Bình Dương của ai?

Nguyễn thành Nhơn


Gởi bài thơ lạc vận để các bạn đọc cho nhớ NHÀ:

Chiều xuống quê nhà đâu đó tá
Trên sông khói sóng não lòng ai...

TÌNH YÊU?

Ai biết được tình yêu
Ai ép lòng cô liêu khi tình yêu còn thiếu
Nói vậy là mâu thuẩn
Không biết nó là gì
Làm sao biết thừa thiếu

Đoạn sau quên mất tiêu
Nên hết còn tán phứa
Bèn quay sang tình lính
Ước mơ nhiều được không bao nhiêu
Bao nhiêu là ít, bao nhiêu nhiều?

Quanh quẩn tính không ra
Bây giờ tới mối tình của ta
Xem thử từ đâu tới
Rốt cuộc đi về đâu
Lần hồi ắt phân ra

Năm vào học Đệ Thất
Tuổi cũng đã mười lăm
Vì học Lớp Nhứt ba năm
Nên phải ráng lo học
Yêu ót gì chẳng biết

Nhưng mà chỉ biết
Đôi khi lòng bâng khuâng
Mong thấy mặt ai đó
Con nhỏ ngỗ ngáo ngồ ngộ
Học Đệ Thất buổi chiều

Cũng có một buổi xế chiều
Bài học hoài không thuộc
Vì trong lòng ray rứt
Muốn nhìn thấy mặt ai
Mới mon men qua Lớp buổi chiều

Nơi cửa sổ thập thò ngó nghiêng
Chỉ mong ai đó nhìn lên
Cho thấy mặt chút xíu
Mãi mãi mà chẳng được
Thẩn thờ về buồn hiu

Năm Đệ Tứ hai  đứa học chung
Thân thì cũng có thân
Chuyện yêu đương lãng tránh
Nàng đã là người yêu của lính

Từ Đệ Tứ tới Đệ Nhị
Hai đứa vẫn học chung
Lắm khi nhìn nhau ngơ ngẩn
Dường như là tình yêu

Tình yêu như vậy chăng?

Nguyễn Nhơn
(Tình yêu tuổi học trò)

MÃO


Một bữa Sáu meo lại khen
Anh Nhơn có nhiều thơ vè quá
Xin nói nhỏ Sáu nghe
Tàn là mới đặt ra đó
Chuyện là như vầy:

TÂM TÌNH CÙNG BẠN

Tui từ nhỏ chí lớn
Cắt cổ không ra một câu thơ
Chỉ trừ có một lần
Khi học Đệ Tứ niên
Phải làm một bài lục bát
Nộp cho thầy chấm điểm

Tui còn nhớ bài thơ tả
Đôi giày mỏ vịt moccasin
Mốt thịnh hành thời đó
Ba cho tiền sắm diện Tết

Tui vốn dân làng quê
Chỉ muốn được thư thả
Thơ thẩn gì lại phải theo luật
Bằng bằng trắc trắc bằng bằng trắc

Đang khi thi hứng bay bỗng
Xỏ mủi dắt vô khuôn
Yến sỉ phi lý thuần ắt dong tuốt
Còn thơ thẩn nỗi gì?

Cho nên chẳng chịu làm thơ
Nói vè còn họa may
Khi viết cũng như nói
Chẳng niêm luật buộc ràng

Cho nên khi Ông Điều
Biểu viết bài nã Ôn Hoàng
Là lần đầu tiên viết vè
Xem ra cũng kha khá

Kể từ đó mà đi
Khoái chí đặt vè tràn lan
Nói riết rồi sanh tật
Chuyện gì cũng nói vè

Tưởng chỉ biết đặt vè
Nào ngờ cũng biết mần thơ
Dzụ nầy là do nhà văn Võ Kỳ Điền
Gởi lại hai bài viết
Kể lể tâm tình nơi xứ Thủ ngày xưa

Nhớ cảnh cũ người xưa
Mới lần tay gõ phiếm
Từng câu từng câu hiện
Lòng cảm thấy ngậm ngùi

Bình Dương, Bình Dương của ai
Bài thơ trữ tình đầu tiên
Những vần thơ lã lướt
Những vần thơ bằng văn xuôi

Nhớ ngày xưa nhớ ai?
Nhớ cuộc tình DANG DỞ
Bạn Nhiễu thuở nay vốn trầm lặng
Lần nầy lại tiếc cho bạn

Tưởng cuộc tình đẹp sao lại dở dang?
Bạn Sáu cũng thở than
Đọc buồn quá anh Nhơn ơi!

