Chúng tôi hướng lên Bình Dương
GS Phạm Đức Liên


Mở đầu:

North Carolina 4/4/2014
Diệp, Nên, Tâm và CHS  Trịnh Hoài Đức yêu, yêu lạ thường,

1.    Thầy viết bài nầy từ lúc ngồi chờ phi cơ từ Indy trở lại Charlotte hồi đầu tháng 1/2014. Thế rồi, thầy phải ra vào bệnh viện vì bị mổ. Thầy tiếp tục viết – tay run nhưng lòng không run - (tay thầy run lắm!): vì môn sinh Trịnh Hoài Đức mến yêu.
    a.    Viết để chào mừng ngày Đại Hội Toàn Cầu THĐ lần thứ 3, 7/2014.
    b.    Viết để tờ báo THĐ mà kỹ sư Từ Minh Tâm làm chủ bút đã có uy tín lại càng uy tín hơn với những bài khảo cứu về STEM, và văn học nghệ thuật.
    Thầy viết vừa xong lúc 2 giờ sáng ngày thứ sáu 4/4/2014. Xin đa tạ ngài Trịnh Hoài Đức, tổ tiên Hùng Vương, và nội ngoại dân tộc Văn Lang. Tháng tư là tháng buồn nhất của thầy: đầu tháng mất bố, giữa tháng mất vợ, cuối tháng bỏ nước ra đi!

2.    Bài nầy, GS Sử Địa Phạm Đức Liên viết là tuỳ bút thế nhưng là đem tâm tình viết lịch sử cận và hiện đại Việt Nam và: “Càng viết càng đau đớn lòng” - đến độ xấu hổ - vì 100 đại học (TOP 100) của Á Châu không có bóng dáng Việt Nam Lục Địa – trong khi hoà bình để xây dựng đất nước đã 39 năm và trong nước hiện có 25,000 tiến sĩ !!

3.    Phấn khởi vì 3 tháng qua đã viết xong bài: “Chúng tôi hướng lên Trịnh Hoài Đức” lồng trong khung cảnh lịch sử và địa lý của dân tộc, nhưng buồn quá vì dân tộc Việt Nam quá thông minh, sinh viên Vạn Xuân quá xuất sắc. Giáo sư Thạc Sĩ de Lanessan đã chứng minh 100% trong những tác phẩm của ông từ đầu thế kỷ 20 sau khi ông đã làm Toàn Quyền Đông Dương (1891-1894).

“Loving, loving the Vietnam people,
Intelligent and hard-working,
Exquisite black – two big eyes,
Shining through since birth.”

Kính chào CGS và CHS Trịnh Hoài Đức.

*******

A.    Vài nét địa lý về tỉnh Bình Dương mến yêu:

    -    Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Miền Nam Việt Nam là một quốc gia độc lập, dân chủ và được các nước trong khối tư bản công nhận - thủ đô là Sài Gòn. Việt Nam tự do có dân số 18 triệu người và diện tích 170,820 cây số vuông (hay 65,700 square miles ) - được chia ra thành 45 tỉnh – mà Bình Dương là một trong những tỉnh trù phú của Miền Đông Nam Phần. Bình Dương chạy dài Bắc – Nam 50 km (1 giờ lái xe) và trải ngang Đông – Tây (Bến Súc , Bến Cát) khoảng 40 km (1 giờ xe hơi). Diện tích là 2,000 km2.



    -    Bình Dương: bắc giáp Bình Long, nam giáp Gia Định (Sài Gòn), đông giáp Phước Thành, Biên Hoà, tây giáp Tây Ninh, Hậu Nghĩa. Tỉnh lỵ đặt ở Thủ Dầu Một (Phú Cường), cách Sài Gòn 30 cây số về hướng bắc.
    -    Bình Dương là bình nguyên và đồi thấp (Núi Ông cao 280 mét). Như các tỉnh Nam Phần, Bình Dương có 2 mùa mưa nắng rỏ rệt. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Quốc lộ 13 , Liên tỉnh lộ 14, Tỉnh lộ 2… là những con đường huyết mạch nối Bình Dương và các tỉnh khác. Hai con sông chính của tỉnh là:
        o    Sông Sài Gòn ở phía tây là phụ lưu hữu ngạn của sông Đồng Nai chảy dọc từ bắc xuống nam đi ngang qua thị xã Phú Cường và tỉnh Gia Định.
        o    Sông Bé ở phía đông bắc cũng là phụ lưu của sông Đồng nai, từ Quảng Đức chảy qua các tỉnh Phước Long, Bình Long, Phước Thành (là ranh giới Bình Dương với Bình Long, Phước Thành).
    -    Thập niên 1960, dân số Bình Dương là khoảng 500,000 người (đa số là người Kinh, rồi đồng bào Thượng Stiêng, người Hoa, Khmer, Việt gốc Chàm…).  Nông sản là lúa gạo, mía, cao su, thuốc lá, đậu phọng và nhiều vườn cây ăn trái (như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng…) ngon ngọt ở Lái Thiêu, Cầu Ngang, Búng (cách tỉnh lỵ khoảng 6 km). Búng cũng là nơi có trường trung học Trịnh Hoài Đức nổi tiếng. Bình Dương còn có các sản phẩm thủ công như sơn mài, đồ gốm, đồ gỗ… nổi danh. Lâm sản Bình Dương là nguồn lợi kinh tế đáng kể (gỗ, tre, mây…).
    -    Búng là quê hương của nhà cách mạng Phan văn Hùm. Và còn gì hạnh phúc bằng: du khách vào vườn trái cây xum xuê – ăn tại chỗ- và hái đem về:
        Lái Thiêu yêu - sắc hương trời,
        Bao thôn nữ đẹp – ca lời thiên thai !

