Chùa Tổ Long Hưng trên đất Bình Dương

            Chùa TỔ LONG HƯNG còn gọi chùa Tổ Đỉa do Tổ Đạo Trung - Thiện Hiếu sinh năm Quý Hợi (1743), khai sơn. Cho đến nay không rõ tên tục và nguyên quán của Ngài. Sử liệu Phật giáo chỉ ghi lại Ngài là một bậc Long tượng của Thiền môn, có công lao rất lớn và tầm cở trong việc truyền đạo và đắc đạo. Ngài là một cao tăng thuộc thế hệ thứ 38 phái thiền Lâm Tế, truyền thừa theo
        Vào những năm 1754, Ngài đến vùng bưng Cầu Định và dân làng dựng một am tranh để Ngài dừng bước vân du. Sau 14 năm, đạo đức của Ngài  lan tỏa khắp vùng, từ đó Ngài đã khai sơn ngôi chùa Tổ Long Hưng.
       Trong cuộc đời hành đạo, Ngài còn khai sơn 3 ngôi chùa tại núi Điện bà Tây ninh là Phước Trung Tự, Tiên Thạch Tự và Long Châu Tự; chùa Hội Hưng (xã Trung An, Củ Chi); Chùa Bà Tang tức chùa Hội Lâm (xóm chùa, xã An Phú, Củ Chi).
        Ngoài ra, Ngài còn đến hành đạo tại các chùa như Chùa Hội Khánh (TDM), chùa Long Thọ (TDM), chùa Hội Sơn (Thủ Đức), chùa Bửu An (Bến Gỗ - Biên Hòa). Do vậy, một số chùa có lập long vị và tháp vọng để thờ Tổ như  các Chùa Long Thọ, chùa Hội Khánh, chùa Thiên Bửu (Bình Nhâm)...
         Tổ Đạo Trung còn là người con chí hiếu. Khi Ngài rời quê xuất gia tu học, mẹ Ngài vì thương nhớ con, được tin Ngài hành đạo tại vùng đất nầy, cụ bà tìm đến. Tổ Đạo Trung biết đó là mẹ nên nhận và cho công quả. Nhưng vì sợ mẹ mình biết Ngài là con sẽ có thái độ xem thường tăng chúng, nên Tổ không cho biết mình là con. Nhưng trước tối đợi khi đại chúng chỉ tịnh, Ngài giặt đồ cho mẹ... Trong thời gian cụ bà ở đây, Tổ thường dặn dò tăng chúng chăm sóc cụ bà khi Tổ có Phật sự đi vắng. Khi mẹ lâm chung, Tổ công bố đây là mẹ của mình và đứng ra lo an táng, chôn cất mẹ trong khuôn viên chùa. Hiện nay bên cạnh Tháp Tổ có mộ mẹ và mộ cậu của Tổ.
         Qua Đạo từ của Hòa Thượng Thích Trí Quảng PCT/PGVN kiêm Trưởng ban hoằng pháp trung ương, trưởng ban trị sự Thành hội PG thành phố HCM, nhân ngày đặt viên đá trùng tu chánh điện mùng 6 - 3 - 2003, Hòa thượng đã nhận định về Tổ Đạo Trung: "Tổ Đạo Trung là một vị cao tăng có tầm cở trong việc truyền bá chánh pháp của Phật Giáo nước nhà nói chung và miền đông Nam bộ nói riêng" và Thượng Tọa Thích Minh Thiện, Trưởng ban trị sự PG tỉnh Bình Dương cũng cùng nhận định nầy. Đạo lực và đạo đức của Ngài chẳng những cảm hóa con người chúng ta mà ngay cả quỹ thần. Hòa Thượng đã nêu hai dẫn chứng :           
            a)- Núi Điện bà Tây ninh là nơi chết người, ai đi qua đó bị bà hại nhưng Tổ đã quy y được bà Thánh Mẫu Lý Thị Thiên Hương để trở thành chốn linh thiêng hộ quốc an dân. Hiện nay núi Điện bà Tây Ninh là nơi thu hút khách du lịch cả nước.
