Bạn Thân Ở
Trịnh-Hoài-Đức
Nguyễn Công Tế
Vào khoảng năm
1960 tôi học hết lớp Đệ Thất ở trường Phan-Bội-Châu, Phan-Thiết thì
gia-đình tôi dời về dinh điền Văn-Hạnh Thị-Tính gần Dầu-Tiếng thuộc
quận Bến-Cát , Bình-Dương .
Vì trường
Phan-Bội-Châu , Phan-Thiết là một trường công lập nên khi chuyển về
trường công lập Trịnh-hoài-Đức không gặp khó-khăn gì . Có một điều là
vào những năm nầy người dân xứ Búng ít tiếp-xúc với dân “Bắc Kỳ 54” nên
khi nhập học chúng tôi (tôi và Quyến , con ông chú tôi ) nói rặc tiếng
Bắc nên quả là một điểm nóng để các bạn học chú ý .
Nguyễn-văn-Thành
là người đầu tiên để ý đến tôi , hắn nhìn tôi cười cười :
-
Ê ! Bác Nhăm . Bác ở đâu tới vậy ?
Tôi biết
hắn chọc vì tên tôi là Tế chứ đâu phải Nhăm . Tôi biết ngay ý nó muốn
gọi đại tôi là thứ Năm mà nhái theo giọng Bắc là Nhăm . Tôi vừa mắc cỡ
vừa tức quay mặt đi không trả lời thì nó càng cười to và gọi tiếp . May
quá đã đến giờ vô học nên thoát nạn . Vào nhiều lúc khác nó luôn kêu
bác Nhăm và bảo có bè rau “muống” rồi cười . Cuối cùng tiếng “bác Nhăm”
và rau “muống” tôi nghe nhiều lần nên không tức nữa và khi nghe
kêu “bác Nhăm” là tôi “ơi” tỉnh bơ cứ như tên mình vậy .
Trong đó
có thằng Đoàn-văn-Săng người ốm , cao cao , cặp mắt màu hơi nâu , rất
hiền , tới vổ vai tôi cười nói , hỏi thăm tôi rất thân-thiện . Tự-nhiên
tôi có cảm-giác yên bình bên hắn . Rồi những cuộc tiếp-xúc trong lớp
nhiều ngày tôi với hằn trở nên thân thiết hơn . Tôi biết hắn từ Đồng-Sổ
xuống trọ ở Bình-Dương rồi xuống Trịnh-hoài-Đức học . Hắn cũng có thằng
em trai tên Đoàn-công-Cón học ở Bồ-Đề , Bình-Dương .
Đang học dở dang
thì Cón bỏ học . Tôi hỏi Săng thì nó nói em nó bận việc nhà nên không
tiếp-tục học được . Rồi đến một hôm Săng nói thật cho tôi nghe là em
hắn đã đi “vào rừng” làm truyền tin và bị pháo chết rồi . Tin Cón vào
bưng và chết đến thật đột-ngột làm người tôi tê cứng . Cón tuy nhỏ hơn
tôi vài tuổi nhưng thật dễ thương và hiền lành ,chăm-chỉ . Chúng
tôi ở chung với nhau cả năm khi tôi lên Bình-Dương chung nhà với Săng
và Cón . Tôi nhớ đến những bữa cơm đạm bạc ba anh em ngồi ăn , có khi
chỉ có món “chả” kho . Món nầy là món thường xuyên của chúng tôi là vì
ở trước nhà có gia-đình làm chả lụa , lại có một cô gái dễ thương cũng
đang học trung học . Vậy là chúng tôi trở thành khách hàng trung-thành
của họ và rất thích mua chả . Chẳng biết chúng tôi thèm chả hay ghiền
nhìn cô nàng .
Tôi nhớ
lại những bữa vừa ăn vừa pha trò chọc ghẹo nhau mà cười ngất . Tôi nhớ
những ánh mắt long-lanh không biết vì mắc-cỡ hay cảm-động mỗi khi tôi
bảo không chừng con nhỏ “chả” mê mầy đó Cón . Tin Cón chết làm tôi buồn
nhiếu ngày . Năm ấy là năm Đệ Tam . Khi sắp hết năm học Săng rủ tôi về
nhà hắn nghỉ hè vài tháng . Tôi bảo Săng tao cũng phải về phụ gia-đình
làm rẫy chứ , làm sao tới chỗ mầy vài tháng được . Thôi thì tao tới chỗ
mầy được ngày nào hay ngày nấy .
Ngày bãi
trường tới chúng tôi khăn gói lên đường . Đồ đạc chưa đầy cái xách tay
và cái cặp sách . Nhà Săng là một căn nhà khá cao , rộng , mát-mẻ .