    -    Bình Dương - vốn là đất hoang vu của Thuỷ Chân Lạp. Rồi đến đầu thế kỷ thứ 18, các chúa Nguyễn bắt đầu khai khẩn và thuộc Gia Định thành. Năm 1834, vua Minh Mạng đặt tên Nam Kỳ (để gọi chung cho 6 tỉnh Nam Phần là Gia Định, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên). Thời Pháp Thuộc, thực dân chia Nam Phần thành 20 tỉnh – và đất Bình Dương thuộc tỉnh Thủ Dầu Một. An Sơn (thuộc Lái Thiêu) là một căn cứ chống Pháp mãnh liệt những năm 1945, 1946, 1947. Năm 1956, VNCH đổi Thủ Dầu Một thành tỉnh Bình Dương và đưa ra 6 quận: Trị Tâm, Bến Cát, Phú Giáo, Phú Hoà, Châu Thành và Lái Thiêu. Năm 1957, Phú Giáo được tách ra cùng với 2 quận của Biên Hoà mà lập thành tỉnh Phước Thành. Một thời gian sau, tỉnh Phước Thành bị giải tán và các quận trở về tỉnh cũ. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Hà Nội sát nhập 3 tỉnh Bình Dương, Bình Long, Phước Long thành tỉnh Sông Bé. Tỉnh lỵ đặt tại Thị Xã Thủ Dầu Một (Phú Cường). Đến năm 1990, Sông Bé lại tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

B.    Hoàn cảnh lịch sử:

    1.    Hiệp định Geneve (ngày 20/7/1954) các cường quốc Nga Sô, Trung Cộng, Anh, Pháp … xâu xé Việt Nam, như liệt cường xâu xé Trung Hoa thế kỷ trước.
        a.    Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhứt (1945-1954) bắt đầu từ cuối năm 1945. Một bên là thực dân Pháp nhất định dành lại thuộc địa Đông Dương mà họ đã dầy công xây dựng trong gần một thế kỷ (nhất là Việt Nam: tài nguyên mầu mỡ, và dân chúng thông minh, chăm chỉ - theo tờ trình của de Lanessan – Toàn Quyền Đông Dương 1891-1894 – lên chánh phủ Pháp. Ông vốn là Giáo Sư Đại Học Paris). Một bên là con dân Lạc Hồng (không phân biệt Quốc Gia hay Cộng Sản) quyết sống chết cho nền độc lập và thống nhất của xứ sở - mà chúng ta đã cầm chắc trong tay sau ngày 9/3/1945.
        b.    Thế nhưng sau khi Mao Trạch Đông làm chủ Trung Hoa Lục Địa (1949) thì chiến tranh Đông Dương đổi chiều (Trung Cộng viện trợ súng đạn, kinh tế, cố vấn, nhân tài vật lực vô bờ bến cho Việt Minh. Cụ thể, năm 1953, Mao Trạch Đông trao cho Võ Nguyên Giáp 30 khẩu đại bác 105 ly; 400 khẩu pháo không giật 60, 81 và 120 ly; 500 khẩu đại liên…) Chiến tranh Đông Dương là nơi tranh hùng giữa phe Cộng Sản và phe Tư Bản mà Việt Nam là nơi chiến trường trắc nghiệm!. Tháng 12 năm 1950 – ngay sau khi nhậm chức Cao Uỷ Đông Dương kiêm Tổng Tư Lệnh quân đội Liên Hiệp Pháp, Đại Tướng De Lattre đã bay gấp qua Washington DC để cầu cứu Tổng Thống Eisenhower (người anh cả phe Tự Do).  Mỹ quân viện cho Pháp 70% quân phí và Mỹ đài thọ 50% binh phí cho quân đội quốc gia Việt Nam (qua trung gian của Pháp). Mỹ đã viện trợ 3 triệu USD mỗi ngày cho cuộc chiến Đông Dương từ năm 1951 là một điển hình.
        c.    Ngày 11 tháng 7 năm 1951, tại Sài Gòn, trong dịp phát thưởng ở trường trung học Chasseloup Laubat, Đại Tướng De Lattre kêu gọi thanh niên Việt Nam đáp ứng nhu cầu lịch sử trước “Đế Quốc Bắc Phương”. Ông nói như rót vào tai giới trẻ 18, 20 : ngọt ngào và quả quyết: “Khi quốc gia đang ngồi dưới bóng tử thần, thanh niên là những bông hoa hàm tiếu, phải biết nở đúng lúc để mang lại kết quả mong muốn trước khi thấy ánh bình minh. Là thanh niên trí thức, các bạn phải đòi cho được đặc ân ưu tiên ra trận.”… “Vào giờ phút sinh tử của số phận Á châu nầy, hành động mà lịch sử chờ đợi ở các bạn đã vượt quá tầm vóc của quốc gia của nước bạn. Vì Đế Quốc Bắc Phương đã khai hoả!” … “ Vậy thì chỉ có trung thành với lý tưởng do Đức Quốc Trưởng Bảo Đại mới tìm ra chân lý ấy. Tôi tin rằng nước Việt Nam sẽ được cứu thoát do chính các bạn”.
Trước đó hơn một tháng, ngày 30 tháng 5 năm 1951, con của Đại Tướng là Trung Uý Bernard đã hy sinh tại mặt trận Ninh Bình. Ông nghẹn ngào nói với Quốc Trưởng Bảo Đại: “ Thưa Hoàng Thượng, Bernard đã hy sinh trên đỉnh núi ở Ninh Bình. Bernard đã chết cho Việt Nam”.

