Chiếc áo thun cũ

Kim Nên


Ngày Lan năm tuổi thì ba Lan bị ở tù trong trại cải tạo, chỉ có bà nội Lan đi thăm nuôi mà thôi, còn mẹ Lan đang bận rộn tìm cách ly dị ba Lan để lấy chồng mới. Sau khi Sài Gòn thất thủ bà nội Lan được đảng & nhà nước ban tặng một danh hiệu nghe thật mỉa mai là “Bà mẹ liệt sĩ “ vì em trai của bà đã chết trận khi đánh giặc Tây. Một hôm bà lặn lội vất vả xách giỏ đi thăm nuôi con và đem cái chuyện nàng dâu muốn bà ký giấy ly dị thay cho chồng nàng đang bị giam trong tù. Người con thở dài giọng anh bất cần: "...thì má ký giấy theo ý muốn của nó đi, chứ con ở đây sống chết không biết ngày nào ra…".

Mẹ Lan bỏ ba nó đi lấy chồng.

Thời còn là sinh viên ba Lan học ở đại học kiến trúc, tướng mạo thư sinh hiền hoà, từ tốn. Năm 68 ông bị động viên nhập ngũ và trở thành sĩ quan công binh, nhờ vậy mà sau vài năm ở tù cải tạo ông được thả về. Chánh quyền địa phương bắt ông sửa sang nới rộng lại địa đạo Củ Chi cho du khách thăm viếng, xây đắp những cây cầu, đường sá bị hư hại trong thời đất nước chiến tranh. Ông an phận phụng dưỡng cha mẹ già vì sau cuộc chiến gia đình anh chị em tản lạc muôn phương. Vài năm sau ông vượt biên, năm lần thất bại là năm lần vào tù ra khám. Ông bị tra tấn dã man vì với dáng mạo phong lưu của mình, công an nghi ngờ ông là chủ tàu. Cuối cùng ông cũng vượt biên bằng con tàu gỗ mỏng manh và đến được miền đất tự do.

Quá nửa đời người ông bắt đầu lại cuộc đời mới với tấm thân nhiều bịnh tật bởi những năm tháng lao tù. Ông lại lấy vợ và có thêm đám con nhỏ, nhưng hình ảnh hai chị em Lan ở lại quê nhà vẫn làm ông bận tâm thương nhớ. Chị em Lan giờ đã lớn, thường chạy đến nhà bà nội nó để bà cho quà hay nhận tiền ba nó gởi về. Ngày hai chị em Lan được gọi đi phỏng vấn để hoàn tất giấy tờ đi đoàn tụ với ba nó thì chị em Lan chối từ không đi, Ông buồn thất vọng gọi cho người em gái tâm sự: "... con anh muốn anh bảo lãnh mẹ nó thì tụi nó mới đi". Người em gái hỏi: " vậy anh tính sao?".  Ông trả lời với giọng cương quyết: "Anh nói chỉ có chị em nó thôi nếu không đi thì anh không bảo lãnh tụi nó nữa".

Ông không tiếc nuối người vợ cũ nhưng mỗi khi nhắc đến là ông oán hận mà thương mẹ ông thật nhiều. Ông cảm thấy buồn vì ông chưa làm tròn chữ hiếu để đáp lại tình yêu bao la của mẹ hiền. Trong trại cải tạo đi thăm tù đa số là những người vợ thăm nuôi chồng, hình như chỉ có mẹ ông là người duy nhất đi thăm nuôi con. Mẹ ông khổ nhiều vì ông, khóc nhiều vì ông …khóc cho thân tù đày của ông, khóc trong ngày cưới của cô con dâu đang vui ca trong tình duyên mới. Cũng chính vì thế sau này mỗi lần có dịp về thăm mẹ, ông chỉ muốn ở và ngủ trong căn chung cư nhỏ của mẹ. Người vợ sau này của ông không hiểu tại sao ông thích ngủ trong cái căn phòng không tiện nghi của mẹ ông. Vợ ông nào biết cái phòng này còn sang trọng hơn cái vô cùng không tiện nghi của những ngày mẹ ông vất vả phải ngủ ngồi trên chuyến xe đò chật chội nhét đầy người, vậy mà bà vẫn vui vẻ, háo hức thường xuyên đi thăm nuôi ông với tất cả tình thương của người mẹ..

