sống có khỏe không? có nghĩa là có vui khỏe không, vì người ta có vui mới cảm thấy khỏe. Nhà thần kinh bệnh lý học Daniel J.Levitil cho rằng: “Chúng ta thường nghĩ là cuộc sống trải qua nhiều giai đoạn: bào thai, sơ sinh, son trẻ, thanh niên, trưởng thành, trung niên, tráng niên và tiếp theo (tới một độ tuổi nào đó, 65-70 hay hơn nữa) là thời kỳ suy thoái. Những nhà nghiên cứu không chấp nhận như vậy, vì tuổi già cũng là một giai đoạn phát triển như những giai đoạn khác. Nó có những điểm tích cực và tiêu cực. Biết phát triển những tích cực của nó thì tuổi già sẽ là một thời kỳ sống khỏe, sống vui của cuộc đời”.
  Tỷ lệ người cao tuổi trong dân số mỗi ngày một tăng. Nhật Bản là quốc gia đứng đầu thế giới về số người trên 85 tuổi (chiếm 4% dân số hiện nay). Tỷ lệ nầy ở Canada cũng khá cao (gần 3% dân số). Nhưng thống kê không cho biết trong số những người này có bao nhiêu phần trăm sống khoẻ. Nhà báo Monique Polak đã nghiên cứu tại nhà già Waldorf ở khu Côte-Saint-Luc tại Montreal, và chỉ ra rằng chỉ 10% trong số đó là sống vui sống khỏe.
    Giáo sư Judes Poirier của trường Đại học McGill, chuyên gia nghiên cứu về tuổi già cho rằng tuổi thọ tuỳ thuộc vào hai yếu tố: lối sống-môi trường và di truyền. Lối sống-môi trường chiếm 70% và di truyền chỉ chiếm 30%. Vị giáo sư nầy cũng cho rằng người ta có thể tự giúp mình sống lâu hơn bằng một vài hoạt động như ăn uống chừng mực, ít ăn thịt đỏ, tập thể dục điều hoà và luôn bận rộn trong cuộc sống hàng ngày. Ông cho biết: “Ở Nhật, trong 10 năm qua, số người đạt trăm tuổi tăng 400%  bởi họ có lối sống khác chúng ta. Vì nước Nhật nằm trên những hòn đảo biệt lập, nên các loại thịt đều rất đắc. Họ ăn nhiều cá, rong biển, rau quả. Họ không ăn no, mà ăn chỉ khoảng 80% mức ăn.
   Ông cũng cho rằng vận động là một yếu tố cực kỳ quan trọng cho người lớn tuổi. Ông khuyên người già nên đi bộ hay bơi lội khoảng 15 phút mỗi ngày, nhưng cần thận trọng, vì “họ như chiếc xe cũ, tuy bền nhưng phải nâng niu cẩn thận!”.
   Và điều cuối cùng là “luôn giữ mình bận rộn trong cuộc sống, tránh cảnh ăn không ngồi rồi, suy nghĩ vẩn vơ. Chăm chỉ, can đảm và trì chí là những đức tính cần có của người già.”
  Sau bao nghiên cứu về tuổi già, giáo sư Karen Li cũng đi đến kết luận gần như trùng hợp với nhận định của giáo sư Poirier: “Sống sinh động và xông xáo sẽ làm cho người ta tự chủ trong cuộc sống hơn là ngồi đó lo sợ cái già tới. Sống sinh động bao gồm ba yếu tố chính: ăn uống điều độ, tập thể dục và giao du với người khác.”
   Những trình bày trên đã lộ ra những điểm trùng hợp thú vị. Chữ “thọ” ngày xưa cũng đòi hỏi tuổi già phải hội đủ những yếu tố minh mẫn, hoạt động, giao lưu tích cực với bên ngoài một cách chừng mực...,tức là vừa có sức khỏe vật chất lẫn tinh thần. Còn sống được nhiều tuổi mà chưa có những yếu tố trên thì cũng không phải là “sống thọ”. Người xưa cũng chỉ ra rằng người ta có thể kéo dài tuổi thọ bằng cách sống lạc quan, vận động như những lão nông cuốc đất, biết tiết dục, biết ăn uống điều độ theo phép vệ sinh. Và ngày nay, qua bao nghiên cứu khoa học về tuổi già sống vui sống khỏe, người ta dường như cũng lặp
lại những điều ấy một cách chi tiết hơn, logic hơn...Có điều là ngày nay, sự phát triển vượt bậc của khoa học, trong đó có y học đã giúp con người có tuổi thọ dài hơn ngày xưa. Đó cũng là điều hiển nhiên.
                      
TRẦN ANH

(Bài đã đăng trên Tạp Chí Kiến Thức Ngày Nay số 1105, phát hành ngày 20/04/2021)