       
Quốc Trưởng Bảo Đại và Đại Trướng De Lattre (Cao Uỷ Pháp tại Hà Nội năm 1951

d.    Trục Bá Linh, La Mã, Đông Kinh thất bại và sau khi Nhật Bản đầu hàng (tháng 8 năm 1945), thực dân Pháp nổ lực tái chiếm Việt Nam – trong danh dự - có nghĩa là muốn người Việt cộng tác chặt chẽ: Việt Nam độc lập và thống nhất trong Liên Hiệp Pháp. Người Pháp vừa đánh vừa đàm (Việt Nam cũng muốn thế vì lực lượng quân sự còn yếu lắm!): Hiệp Định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, Hội Nghị Đà Lạt tháng 4 năm 1946, Hội nghị Fontainebleau (gần Paris) tháng 7 năm 1946, Tạm Ước (Modus Vivendi) giữa Marius Moutet (Bộ Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại) và Chủ Tịch Hồ Chí Minh… Nhưng chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất vẫn tiếp tục – tiêu thổ kháng chiến từ ngày 19 tháng 12 năm 1946. Việt Minh rút lên chiến khu Việt Bắc. Người Quốc Gia (Nguyễn Tường Tam, Nghiêm Kế Tổ, Nguyễn Hải Thần, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn văn Tố …) phần nào đã hiểu được màu đỏ của ông Hồ mà lặng lẽ “dinh tê’ (ở lại , hay tìm về nơi quân Pháp chiếm đóng), hầu tìm một giải pháp tốt đẹp cho dân tộc. “Dinh Tê” không phải là dễ - Việt Minh biết là “mò tôm”.

        e.    Đánh và đàm với Hồ Chí Minh không thành công, người Pháp tìm đến Cựu Hoàng Bảo Đại. Đúngs lúc – tháng 9 năm 1947 - đại diện 3 miền Bắc Trung Nam và Hải Ngoại (Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long …) bay đến Hongkong yết kiến Cựu Hoàng và xin ngài lãnh đạo phe Quốc gia mà tranh đấu cho độc lập và thống nhất quê hương. Tháng 5 năm 1948, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân đệ trình Nội Các Trung Ương Lâm Thời lên Quốc Trưởng. Ngày 2 tháng 6 năm 1948, thủ Tướng Xuân công bó bản quốc ca và quốc kỳ Việt Nam: ba vạch đỏ song song tượng trưng cho 3 miền, trên nền vàng là màu của Hoàng Gia (Nguyễn).
        f.    Với sự hiện diện của Hoàng Đế Bảo Đại, ngày 5 tháng 6 năm 1948, tại Vịnh Hạ Long, Bản Tuyên Bố Chung được ký kết giữa ông Emile Bollaert – Cao Uý Pháp ở Đông Dương và Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân - Thủ Tướng Chánh Phủ Trung Ương Lâm Thời Việt Nam (Etat du Vietnam)…

