Nhớ Ba

Từ thị Cảnh
(tùy bút viết nhân ngày Father’s Day 2011)





Tôi có thể nói một cách tự hào với bạn rằng Ba tôi là một người Ba tuyệt vời. Ông được sinh ra và lớn lên ở làng Tân An thuộc Tỉnh Bình Dương. Tuy thứ năm, Ba tôi lại là trưởng nam trong một gia đình có mười anh chị em. Sau khi lập gia đình với Má tôi, ông về sống với gia đình bên vợ ở làng Chánh Hiệp thuộc Tỉnh Bình Dương để thuận tiện đi làm.

Ông nội của tôi là một nhà nho và là một Đông Y Sĩ. Ông có thể bắt mạch và bốc thuốc tại nhà ở gần Ngã Tư Cây Điệp. Ba tôi cũng được ông nội tôi truyền nghề nầy. Thuở  nhỏ, Ba tôi đi học Trường Mỹ Nghệ Thực Hành ở Thủ dầu Một và đã tốt nghiệp ngành sơn mài. Sau đó ông đi làm tại hãng xăng dầu Nhà Bè. Hàng tuần ông đạp xe đạp về thăm gia đình ở Thủ Dầu Một. Chiến tranh thế giới lần thứ hai xảy ra, hãng dầu bị Đồng Minh bỏ bom, ba tôi phải về quê chạy loạn. Sau khi hồi cư, ông mở xưởng sơn mài hiệu Cảnh An. Ba tôi sản xuất những tác phẩm sơn mài xinh đẹp và tinh xảo từ những chiếc hộp đựng nữ trang, những cuốn album, đến những bức tranh treo tường để đem bán ở Saigon. Đôi khi Ba tôi cũng có những đơn đặt hàng để làm những tấm hoành phi hay những tủ sơn mài thật lớn. Công việc làm ăn rất thuận lợi và phát triển. Ba đã có thể mua xe hơi và tự lái. Vào thời đó, có xe hơi là một điều hiếm thấy ở Thủ dầu Một. Vào những năm 1955, 1956 ... thỉnh thoảng, Ba tôi cũng được mời tham dự những cuộc triển lãm ở Saigon. Lúc đó sản phẩm sơn mài Cảnh An đã được rất nhiều quan khách trong và ngoài nước biết tiếng. Ba tôi luôn làm việc chăm chỉ, không quản ngại khó khăn, cực nhọc để có tiền nuôi các con ăn học nên người.

Sau khi chị hai tôi lập gia đình, Má tôi phải ra chợ buôn bán gian hàng tạp hóa của chị tôi để lại. Thêm vào đó, đất nước lâm vào cảnh chiến tranh triền miên, thợ thuyền phải đi lính nên thiếu nhân công. Từ đó, Ba tôi phải nghỉ làm sơn mài và phụ Má tôi buôn bán ngoài chợ. Ba tôi không nghiêm khắc  lắm, nhưng các con đều nghe theo lời của Ba dạy bảo vì lúc nào Ba cũng lo lắng cho việc học hành của các con. Tội nghiệp Ba, khi tôi đi thi Bằng Tú Tài 1 tại Saigon, Ba tôi đưa tôi xuống ở nhà bà con ngày hôm trước, dẫn tôi đi coi trường thi rồi đi xe đò về Bình Dương. Không biết ba đi hồi nào mà mới 5 giờ sáng hôm sau, Ba tôi đã có mặt ở Sài Gòn để đưa tôi đi thi.
Năm đó, Hội Đồng thi đặt tại Trường Sư Phạm Saigon. Ba tôi nói: "Ba muốn con làm cô giáo". Qua năm sau, khi có bằng Tú Tài 2, tôi đã chọn và thi đậu vào Trường Sư Phạm. Đó là tôi đã thực hiện đúng ý nguyện của Ba tôi.

Những năm trước 1975, Ba tôi còn tham gia làm Giám Thị của Trường Trung Học Bồ Đề - Bình Dương với mục đích giúp nâng cao dân trí cho con em của tỉnh nhà. Đối với nhưng học trò nghèo và học giỏi thì Ba tôi khuyến khích. Đối với các em không ngoan thì Ba tôi khuyên bảo với lời lẽ ôn tồn. Nhiều học sinh trường Bồ Đề vẫn còn nhớ tới Ba Tôi qua tên gọi “Bác Sáu Giám Thị” với lòng kính trọng khi gặp gỡ và nói chuyện với tôi về thời gian các bạn ấy học ở đây.

