BẾN XE CŨ NHƯNG CHƯA CŨ TRONG
LÒNG NGƯỜI BÌNH DƯƠNG XƯA
Sean Nguyen
Cách đây hơn hai thập kỷ, bến xe Bình Dương được di dời về khu vực
Gò Đậu, thuộc phường Chánh Nghĩa, để xây công viên Phú Cường.
Sở dĩ nơi đây có tên gọi là Gò Đậu, vì trước kia thuộc vùng đất “gò”
lại có nhiều cây bã “đậu” mọc.
Trước năm 1975, khu Gò Đậu một thời là rừng chồi non và có một khu
nghĩa trang của người Khách Gia (客家人) lẫn người Việt. Nghĩa trang nầy trải
dài từ ngã tư bùng binh hướng đi xuống chợ Thủ, nằm ở mé bên tay mặt ôm cặp
theo con đường Quốc Lộ 13, nay là đường CMT8 đến đầu con dốc Lò Chén.
Người Khách Gia hay còn gọi là người Hẹ, cư ngụ ở Bình Dương tuy không
nhiều so với ba bang còn lại là Quảng Đông, Triều Châu và Phước Kiến, nhưng
họ cũng có một hội quán riêng cho mình là hội quán Sùng Chính nằm trên con
đường Bàu Bàng.
Nếu nói nghiêng về bề dày lịch sử thì bến xe ngựa, xe bò...ở Bình
Dương đã có từ khi ngôi chợ của làng Phú Cường thuộc huyện Bình An được dựng
lên dưới triều nhà Nguyễn, đời vua Minh Mạng.
Người Pháp đem chiến thuyền vượt sông Sài Gòn đi lên đánh chiếm Thủ
Dầu Một năm 1861. Một vài thập kỷ sau, họ cho phá ngôi chợ cũ bằng gạch để
xây ngôi chợ có khung bằng thép theo kiểu tiền chế. Nóc chợ được lợp ngói,
có mái che và một chiếc tháp có đồng hồ dạng hình tròn đặt ở gần đỉnh.
Thêm một điều đáng lưu ý rằng mặt tiền của ngôi chợ nầy hướng về phía
tây và bến xe ngựa, xe trâu ...cũng nằm dọc theo con sông. Điều nầy cho thấy
tầm quan trọng của hệ thống giao thông đường thủy khi đường bộ chưa được
phát triển và khai thác.
Từ năm 1888, Pháp bắt đầu cho xây tuyến đường xe lửa Sài Gòn - Lộc
Ninh có chiều dài tổng cộng 141 km, để vận chuyển cao su và hàng hoá. Nhà
Ga Thủ Dầu Một lúc nầy được đặt trước phần đất nằm đối diện mé chùa Cô Hồn,
nay là trường THCS Phú Cường. Từ đây có thêm một nhánh đường rầy xe lửa dẫn
vô trước chợ Thủ Dầu Một để tiện cho việc chuyên chở.
Lối năm 1935, ngôi chợ cũ bắt đầu xuống cấp nên người Pháp cho tháu
dỡ phần khung đem về trường Bá Nghệ để làm xưởng thực hành. Và tiến hành
xây một ngôi chợ mới bằng bê-tông cốt thép khang trang hơn, đó là chợ Đồng
Hồ bốn mặt. Đây là một biểu tượng của người Bình Dương xưa và nay.
Từ khi chợ Đồng Hồ được khánh thành vào năm 1938, kéo theo hệ thống
đường sắt đã hoàn thiện. Những căn nhà nghỉ cho khách chờ xe lửa và tiệm
nước, quán ăn cũng lần lượt được mọc lên với nhiều cái tên gọi vẫn còn quen
thuộc với người Bình Dương xưa như : nhà nghỉ Phi Long, Nam Bắc Hiệp, nhà
hàng Mai Lan Đình, Tứ Lợi, Thái Bình Dương, Đông Tài, tiệm nước Đức Thành
Hưng, Duy Tân, Minh Ký, Hiệp Hoà.......vv.
Giữa thế kỷ 20, những con đường trong nội ô chợ được cán nhựa và nhiều
tuyến đường nối Sài Gòn đi các tỉnh lỵ khác cũng dần được mở rộng và khai
thông. Xe lửa cũng đã bắt đầu lỗi thời và phải nhường cho xe chạy bằng động
cơ đốt trong, nên đoạn đường rầy xe lửa nối từ ga Thủ Dầu Một đi vô chợ Thủ
Dầu Một được tháu dỡ.
Bến xe Ngựa nằm ở trước chợ được dời qua phía bên kia con đường Triệu
Ẩu nay là đường Bà Triệu, để thay bằng những chiếc xe lam, xe đò và xe lô.....vv..
Từ đây Bến xe Bình Dương đi các tỉnh dần dà được thành hình, để phục vụ cho
đại đa số những người dân trong và ngoài tỉnh.
Sau trận tết Mậu Thân năm 1968, một phần vì lý do an ninh nên Bến
xe Bình Dương được di dời về gần Nhà Ga Thủ Dầu Một cũ, nằm kề bên con đường
Quốc Lộ 13 nay là đường CMT8.
Đến đầu thập niên 1970 chợ Thủ Dầu Một xây thêm Khu Thương Xá để phục
vụ cho nhu cầu buôn bán của bà con tiểu thương.
Hãng xe DESOTO của Huê Kỳ vang bóng một thời với những chuyến xe đò
quen thuộc như : Kim Long, Kim Phụng, Kim Thành, Kim Bửu, Lưu Thông.......đi
các tỉnh, được sơn nhiều màu sắc thiệt bắt mắt, ngộ nghĩnh lại thêm phần
bình dị như chính cái cá tính của người Bình Dương xưa.
Đa phần học sinh, công chức hay người lao động bình dân thì lại khoái
ngồi xe lam ( Lambretta) cho tiện. Về vận tải hàng hoá thì đã có xe cam-nhông
(Camion), xe chạy phăng phăng ngày đêm trên Xa Lộ mà công binh Mỹ xây.
Người Bình Dương xưa nhớ Bến xe Bình Dương, nhớ luôn cái khung cảnh
ồn ào náo nhiệt ở khu ngã tư Quốc Tế. Từ con đường Phan Văn Hùm giao với
đường Hùng Vương đi ngang qua chùa Ông Ngựa, nơi có nhiều quán xá và cửa
hàng trưng bày đồ sơn mài-mỹ nghệ của xưởng Trần Hà, Thành Lễ...vv.
Nhớ bóng hình kiêu hùng của những anh lính VNCH và quân nhân người
Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi, Đại Hàn, Huê Kỳ....và cả những bóng hồng được mệnh
danh là người đẹp của đất Bình Dương khi ấy.....nhưng ngày đó........nay
còn đâu ?
Sau năm 1975, xe tư nhân bị tịch thâu “trưng dụng” để đưa vào “Hợp
Tác Xã”. Những chiếc xe đò từng là niềm kiêu hãnh một thời, nay phải ngậm
ngùi, ngược xuôi đưa dòng người đi lên vùng Kinh Tế Mới hoặc những trại cải
tạo xa xôi mà không hẹn ngày về.
Bến xe Bình Dương hay còn gọi là Bến xe Cũ...... cũ nhưng chưa bao
giờ cũ trong lòng người Bình Dương xưa.
Sean Nguyen.
27-3-2022
Ảnh : Bình Dương xưa và nay.
Nguồn tham khảo :
http://dinhvankhai.blogspot.com/.../su-phat-trien-cho-thu...