        Bản tuyên Bố chung ký ngày 5/6/1948 ở Vịnh Hạ Long giữa Pháp và Quốc Gia Việt Nam:
        1.    Nước Pháp long trọng công nhận nền độc lập của Việt Nam, người Việt Nan được tự do thực hiện nền thống nhất của mình. Về phía Việt Nam, nước Việt Nam tuyên bố sự sát nhập và Liên Hiệp Pháp dưới danh nghĩa một quốc gia liên kết với nước Pháp. Nền độc lập của Việt Nam không có một giới hạn nào khác, ngoài giới hạn, mà Liên Hiệp Pháp dành cho mình.
        2.    Nước Việt Nam cam kết tôn trọng mọi quyền hạn và quyền lợi của cá tư nhân Pháp, cam kết bảo đảm các căn bản dân chủ, và dành ưu tiên sử dụng các nhà chuyên môn, cố vấn Pháp trọng mọi nhu cầu tổ chức nội bộ và khuếch trương kinh tế của mình.
        3.    Sau khi thành lập chánh phủ lâm thời, các đại diện của Việt Nam sẽ thoả thuận với các đại diện của Cộng Hoà Pháp Quốc, những sự thoả thuận hợp lý về các vấn đề ngoại giao, kinh tế, tài chánh, và chuyên môn.
Làm thành hai bản chỉ ở Vịnh Hạ Long, ngày Năm tháng Sáu năm Một Nghìn Chín Trăm Bốn Mươi Tám.
        Bollaert
        Bảo Đại                    
        Nguyễn Văn Xuân
        Nghiêm Xuân Thiện - Đặng Hữu Chí – Phan Văn Giáo - Nguyễn Khoa Toàn – Đinh xuân Quảng - Trần Văn Hữu – Lê Văn Hoạch.

      
Quốc Trưởng Bảo Đại, cầm bút ký Hiệp Ước Vịnh Hạ Long ngày 5/6/1948 cùng Cao Uỷ Bollaert - Pháp
 
        g.    Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất vẫn tiếp tục đẩm máu (Học sinh Trịnh Hoài Đức những khoá đầu được sinh ra trong khoảng thời gian nầy – 1945). Một bên là Việt Minh được khối Cộng Sản (chủ yếu là Trung Cộng) viện trợ tối đa và một bên là Pháp và phe Quốc Gia được Hoa Kỳ tiếp sức. Cuộc chiến chỉ chấm dứt ngày 20/7/1954 khi các siêu cường chia đôi lãnh thổ Việt Nam ở vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải).

            •    Từ Hang Bắc Pó (Cao Bằng – cách biên giới Việt Trung khoảng 3 km) Hồ Chí Minh về Hà Nội tháng 10 năm 1954 (người viết khi đó là học sinh lớp đệ Ngũ trường trung học Nguyễn Trãi – Hà Nội đã làm hàng rào danh dự của thủ đô đón chào Chủ Tịch - rồi sau đó lặng lẽ xuống Hải Phòng, di cư vào Sài Gòn). Việt Minh được một nữa giang sơn cẩm tú. Hoà ước Geneve (Thuỵ Sĩ) cho 300 ngày để hai bên tập trung và di chuyển. Cả trăm ngàn binh lính, du kích và cán bộ ở miền Nam được tập kết ra Bắc sau khi đã chôn dấu vũ khí và hẹn ngày tái ngộ cùng vợ con. Việt Minh cũng không quên gài lại một số cán bộ nằm vùng ở Miền Nam vì ngay từ những năm 1951, 1952 khi tung ra giai đoạn tổng phản công trên khắp chiến trường Bắc Nam, Việt Minh tiên đoán là họ sẽ chiếm được một nửa lãnh thổ nên đã chuẩn bị cho một số cán bộ học tập: “Khi đất nước bị chia làm hai – chúng ta phải làm gì ở phần đất còn lại?”.
            •    Sài Gòn là thủ đô của Miền Nam, một quốc gia trải dài từ sông Bến Hải tới Mũi Cà Mau phì nhiêu. Được sự giúp đỡ của Hoa Kỳ - 900,000 dân miền Bắc (trong đó 500,000 là giáo dân Thiên chúa) đi tìm ánh sáng Miền Nam. Sau nầy, họ là một trong mấy lực lượng xây dựng chế độ Cộng Hoà (26/10/1955). Là học sinh lớp đệ Tứ (1955/56) trung học Nguyễn Trãi Sài Gòn - đồng thời là đoàn viên đoàn thanh thiếu niên Cần Lao, người viết đã vào từng ngỏ hẽm vùng Chợ Lớn để hướng dẫn đồng bào bỏ phiếu trong trưng cầu dân ý (23/10/1955) – “xanh bỏ, đỏ bì” - (phiếu màu xanh là phiếu của vua Bảo Đại thì bỏ, phiếu màu đỏ là phiểu bầu cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm – thì cho vào bao thơ và bỏ vào thùng phiếu). Vua Bảo Đại chỉ được 63,017 phiếu, trong khi ông quan của nước Mỹ được 5,721,735 phiều (chiếm tỉ lệ 99%) (1) để trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà. Người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Sài gòn tháng 4 năm 1956.
            •    Ai chi tiền, súng đạn, thì người đó chỉ huy. Miền Bắc cũng như Miền Nam không có chủ quyền. Đó là cái đớn đau của nổi buồn nhược tiểu. Chính quyền 2 miền đẩy con dân làm bia đở đạn cho Tư Bản và Cộng Sản mà thôi! Đau đớn quá con cháu Rồng Tiền!