Để bạn bớt thương cảm
Mới tâm tình Cay Đắng Ngọt Bùi
Sáu thở phào nhẹ nhỏm
Tiền hung hậu kiết
Gương vỡ lại lành

Kể từ ngày bày đặt in sách
Ngày ngày đọc mãi bài mình viết
Sanh chán mới lè phè
Bạn Điều mới cự nự
Bạn không chịu đọc cho kỹ

Mới ráng đọc tỉ mỉ
Đọc riết rồi say chữ
Tối ngày cứ lẩm nhẩm
Hết thơ lại tới vè

Tâm sự vậy đủ rồi
Nhơn

****

Nói với bạn là chịu thua,
không nhớ gì cảnh làng quê đã xa cách từ 65
năm qua.
Giờ chợt nhớ lại ...

Nói chịu mà chưa chịu
Đêm khuya đứng tựa cửa
Đốt điếu thuốc ngó mông lung
Chợt nghe trong tâm tưởng
Nhịp chày giả gạo ngày xưa

GIÃ GẠO ĐÊM TRĂNG

Trăng vừa mới nhô lên
Tỏa ánh sáng dìu dịu
Tiếng nhà ai giã gạo
Cắc cắc cụp cùm cum

Lời ca ngâm lãnh lót
Ai đưa mà con sáo thì qua sông
Để cho mà con sáo nó sổ lồng bay đi
Ánh trăng tỏa êm đềm

Nhịp chày như nhạc đệm
Cho lời ca vút bay cao
Đờn kêu mà tích tịch tình tang
Ai đưa mà công chúa lên thang mà về

Đó là giả chày đôi
Hai chị giả một chị vùa gạo
Nhịp điệu như tiếng khoan tiếng nhặt
Lời ca như bỗng như trầm

Còn như giã chày một
Một chị giã một chị vùa
Tiếng đệm nghe đơn điệu
Lời ca uể oải hơn

Cũng có khi buồn buồn
Một mai mà thiếp quyết theo chàng
Nắng mưa mà thiếp chịu
Lạnh lùng thiếp cam

Lại có lúc ỡm ờ vui vui
Một mai mà thiếp có xa chàng
Đôi bông thời thiếp trả
Đôi vàng thiếp đeo

Còn đâu ánh trăng thanh
Còn đâu nhịp chày giã gạo
Thưở thanh bình ngày cũ
Còn chăng chỉ âm thanh đồng  vọng
Trong tâm tư kẻ tha hương

TIẾNG XƯA


DANG DỞ


Ngày ấy xứ Thủ quê tôi
Chỉ có mỗi một Trung học Tư thục
Trường Nguyễn Trãi thân yêu
Các thầy tiếng là giáo sư
Thật ra là chú anh học trước
Dạy lại cho các em lớp sau
Lớp học như gia đình
Học trò tuổi mười lăm mười sáu
Hồn nhiên như trẻ thơ

Trong đám xuân xanh ấy
Có hai đứa ngộ nghỉnh
Trai rụt rè nhút nhát
Gái ngổ ngáo hồn nhiên

Thầy Phạm Duy Nhượng
Một mình dạy đủ bộ môn
Thường kêu hai đứa lại nhà
Giúp thầy in bài học

Trai ngập ngừng đi trước
Gái hồn nhiên theo sau
Chẳng bao giờ sóng đôi
Sợ bạn bè chọc ghẹo

Gái có bạn trai sớm
Trai im lặng ngẩn ngơ buồn
Bạn trai của cô nhỏ
Đẹp trai nhưng học kém
Buồn tình đi đăng lính