            b)- Vùng bưng Cầu Định ngày trước có loài đĩa độc hại làm chết người nhưng Ngài chú nguyện bằng việc tĩnh tọa, tham thiền xua đuổi loài đĩa độc hại và bưng nầy tuy nay vẫn còn có đĩa nhưng loại đĩa lành và vùng bưng nầy đã trở thành một nơi khai phá làm nông nghiệp rất tốt cho nhân dân trong vùng là xã Thới Hòa nay thuộc xã Tân Định. Từ đó Ngài còn được gọi là Tổ Đĩa. Ngoài ra, vị Cao tăng 94 tuổi, Hòa thương Thích Giác Điền tu tại Núi Điện bà Tây Ninh nhân về An vị Phật ở chùa Tổ vào năm 1987, kể rằng :" Khi Ngài Đạo Trung đem quần áo của mẹ ra bưng để giặt, bấy giờ đĩa bu đông nghịch, Ngài bèn chú nguyện, đĩa bắt đầu dang ra và chết rất nhiều"... Qua tuần báo Giác Ngộ của Thành hội Phật giáo HCM, số 164 ngày 20-3-2003 (trang bìa cuối) cho rằng trong khi vị Thiền sư đang thiền định, có một con đĩa rất to màu trắng cùng nhiều con khác bò lên đầu Ngài, thế nhưng  ít lâu sau  tất cả đều lăn ra chết.
               Trong gia phả của họ "Trần Tánh Vĩnh Xuyên Quận" có ghi rõ, Ngài Đạo Trung còn có phép xua đuổi cọp. Ngày trước, xung quanh chùa là một khu rừng rậm rạp, nên cọp, thú hoang dã ở rất nhiều và hay quấy phá. Một hôm có một con cọp lớn định vồ (ăn thịt) bà vải đang ngồi bửa củi sau chùa. Bà vải la thất thanh, Ngài bước ra và nói : "Loài yêu quái ở đâu  mà dữ vậy ? ". Cọp nghe tiếng Ngài, bèn bỏ đi mất.
                Như vậy cuộc đời Ngài Đạo Trung đã gắn kết cuộc đời và sự sống chết của nhân dân. Thật đúng như vậy, nơi nào Ngài đến, nơi đó trở thành nơi chúng sanh hòa hợp, nơi hộ quốc an dân. Dân gian còn truyền mịệng cho rằng, Ngài thật hiển linh, chính nhờ Ngài giúp nên bà con khỏi chết oan uổng khi trái đạn đại bác từ Bến Cát năm 1966 bắn xuống rơi trúng nhà giảng, làm tan nát bộ ván ba mà trước đó bà con đang ẩn núp dưới bộ ván nầy. Ôi ! Công đức vô lượng của Đức Tổ thật mầu nhiệm và cao quý biết chừng nào ! Sau thời gian hành đạo ở chùa Long Hưng, Tổ Đạo Trung thâu thần thị tịch vào ngày 20 tháng Chạp năm Kỷ Mùi (1800). bài thơ do phật tử Nguyên Chơn cảm tác với tựa đề :                  
 
"Công ơn Người"                    
Gương sáng Tổ Thái Sơn vời vợi,
Ân đức Người Đại Hải mênh mông.
Là con Phật nguyện một lòng,
An vui tự tại, sáng trong đẹp đời.
Tôn vinh Người, chúng con nguyện ước,
Chánh điện chùa sau trước lo xong,
Một viên gạch, vạn tấm lòng,
Người người một dạ còn mong lo gì.
Có tâm đạo việc chi chẳng khó
Tổ dẫn đường hoà hợp chúng sanh.
Ước mong chánh điện viên thành
Hành trì, tu tập, đáp công ơn Người
Nguyên Chơn
(Tức Út Sùng)                                                                            
Khu phố 4 Tân Định, Bình Dương