    2.    Tổ Quốc Lâm Nguy” - Tất cả chúng ta hướng về nông thôn, 1960:
        a.    Theo Hiệp Định Genève (20/7/1054) thì tháng 7 năm 1956, hai miền Nam Bắc cùng nhau tổ chức Tổng Tuyển Cử để thống nhất giang sơn qua sự kiểm soát của Uỷ Hội Quốc Tế (Canada, Ấn Độ, và Ba Lan). Hà Nội hồ hởi - thế nhưng Sài Gòn do áp lực của Mỹ (nhất là Ngoại Trưởng Foster Dulles) lấy cớ là miền Bắc không có tự do, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho tổ chức biểu tình chống Tổng Tuyển Cử và từ chối hiệp thương hai miền!. Từ đó, Ông Hồ cương quyết xâm chiếm miền Nam bằng vũ lực thay vì phát triển kinh tế miền Bắc: canh nông - nhất là công nghệ (sản xuất máy móc, xe hơi, đồ điện tử …) bằng cách triệt để dùng trí thông minh (2) chăm chỉ và kỷ luật của con cháu Lạc Hồng ngỏ hầu vươn lên cùng thế giới như Nhật Bản, Nam Hàn, Tân Gia Ba …
        b.    Sẵn có những mật khu và cán bộ nằm vùng, từ năm 1957, phe Cộng bắt đầu tổ chức những cuộc tấn công các đồn bót lẻ tẻ và những quận lỵ hẻo lánh hoặc khủng bố, ám sát những viên chức xã ấp thuộc chánh quyền Sài Gòn. Họ có căn cứ ở:
            •    Chiến khu Đỗ Xá (ranh giới ba tỉnh Pleiku, Quảng Nam, Quảng Ngãi).
            •    Mật khu Dương Minh Châu (Chiến khu C – Tây Ninh)
            •    Chiến khu D (Bình Dương).
            •    Mật khu hay những xóm “tự do” ở Đồng Tháp Mười.
            •    Chiến khu hay những “làng rừng” – khu vực U Minh ở Miền Tây…
    c.    Tháng 5 năm 1959, Ông Hồ ra lịnh cho Thượng Tá Võ Bẩm (gốc Quảng Ngãi) mở đường mòn 559 (Binh Đoàn 559) sau nầy là đường mòn Hồ Chí Minh để chuyên chở vũ khí và cán bộ từ Miền Nam tập kết ra Bắc trở lại Miền Nam hoạt động. Tháng 7 năm 1959, đoàn 759 ra đời. Đây là đoàn tàu chuyên chở và tiếp viện cho miền Nam bằng đường biển (còn gọi là đoàn 125). Những trận đánh do phe Cộng tổ chức từ sau năm 1960 có nhiều lính chánh quy từ miền Bắc xâm nhập.

Đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển

    d.    Tháng 9 năm 1959, lần đầu tiên, tiểu đoàn 502 Kiến Phong (là tiểu đoàn 2 giải phóng, quân số một tiểu đoàn là 500 đến 700 lính với 3 đại đội tác chiến và 1 đại đội chỉ huy - tiểu đoàn trưởng là đại uý hay thiếu tá) đánh phục kích làm thiệt hại nặng một đơn vị của Sư Đoàn II Khinh Chiến tại Hồng Ngự (Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười) của VNCH.
Tháng 11 năm 1959, một tiểu đoàn khác của Cộng quân tấn công quận lỵ Sông Ông Đốc và đốt phá Khu Trù Mật… Cho tới cuối năm 1959, Cộng quân đã hành quân cấp tiểu đoàn, không kể du kích yểm trợ. Đến đầu năm 1960, họ đánh đến cấp trung đoàn (trên dưới 2500 quân, chỉ huy trưởng là trung tá, thượng tá ). Cụ thể, VC làm tan rã Trung Đoàn 32 (Trung Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Nguyễn văn Mân) thuộc sư đoàn 21 (Tư Lịnh Sư Đoàn là Trung Tá Trần Thanh Chiêu – thân tín của Tổng Thống Ngô Đình Diệm - dù ông Chiêu không hề có kinh nghiệm chỉ huy đơn vị tác chiến!) ở  Trảng Sụp, Tây Ninh.


