Báo Người Việt Nam Cali
viết về Họp Mặt Trịnh Hoài Đức hè 2019

Trường Trịnh Hoài Ðức họp mặt Hè 2019, kỷ niệm xứ ‘Búng’ ngọt ngào xưa
July 8, 2019

 
Cựu hội trưởng Lê Văn Diệp phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

ANAHEIM, California (NV) – “Trường Trịnh Hoài Đức không nằm nơi thành phố Bình Dương, mà nằm ở xã An Thạnh thuộc tỉnh Bình Dương, và cũng có địa danh là ‘Búng’, tập trung từ những làng An Thạnh, Hưng Định, An Sơn,…,” bà Phương Nguyễn, cư dân Chino Hills, chi hội trưởng Chi Hội Ái Hữu Cựu Giáo Sư và Học Sinh Trường Trịnh Hoài Ðức, Nam California cho nhật báo Người Việt biết điều nầy trong buổi chi hội họp mặt Hè 2019 vào trưa Thứ Bảy, 6 Tháng Bảy tại nhà hàng Golden Sea, Anaheim.
Bà cho biết thêm: “Địa danh ‘Búng’ nghe như rất lạ đối với những người ngoài Bình Dương, nhưng rất thân quen với người bản xứ nầy. Nhiều người tưởng rằng, Búng là chữ viết sai của chữ bún, nhưng theo tài liệu xa xưa thì địa danh “Búng” đã được phát xuất từ 1888 còn giữ lại, và Búng đây có nghĩa là một xoáy nước.”
Theo ông Nguyễn Văn Diệp, cựu chi hội trưởng nói rõ thêm: “Bình Dương, vùng đất hiền hòa, cây lành, trái ngọt nằm ở phía Bắc Sài Gòn, cách nơi đây khoảng 30 cây số. Trước 1975, trường trung học công lập lớn nhất Bình Dương mang tên Trịnh Hoài Đức-một danh nhân triều Nguyễn cũng là người gốc Bình Dương. Qua bao thăng trầm của thời cuộc, trường Trịnh Hoài Đức là nơi đào tạo rất nhiều nhân tài cho tỉnh nhà.”


 Hai cựu học sinh Phương Nguyễn (trái) và Trương Kim Dung. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Từ 1955 đến 1975, trường có 45 lớp, gần 2000 học sinh, hơn 100 giáo sư và nhân viên để giảng dạy từ lớp Đệ Thất đến Đệ Nhất, và đã đào tạo được 20 niên khóa.
Từ khi thành lập đến 1975, trường có chín thầy hiệu trưởng là Nguyễn Văn Trương, Trương Văn Di, Nguyễn Thanh Liêm, Đặng Trần Thường, Nguyễn Đức Lâm, Nguyễn Trí Lục, Lê Tấn Lộc, Nguyễn Văn Phúc, và Nguyễn Văn Hộ.
Cựu hiệu trưởng Nguyễn Trí Lục (1965-1970) là người tổ chức nhiều sinh hoạt học đường như cắm trại, du ngoạn, thể thao, văn nghệ, báo chí,…
Có mặt trong buổi tổ chức Hè 2019, thầy Nguyễn Trí Lục kể: “Ngày xưa, khi có mặt của người Hòa Kỳ đến Việt Nam thì có ba trường được gọi là những trường cộng đồng dân tạo, gồm Trịnh Hoài Đức (Bình Dương), trường Tân An (Long An) và trường Công Lập Vĩnh Long. Ngoài vấn đề dạy về học vấn, các trường nầy còn dạy cho học sinh những ngành nghề có tính cách phù hợp cho địa phương. Cho nên trường Trịnh Hoài Đức là một trường lớn của tỉnh Bình Dương, nhưng được xây dựng cách tỉnh lỵ nầy khoảng bảy cây số. Trường nầy, chính phủ phải đặc trách đặc biệt hơn những ngôi trường khác là vấn đề an ninh, vì quá cách xa thành phố. Thứ hai nữa là trường nầy có hai sở mà cơ sở chính là trường cho nam sinh ở ngay quốc lộ, nhưng còn cơ sở thứ hai là trường dành cho nữ sinh lại nằm sâu vào khoảng hơn một cây số.”


