NHÀ LỒNG CHỢ CÁ TRONG TÂM TRÍ NGƯỜI BÌNH DƯƠNG XƯA
Sean Nguyen
                      
******


Đường Bạch Đằng ở Thủ Dầu Một có thể nói là con đường mang nhiều dấu ấn nhứt trong tâm trí của người Bình Dương xưa. Nơi đây có những di tích lịch sử đã biến mất vĩnh viễn theo thời gian. Trong đó phải kể đến hai công trình kiến trúc tiêu biểu, nổi bật, đã có từ thời Pháp thuộc như : Miễu Tử Trận và Nhà Lồng Chợ Cá.
Miễu Tử Trận nằm ở đầu đường Bạch Đằng giáp với đường Nguyễn văn Tiết. Công trình nầy được xây dựng khoảng vào năm 1922. Miễu Tử Trận là nơi tưởng niệm những chiến sĩ người Việt ở Thủ Dầu Một đã hy sinh trong Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918) và người Pháp ở địa phương đã chết vì đất nước của họ. Sau năm 1975, ngôi miễu bị đập bỏ chỉ còn lại phần nền với bốn lối đi có tám con rồng. Giữa thập niên 90, một lần nữa ngôi miễu bị dỡ bỏ hoàn toàn để xây công viên. Ngày nay, nếu nhắc đến tên địa danh Miễu Tử Trận thì những người trẻ và dân nhập cư hoàn toàn không biết gì về nơi nầy.
Địa danh thứ hai là Nhà Lồng Chợ Cá nằm sát bên bến đò Phú Cường. Đây có thể được coi là một trong những công trình kiến trúc được người Pháp xây dựng sớm nhứt ở Thủ Dầu Một.
Sau khi chiếm lấy ba tỉnh miền Đông vào năm 1861. Để thuận tiện cho việc vận chuyển quân lương, khí giới và binh lính ở Đồn Thủ Dầu Một nên người Pháp đã cho xây bến phà. Họ cho công binh đào đất đắp đường, lấp luôn con rạch Phú Cường để mở mang chợ búa. Nhà Lồng Chợ Cá được xây dựng khoảng vào năm 1880. Còn chợ Đồng Hồ được khánh thành năm 1938, tức xây sau Nhà Lồng Chợ Cá khoảng 60 năm. Trong thời gian nầy nó được sử dụng như là một nơi để tập kết và trung chuyển hàng hoá giữa các vùng lân cận. Sau nầy đường bộ và đường sắt phát triển nên việc vận chuyển bằng đường thủy có phần bị hạn chế. Nhà Lồng Chợ Cá và đoạn cuối của con đường Bạch Đằng (từ nhà ông Đốc Phủ Đẩu xuống tới nhà bảo sanh bà Năm Chi ) đã trở thành khu chợ buôn bán cá của người dân Thủ Dầu Một.
Về kiến trúc tổng thể, nếu nhìn từ trên cao xuống thì mái che của Nhà Lồng Chợ Cá trông giống như ba cánh dù xoè nằm chồng lên nhau. Mỗi cánh dù có hình bát giác, hai cánh chính được lợp bằng nhiều miếng tole, trên đỉnh có cột thu lôi. Khoảng cách ngăn giữa hai lớp được gắn những tấm mành mành thông gió bằng sắt có hoa văn. Thân trụ chịu lực là 8 cây cột hình tròn, chôn bên dưới lòng sông là những trụ bê-tông bắt nối với nhiều thanh sắt lớn. Lan can của nhà lồng cũng được đúc bằng hai thanh chắn bằng bê-tông vuông vức, đặt song song và nằm ngang.
Sau năm 1975 quang cảnh bán buôn ở chợ Thủ không còn phồn thịnh như trước do chính sách đánh tư sản và ngăn sông cấm chợ. Dòng người lúc nầy lại lặng lẽ, âm thầm để tìm đường đi vượt biên. Đa phần là người Hoa và những gia đình phục vụ cho chế độ VNCH.
Từ năm 1986 trở đi, tình hình có phần khả quan hơn. Cảnh tượng mấy khu nhà lụp xụp ven sông và những chiếc ghe, thuyền dập dìu bán buôn tấp nập trở lại. Nhà Lồng Chợ Cá về lại với nhiệm vụ thường nhật của nó là đón đưa những chiếc ghe chở tôm, cua, cá, mực... từ miền Tây lên.
Những năm cuối cùng của thế kỷ 20. Bến Bạch Đằng được cải tạo mới để xây bờ kè và hoa viên nên con đường nầy bị giải tỏa mặt bằng. Nhà Nước cho xây khu chợ Cá mới, nằm trên con đường Đinh bộ Lĩnh giáp với đường Ngô tùng Châu. Nhiều công trình cũ được phá bỏ, xây mới hoặc di dời đi nơi khác như nhà Hàng Nổi Bình Dương, nhà Thủy Tạ, trường Bá Nghệ, toà soạn báo Bình Dương.....Và dĩ nhiên Nhà Lồng Chợ Cá cũng cùng chịu chung một số phận.
Trải qua hơn 120 năm đứng hiên ngang bên dòng để nhìn thế cuộc biến động. Nó đã đến cạnh bên để bầu bạn với Bến Đò, rồi âm thầm lặng lẽ đi về nơi không còn có bến.
Nhà Lồng Chợ Cá trong tâm trí người Bình Dương xưa vẫn không bao giờ thay đổi. Dù người nhớ, dù người quên..........tới bến đò Phú Cường để một lần được gọi tên......
Nhà Lồng Chợ Cá.
Sean Nguyen. 18/7/2021
Nguồn tham khảo:
http://trinhhoaiduc.netfirms.com/ha/mieututran.html
http://dinhvankhai.blogspot.com/.../su-phat-trien-cho-thu...