Không những Ba tôi thương tôi, Ba tôi còn thương cả các cháu nội ngoại, nhất là các con của tôi.
Sau năm 1975, cả nước khó khăn, Ba tôi phải làm lụng cực khổ để phụ với Má tôi nuôi nấng các con của tôi ăn học trong lúc chồng của tôi không có ở nhà bởi vì một mình tôi với đồng lương khiêm tốn không thể nuôi nấng bốn đứa con thơ dại. Ba tôi đi làm ruộng ở Mỹ Hảo. Ai có bịnh và cần đến thì ông bắt mạch, cho đơn thuốc ... Ông không ngại cực  nhọc để lo cho các cháu được no đủ.

Ba tôi rất tin trời Phật. Ông là một trong những người sáng lập ra chùa Hội Phật Học ở Chợ Cây Dừa. Trong thời gian khó khăn sau 1975, có khi chánh quyền muốn “xin” ngôi chùa nhưng ông luôn kiên quyết giữ ngôi chùa để bà con hàng xóm có chỗ tu học. Hàng ngày ông vào chùa thắp nhang, quét dọn, tu bổ ... Khi ông yếu sức thì đã bàn giao ngôi chùa cho Hội Phật Giáo. Sư cô tiếp nhận đã trùng tu và hiện nay đây là một ngôi chùa rất đẹp của tỉnh nhà. Ngoài ra, ông còn giúp thực hiện những lễ trai đàn ở Chùa Phước Long, Chùa Đức Sơn ... Ông là một hương cả trong làng nên các lễ kỳ yên, ông đều tham gia trong ban tổ chức.

Trong công việc xã hội, Ba tôi cũng rất tích cực. Khi trong xóm có những người neo đơn thì ông giúp đỡ. Khi họ qua đời (như trường hợp của
ông Tám Kiên hay Bà Chín ở sau nhà) thì ông đứng ra vận động bà con hàng xóm chôn cất họ cho ấm cúng. Khi thấy đường xá trước nhà có ổ gà, ông đổ đất lấp bằng cho bà con đi lại dễ dàng ...

Ba tôi rất hiền lành, không bao giờ cãi vả với Má tôi. Ông không chửi mắng con, cháu , mà chỉ nhỏ nhẹ khuyên răn nên ai cũng quí mến Ba tôi. Ngày tôi chuẩn bị đi Mỹ, Ba tôi thức trắng đêm để sáng hôm sau đưa các con và các cháu lên đường đi sống ở nơi khác. Hình như Ba tôi có linh cảm là khó có thể gặp lại các con và các cháu, nên Ba tôi đã đưa chúng tôi đến tận phi trường Tân Sơn Nhất .

Thời gian trôi qua, khi có chút ít tiền, tôi đã gởi về cho Ba tôi mua sắm những gì Ba thích như truyền hình màu, radio, quần áo mới ... Nhưng căn bịnh ung thư quái ác đã đến với Ba tôi. Khi tôi gọi điện thoại về thăm hỏi thì Ba nói Ba cần tiền chữa bịnh. Ngay sau đó, các cháu gởi về cho Ba liền và Ba rất vui khi biết các cháu vẫn còn thương Ba. Bịnh của Ba trở nặng. Ngày nào Ba cũng  mong các con và các cháu về thăm nhưng không ai về được vì công việc làm ăn .

Ba tôi yếu dần và đã qua đời khi không có đủ mặt các con và  các cháu. Nghe tin Ba mất, tôi khóc nức nở vì tôi không nghĩ Ba ra đi nhanh như vậy. Nước mắt các con và các cháu tuôn rơi rất nhiều trong ngày lễ phát tang tại chùa Bát Nhã. Hình như linh hồn của Ba đã về chứng giám cho các con và các cháu  nên đốt nhang có khói bay lên nghi ngút. Ba tôi đã qua thăm chúng tôi rồi đó !

Tuy Ba tôi đã qua đời, nhưng lúc nào tôi cũng nghĩ rằng Ba tôi  vẫn  còn ở quanh quẩn đâu đây để phù hộ cho các con và các cháu được gặp nhiều may mắn trong cuộc sống khó khăn nầy.

Dù Ba còn sống hay đã mất, lúc nào con cũng nhớ đến Ba, một người Ba suốt đời tận tụy làm việc để có phương tiện lo cho các con và các cháu ăn học nên người hữu dụng cho xã hội. Mãi mãi con không bao giờ quên công ơn Trời  Biển của Ba. Nhớ Ba nhiều !

Tháng 6 năm 2011