Cái Mo Cau
Huỳnh Thanh Hùng

Thuở ấy... đất rộng người thưa nên hầu như cây dừa, cây cao thường được ông bà mình trồng trong vườn ngoài sân trống. Tuổi nhỏ thì hay nhặt mo cau khô rụng làm trò kéo xe, người lớn thì hay lấy mo cau vào nhà cắt làm quạt để dùng vào những khi trời nóng nực. Riêng tôi khi nhìn thấy mo cau tôi nhớ đến Mẹ tôi với kỷ niệm không bao giờ tôi quên được.

Ngày còn đi học, những dịp cắm trại hay những buổi sinh hoạt phải ở lại thì sáng sớm hôm ấy Mẹ đã thức từ khuya để nấu cơm và nấu đồ ăn. Trước khi tôi đi thì Mẹ đưa hay bỏ vào cặp táp gói cơm được mẹ tôi ghém cẩn thận trong miếng mo cau được cắt cẩn thận, sạch sẽ mà Mẹ đã cắt lau cẩn thận từ chiều hôm trước.
Thường thì cơm nóng dẽo được ép chặt và thức ăn phải là thức ăn khô như thịt ram, trứng chiên, cá kho khô hay lạp xưởng... Mẹ gói ghém cẩn thận và cột chặt trông nó giống như cái bánh chưng ngày nay nhưng nhỏ hơn chút ít. Đến trưa hay đến giờ nghĩ đói bụng tháo từng sợi dây làm bằng sợi thân cây chuối phơi khô mở mo cau ra và phần cơm ngon lành đã nằm gọn trên mãnh mo cau chờ người đói bụng. Vắt cơm gói trong mo có hương vị của mùi cau rất riêng mà hầu như bây giờ ít dịp được thưởng thức lại những hương vị đồng quê của cái thuở còn ngây thơ của tuổi học trò.
Thay lời kính thương đến hương hồn người Mẹ thân yêu và cũng xin chia sẻ với tất cả các bạn một kỷ niệm mà ngày xưa còn bé có rất nhiều bạn đã từng ngồi hay kéo mo cau.

10.09.2015.
 
Kỷ niệm về vườn cau
Nguyễn Quyền

Nhân đọc bài "Cái mo cau" của anh Huynh Thanh Hung đăng trên FB, tôi chợt nhớ nhiều những kỷ niệm về vườn cau của Ba Má tôi.
Quê tôi ở miệt vườn cây trái Lái thiêu. Người dân ở đây thường lập vườn cây ăn trái xen lẫn với vườn cau để tận dụng đất. Ba má tôi cũng làm như vậy trên mảnh vườn trước nhà.

Giữa dòng đất Ba trồng cây măng cụt, dâu xiêm hay sầu riêng; còn hai bên bờ mương ba trồng cau. Cây cau lớn nhanh hơn các loại cây khác, chúng vươn lên đều đặn và thẳng tắp trong thật đẹp mắt. Mỗi sớm mai nắng lên, hàng cau đong đưa trong gió nhẹ, tỏa hương hoa cau thoang thoảng, thật quyến rủ lòng người! Rồi khi hoàng hôn buông xuống, đứng nhìn hàng cau xanh mướt in trên nền trời phủ mây trắng xoá mà nghe cảm giác thanh bình làm sao!

Lá cau dính liền mo cau, khi già thì ngả màu vàng, tự rụng xuống. Má tôi lượm hết vào nhà, chặt rời phần lá tức tàu cau, tước sạch, phơi khô dùng để bó chổi quét sân. Dùng không hết Má còn bán được ít tiền mua quà bánh cho con cháu. Còn mo cau thì Má chọn cái nào tốt cắt làm quạt mo, ép phẳng để cho cả nhà dùng. Các cháu thường giành nhau cái đẹp nhất, vẽ lên đó để làm dấu riêng của mình. Những mo cau còn lại má phơi khô để dành đun nấu. Mo cau gặp lửa nổ lốp bốp thật vui tai !
Cau trỗ thành buồng rất sai, mỗi buồng có hàng trăm trái. Tới lứa có người đi thu mua, họ tự trèo lên cây cau để bẻ. Cau là nguồn thu nhập phụ quanh năm của nhà vườn. Cau trầu còn là món yêu thích của các cụ, là lễ vật không thể thiếu trong tục cưới hỏi của người Việt Nam.

Bây giờ vườn cau của Ba Má tôi đã đi vào kỷ niệm. Khi vườn cây ăn trái đã lớn và cho nhiều trái, là lúc vườn cau cũng già cỗi cần phải đốn đi, nhường chỗ cho cây ăn trái phát triển. Thân cây cau già rất cứng, có thể chẻ ra đóng rui lợp nhà bền chắc không thua gì cây gỗ.

Thời nay người ta thường trồng cau kiểng làm đẹp sân nhà, ít ai chú ý đến giá trị thực tế của cây cau thời xưa.