Trận Trảng Sụp, TĐ 32 tan rã, Đại Tá Trần Thiện Khiêm tân tư lịnh sư đaòn 21 xin yểm trợ một tiểu đoàn dù. Thay vì chặn địch ở biên giới, ông lại điều động tiểu đoàn dù đuổi địch để họ rút êm qua Campuchia!

            •    Trảng Sụp nằm trên QL 22, phía bắc tỉnh Tây Ninh 7 km (Tỉnh Lỵ Tây Ninh các Sài Gòn 95 km về phía tây bắc) và cách biên giới Cao Miên 20 km. Tỉnh Tây Ninh rộng 3,500 km2. Trảng Sụp là căn cứ của Trung Đoàn 32 VNCH (doanh trại được xây cất năm 1958, chu vi căn cứ khoảng 4 km, gồm 8 dãy nhà: Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, Đại đội súng nặng 81 ly, đại đội công vụ (mỗi đại đội có khoảng 120 binh sĩ), 3 tiểu đoàn cơ hữu (1, 2, 3). Phía bắc căn cứ là chiến khu C (Dương Minh Châu, Kà Tum, Bổ túc, … nằm sát biên giới Miên).
            •    VC tràn vào Trảng Sụp lúc 1 giờ sáng ngày 26 tháng 1 năm 1960 (27 tháng chạp năm Canh Tý) làm thiệt hại 20 quân nhân VNCH rồi vào khu quân xa lấy xe GMC vào kho súng chở trên 1,000 vũ khí đủ loại rồi rút vào Chiến Khu C. Trung Tá Chiêu bị cách chức. Tư Lịnh mới là Đại Tá Trần Thiện Khiêm. Trận đánh nầy làm chấn động dư luận và cố vấn Mỹ. (3).
            •    Trong một cuộc họp báo sớm nhất – ngay sau khi Trung Đoàn 32 VNCH tan rã ở Trảng Sụp, Tây Ninh, phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng tuyên bố: “Notre pays est en danger” – “Tổ Quốc lâm nguy”. Cho tới lúc nầy, (1960-61) tiếng Pháp – bán chánh thức - vẫn còn thông dụng ở thượng tầng kiến trúc. Cụ thể ở đại học (trừ trường Luật) toàn là giáo sư người Pháp – cho dầu lác đác có thầy cô người Việt nhưng họ giảng bài bằng Pháp ngữ vì thầy cô vừa tốt nghiệp ở đại học bên Pháp về, và sách học hay khảo cứu toàn là tiếng Pháp (nhà sách Lê Phan).

            Rồi ngay sau đó, phát ngôn viên Bộ Giáo Dục lại tuyên bố: “Chúng ta, Sài Gòn, tất cả hướng về nông thôn đang đắm chìm trong máu lửa”. Thực tế là sinh viên các trường chuyên nghiệp như Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, Quốc Gia Hành Chánh, Đại Học Nông Lâm Súc … sau khi ra trường không một ai được làm việc ở Sài Gòn – dù là TOP5 của lớp tốt nghiệp.

            •    Đối với trường hợp các sinh viên tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm thì Sài Gòn là trung tâm điểm. Các trường học ở tỉnh như sau: Vòng tròn thứ nhất là Trung Học Trịnh Hoài Đức - Bình Dương và Ngô Quyền – Biên Hoà. Vòng thứ hai là Trung Học Tân An. Vòng thứ ba là Nguyễn Đình Chiểu, Lê thị Ngọc Hân - Mỹ Tho. Vòng thứ tư là Tống Phước Hiệp – Vĩnh Long. Vòng thứ 5 là Phan Thanh Giản, ĐoànThị Điểm - Cần Thơ… Mỗi buổi lễ chọn nhiệm sở được tổ chức ở Viện Đại Học Sài Gòn trước sự hiện diện của Viện Trưởng Viện Đại Học và Thứ Trưởng Giáo Dục. Sinh viên từng ban (8 ban: Triết, Việt Hán, Sử Địa, Anh, Pháp, Toán, Lý Hoá, Vạn Vật) được mời vào và tuỳ theo thứ bậc cao thấp trong kết quả cuộc thi tốt nghiệp mà chọn nhiệm sở. Đổ cao thì được gọi tên trước và có nhiều trường trung học để chọn lựa. Danh sách nhu cầu của từng trường đã được Bộ Giáo Dục sắp xếp cho các môn học ngay từ đầu mỗi niên khoá (tháng 10, 11)

