Bà Kẹo
Nguyễn Phùng Quốc Thạnh

Dân Thủ Dầu Một những năm sau 75 chắc đều không lạ với hình ảnh một bà lão người Hoa cặp cái thúng ngang hông, bên trên đậy cái nón lá rách đi bán bánh kẹo trên đường phố xứ Thủ. Không biết bà tên gì, nhưng dân xóm tui - xóm trường Nam Châu Thành vẫn quen kêu bả là Bà Kẹo.
Bà Kẹo không có nhà, người dân xóm chùa Bà thương tình dựng cho bả cái chòi nhỏ xíu nằm kế bên gốc me, bên hông chùa Bà. Lúc đó là vào những năm 79-80, Bà Kẹo tầm bảy mươi tuổi, hàng ngày cắp thúng đi bán bánh dạo, tối về cái chòi kế gốc me mà ngủ.
Nói là bán bánh chớ chắc một ngày bán chỉ được vài cái, bả sống chủ yếu nhờ vô lòng hảo tâm của chòm xóm và bà con người Hoa ở chợ Thủ. Vài bữa một lần, bả ghé nhà tui hỏi còn cơm không, cho bả ăn với. Đó là những năm đói kém, nhưng má tui lần nào cũng bới cho bả một tô lớn, tuy lớn tuổi nhưng bả ăn rất mạnh, chỉ một chút xíu là sạch tô cơm. Bả nói bả tuổi con pò (có lẽ 1913?), lúc đó ai cũng cười vì bả lẫn lộn tiếng Việt giữa bò với trâu, sau nầy mới biết bả nói đúng. Sửu -ngưu đúng là con bò, con trâu thì phải kêu là thủy ngưu mới đúng. Như trong Tây Du Ký có nhân vật Ngưu Ma Vương là con bò chớ không phải con trâu như mọi người vẫn tưởng.
Nghe nói Bà Kẹo có bà con ở dưới chợ lớn, nhưng vì bả thích lang thang nên ở với bà con bị tù túng, bả chịu không nỗi. Lâu lâu mấy đứa cháu lên Thủ Dầu Một đem bả xuống Chợ Lớn, nhưng chỉ một vài tháng là bả bỏ về Thủ. Mấy tháng ở Chợ Lớn, bả mập mạp, trắng trẻo ra, ai cũng mừng cho bả, nhưng bả nói ở Chợ Lớn tuy cuộc sống no đủ, nhưng toàn ở trong nhà nên thấy tù túng, bả thèm sống cuộc sống lang thang ngoài đường. Má tui nói chắc bả kiếp trước sao đó nên kiếp nầy bị trời trả báo, phải sống cuộc sống cực khổ.
Hồi đó tối tui thường vô chùa Bà chơi, tui thấy Bà Kẹo cứ tầm hơn bảy giờ là bước qua chùa gom một bó lớn nhang đang cháy đem về cái chòi của bả, chắc là để hun muỗi. Bả ở cái chòi đó, sáng đi tối về, không phiền tới ai, vậy mà cũng không yên thân.
Một bữa nọ, khi bả rời chòi đi bán bánh thì ông Cẩu giữ chùa đốt cháy rụi cái chòi kế gốc me của bả. Tới chiều tối về, bả khóc hu hu khi thấy cái mái lá của mình đã hoá tro than. Từ đó bả chánh thức bước vô kiếp sống lang thang rày đây mai đó...
Sau khi bị đốt chòi, Bà Kẹo dời đô qua ngay cổng trước nhà thờ Phú Cường. Mấy lần tui ghé hỏi chuyện, bả than ở trước nhà thờ buổi tối ưa bị mấy thằng nhỏ du đãng giựt tiền, đó là tiền được người ta cho, bả dành dụm bấy lâu nay giờ bị mấy thằng cô hồn giựt hết. Đã vậy bả còn bị đám con nít chọc ghẹo. Mỗi khi bị chọc ghẹo tui thấy bả hay chửi "pằng pằng chi co lo", tui không hiểu câu chửi đó tiếng Triều Châu có nghĩa gì, nhưng có lẽ đó là câu chửi độc. Mấy đứa con nít cũng bắt chước bả chửi "pằng phằng" thì bả chửi bằng tiếng Việt: "pằng pằng là thằng cha mầy nó pằng pằng, pằng pằng là cái con lỉ mẹ mầy nó pằng pằng..."
Ngày tháng trôi đi, Bà Kẹo càng ngày càng yếu vì tuổi tác,  nhưng bả vẫn cắp cái thúng đi lang trên đường phố đất Thủ, trong cái thúng là vài cái bánh đã mốc meo vì lâu ngày không ai mua, miệng thều thào "pánh pánh, kẹo kẹo", dáng Bà Kẹo phất phơ trong gió như một bóng ma, Bà Kẹo sống những ngày cuối đời như để trả nợ những hơi thở cuối cùng cho một kiếp nhân sinh. Bẵng một thời gian, tui không thấy bả đâu nữa, nghe nói con cháu bả rước bả về Chợ Lớn sống những ngày còn lại, có lẽ bả quá yếu để quay về xứ Thủ để sinh tử trọn kiếp giang hồ!
Chiều nay, trong cơn mưa Tháng Bảy, hình ảnh một bà cụ bán vé số thất thiểu ngang nhà làm tui nhớ tới Bà Kẹo, nhớ về một thời xa lắc, một thời cuộc sống tuy đói khổ nhưng luôn đầy ắp tình người của người dân Nam Bộ, dẫu là lá rách, nhưng họ vẫn sẵn sàng đùm bọc lá nát, sẵn sàng san sẻ cho nhau chén cơm cuối cùng, dẫu biết rằng khạp gạo nhà mình giờ cũng cạn sạch...
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
(Tân Qui, những ngày dịch vật)