Cây
Bù Xít … và Cây Cỏ
Quê Tôi
Võ
Hiệp Châu
(Canada)
Phải chi
tôi có bộ CÂY CỎ MIỀN NAM của giáo sư Phạm
Hoàng Hộ sẽ tra thử xem tên khoa học là gì,
có còn mọc ở đâu nữa không? Nhưng sao lại
quan tâm chi cái giống cây hoang dại ấy, mà
tôi chắc cũng không có mấy ai biết ! Cũng tại mấy
ông đồng hương ở Bình Dương đó. Nhắc làm chi
cái tên mà mấy mươi năm rồi tôi mới nghe lại
được.
Cây bù xít... Cái
tên nghe không thanh tao tí nào. Nếu ai
đã từng lên cánh rừng bạt ngàn ở Hớn Quản,
đã từng thấy nó nở hoa rộ trắng xoá khắp đất trời
nên tôn vinh khen ngợi thì còn chấp nhận.
Còn tôi, thuở lên mười sống ở quê ngoại
xóm Hầm Đá Chánh Mỹ, thấy bù xít mọc
đầy tràn lan thú thật trong bụng không mấy
gì ưa. Tôi phải sắp hạng nó vào loại “Tứ đại
cây vô duyên”: Thứ nhất BÙ XÍT, thứ
nhì CÒ KE, thứ ba CHÙM BAO NHÃN LỒNG, thứ
tư SIM rừng.
Sao mà ghét bù xít như
thế ? Có gì đâu, tuổi nhỏ mà, cây
gì ăn được, sử dụng được thì khoái còn loại
cây mà thứ lá có lông tơ bao phủ lại
có mùi hăng hắc như bù xít thì
khó ưa lắm. Cũng như cò ke đó, trái
thì chua chua chát chát, lá cũng có
lông, có khía chỉ có mấy con bọ cam , bọ
quít là hạp khẩu thôi. Ít nhất trái
nhãn lồng hay trái sim tím tuy nhỏ nhưng
còn thể bỏ vô miệng nhai tạm những khi... không
có gì để ăn. Thử tượng tượng bạn là đứa trẻ con
như tôi ngày xưa đó, đang xách cuốc,
xách gậy tre đang thơ thẩn ngoài gò , ngoài
rừng để bắt chim, bắt dế rồi bổng dưng đau bụng đành phải lủi
vô gần bụi lùm nào đó quýnh
quáng tuột quần xuống để trút ngay... bầu tâm sự.
Chốn hoang vắng đâu có mấy ai thấy mà ngại, ngồi
chỗ nào chẳng sao nhưng ị.. xong thì phải bứt
lá mà chùi chứ. Lỡ ngồi gần đám bù
xít, cò ke kể như xui, đâu dám rớ tới,
đành phải trật quần cứ tồng ngồng khoe của... lê lết
gót chân ngà đi tìm lá khác.
Sướng nhất những khi gặp bụi cây có dây lá
giang (hay lá dang?) mọc bám. Ngắt từng chiếc lá
giang chua đó vừa nhai nhóp nhép, tôi, cậu
bé con hình như quên khuất mùi vị
không mấy thơm tho trên bãi cỏ theo cơn gió
bay thoang thoảng. (Canh chua lá giang bây giờ là
món ăn đặc sản rồi thì phải ?!).
Vậy cây lá bù xít nhỏ xíu, lại
ngứa dùng cho chuyện vệ sinh còn không được
thì có chuyện gì đáng nói. Chẳng qua
mấy ông bạn tự dưng nhắc lại khiến tôi không khỏi
chạnh lòng. Nơi tôi đang sống bây giờ là
mùa đông chỉ có tuyết phủ và các
cành cây khẳng khiu trụi lá. Những cây, ngọn
rau nào mang chút hơi hám quê hương
đã chắt chiu trồng trong chậu mang vào trong nhà
từ mấy tháng trước đang sống lây lắt , èo uột:
cây chanh bé xíu để mỗi khi ăn phở gà ngắt
vài chiếc lá cho thơm, rau răm càng ngày
càng có lá vàng nhiều hơn xanh, muốn ăn với
hột vịt lộn cũng không đủ. Thậm chí có bụi rau rất
... ngoại là rosemary tôi cũng ráng gọi bừa
là rau Mari Hồng (để tưởng nhớ người tình xóm đạo
thuở nào...!!!). Đông đưa cây cỏ “chầu trời”, rau
răm ở lại chịu đời tàn úa hẩm hiu... Ôi sao
mà thảm quá !
Ai có hỏi :”Năm nay có về thăm
quê Việt Nam không?”. Nghe qua mà không khỏi
bùi ngùi. Khác nào tâm trạng
dân Do Thái vong quốc xưa kia, gặp mặt cứ chúc
nhau: ”Năm sau về Jerusalem nhé”. Quê hương vẫn còn
đó, trông xinh đẹp phồn vinh hơn, nhưng sau bao thời gian
phôi pha cứ có cảm giác khó khăn, áy
náy mỗi khi muốn quay về. Như nhánh rong đã
phiêu bạt, như giề lục bình bềnh bồng một khi đã
vượt sông cái, trôi ra đại dương không
còn biết phương hướng đâu là cố quốc nữa. Rồi sẽ
đâm chồi, bám rễ nơi vùng đất mới xa xăm. Rồi sẽ
tàn lụi, chết già đi.
Vả lại, nếu có về cũng không biết
nương náu nơi đâu?. Nhà cửa đã cất san
sát, những nơi chốn quen thuộc không còn nhận ra
được nữa. Mọi thứ đã trở thành lạ lẫm. Cánh đồng,
khu rừng kỷ niệm đã nhạt nhòa dần. Nên bảo sao mỗi
khi chợt bắt gặp âm thanh tên gọi xưa cũ,n hững cây
cỏ tầm thường nhưng thân quen một thời lòng lại
không quặn lại nỗi thổn thức nhung nhớ. Bảo sao tôi lại
không thảng thốt muốn xuýt xoa kêu : cứ bù
xít ơi, bù xít hỡi... cò ke ơi... để nhớ
thật nhiều…