Cuối cùng hai chị em Lan cũng sang Mỹ đoàn tụ với ba nó. Ông mướn một phòng nhỏ trong khu chung cư gần nhà để tụi nhỏ sống chung với ông bà nội, vì người vợ mới không thông cảm được cái bổn phận và tình thương của một người cha như ông, để rồi từ đó những buồn phiền liên tiếp kéo đến như mưa bão, ông âm thầm chịu đựng. Ông săn sóc và khuyến khích hai con trở lại học đường. Tánh ông ít nói nhưng chan chứa tình thương. Một hôm ông chở cô em gái từ xa về thăm, đến trường đón chị em Lan cùng đi ăn cơm chiều. Ngồi ở bãi đậu xe ông nhìn mông lung bổng chợt thấy cái vỏ xe mòn cũ của chiếc xe Lan đang chạy. Ông khẽ nói: "Tội nghiệp, cái vỏ xe nó mòn quá". Sau bữa ăn ông dặn dò Lan: "Ngày mai con gặp ba để thay vỏ xe mới cho con nha". Ôi tình cha…

Ngày đám cưới của Lan vui cười cũng nhiều mà khóc cũng nhiều. Ai ai cũng xúc động khi nghe lời nhắn nhủ và món quà cưới cô của Lan cho. Đó là một khung hình bên trong là chiếc áo thun cũ phai màu. Trên chiếc áo thun vẽ hình một chiếc thuyền con mỏng manh đang nhấp nhô, nổi chìm trên cơn sóng biển, với những chi tiết ghi chú thật tỉ mỉ về cuộc hành trình của chuyến vượt biên đầy gian truân nguy hiểm của ba Lan. Chiếc áo thun đó là món quà của ba Lan tặng cho cô nó khi vừa đến Mỹ.
 
Ngày đám cưới của Lan, người cô lại bâng khuâng lo nghĩ có nên cho Lan khung hình ấy không, bởi bản tánh người cô rất tình cảm, một chiếc áo thun cũ có là bao, nhưng nó là hình với bóng ấp ủ, chở che cho người anh trong  những ngày khổ cực cô đơn làm thân tỵ nạn. Anh công phu nắn nót viết vẽ, chứa đựng cả một trái tim thương yêu mà người anh dành cho cô em gái sau mấy mươi năm trời ly biệt. Chiếc áo là hình bóng của ba Lan, cô hy vọng món quà này sẽ nhắc nhở Lan yêu thương và gần gũi ba nó nhiều hơn, vì ba nó là người cha tốt trong mọi hoàn cảnh, can đảm hy sinh tất cả cho tương lai hai chị em Lan

 Lan thương ba Lan rất nhiều. Nhớ ngày chồng Lan mới ra trường ba Lan đã không ngại mệt nhọc, vất vả sau những ngày làm việc cực nhọc, đã đứng ra xây cất phòng mạch cho chồng Lan. Mấy năm sau này sức khoẻ ông hơi kém vì hậu quả của những năm tù đày. Ông làm việc quá sức vì phải lo cho mấy con đứa nhỏ sau này. Trong thâm tâm Lan ước muốn làm một cái gì cho ba để nói lên lòng biết ơn nhưng không hiểu tại sao Lan vẫn chưa làm được, vẫn lưỡng lự, phân vân. Với tình cha thương con của ba Lan chắn chắn ông không bao giờ  mong đợi ngày ấy, chỉ riêng ở một thành phố nào đó trên mảnh đất này có một người đang thì thầm buồn. Lan ơi, con có biết rằng đời sống con người ngắn ngủi lắm không!

Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển. Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày. Mười mấy năm qua rồi món quà ngày cưới năm nào đã làm cô dâu nức nở nghẹn ngào, họ hàng xúc động cảm thương, hy vọng nó không bị lãng quên ở một góc xó nào.

Hè 2011