Trong nhà , ngoài sân tráng xi măng sạch-sẽ . So với chung quanh căn
nhà nầy nổi bật . Săng còn ba đứa em , hai trai , một gái ở nhà với bà
mẹ . Má Săng hiền lành đến nỗi người nhìn từ xa cũng thấy vẻ hiền lành
. Tôi thương bà ngay lúc được gặp mặt lần đầu . Bà rất ít nói . Khi
chúng tôi vừa về tới nhà bà kêu con gái: “ Lũng , mầy đi
dọn cơm cho tụi nó ăn “ .
Tôi có
cảm-giác đây là nhà tôi và kia là Má tôi . Một sự bình-yên tràn ngập
tim tôi . Săng bảo tôi “ Cất đồ vào đây , đi tắm rồi ra ăn cơm mầy. “ Ở
đây là vậy đó , cơm là chánh thôi .
Khi đi tắm
xong vào nhà , thấy mấy cuốn sách dầy xếp gọn ở một chỗ gần cửa , tôi
hỏi Săng: “ Mầy đọc mấy thứ nầy sao ?“. Săng bảo: “ Không . Đó là của
một cô giáo dạy ở tiểu học ấp , trọ ở nhà tao . Nay cô về nghỉ hè rồi”.
Sau nầy tôi được biết cô từ Long-An tới dạy ở đây và cũng hiểu mang
máng rằng hai người , Săng và cô , có tình ý với nhau .
Tuần đầu
Săng dẫn tôi đi vòng vòng chơi ở những nhà quen trong xóm . Tôi được
biết vùng nầy được rào thành một ấp chiến lược . Ở phía đường dầu mặt
ấp thì lính Nghĩa Quân gác nhưng ở phía sau mặt rừng thì vắng , nhất là
ban đêm thì lính không đếm xỉa gì tới . Có nhiều chỗ hàng rào lật nhào
xuống đất .
Hôm ấy , ăn sáng
xong , chúng tôi đang đứng hái mãng-cầu ở sau nhà thì Săng nói với tôi :
-Tao chắc phải xa
mầy , xa trường thôi .
Tôi chưa hiểu rõ
ý Săng nên hỏi lại :
-Mầy nói gì tao
nghe chưa hiểu ?-
-Ba tao muốn tao
vào rừng theo ông . Tao thì không muốn . Tao muốn làm thầy giáo dạy học
.
Hắn nói tới đây
thì ngưng lại vì có tiếng người cười nói từ ngoài vọng vào .
-A , chị Tư .
Săng reo lên .
Một thiếu nữ xinh
xắn , da trắng , khuôn mặt dễ thương , giọng như chim hót líu-lo trả
lời :
-Ừ . Chị mới từ
Đất-Đỏ qua . Nghe em nghỉ hè chị qua thăm mà .
Mặt coi búng ra
sữa mà xưng chị với thằng bạn tôi ngon ơ . Tôi tự nghĩ rồi mĩm cười .
Khi thấy tôi nhìn , chị có vẻ bẻn-lẻn rồi bước vào nhà nói chuyện với
Má . Săng quay qua tôi nói :
-
Chị bà con của tao đó . Mầy thấy được hôn tao làm mai cho .
-
Bậy , tao còn đi học , nhà nghèo bỏ mẹ , ai thèm .
-
Chỉ cần mầy là học sinh là bả ưng rồi . Săng lại lên tiếng.
Chúng tôi cùng
bước vào nhà . Săng nhanh nhẹn cầm mấy trái mãng-cầu vừa hái đem đến
chỗ Má và cô Tư đang ngồi nói :
-
Đây , Tế nó lựa mấy trái ngon nhất để cô Tư ăn thử coi có ngọt không .
Đừng có chê nó buồn đó .
Hai má cô Tư bỗng
ửng hồng , cô chỉ mĩm cười mà không nói . Má quay qua Săng mắng yêu :
-
Cái miệng mầy lúc nào cũng tía –lia .
-
Thôi , nhiều rồi . Đem vào mời khách đi. Rồi bà nhìn Tư nói :
-
Ăn đi , ăn thử đi cháu. Mãng cầu nầy ngọt lắm .
Chúng tôi có một
buổi chiều đoàn-tụ thật vui-vẻ tuy rằng nhà thiếu hai người , ba của
Săng và em trai Đoàn-công-Cón . Nhưng bù lại có tôi và cô Tư .
Chiều qua thật
nhanh . Cả nhà cơm nước xong thì em gái Săng tới nói nhỏ với Săng ít
điều . Cô vừa đi khỏi thì Săng nói với tôi :
-
Mầy có thích coi văn nghệ trong bưng không?. Tối nay tao dẫn mầy đi
nghe ?