C.    Chúng tôi hướng lên Trung Học Trịnh Hoài Đức – Bình Dương:

        a.    Trên nguyên tắc, trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn đào tạo giáo sư trung học đệ nhứt và đệ nhị cấp. Tuỳ theo ngân sách, có năm tuyển sinh viên từ Tú Tài 2 rồi học 2 năm là GS trung học đệ nhứt cấp, học 4 năm thành giáo sư trung học đệ nhị cấp (GS Cử Nhân = Professeur Licencie – danh xưng mà người Phpas dùng ở Paris và được dịch sang tiếng viết rất trang nhã và tôn sư trọng đạo). Có khi trường tuyển sinh viên đã đổ chứng chỉ Dự Bị Khoa Học hay Văn Khoa để tiếp tục huấn luyện trong 1 năm hay 3 năm. Thế nhưng giáo dục phát triển, nhu cầu giáo sư trung học đệ nhị cấp là ưu tiên nên Đại Học Sư Phạm chủ yếu đào tạo Giáo Sư Cử Nhân để dạy học sinh Tú Tài - thật căn bản - trước khi bước vào đại học. Giáo sư trung học đệ nhứt cấp thì được Bộ giáo Dục tuyển từ những sinh viên đã có 1, 2, 3 năm đại học (4 năm là cử nhân) . Đôi khi thiếu quá, Bộ Giáo Dục mở những khoá huấn luyện cấp tốc - tự đào tạo lấy giáo sư trung học đệ nhứt cấp (mà không qua ĐHSP). Phẩm chất chắc chắn chỉ được 60%.
        b.    Chúng tôi hướng lên Trung Học Trịnh Hoài Đức – Bình Dương:



Di cư vào Sài Gòn, tôi học lớp Đệ Tam B2, niên khoá 1956-1957 tại trung học Chu Văn An  (4) Sài Gòn.
Trong hình: trò Phạm Đức Liên thấp nhất – ít tuổi nhất - ở giữa hàng (tay áo xắn lên. Trong hình đã có người khuất núi, có người hy sinh cho Việt Nam (như trung uý Bernard), có người khóc thầm vì lâu quá con rồng Việt Nam không bay lên được trong khi Rồng Tiên là dòng giống thông minh chăm chỉ, kỷ luật.



        Sân trường ĐH SP Saigon niên khoá 1964/65. Madame đứng giữa hình, chắp tay là Professeur Docteur Langlet
Lớp Sử Địa trường ĐHSP, có 1,000 thí sinh dự thi, lúc tuyển vào có 40 sinh viên. Đầu năm thứ ba (năm chót) chỉ còn 34 sinh viên. Hình chụp chỉ có nửa lớp. Số 1 là GS Nguyễn Thiện Thuật, số 2 là Phạm Đức Liên. Đại Học Sư Phạm ban ngày là trường thầy giáo (8AM-6PM). Buổi tối (6:15PM – 9PM) dạy sinh ngữ. Anh Thuật học tiếng Nhật, Liên chọn Anh Ngữ và tốt nghiệp sau 3 năm học.

        •    Chúng tôi là Giáo Sư Nguyễn Thiện Thuật và tác giả. “Sài Gòn hướng về nông thôn” còn áp dụng thời đệ nhị Cộng Hoà. Chúng tôi ra trường đầu tháng 6 năm 1965 và chọn nhiệm sở vào tháng 7. Sinh viên sau khi tốt nghiệp được biết sơ qua về những nhiệm sở. Anh Thuật và tôi đã đi thăm viếng một vòng các trường quanh Sài Gòn và quyết định cùng về Trịnh Hoài Đức là trường lớn của tỉnh. Hôm thăm trường, anh Thuật và tôi đều thấy: Học trò Bình Dương hiền và lễ phép. Những trường trung học đệ II cấp gần Sài Gòn nhất (Ngô Quyền – Biên Hoà và Trịnh Hoài Đức – Bình Dương… ) nhu cầu thường chỉ là 1 giáo sư Sử Địa và Công Dân (lúc đó các lớp đệ nhị cấp có thêm môn Công Dân Giáo Dục - vả lại chúng tôi đã được học thêm ở trường với Tiến Sĩ Luật Luật Khoa Phan Thiện Giới). May quá, trường Trịnh Hoài Đức niên khoá nầy cần 2 thầy Sử Địa cho năm học 1965-1966. Anh Thuật vào chọn nhiệm sở đầu tiên và lấy THĐ1. Tiếp theo là tôi nhận THĐ2.  Chúng tôi bảo nhau: “Đất lành chim đậu nhé!”. Tôi lại quen với hai anh Trần Quang Tuấn (GS Lý Hoá), Nguyễn Huy (GS Sử Địa) – các anh là cream of the crop ở ĐHSP Sài Gòn .
        •    Hôm lên Trịnh Hoài Đức trình diện, chúng tôi gặp ông Hiệu Trưởng Nguyễn Đức Lâm. Đường đi không an ninh lắm, sợ lôi thôi, chúng tôi dấu sự vụ lịnh trong vớ giầy. Chúng tôi cùng vào gặp ông Hiệu Trưởng cùng một lúc. Ông Lâm thấy 2 sự vụ lịnh không được phẳng phiu thì tủm tỉm cười. Chúng tôi vui vì đã có việc làm.
      Trình diện ngày nào thì bắt đầu ăn lương ngày đó. Chỉ số lương là 470, công chức hạng A. Không dễ đâu. Tôi ngồi ở Phòng Giám Học để làm việc hành chánh phụ GS Phạm Ngọc Em. Hai ba ngày sau, có anh Đoàn Phế, chị Đàm Thị Thanh Quý .. tới trình diện nhà trường. Những tinh hoa của ĐHSP Sài Gòn về Trịnh Hoài Đức hay Ngô Quyền – Biên Hoà và quí vị giáo sư nhiều năm kinh nghiệm từ các tỉnh chuyển về đó trước khi về nhiệm sở cuối cùng của đời thầy cô là Sài Gòn. Tôi yêu Trịnh Hoài Đức lắm: học trò thông minh, chăm chỉ, kỷ luật và “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”./.

