BÀ NĂM CHI
Thanh Chí



Từ hướng chợ Bình Dương, ngay chỗ Chợ Cá (cũ), theo đường Nguyễn Tri Phương đi thẳng xuống chừng trăm thước sẽ gặp một chiếc cầu đúc bắt qua đoạn đầu của con rạch chảy ra sông Cái, đó là cầu Bà Năm Chi theo tên gọi dân gian. Không biết có ai còn nhớ tên chánh thức của cây cầu nầy hay không, mà từ bao lâu nay, mãi cho đến bây giờ dù má Năm không còn nữa người ta vẫn cứ gọi đó là cầu Bà Năm Chi.

Người Bình Dương xưa ít ai không biết hay không nghe tiếng Bà Năm Chi.

Thuở sanh thời, Bà Năm Chi tánh tình vui vẻ, dáng người cao ráo trắng trẻo, tóc bới tròn phía sau theo kiểu xưa, khuôn mặt tròn trịa với nụ cười rất cởi mở luôn tươi nở trên môi, bà giao tiếp một cách hết sức bình dân, xởi lởi nên dễ tiếp xúc và dễ gây cảm tình, khi bà nói chuyện với “đám nhỏ” thường hay xưng là má cho nên dù không có bà con mà tôi vẫn gọi bà một cách thân mật là “má Năm” cho thân tình. Mà tôi gọi như vậy cũng đúng, vì hồi gần 60 năm trước chính má Năm là người đã đỡ tôi ra đời ngay tại nhà bảo sanh Trần Công nằm cạnh cây cầu đúc mang tên của má.

Thiệt ra “má” Năm quê ở Mỹ Tho, má sanh năm 1924, có học qua khóa Nữ hộ sinh Đông Dương, sau nầy mới theo chồng là ông Lê Văn Chi về Bình Dương.

Ông Lê Văn Chi, hay còn gọi là ông Năm Chi, người cao ráo, dáng dấp rất sport, đẹp lão, hay lái chiếc Peugeot 404 màu đỏ bordeau tươi tắn, hồi xưa ông cùng với người vợ trước là một Nữ hộ sinh trưởng tại Bịnh viện tỉnh Bình Dương có mở một nhà bảo sanh tư, nghe nói là có hùn với ông bà Bác sĩ Trần Công Vị cho nên sau nầy lấy tên là nhà bảo sanh Trần Công. Vào những năm xa xưa đó thì ngôi nhà bảo sanh nầy thuộc vào loại lớn nhứt trong các nhà bảo sanh tư của của người Việt Nam trong toàn miền Đông Nam Phần.

Nhờ rất "mát tay" cộng với đầu óc thông minh lanh lợi nên với mớ kiến thức căn bản về hộ sanh, má Năm được ông bà Năm Chi an tâm giao hết quyền cai quản nhà bảo sanh đó, và sau nầy trở thành nội tướng của ông Năm Chi. Dưới sự coi sóc của má Năm nhà bảo sanh Trần Công hay còn gọi là nhà bảo sanh bà Năm Chi ngày càng phát triển hết sức tốt đẹp, nhưng khi đến ngày vật đổi sao dời thì nhà bảo sanh tư của Má Năm trở thành của nhà nước quản lý, gia đình má Năm trở thành người làm công trong nhà bảo sanh cũ của mình! Điều đó đã khiến hai người con của má Năm lần lượt bỏ nước ra đi.

Dù đã đỡ đẻ cho hàng ngàn người nhưng riêng bản thân má Năm thì chỉ sanh được có hai người con là chị Tuyết và anh Chánh. Hai anh chị nầy được ông Năm Chi cho hưởng nền giáo dục theo kiểu Tây từ hồi nhỏ nên rất hoạt bát vui tánh, chị Tuyết cở bằng tuổi và là bạn của chị Hai tôi, đến năm 1966 khi chị Hai tôi không còn ở Việt Nam nữa thì chị Tuyết vẫn hay lên nhà chơi với người chị bà con cô cậu của tôi là chị Ba Tuyết Mai suốt cho đến năm 1975, cho nên hồi đó tôi gặp chị rất thường, nhớ chị Tuyết có khuôn mặt mặt đẹp, tướng tá cao ráo, trắng trẻo, lại biết nói tiếng Tây nên rất có dáng "đầm". Chị kết hôn với bác sĩ Trần Ngọc Rạng, người gốc Gò Công, là thiếu tá y sĩ trưởng của trường Sĩ quan Công Binh tỉnh Bình Dương, nên sau 1975 phải bị đi học tập cải tạo một thời gian dài. Anh có mở phòng mạch tư ngay tại nhà bảo sanh của bà Năm Chi nên rất thuận lợi cho các bịnh nhân. Anh Rạng thấp người với khuôn mặt tròn và nụ cười rất hiền, mà anh hiền lành thiệt, hiện nay anh chị đang sống vui vẻ tại San Diego, California.