Nàng ở lại hồn nhiên đi học
Trai trầm lặng đi trước
Gái hồn nhiên theo sau
Cũng y như ngày trước

Năm lên Đệ Tứ niên
Chàng trai đã mười tám
Cô nhỏ cũng mười sáu rồi
Chưa một lần gọi tên nhau

Chỉ lấp lững kêu “ông, nè” “bà, nè”
Rồi mới nhỏ nhẽ gọi tên nhau
Chỉ biết ngẩn ngơ nhìn nhau
Như hiểu như không hiểu

Năm học thi Tú tài
Chẳng hẹn mà như hẹn
Hai đứa đều ghi danh
Vào Trung học Văn Lang

Nàng con gái mười tám
Áo dài mới trắng tinh
Tóc huyền xõa dài trên áo trắng
Chàng trai tuổi đôi mươi
Tóc cũng thả bềnh bồng

Ngày ngày mái tóc huyền xõa bờ vai
Hiển hiện ngay trước mắt
Nào phải đâu trong mơ
Vẫn nhìn nhau lặng thinh

Cuối năm lại chia tay
Vẫn nhìn nhau thinh lặng
Tên nhau còn chưa âu yếm gọi
Làm sao nói tiếng yêu?

Thời gian lững lờ trôi
Chợt có một buổi sáng
Chị Tư Ai nhà ở trước nhà Nàng ghé lại
Nhìn em nhỏ cười cười ngâm nga:

Ngày mai đám cưới người ta
Tại sao chú nhỏ nhà ta lại buồn?

Đám cưới nàng đơn giản
Không tiếng pháo nổ rang
Không nghe cũng không thấy
Nước mắt buồn rưng rưng

Rồi đêm khuya thanh vắng
Từng bước từng bước đi
Lại đến nơi chiếc cầu tàu sụp
Nửa nổi nửa chìm như cuộc đời chìm nổi

Không hẹn ai mà vẫn đứng đợi
Người yêu không bao giờ đến
Nhìn dòng nước trôi trôi
Như cuộc tình dang dở trôi

(Nhớ ngày xưa yêu dấu)

CAY ĐẮNG NGỌT BÙI

Ra đi là sự đánh liều
Mưa mai nào biết nắng chiều nào hay
(Ca dao)

Lúc nầy chàng học năm thứ hai
Học Viện Quốc Gia Hành Chánh
Sáng sáng lái xe từ Chợ Thủ
Xuống Saigon đi học

Một buổi sáng còn tối trời
Đến ngã ba Võ Tánh-Hùng Vương
Thấp thoáng tà áo trắng ngày xưa
Mới ngừng lại hỏi han

Nàng lặng lẽ bước lên ngồi bên cạnh
Cả hai cùng thinh lặng
Như ngày xưa lặng thinh
Nỗi buồn cảm thấy như không thấy

Chàng buột miệng hỏi: Đi đâu đây?
Nàng thẩn thờ đáp: Đi bổ hàng cho Bảy
Tới ngã ba Bình Triệu
Quẹo phải xuống Saigon
Quẹo trái lên Thủ Đức

Nàng thản nhiên đưa tay bẻ lái
Quẹo trái lên Thủ Đức
Chàng làm thinh chăm chỉ lái xe
Nàng lặng thinh nhìn trước mặt

Xe chạy tới Thủ Đức
Chàng toan đạp thắng ngừng
Nàng đưa chân đạp ga
Vậy là ta đi tiếp

Xe chạy tới ngã ba Vũng Tàu
Chạy thẳng lên xứ Bưởi
Quẹo phải ra Vũng Tàu
Nàng kéo vô lăng quẹo phải

Vậy là đi Vũng Tàu tắm biển
Bãi Sau ồn ào lại nắng
Ta lên Bãi Dâu thanh vắng
Ngồi lặng ngấm trời mây

Bỗng nàng cầm tay chàng
Mắt nhìn mắt đăm đăm
Nụ hôn đầu òa vỡ
Trời đất cũng say sưa

(Gương vỡ lại lành)


