BẾN BẠCH ĐẰNG CHƯA PHAI MÀU NHỚ
Sean Nguyen

Từ cuối thế kỷ 19, người Pháp đã cho đốn hạ bớt những cây cổ thụ mọc dọc theo lối bờ sông như : sao, dầu, bã đậu, keo...vv để mở rộng tuyến đường từ khu vực Dinh Tham Biện ra tới bến Bắc Phú Cường. Rồi thay vào đó, họ cho trồng nhiều hàng cây dương và cây me tây để lấy bóng mát.
Ban đầu con đường có tên là Quai de Belgique theo cách gọi của người Pháp, vì nó có quang cảnh trông giống như một bến cảng nhỏ xa xôi ở nước Bỉ. Theo thời gian thì hàng cây dương cũng lớn dần, cây cho bóng mát và tạo thành một khung cảnh nên thơ, bởi vậy mà người dân bản xứ mới gọi là đường Hàng Dương.
Cảnh sinh hoạt buôn bán tấp nập kể từ khi ngôi làng Phú Cường thuộc huyện Bình An được tách ra khỏi tỉnh Biên Hòa vào năm 1889. Ngôi chợ Thủ Dầu Một ven sông Sài Gòn dần chuyển mình bởi những nhóm người Minh Hương lẫn người Ngoại Quốc đến giao thương buôn bán và nhờ hệ thống giao thông đường thủy với đường sắt của tuyến Sài Gòn - Lộc Ninh dần dần được hoàn thiện, cho tới khi chiếc tháp biểu tượng đồng hồ bốn mặt được khánh thành vào năm 1938.
Nhà lồng chợ Cá và nhà Thủy Tạ cũng là hai công trình ở Bến Bạch Đằng được người Pháp cho xây dựng khá sớm. Ngoài ra còn có ngôi nhà cổ của ông Trần Văn Lân, một hào phú tri thức và có thế lực ở đất Thủ Dầu Một xưa.
Lối năm 1910, con đường Hàng Dương có tên là đường Bạch Đằng hay còn gọi là  bến Bạch Đằng vì nơi đây có khá nhiều ghe tàu neo đậu. Vị trí cây Cầu Tàu nằm sát bến sông, phía cuối con đường Đinh Bộ Lĩnh vẫn còn đọng lại trong tâm thức của nhiều thế hệ người Bình Dương xưa.
Trường Mỹ Nghệ Bản Xứ Thủ Dầu Một do ông Outrey, quan chánh Tham Biện tỉnh cất công khai sáng vào năm 1901, cho tới năm 1932 thì được di dời về một khu đất khá rộng nằm sát bờ sông, kế bên con rạch Ông Đành, đã tạo ra một diện mạo mới cho bến Bạch Đằng.
Sau thời kỳ đất nước bị qua phân 1954, phía bên kia cây cầu Ông Kiểm cho tới ngã ba giao nhau với đường Châu Văn Tiếp, có tên là đường Thủ Tướng Thinh.
Ông Nguyễn Văn Thinh (1888-1946) là thủ tướng đầu tiên của chánh phủ Cộng Hoà tự trị Nam Kỳ. Ông có quốc tịch Pháp, từng đậu thủ khoa khoá đầu tiên của trường Đại học Y khoa Đông Dương và theo học Y Khoa Đại học đường Paris (Faculté de Médecine de Paris) lấy bằng bác sĩ y khoa Pháp. Ông cũng là người thành lập ra Đảng Dân Chủ Đông Dương vào năm 1937.
Sau năm 1975 đường Thủ Tướng Thinh được gọi chung là đường Bạch Đằng. Đầu đường, hướng trổ qua thành Săn Đá (Soldat) là ngôi miễu Tử Trận được người Pháp xây dựng vào năm 1922 để tưởng niệm 1,548 người Việt Nam đã tử trận trong Đệ Nhứt Thế Chiến (1914-1918). Họ gồm các công nhân phục vụ chiến trường không chuyên nghiệp và lính Việt Nam chiến đấu chống quân Đức dưới lá cờ của Pháp. Trong đó có khá nhiều người ở Thủ Dầu Một. Cũng trong năm nầy Đại lộ Léon Gambetta được mở rộng và đổi thành đường Đỗ Hữu Vị, sau năm 1954 lấy tên ông Phan Văn Hùm, từ 1975 đến nay là đường Trần Tử Bình.
Ông Đỗ Hữu Vị (1883-1916) là phi công người Việt đầu tiên lái chiến đấu cơ. Ông đã anh dũng hy sinh cho màu cờ của nước Pháp. Được biết những người phi công có gốc ở Thủ Dầu Một đã phục vụ cho Pháp trước khi chuyển giao Không Quân cho chánh phủ Quốc Gia như : ông Đại tá Trần Văn Hổ vị tư lịnh không quân đầu tiên. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, tốt nghiệp Không Quân Pháp. Ông Lưu Văn Đức tốt nghiệp trường Không Quân Salon de Provence...vv.
Cách ngôi Miễu Tử Trận chừng chưa tới trăm thước là ngôi trường Trí Đức của ông Đốc Lê Văn Ngữ. Trường được thành lập lối thập niên 50 của thế kỷ trước. Ông Lê Văn Ngữ là một trong những cây đại thụ trong nghành giáo dục ở Bình Dương.
Kể từ sau năm 1975, con đường Bạch Đằng đã có nhiều đổi thay. Nhiều căn nhà cổ và công trình cũ bị phá vỡ hoàn toàn. Một phần do quy hoạch đô thị hoặc do thời gian bào mòn đã làm xuống cấp.
Người Bình Dương xưa nhớ gì trong lễ hội đua ghe ngày 30 tháng tư, hay nhớ ngôi nhà Hàng Nổi đã một thời bập bềnh lênh đênh trên con sóng nước.
Và nay, khi cơn mưa tháng tư bắt đầu rơi rơi nặng hạt trên con sông quê hương, thì đó cũng là lúc người Bình Dương xưa tìm về trong kỷ niệm bằng những cánh hoa dầu bay ...............
Sean Nguyen.
17/4/2022.