Thuở đó vì hay lên nhà tôi chơi thường xuyên nên chị Tuyết có làm mai người em gái của anh Rạng cho người anh bà con cô cậu của tôi, là anh Tấn, hồi năm 1973 mới vừa được giải ngũ vì lý do lên độ cận thị! Đáng lẽ ra ảnh đã được miễn dịch vì lý do gia cảnh với trường hợp mẹ góa con côi, là con trai độc nhứt còn lại trong gia đình, thêm nữa là ảnh có người anh ruột đã hy sinh trong chiến trận, thế nhưng vì ý thức được trách nhiệm của người trai trong thời loạn nên đã tình nguyện gia nhập quân đội, tiếc là anh không được phục vụ lâu dài. Trong một lần "đụng độ" ở miệt Củ Chi anh bị sức ép của đạn cối nổ gần thổi bay bể cặp mắt kiếng, xây xẫm mặt mày... khiến mấy người lính phải cỏng ảnh chạy trở ra hậu tuyến, sau lần đó thì quân đội móc cho ảnh cặp lon trung úy rồi cho về nhà luôn.

Nhớ lại buổi sáng cuối tuần hôm ấy chị Tuyết lên nhà chơi, thấy anh Tấn mới vừa giải ngũ, mặt mày còn phờ phạt, chị hỏi thăm... rồi vui miệng hỏi em có muốn cưới vợ chưa thì chị giới thiệu cho, anh Rạng còn mấy đứa em gái đẹp lắm... Vậy là sáng hôm đó xúm nhau đi Gò Công "coi mắt" liền. Chị Ba Tuyết Mai biểu tôi lái chiếc La Dalat chở mấy chị em đi, tôi nói em chưa có bằng lái mà, đi lòng vòng trên đây hoặc xuống Sài Gòn thì hổng sao chứ đi xa các "thầy chú" không quen mặt thì ngại lắm. Chị Tuyết có bằng lái nhưng không quen đường xa nên cũng do dự, rốt cuộc chị Tuyết phone về nhà nhờ ba của chỉ là ông Năm Chi cầm lái dùm, thế là tôi đánh xe chở hết mấy chị em xuống rước ông Năm Chi rồi đi luôn, nhờ dịp đó mà coi như tôi cũng "có phần" đi "coi mắt"! Hiện giờ gia đình anh Tấn đang sống bên Đức.

Vào cuối thập niên 80 má Năm được người con trai là anh Chánh bảo lảnh đi chính thức sang Canada, gia đình ở tại Edmonton, cách Montreal chổ tôi ở chừng gần bốn ngàn cây số. Năm đó có chị Tuyết bên Mỹ qua thăm má, rồi cùng lên Montreal chơi, vừa gặp lại tôi là mà Năm nhớ liền, má nói: "Cái thằng lỳ lọm nầy, khỏe hông con? Hồi đó má Năm lôi đầu mầy ra đó; Mà thằng nầy nó lỳ lắm nghen, mới đẻ mà mặt mày nó chầm dầm, hổng có khóc tiếng nào, má Năm làm kiểu gì nó cũng nín khe..." Nghe má Năm nói vậy làm ai cũng nhìn tôi cười quá xá trời.

Năm sau má Năm lại lên Montreal chơi nữa, lần nầy má ở chơi tới suốt mấy tháng hè mới về lại Edmonton với anh Chánh. Vài năm sau, có lẽ không thích hợp với cái lạnh khủng khiếp của mùa đông Canada nên tôi nghe tin má Năm về lại Bình Dương, xin phép cất một căn nhà nhỏ gần nhà bảo sanh cũ của mình để dưỡng già, nhưng rồi mọi chuyện cũng không được suôn sẻ vừa ý nên thời gian ngắn sau má Năm đành phải ngậm ngùi rời bỏ Bình Dương lần nữa. Lần nầy má đi luôn. Những ngày cuối đời của má Năm nơi xứ lạnh, bà xã tôi có phone vô nhà thương nơi má Năm đang nằm để thăm hỏi, má Năm vẫn còn nói năng rổn rảng, nhưng có lẽ không còn nhớ là mình đang nói chuyện với ai nữa!

Má Năm rời xa Bình Dương đã lâu và giờ đây người đã không còn hiện diện trên cuộc đời nầy nữa, nhưng đối với những người dân Bình Dương xưa thì chiếc cầu đúc trên đường Nguyễn Tri Phương, kế bên nhà bảo sanh Trần Công (cũ) vẫn được gọi một cách thân thương là cầu Bà Năm Chi, chứ không ai gọi đúng tên của chính phủ đặt cho nó, và cũng không ai thèm quan tâm tìm tòi coi tên đúng của nó là gì. Ngẫm lại trên đời nầy có những người bình thường, ăn ở hiền lành, sau khi qua đời tên tuổi vẫn còn lưu lại, không cần phải có văn bản chính thức của nhà nước nào, không có ai bị bắt buộc noi gương học tập mà người ta vẫn nhớ...

03-2016