NGẬM NGÙI


Những ngày vui đầm ấm
Chàng nhởn nhơ ca
Nhà tôi sang nhà người em gái
Cách nhau con sông dài
Nàng kêu lên không phải
Cách nhau con đường dài

Chàng lấp lững ờ ờ
Sông cũng vậy mà đường cũng vậy
Lắm khi kề một bên
Xa tít tận mù khơi

Như dòng sông Tương xa tấp
Nhìn nhau mà chẳng thấy
Xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Có những khi đùa cợt
Chàng làm bộ thở dài ngâm
Một đèo lại một đèo
Mỏi gối chồn chân vẫn phải trèo
Nàng cải lại không phải:
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo

Thơ nhạc còn đang hứng
Giờ chia tay đã tới rồi
Chàng ngậm ngùi than thở
Ngày sau biết ra sao?
Nàng ủ ê nối tiếp
Mưa mai nào biết nắng chiều nào hay!

(Ôi! Ngày vui sao sớm tàn)

NHỚ MẸ

Mẹ đã mất từ lâu
Chưa một lần chiêm bao thấy bóng mẹ
Có lẽ ngày còn bé
Mẹ nghiêm khắc nên lớn rồi vẫn sợ mẹ

Lúc bé ở làng quê
Roi vọt như cơm bữa
Kịp khi ra Chợ Thủ
Con lớn nên không nở roi vọt
Nhưng không ngớt răn dạy

Nhưng cũng có một lần
Mẹ đang nằm bịnh
Bà nội lại dằn thúc
Mẹ giận lẩy bà mới kêu con lại

Đứng kế bên giường nghe mẹ dạy
Bất đồ nắm chặt tay con
Tay kia rút phăng khúc củi gộc
Phang liên tu bất tận

Ai biết tánh con bằng mẹ
Mẹ biết con bề ngoài nhu thuận
Bề trong cứng đầu ngổ nghịch
Nên cam chịu tiếng ác để răn dạy

Cha mẹ sinh con trời sinh tánh
Biết vậy nhưng vẫn gắng sức
Toan sửa tánh cho con
Cho con được thành nhơn
Như lòng mong mỏi của mẹ
Khi đặt tên con là Thành Nhơn

Mẹ vốn là thôn nữ
Chữ nghĩa đâu bao nhiêu
Chỉ dạy con hai điều:
Một là không được dối trá
Hai là sống theo nhân nghĩa
Chỉ có bấy nhiêu thôi

Nói là nói vậy thôi
Con mẹ cũng lớn rồi
Vẫn nhớ lời mẹ dạy
Không dám dối trá cầu lợi danh

Cũng chuộng điều nhân nghĩa
Chỉ khi nào lạng quạng
Dấu để mẹ khỏi buồn
Thật không dám dối trá

Nhưng tới lần lập gia đình
Mới thật là khổ não
Biết con vì mối tình si
Đang rơi vào cơn gió xoáy

Bao nhiêu điều ngang trái
Lại sợ con bị hại
Thương con đứt ruột mà chẳng biết làm sao!
Chỉ biết nhìn con ngơ ngẩn lặng thinh

Ngày nay tuổi bảy lăm
Những đêm nằm thao thức
Muốn nghe lại lời mẹ một lần
Không làm sao được nữa
Mẹ mất đã từ lâu

(Nhờ ơn Mẹ mới Thành Nhơn)



STARBUCKS  COFFEE
 
Every time I use up
A bag of  Starbucks
I come here to hand in
The empty bag for getting
A Tall of Star bucks
 
     Crazy Man
    Nhơn khùng

Quý Ông coi tui ngon không?
Nói vè tiếng Việt cũng còn khá
Lại chơi luôn vè tiếng Mỹ
Kiếm cà phê free uống chơi
Quả thật là quá thể
Nhưng tui đâu có như Tú Vị Xuyên
Đâu có ăn quỵt hoặc chơi lường
Chỉ cậy tài dzăng học
Uống cà phê free chơi
 
(Đực Làng Bưng Cầu chơi trội)

