Bản tin của Báo Người Việt - Nam Cali
Ấm lòng ngày họp mặt cựu giáo sư và học sinh trường Trịnh Hoài Ðức
(July 6, 2016)


Quốc Dũng/Người Việt


 
Cựu Giáo Sư Lê Ðức Cửu đến từ Việt Nam được các cựu học sinh quây quần trò chuyện. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)


SANTA ANA, California (NV) – Gần 30 thầy cô và hàng trăm cựu học sinh trường trung học Trịnh Hoài Ðức-Bình Dương đến từ Việt Nam, Úc, Canada và các tiểu bang Hoa Kỳ đã có buổi gặp gỡ hàn huyên tâm sự tại đại hội toàn cầu lần thứ tư, tổ chức hôm Chủ Nhật, 3 Tháng Bảy, tại nhà hàng Majesty, Santa Ana.

Cựu Hội Trưởng Nguyễn Văn Diệp, hiện nay là cố vấn của hội, cho biết: “Cứ hai năm một lần, vào năm chẵn, Hội Ái Hữu Cựu Giáo Sư và Học Sinh Trường Trung Học Trịnh Hoài Ðức-Bình Dương sẽ tổ chức đại hội toàn cầu. Còn mỗi năm thì địa phương nào làm cho địa phương đó. Chủ yếu trong ngày này chúng tôi muốn tạ ơn thầy cô, để tỏ lòng biết ơn của tất cả cựu học sinh đến quý thầy cô đã giúp cho chúng tôi có được ngày hôm nay.”

“Và thật cảm động, đại hội lần này chúng tôi được hân hạnh gặp gỡ rất nhiều thầy cô đến từ Việt Nam, như thầy Lê Ðức Cửu, Ðặng Văn Danh, Trần Văn Anh, Nguyễn Trí Thành, Võ Văn Minh, cô Nguyễn Ngọc Sương, Nguyễn Thị Ðức, Nguyễn Thị Cam… cùng các thầy cô đến từ các tiểu bang của Hoa Kỳ. Ðồng thời, chúng tôi cũng đón được nhiều cựu học sinh đến từ Việt Nam, Úc, Canada, và các tiểu bang của Hoa Kỳ như Nebraska, Minnesota, Pennsylvania, Arizona, Texas…” ông nói.

Bà Nguyễn Kim Nên, hội trưởng, đến từ Texas, chia sẻ: “Hôm nay là một ngày thật vui. Vui vì được hội ngộ, được nhìn thấy quý thầy cô kính yêu, những bạn học của những ngày xưa thân ái vẫn bình an, khỏe mạnh, vẫn còn bên nhau, cho nhau những nụ cười thân thiện, như những ngày cùng chung bóng dưới mái trường Trịnh Hoài Ðức. Hôm nay chúng tôi cũng đón mời các cựu giáo sư và bạn đồng môn trường An Mỹ do không có điều kiện gặp gỡ riêng nên họp mặt cùng chúng tôi.”

“Tính đến ngày thành lập trường đến nay đã hơn 60 năm, bằng khoảng thời gian của một đời người. Giờ đây không gian đã đổi thay, con người cùng tàn phai theo tạo hóa. Thầy lẫn trò da đã nhăn, tóc đã bạc, sức khỏe suy yếu theo thời gian, nên sự mất mát biệt ly khó tránh khỏi. Hôm nay, chúng tôi gặp nhau vui vẻ tại đây, nhưng cũng rất buồn vì hai năm vừa qua phải thương tiếc tiễn đưa bốn vị giáo sư, cùng một số anh chị em cựu học sinh về cõi vĩnh hằng,” bà tâm sự.

Bà hội trưởng cho hay: “Nam California là nơi quy tụ nhiều cựu giáo sư và cựu học sinh Trịnh Hoài Ðức nhất ở hải ngoại, nên lúc nào những sinh hoạt như họp mặt Hè, lễ hội… đều tổ chức tại đây. Có một việc chúng tôi thường xuyên thực hiện, đó là tặng quà Tết thầy cô. Món quà Tết không là bao nhưng tràn đầy ý nghĩa tinh thần cho thầy cô ở quê nhà hay hải ngoại. Ðiều này thể hiện lòng tôn kính và nhớ ơn dạy dỗ của quý thầy cô, và tình đoàn kết của cựu học sinh Trịnh Hoài Ðức. Ngoài ra, anh chị em cựu học sinh khóa 1 và khóa 12 còn âm thầm tương trợ cho các em học sinh nghèo, học giỏi của trường, với phương châm Trịnh Hoài Ðức – nghĩa đồng môn/Nối vòng tay lớn như trong một nhà.”


