RẰM THÁNG BẢY NHỚ CHÙA CÔ
HỒN Ở THỦ DẦU MỘT
Sean Nguyen
******
Thủ Dầu Một hiện có những ngôi chùa khá nổi tiếng được khách thập
phương trong và ngoài tỉnh biết đến như : chùa Bà Thiên Hậu, chùa Hội Khánh,
chùa Tây Tạng, chùa Tổ Long Hưng, chùa Thanh An, chùa Đức Sơn, chùa Hội Sơn.....
Song, nếu nhắc về một ngôi chùa mang tên là chùa Cô Hồn, thì dường
như ngày nay đã không còn ai biết đến. Có chăng cũng chỉ là những bậc bô lão
kỳ cựu ở trong vùng, hoặc những nhà chuyên nghiên cứu về văn hóa-lịch sử
ở địa phương.
Căn cứ vào tư liệu ảnh chụp năm 1918, thì có thể chùa Cô Hồn được
xây dựng từ giữa hoặc cuối thế kỷ 19. Lối kiến trúc cổ của chùa Cô Hồn có
phần khá giống với lối kiến trúc của chùa Bà Thiên Hậu hiện nay.
Chùa Cô Hồn có ba gian thờ, mái lợp ngói âm dương, trên nóc có hình
lưỡng long tranh châu. Tả ngạn có tháp chuông, hữu ngạn có một gian nhà riêng
biệt. Cổng và tường rào của chùa được xây vào thời Pháp thuộc nên mang kiến
trúc tao nhã theo kiểu cổ điển. Từ chưn bực tam cấp dẫn lên tới cổng chánh
là một gò đất khá cao, hai bên tay vịn được trang trí nhiều bông gió bằng
gốm sứ. Trước cổng có gắn hai chiếc đèn trụ nằm ở trên đỉnh, coi thiệt bắt
mắt, và hàng rào bằng sắt có hoa văn cũng khá kỳ công. Vào khoảng thập niên
1950-1970 trước sân chùa có một cây bồ đề lớn và phía sau khuôn viên là một
cánh rừng chòi thưa với nhiều cây dầu cây sao cổ thụ.
So với những ngôi chùa lân cận như chùa Bà Thiên Hậu ( xây dựng sau
năm 1920 ), chùa Tây Tạng ( năm 1937 ) và chùa Thanh An ( khoảng năm 1930
) thì chùa Cô Hồn được hình thành và xây dựng sớm nhứt. Trước khi xây cất
thì nơi đây chỉ là một ngôi miếu nhỏ thờ cúng cô hồn (1*), tức những vong
hồn đã chết do chiến tranh, thiên tai, dịch bịnh ở trong vùng.
Phần đất rộng nằm trước cổng chùa Cô Hồn chính là nhà ga Thủ Dầu
Một xưa. Nhà ga nầy tồn tại trong khoảng thời gian từ sau năm 1888-1960.
Ga phục vụ cho tuyến đường sắt đi Sài Gòn-Lộc Ninh kéo dài lên tới tận
biên giới Campuchia. Tuyến đường sắt nầy có chiều dài tổng cộng
là 141 km, chạy ngang qua Thủ Dầu Một. Trong bài Tìm Dấu Vết Đường
Xe Lửa đi ngang Bình Dương của tác giả Từ Minh Tâm có một trích đoạn
như sau :
“Đường rầy tiếp tục lên phía bắc, qua Phú Văn rồi tới
nhà ga Thủ Dầu Một ở ngay trước chùa Cô Hồn (ngày nay là Trường
Phổ Thông Cơ Sở Phú Cường).” hết trích.
Sau năm 1960, tuyến đường sắt Sài Gòn- Lộc Ninh không còn
được sử dụng nữa, nhà ga Thủ Dầu Một trở thành bến xe đò, xe lô, xe lam.....Và
cũng trong khoảng thời gian nầy chùa Cô Hồn có cho xây hai dãy lớp học nằm
song song với nhau ở phía sau lưng chùa. Mỗi dãy gồm có 3 phòng học và được
lợp mái ngói, tường xi măng, gắn cửa gỗ khang trang. Để phục vụ việc dạy
học cho các con em ở trong vùng. Thời điểm nầy trường có tên là trường tiểu
học Bồ Đề.
Gần mười năm sau, khoảng cuối thập niên 70 trường có xây thêm một
dãy lớp học, một trệt một lầu, nằm song song ở phần đất mé bên tả ngạn của
chùa và có tên là trường Trung Tiểu học Bồ Đề. Kiến trúc của hai dãy lớp học
và dãy lầu nầy vẫn còn tồn tại cho đến năm 1999, trước khi nó được đập bỏ
cùng với một cây bồ đề cổ thụ khác nằm gần đó, để xây lên ngôi trường mới.