VÈ TIẾNG TÂY

 
Mới rồi là vè tiếng Mỹ
Giờ tới vè tiếng Tây
Hồi thời Tây thuộc địa
Hằng năm ở xứ Thủ
Chủ tỉnh Tây tổ chức
Tất niên âm lịch Ta
Năm đó xã trưởng Làng Bưng Cầu
Hí hững đi dự tiệc tất niên
Chủ tỉnh Tây vui vẻ hỏi:
Bữa nay mầy tặng tao cái gì?
Dĩ nhiên bằng tiếng Tây
Xã trưởng Bưng Cầu đáp
Dĩ nhiên bằng tiếng Pháp:
Me xừ sếp đờ brô quãnh xờ
Xe tờ phoa, mõa đô nê toa (ngập ngừng sửa lại)
Cho lễ phép là vu:
Mõa đô nê vu
On sen mè ba sen
Lũy dà na đơ ba do nết à la tết
Vừa nói vừa ra dấu
Mười ngón tay ngoéo hai bên màng tang
Lại sợ Chủ tỉnh Tây chưa rõ
Nên mới phụ đề thêm:
Lũy đía be he, be he
Chủ tỉnh Tây gật đầu khen; Bồng, bồng
 
Đố Quý vị ông xã quê tui
Cho chủ tỉnh Tây cái gì?
Nếu quý vị phân vân chưa ắt
Cứ phôn lại Nguyễn Minh Quân
Chắc xừ lũy sẽ la;
Thiệt là hết nói nỗi rồi;
C`est fini le dire!
 
Nhơn Đía Sự

PISCINE MỘI NƯỚC

Từ chợ Làng Bưng Cầu
Lóc thóc theo các Cậu
Vô Piscine Mội Nước chơi
Từ nhà đầu dốc chợ
Lên ngã tư Chánh Lưu
Lội bộ qua khỏi Gò Găng
Một đổi cũng khá xa
Cái Piscine nầy khuất lánh
Tây đầm thường tấm truồng
Nằm phơi nắng trên cầu nhảy
Sau chiến tranh 45 piscine nầy bỏ phế

PISCINE CHỢ THỦ

Nằm trước mặt Nhà Thờ
Cạnh ngã tư cũng tên piscine
Ông quản thủ là ba anh Mười
Bạn Trung học Nguyễn Trãi
Tui ít khi tắm piscine
Có trả tiền hay miễn phí cũng vậy
Chỉ khi nào cặp bạn
Bơi lội chút đỉnh chơi

MỘI THẦY THƠ

Ở Làng Bưng Cầu của tui
Có tới hai cái mội
Một cái là Mội Chợ
Cái nữa trứ danh: Mội Thầy Thơ
Mội Chợ nước kém trong mát
Phong cảnh ít nên thơ
Mùa hè Mội Thầy Thơ
Thiên đường của tuổi trẻ chúng tôi
Nơi phong cảnh hữu tình
Lại thêm cội trâm già trĩu trái
Sắc tím vị ngọt thanh

SÔNG THỦ QUÊ TÔI

Tui chỉ thích tắm sông
Kẹt lắm cũng rạch lớn
Nên chỉ tắm một lần
Nơi rạch nhỏ chảy qua Cầu Mới
Cạnh nhà Ông Cả Luận
Ông thân của chị Năm lớp tôi
Vào năm bão lụt Nhâm Thìn 1952
Còn như tắm sông Thủ
Cũng không tắm nơi cầu tàu sụp
Giàn cột chống âm u thấy ghê
Chỉ thích tắm nơi bến Trường Mỹ Nghệ
Rồi bơi tuốt qua bờ bên kia
Leo lên bờ lội ruộng một khoảng
Là tới nhà anh Hỏa
Ngay bên cạnh cầu Bà Bếp
Thuộc miệt Củ Chi đất hóa bùn

(Nhớ tuổi trẻ ngày xưa)


BÌNH DƯƠNG MỘT NGÀY NHỚ EM

(Những vần thơ bằng văn xuôi)

Nhơn em là em Anh Thành. Bạn của Anh Nhơn. Cậu nhỏ mắt lộ tướng bậm trợn. Học không lo học chỉ tô màu. Bà Nội lo Anh Thành cũng lo. Anh Nhơn cũng ái ngại cho em. Máu nghệ sĩ phát lộ. Ngay từ tuổi thiếu niên. Em Nhơn tôi tài hoa như vậy. Nên ra đời xứng với tài danh.