    Chiều bịnh viện CMC
    3/4/2014
    Phạm Đức Liên, Ed.D
    GS Sử Địa TH Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Trãi
Former Prof, Central Piedmont Community College, NC

Chú Thích:
(1): Đây là một tỉ lệ quá cao – ngoài dự tính của cố vấn tối cao Đại Tá Lansdale (làm việc cho CIA). Landsdale từng là cố vấn cho Hồ Chí Minh (1944-45), rồi cố vấn cho Ngô Đình Diệm (1954-57). Cùng theo Landsdale thì cố vấn Mỹ, đủ các lãnh vực, bao quanh ông Diệm dầy đặc, trừ khi ông ngủ. (Tôi là quân sư cho Ông Diệm, nxb Văn Học – Sài gòn 1972). Landsdale về sau lên thiếu tướng.
(2) Sự thông minh lắm của người Việt nam so với những dân tộc bị trị khác đã được GS Thạc Sĩ (Prof. Agrégé) về Sinh Vật Học của trường Đại Học Y Khoa Paris khẳng địnhqua những công trình khảo cứu của ông trong cuốn Les Missions et Leur Protetorat, Paris 1907. Jean Marie Antoine de Lanessan đã là Toàn Quyền Đông Dương (1891-1894).
(3) Tháng 7 năm 1954, 50 quân nhân Mỹ đến Sài Gòn làm Cố Vấn Quân Sự (MAAG = Military Aid Advisory Group = Cơ Quan Quân Sự Viện Trợ Mỹ) do tướng O’Daniel cầm đầu (trong đó có Landsdale).
MAAG sau đổi thành MACV (Military Assistance Command Vietnam). Chỉ huy là tướng Paul Harkins. Cuối năm 1962, tại Miền Nam có tổng cộng 18,000 cố vấn quân sự Mỹ. Trung bình mỗi tỉnh có 400 cố vấn (tương đương 1 tiểu đoàn) Mỹ, xuống đến các quận.
Quân đội Mỹ tham chiến ở Miền Nam Việt Nam đông nhất là tháng 1/1969 với 550,000 binh sĩ. Sau hiệp định Paris 1973 thì chỉ còn Cơ Quan Tuỳ Viên Quân Sự DAO = Defence Advisory Office.
(4) Nguyễn Trãi, Chu Văn An là hai trường trung học công lập đệ nhị cấp lớn nhứt Miền Bắc ở Hà Nội. Nguyễn Trãi ở đường Gia Long gần Hồ Hoàn Kiếm, khu trung tâm. Chu Văn An là trường Bưởi gần Hồ Tây, phía tây xa xa.. Cả hai trường dành cho nam sinh. Các tỉnh miền Bắc chỉ có trường trung học đệ nhứt cấp. Ngay cả Nam Định là thành phố lớn thứ 2 Miền Bắc  cũng không có đệ nhị cấp. Học trò ban Tú Tài phải trọ học ở Hà Nội. Sau hiệp định Genève hai trường đều di chuyển vào Sài Gòn nhưng Ban Giám Hiệu trường Nguyễn Trãi lại ở lại Hà Nội. Khi vào Sài Gòn, Nguyễn Trãi như rắn không đầu, chỉ mở các lớp đệ nhất cấp và phải học nhờ vào buổi trưa (11-2 giờ) ở trường tiểu học Trương Minh Ký. Học hết đệ tứ, thi xong Trung Học Đệ Nhứt Cấp thì học sinh phải xin học đệ tam ở Chu Văn An hay Pétrus Ký. Giữa thập niên 1960, Nguyễn Trãi mở lại các lớp đệ nhị cấp và có trường sở ở Quận 4 Sài Gòn. Từ từ lấy lại phong độ thuở xưa. Sau 7 niên học và gắn bó với Trịnh Hoài Đức, tác giả được đổi về dạy ở trường Nguyễn Trãi (tôi là CHS Nguyễn Trãi Hà Nội/Saigon).