•
Mầy dẫn đi đâu tao cũng theo hết .
Vừa sẩm tối, tôi
, Săng và cô Tư lẻn ra cửa sau ấp chiến lược để vào rừng . Đi được một
đổi thì gặp một số người trong xóm cũng vào cùng hướng. Càng lúc số
người càng đông hơn khi đi sâu vào rừng . Đi khoảng gần một tiếng đồng
hồ chúng tôi đến một khu rừng rậm . Ở đây có một cái rạp đã được dựng
sẳn . Trên sân khấu có treo đèn măng-sông sáng trưng . Đây là lần đầu
tiên tôi được đi coi một đám “hát rừng” như vậy nên vừa lo sợ , vừa hồi
hộp và khoái trá , nhất là có người đẹp cùng đi . Tôi hỏi cô Tư :
-
Cô Tư có đi coi hát thế nầy bao giờ chưa ?
-
Đi hoài chớ gì .
-
Đã quá hả ?
-
Ừ . Vui lắm .
Tôi chỉ dám hỏi
có bao nhiêu đó rồi im ru . Chúng tôi lăng-xăng tìm chỗ đứng ngồi
. Sau khi ổn-định Săng ghé vào tai tôi nói nhỏ :
-
Mầy ở đây coi với chị Tư . Tao nằm ở kia . Gần xong tao lên rồi cùng về
.
-
Sao mầy không coi ? Tôi hỏi Săng .
-
Tao đã bảo mầy tao không thích nhạc nầy mà .
-
Được rồi . Tao sẽ tới kêu mầy . Mầy nằm ở cái võng chỗ gốc cây kia phải
không ?
-
Ừa .
Khoảng giữa
chương trình ca nhạc , Ba của Săng đến tìm. Ông có vẻ tức giận đến hỏi
chúng tôi :
-
Thằng Săng đâu ?
-
Nó nằm ở cái võng chỗ gốc cây kia . Tôi vừa nói vừa chỉ chỗ Săng nằm .
Tôi lắng tai nghe
nhưng chỉ nghe được câu “ Con một cán bộ cao cấp mà hổng biết giác ngộ “
Vãn tuồng chúng
tôi kéo nhau ra về . Một điều làm tôi ngạc-nhiên là ba của Săng cũng
theo về nhà . Tôi tự nghĩ: “ Bộ ổng dám về ngủ trong ấp chiến lược sao
?”. Về tới nhà, ổng mở cửa vào trước , chúng tôi bước theo . Trong nhà
mấy đứa em nhỏ đã ngủ , chỉ còn bà Má ngồi với ngọn đèn dầu vàng vọt ,
buồn hiu .
-
Con dao xắt chuối đâu rồi?.
Ba Săng vừa nói
vừa lấy con dao xắt chuối đem lên nhà , để ở bộ ván . Chúng tôi chưa
hiểu ất giáp gì thì ổng nói tiếp :
-
Bây giờ thì chỉ có một người sống thôi giữa tao với thằng Săng . Nếu nó
không nghe tao mà đi cách mạng thì nó chém tao chết . Nếu không tao
phải chém nó .
Cả nhà òa lên
khóc nhưng không dám khóc lớn sợ lính nó tới . Mọi người xúm lại quanh
ông van xin . Tôi thúc vào vai thằng Săng :
-
Hứa đi . Cái gì cũng hứa hết .
-
Cho con học hết năm nay để đi thi đã , rồi con nghe Ba .
Ông già không nói
câu nào , mở cửa bước khỏi nhà . Mọi người đi ngủ . Giấc ngủ đến với
tôi thật chậm dù đã quá khuya . Tôi nhìn sâu vào đêm đen như nhìn vào
cuộc đời . Không biết Săng đang nghĩ gì . Tôi không dám hỏi .