Trở lại chuyện BÌNH DƯƠNG một ngày. Cái công viên tàn tạ ngày nay. Một thời yêu dấu của tuổi thơ. Chiều xuống Bà Nội dắt tay cháu. Ra VƯỜN BÔNG dạo mát. Hột đậu rang của ông Tàu nhai nhóc nhách. Xâu mía ghim ngọt lịm que tre trắng ngần. Rồi đến thời thanh thiếu. Tối tối mặc quần dài thay quần cụt. Đầu xức brillantine. Ta lã lướt dạo chơi. Mắt lấm lét ngó các cô bạn nhỏ. Vườn bông lúc nầy thành CÔNG VIÊN của ta.

Cái CẦU TÀU nửa nổi nửa chìm. Tuổi mười lăm mười sáu. Lấy cớ ngồi câu cá. Lặng ngấm buổi chiều tà. Ánh nắng vàng rơi rụng bên kia sông. Để thấy lòng bâng khuâng hiu quạnh. Rồi đến tuổi yên đương. Những đêm khuya thanh vắng. Cô đơn nhìn dòng nước trôi trôi. Nước mắt buồn rơi rơi. Khi cuộc tình dang dở.

DÒNG SÔNG THỦ lặng lờ trôi. Chứng kiến bao thăng trầm. như chiếc cầu đổ quê tôi. Đâu biết có một ngày. Có một đàn con nhỏ. Gạt nước mắt ra đi. Không bao giờ trở lại.

Bình Dương, Bình Dương của ai? Của tuổi thơ vui thú. Tuổi thanh xuân phiêu bồng.

Bình Dương, Bình Dương của ai? Những cuộc tình mật ngọt. Những cuộc tình vỡ tan.

Bình Dương, Bình Dương của ai? Xứ THỦ, QUÊ HƯƠNG tôi ...


BÀI CA BÌNH DƯƠNG

Phước ơi!

Vần thơ đầu Anh viết
Bình Dương là của ai
Đọc lại như ai viết
Chỉ có điều đáng tiếc
Anh không là nhạc sĩ
Để đặt thành bài ca
Để hát hoài Điệp khúc
Bình Dương … Bình Dương
...của ai?

CÁI    ĐƯỜNG

   
Hồi lên bảy lên tám
Từ Chợ Làng Bưng  Cầu
Lúc thúc chạy theo Dì Chị
Ra Bến Thế xem Lò Đường
 
Em nhỏ đứng lớ ngớ ngó nghiêng
Con trâu già kéo che mủi thở khình khịt
Cặp che to sù sì ăn mía nghe keng két
Em nhỏ trông thích lắm
 
Chị vác  mía   thấy thương
Mới rút cho cây mía
Em vừa xước vừa ngó nghiêng
Lò đường như vậy đó .

DẠO CHƠI LÒ ĐƯỜNG
 
Năm lên tuổi mười sáu. Học sinh Đệ Ngũ Trường Nguyễn Trãi. Ngày nghỉ đạp xe đạp dạo chơi. Từ Chợ Thủ lên MIỄU TỬ TRẬN. Quẹo phải lên dốc Chánh Hiệp. Quẹo trái đi MỸ HẢO. Muốn tìm chỗ thanh tịnh, ta quẹo trái. Thành Săn Đá trên gò cao trông giống như một lâu đài cổ. Phía dưới là sân banh, chiến trường hằng tuần của ta. Có đánh chác gì đâu. Chỉ chơi đá banh thôi. Qua khỏi Thành Săn Đá, khoảng đồng trống mông quạnh. Hết đồng là vào xóm. Nóc Giáo Đường Mỹ Hảo xa xa. Sân nhà thờ thanh vắng, ngồi lặng ngấm trời mây.
 