Cựu học sinh trường Trịnh Hoài Ðức tặng quà tri ân các thầy cô. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
 
Trong không khí ấm áp của ngày họp mặt, cựu Giáo Sư Lê Ðức Cửu, đến từ Việt Nam, xúc động nói: “Thật là vinh dự và hạnh phúc cho tôi khi đến tham dự buổi họp mặt này. Niềm vui này lớn vô cùng, vì với hoàn cảnh như tôi cũng như nhiều anh chị khác, nó xúc động lắm. Bởi vì nơi đất khách quê người mà gặp nhau đông đủ như thế này thì quý vô cùng. Ðó không chỉ là cái tình, mà ở đây cái tình của các em rộng lớn lắm. Trịnh Hoài Ðức-Bình Dương vừa có tình thầy trò, vừa có tình bè bạn, lại vừa thắm thiết tình quê hương. Năm nay tôi đã 82 tuổi rồi, nhưng tôi xin hứa, nếu còn sức khỏe, tôi sẽ cố gắng sang đây để họp mặt với các em.”

Chia sẻ với phóng viên nhật báo Người Việt, cựu Giáo Sư Lê Ðức Cửu nói: “Tôi mới sang cách đây hai ngày, và sẽ ở ba tháng với gia đình người chị, cùng các cháu bên này. Trước ngày đi tôi bị tai nạn xe, may quá không đến nỗi nên vẫn được gặp thầy cô và các em, mừng lắm.”

“Sau khi tốt nghiệp văn trường Ðại Học Sư Phạm năm 1961, tôi về dạy ở trường Sư Phạm Cộng Ðồng Long An, sau đó về trường trung học Trịnh Hoài Ðức-Bình Dương, rồi về trường trung học Võ Trường Toản-Sài Gòn, một thời gian thì dạy trường trung học Phan Thanh Giản-Cần Thơ. Sau năm 1975, tôi về dạy tại trường trung học Gia Ðịnh-Sài Gòn cho tới ngày nghỉ hưu,” ông nói.

Cựu giáo sư chia sẻ: “Tôi có cái duyên là đã dạy ba trường có mối liên hệ mật thiết nhau. Ông Phan Thanh Giản là người đã đưa cụ Võ Trường Toản từ Sài Gòn về Bến Tre. Cụ Trịnh Hoài Ðức lại là học trò của cụ Võ Trường Toản. Nên lần qua Mỹ này, tôi dự định sẽ gặp mặt thầy cô và cựu học sinh cả ba trường gồm Trịnh Hoài Ðức, Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản. Tháng Mười tới cựu học sinh Phan Thanh Giản tổ chức họp mặt tại Washington, DC, nên tôi sẽ lên đó rồi về Việt Nam.”

“Sang đây, được gặp các em, trong đó em Nguyễn Kim Nên là học trò ruột của tôi ngày trước, tôi rất cảm kích và xúc động, bởi vì các em dù xa quê hương nhưng vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là truyền thống ‘Tôn Sư Trọng Ðạo, Uống Nước Nhớ Nguồn.’ Ở quê nhà, truyền thống này ngày nay có phần nào thay đổi đi, nhưng các em ở hải ngoại vẫn giữ được truyền thống tinh hoa của dân tộc như vậy thì quý lắm,” ông tâm sự.

Cựu Giáo Sư Ðặng Văn Danh, cũng đến từ Việt Nam, cho biết: “Tôi cũng không ngờ có dịp ở đây, vào lúc này để dự đại hội. Trước nay tôi chỉ được biết các lần đại hội qua hình ảnh. Nay trong không khí, tình cảm thắm thiết này, trong thời khắc này, tôi không biết nói gì hơn là cảm ơn ban tổ chức, và chúc sức khỏe quý thầy cô, cùng các anh chị em là cựu học sinh trường Trịnh Hoài Ðức. Và mong rằng những kỳ tới, chúng ta mở rộng vòng tay đón nhận những trường không có điều kiện tổ chức họp mặt riêng, như kỳ này có trường An Mỹ, để thắt chặt tình cảm những trường đã đóng trên tỉnh Bình Dương thân thương.”

Sau cùng, đại diện cựu học sinh ở các tiểu bang tặng quà tri ân thầy cô.

Ông Nguyễn Văn Diệp phát biểu: “Hôm nay, chúng em có một chút quà để gửi đến quý thầy cô, gọi là lòng của chúng em đền đáp một phần nào công ơn thầy cô đã tạo nên những kiến thức, tạo nên những hiểu biết, những kinh nghiệm sống, và tạo nên con người, sự nghiệp của chúng em ngày hôm nay.”

“Nói tới thầy cô, tục ngữ của Việt Nam có câu ‘Không Thầy Ðố Mày Làm Nên’ và trong mỗi dịp Tết đến, công ơn của thầy cô cũng được nêu cao với ‘Mùng Một Tết Cha, Mùng Ba Tết Thầy.’ Nói chung, những gì nói đến công ơn thầy cô đều có trong ca dao, tục ngữ Việt Nam, nhưng chúng em không thể nhớ hết từng câu, từng bài. Tuy nhiên, ơn thầy cô thì không bao giờ chúng em quên được,” ông nói.