Năm học Đệ Nhị
rồi cũng phải tàn . Gần thi tôi được tin Má tôi mất , tôi rớt Tú-Tài I
năm đó . Đúng là hai cái xui cùng một lúc . Săng cũng chẳng hơn gì tôi
. Nó thường bảo dù Ba Má nó có nói gì đi nữa nhưng nếu nó đậu Tú-Tài I
và đậu vào Sư-Phạm đi dạy học thì Ba Má nó để yên . Nên niềm mơ ước lớn
của nó là cái chứng-chỉ Tú-Tài I . Tôi mong cho nó đậu còn hơn mong cho
tôi nữa . Nhưng mà trời không chìu người . Trong năm học tôi cũng có
đến thăm nhà nó vài lần thấy nó và “cô giáo” trọ nhà có vẻ tâm đầu ý
hợp . Nó kể cho tôi nghe về chị Tư của nó :
-
Hôm đó bả đang cấy ở dưới ruộng thì máy bay trực thăng thả lưới xuống
chụp . May mà bả vụt kịp cây súng ngắn xuống ruộng và đạp lút xuống
sình . Họ không thấy có súng nên thả bả về . Hú hồn . Tôi nghe câu
chuyện mà nổi da gà . Khi hai đứa cùng thi rớt , tôi lại tới nhà nó
nghĩ là gặp nhau lần chót . Tôi bảo là tôi sẽ ở nhà học rồi thi lại và
hỏi nó tính sao . Nó nói :
-
Tao thì vô phương rồi . Chỉ có con đường là vào rừng theo ông già . Ổng
nếu không ổng sẽ giết tao hoặc ổng tự tử . Tao biết ổng dám làm . Thôi
thì bây giờ tao phải đi . Tao nhờ mầy một chuyện là mua cho tao vài
cuốn thơ của Hàn-Mặc-Tử hay Xuân-Diệu gì đó , một cái võng và một cái
bi-đong đựng nước uống . Để khi buồn tao còn có vài bài thơ “không có
máu” để đọc .
Tôi về Sàigòn mua
được hai cuốn thơ , một cuốn của Xuân-Diệu và một cuốn của Hàn-Mặc-Tử
cùng cái võng và bình đựng nước cho Săng . Lần đưa đồ nầy là lần
cuối cùng chúng tôi gặp nhau . Năm sau tôi thi Tú-Tài I đậu sau một năm
đèn sách ở nhà trọ . Sau đó tôi ghi tên học tiếp Đệ Nhất Trịnh-hoài-Đức
và cũng đậu Tú-Tài II . Năm 1968 chiến-tranh bùng nổ , tôi bị động viên
khóa 6/68 Sĩ-Quan Trừ Bị . Vào mùa hè đỏ lửa 1972 tôi bị thương gảy
chân vào nằm Tổng Y-Viện Cộng-Hòa . Trong dịp nầy có lần tôi đã chống
nạng gỗ về Đồng-Sổ hỏi thăm tin Săng . Căn nhà Săng vẫn như xưa nhưng
giờ trống vắng đến lạnh người . Thấy tôi bước vào nhà với đôi
nạng gỗ , Má ra ôm choàng lấy tôi và khóc . Bà vừa khóc vừa nói :
-
Mầy đây mà thằng Săng đâu ? Tao nghe nói nó cũng chống nạng như mầy
nhưng không biết nó chỉ gảy như mầy hay phải cưa chân . Trời ơi tao
chán chiến-tranh quá rồi ! Tao chỉ muốn ngưng thôi , chỉ vài tháng để
tao còn thấy mặt chồng con tao , thằng Săng…thằng Săng…
Tiếng nói lẫn với
tiếng nấc làm tôi đau lòng . Tôi hỏi :
-
Thế ổng lúc nầy ở đâu ?
-
Tao không gặp ổng từ mấy năm nay rồi . Nhưng tao chắc ổng vẫn còn quanh
quẩn gần đây . Vì bao giờ cũng vậy , khi ổng ở gần thì tụi lính nó khám
xét tao kỹ lắm .
Má khóc một hồi
rồi ra ngoài bắt con gà làm thịt đãi tôi . Tôi ngăn mấy cũng không được
. Bà nói :
-
Con gà nầy tao nhốt hồi hôm . Không ngờ hôm nay mầy về tao làm cho mầy
ăn . Mầy cũng như thằng Săng . Chúng mầy ăn là tao vui .
Tôi ngồi ăn miếng
thịt gà mà tự nghĩ: “ Má có biết tôi đang cầm súng chống lại con
bả ? Súng đạn tôi chuyên chở biết đâu có quả bắn trúng chân con bà ? ”.
Bà có thể không nghĩ điều đó nhưng bà biết chắn-chắn tôi đi Sĩ-Quan
Cộng-Hòa chống lại chồng con bà .
Sau sáu năm tù
khi hết chiến-tranh tôi vượt biên qua Úc . Mười ba năm sau tôi về lại
Việt-Nam hỏi thăm thì nhiều ngưới nói Săng đã chết . Nhà cũ của Săng ở
Đồng-Sổ đã dọn đi . Tôi vẫn tìm cách hỏi thăm cho rõ ràng xem Săng đã
chết cách nào , nó còn mồ mã không . Tôi ước được đứng trước mộ nó để
thắp nén nhang cho nó ấm lòng .
Melburne , Australia .