Vui chân ta đạp tiếp. Lên mãi miệt TƯƠNG BÌNH. Lò đường của Cậu anh Bé Tám. Nằm ngay cạnh bên đường. Mới ghé lại thăm thú. Cậu học trò sắp thi bằng Thành Chung. Lại là bạn cháu ông chủ. Được tiếp đãi ân cần. Mời Cậu tô chè mía nóng hổi. Lại thêm cái trứng gà. Đặc sản của lò đường ta.
 
No nê rồi đạp tiếp lên BẾN THẾ. Thăm lại cái lò đường năm xưa. Khi ta còn bé, thẹn thò đứng ngó nghiêng. Nay đã vị thành niên nên không còn bỡ ngỡ. Đường hoàng vào thăm nhà Anh Chiếu. Con ông chủ lò đường. Mới chuyện vãng vài câu. Xấp bánh tráng nướng vàng rợm. Nhúng mật mía vừa chín tới. Màu hổ phách óng ánh, đưa mời. Học trò tuổi mười sáu. Làm một hơi hết sạch. Lại có vẻ còn thòm thèm. Mới mời cậu khúc mía. Mật vàng quấn thật dầy. Nhưng mà coi chừng đó. Láu táu cạp, nóng rụng răng.
 
Còn một cái lò đường nữa. Ở mãi miệt BÌNH SƠN. Của gia đình Anh Tư “già”. Bạn học cùng lớp nhưng lớn tuổi.  Từ  Chợ Thủ đạp ngang XUÂN HIỆP. Dượt lên dốc LÒ CHÉN. Thả trớn xuống dốc PHÚ VĂN. Vừa hết trớn một đổi, tới ngã ba AN SƠN. Trường TRỊNH HOÀI ĐỨC ta ngày ấy chưa lập. Trên khoảnh đất trống. Đối diện ngã ba An Sơn như sau nầy. Lò đường ở Bình Sơn trái đường, lại thêm xa. Chỉ thăm thú đôi lần. Cảnh trí quên mất tiêu!
 
Lò đường ngày nay tàn tạ. Còn đâu con trâu già kéo che, mũi thở khình khịt. Còn đâu bộ che sù sì, mệt mõi quay cút kích. Còn đâu chị vác  mía ngày xưa. Cho em bé cây mía xước? Buồn!
 
(Tuổi già nhớ tuổi thanh xuân)

RU  CHÁU

 

Tui chỉ có một con gái

Cháu ngoại đầu lòng cũng cháu gái

Mẹ bận đi làm gởi con cho Ngoại

Trưa trưa đặt cháu lên võng đưa

Đưa hoài cháu không ngủ

Mới cất giọng nhừa nhựa ru

 

Ví dầu cầu ván …mà…đóng  đinh

Cầu  tre…thì…lắt lẽo gập ghình…mà…khó  đi

Khó đi…mà…khó đẩy… về rẩy …thì  ăn cần

Về sông  thì ăn cá…á.. về đồng …ăn cua

 

Cháu mới thiu thiu ngủ

Ông đã dứt lời ru

Mới mở mắt ra thỏ thẻ

Ông Ngoại  “nói” nữa  đi

Cháu tôi còn bé tí

Đâu phân  biệt ru với nói

Ông ngoại mới nói nữa

 

Chiều chiều…mà…vịt lội…cò  bay

Ông voi…mà… bẻ mía …chạy ngay vô rừng

Vô rừng …mà…bứt một…sợ mây

Đem về…mà…thắt gióng…cho nàng…mà…đi buôn

Đi buôn…đi bán ... không lỗ… thì lời

Đi ra…mà…cho biết… mặt trời với mặt trăng

 

Bây giờ cháu đã ngủ rồi

Ông ra đứng tựa cửa

Bặp điếu thuốc giải khuây

Bỗng nhớ lại ngày xưa

Khi ông bằng tuổi cháu bây giờ

Bà Nội của ông cũng hát ru cháu

Như ông hát ru cháu bây giờ

Ôi! Xưa thật là xưa ...

 

(Ông Ngoại của Tường Vi)
  
Nguyễn Thành Nhơn