 Hai Giáo Sư Nguyễn Trí Lục (trái) và Đinh Đức Vượng. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
“Trường Trịnh Hoài Đức giống như những trường ở Biên Hòa, cách Sài Gòn khoảng hơn hai mươi cây số, cho nên những sinh hoạt của trường cũng giống như ở Sài Gòn. Đa số các giáo sư đến từ Sài Gòn chớ không phải là những người ở địa phương nhiều. Và, những giáo sư gốc ở Bình Dương mới ra trường phải đậu cao thì mới được về Trịnh Hoài Đức để dạy học. Học sinh thì rất chăm chỉ, có thể nói là tánh tình chất phác và họ sống thoải mái vì có nhiều đồng ruộng và vườn trái cây, cho nên sự sinh hoạt của những người dân ở đây cũng được rộng rãi,” thầy Lục cho biết thêm.
Giáo Sư Đinh Đức Vượng, cư dân Fountain Valley, cựu giáo sư dạy Anh văn Trịnh Hoài Đức 1965-1971 tâm tình: “Từ lúc người Mỹ có mặt ở Việt Nam thì môn Anh văn được các học sinh rất thích học, vì ngôn ngữ nầy được làm phương tiện trong vấn đề giao tiếp với người nước ngoài.”


 Vợ chồng cựu học sinh Lê Văn Anh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cũng theo thầy Vượng, mãi đến năm 1992 thì thầy mới được sang Mỹ. Lý do là khi cộng sản chiếm miền Nam thì thầy cũng như nhiều người khác cũng có ý là vượt biên bằng đường biển, nhưng không thành công.
“Sau nầy, tôi mới được định cư tại Hoa Kỳ theo diện người anh bảo lãnh. Tuy xa quê hương, nhưng học trò Trịnh Hoài Đức vẫn còn giữ truyền thống tình thầy trò là mỗi năm, họ đều có tổ chức những buổi họp mặt hoặc đến từng nhà để chúc Tết cô thầy, hỏi thăm sức khỏe và trao tặng quà, tuy rằng có tính cách tượng trưng thôi, nhưng đã biểu lộ tâm tình của các cựu học sinh vẫn còn nghĩ đến trường xưa thầy bạn cũ, nên tôi rất cảm kích,”thầy chia sẻ thêm.
Tuổi học trò là thời điểm vui đùa và phá phách, và cũng điểm tô vài chuyện tình cảm không ít thì nhiều.
Ông Lê Văn Anh, Khóa 5 Trịnh Hoài Đức, cựu học sinh của trường nầy 1965-1966, thú thật: “Trong thời gian còn đi học, tôi thích nhất là sau những giờ tan trường, tôi thường đi bộ xuống cổng trường nữ, ngồi ở tiệm bán bánh bèo Mỹ Liên để ngắm nhìn mấy cô nữ sinh. Hình ảnh những cô nữ sinh Trịnh Hoài Đức đi ngang cánh đồng lúa rất xinh đẹp mà tôi không bao giờ quên được, và khi đến mùa củ sắn thì tôi thích nhất là đi ăn trộm củ sắn trồng ở phía sau trường Trịnh Hoài Đức.”
 

Giáo Sư Hoàng Thị Đàn Hội, đến từ Việt Nam. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


Vợ của ông Anh đứng gần chồng cũng thố lộ: “Tôi với chồng tôi ngày xưa tuy học cùng trường, nhưng gặp nhau không bao giờ nói chuyện. Bẵng đi một thời gian thì nghe tin anh đã tùng quân tại quân trường Võ Bị Đà Lạt. Một hôm, anh được phép trở về Bình Dương để thăm người bạn cũ, và người bạn nầy cũng là anh bạn cùng xóm với tôi. Lúc đó, một đứa cháu của tôi muốn ăn cà rem, nên tôi dắt nó ra cổng làng đến mua cà rem thì, tình cờ tôi gặp anh Anh trong bộ quân phục của trường Võ Bị rất rất kiêu hùng, và vì lịch sự, tôi mới mời anh hàng xóm và anh Anh vào nhà chơi. Rồi từ đó, khi trở về quân trường thì anh bắt đầu viết thơ gởi cho tôi thố lộ rằng, lúc còn đi học thì anh đã đã ý đến tôi.”
Điều làm cho nhiều người cảm động nhất là sự diện diện của cô giáo Hoàng Thị Đàn Hội đến từ Việt Nam. Cô ngậm ngùi chia sẻ với mọi người: “Thật rất xúc động, vì hơn năm mươi năm thì tôi mới gặp lại nhưng hình ảnh thân quen của ngày nào dưới mái trường thân yêu Trịnh Hoài Đức. Có những hình ảnh trong dĩ vãng mà cho đến bây giờ tôi không quên được, vì tất cả đều là những kỷ niệm trong thời còn trẻ của đời tôi. Gặp nhau hôm nay, tôi tưởng rằng mình sẽ tâm tình được rất nhiều, nhưng vì xúc động quá nên không nói nên lời. Mong rằng, những cái chi của chúng ta trong lúc nầy thì đã hiểu được những gì tôi muốn nói.” (Lâm Hoài Thạch)