Theo thầy Nguyễn Bước BD (3*) ( cựu học sinh trường Bồ Đề năm 1972
) cho biết :
“ Khởi thủy trường Bồ Đề xây dựng chỉ có 6 phòng
học phía sau chùa (cách vách khoảng 2m, lúc đó mình học phòng gần
vách chùa). Trường xây dựng có lẽ những năm đầu thập niên
60, sau đó xây thêm dãy lầu bên trái song song nơi phía sau chùa.
Đầu thập niên 80 phường Phú Cường quản lý đặt bộ phận địa
chính sở đây, trường TH BỒ ĐỀ đặt tên Phú Cường 1. Sau, giáo
dục phát triển nên san lấp xây mới như ngày nay.”
Sau năm 1975 bến xe vẫn hoạt động bình thường, mãi cho đến năm 2000
thì bến xe được chuyển về đường 30 tháng 4 ( gần sân banh Gò Đậu) và phần
đất của bến xe nằm trước chùa Cô Hồn được xây cất thành công viên Phú Cường.
Riêng về phần chùa Cô Hồn thì sau năm 1975 vì lý do xuống cấp và do nới rộng
phòng ốc để phục vụ cho nhu cầu giáo dục của tỉnh nhà nên chùa đã bị dỡ bỏ
và san bằng.
Theo những bô lão sống quanh vùng cho biết, chùa Cô Hồn thờ ông Tiêu
(2*). Ông Tiêu hay còn gọi là ông Ác, Tiêu Diện Đại Sĩ, Diệm Khẩu Quỷ Vương,
Vũ Lâm Đại Thần...và là một trong hai vị hộ pháp của Phật Giáo.
Ông được miêu tả là một người có dáng vẻ uy nghi đạo mạo, mặc trang
phục võ tướng, tay phải cầm lá cờ, tay trái chống nạnh, gương mặt quái dị
với ba cái sừng nhọn trên đầu và trán, hai mắt lồi to trợn ngược, cái miệng
rộng nhe răng lởm chởm, đặc biệt nhất là chiếc lưỡi thè cong dài. Tương truyền,
Tiêu Diện Đại Sĩ chính là một hình tướng khác của Bồ Tát Quan Âm.
Lễ rước ông Tiêu ở chùa Cô Hồn đúng vào ngày 16 tháng 7 âm lịch.
Vì chùa nằm ngay bến xe nên lễ cúng diễn ra với quy mô lớn. Cánh chủ xe,
tài xế, lơ xe thường hay cúng heo, gà, vịt quay, bánh bao.... Khách thập
phương thì ít nhứt mỗi người cũng có trên tay một nén nhang hoặc một bộ tam
sên. Ngay góc ngã ba, ngã tư đường, người dân quanh vùng cũng bày bánh kẹo
ra đường để cúng, rồi rảy gạo muối, đốt giấy tiền vàng bạc làm khói nhang
bay mù mịt. Nhưng phần hấp dẫn nhứt vẫn là lễ Xô Giàn hay còn gọi là lễ Giựt
Cô Hồn.
Khi mặt trời chiều vừa khuất dạng trước sân chùa Cô Hồn không bao
lâu, thì người ta bắt đầu khệ nệ đem giàn tre từ trong chùa ra để chuẩn bị
lễ cúng. Trên giàn có bánh kẹo, tiền giấy, trái cây, thịt quay, bánh bao...và
đặc biệt hơn hết là có hình nộm ông Tiêu cao khoảng hơn một mét với khuôn
mặt dữ tợn, cộng thêm cái lưỡi dài tới chưn. Sau khi thắp xong nhang đèn và
đốt giấy tiền vàng bạc, thì lễ Xô Giàn diễn ra. Không những đám con nít mà
còn có người lớn bay dô để tranh giành, giựt dọc đồ cúng. Họ tranh nhau giựt
cho bằng được cái lưỡi ông Tiêu, vì tin rằng ông có thể xua đuổi ma quỷ và
che chở bảo hộ cho cánh tài xế được bình an trong những chuyến đi xa.
Bến xe Thủ Dầu Một hối hả ngày đêm cùng với những chiếc xe lam, xe
đò, xe lô....và dòng người nhộn nhịp chen chưn ngày nào nay đã không còn.
Thay vào đó là hình ảnh một công viên nhỏ rợp bóng cây xanh mát, nằm giữa
những cung đường nhộn nhịp nhứt xứ Thủ. Và chùa Cô Hồn năm xưa cũng chỉ còn
lại trong những bức ảnh rũ màu bởi thời gian.
Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ ?
***
Sean Nguyen. 12/7/2021
Chú thích :
(1*) “cô hồn” nếu theo ý nghĩa chiết tự thì cô hồn được
hiểu là linh hồn cô đơn. Trong Từ điển Tiếng Việt có ghi: cô hồn
là “hồn người chết không có họ hàng thân thích thờ cúng”.
(2*) Chữ Nhiên(燃), chữ Tiêu (焦) đều có nghĩa là cháy, bốc cháy.
(3*) Ảnh do thầy Nguyễn Bước BD cung cấp.
Nguồn tham khảo :
http://sugia.vn/assets/file/duongsatthudaumot.pdf